Nhân ngày giỗ của Trần Quốc Tuấn

Thái Hạo

26-9-2021

Trần Quốc Tuấn là con trai của Trần Liễu. Trần Liễu lại là người có mối thù không đội trời chung với em trai là vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Nguyên nhân khó tin dẫn tới mối thù ấy chính là việc Trần Thái Tông đã “cướp vợ” của ông là công chúa Thuận Thiên.

Trần Cảnh lên ngôi đã 12 năm nhưng vẫn không có con nối dõi, trước tình thế ấy, Trần Thủ Độ đã ép ông lấy chị dâu, lúc này đang mang thai 3 tháng, để giữ tôn thất nhà Trần. Trần Liễu mất vợ, oán hận ngút trời, âm thầm tập hợp binh mã đánh vào kinh thành hòng rửa hận, nhưng thất bại, suýt nữa thì mất mạng.

Trần Thái Tông không nỡ giết anh trai, cốt nhục tình thâm nối lại; tuy nhiên trong lòng Trần Liễu vẫn không sao nguôi được mối hận bị cướp vợ năm xưa. Trước khi chết ông trăng trối lại cho Trần Quốc Tuấn rằng “Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”.

Quốc Tuấn vốn là một hùng tướng văn võ toàn tài, thao lược biến hóa, trước sự hưng vong của xã tắc ông được phong làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội cả nước, lần lượt đánh tan 2 lần tiến công xâm lược như vũ bão của nhà Nguyên (Trung Quốc). Khi nắm toàn bộ quân đội trong tay lại được nhân dân cả nước ngưỡng vọng như một vị thần việc “lấy được thiên hạ” có lẽ dễ như trở bàn tay nhưng ông đã không vì thế làm theo di nguyện của cha mà báo thù.

Phân Châu Trinh nói “Bàn đến quốc gia luân lý thì tôi xin thưa rằng, nước ta tuyệt nhiên không có. Tôi xin nói tạm rằng quốc gia luân lý của ta từ xưa đến nay chỉ ở trong vòng chật hẹp của vua và tôi. Không nói đến “dân và nước” vì dân không được bàn đến việc nước! […]

Vua với dân không có luân lý gì dính nhau, chẳng qua vua và tôi tớ của vua hiệp nhau lấy sức mạnh để đè nén dân mà thôi vậy”. Tuy nhiên, trong cảm hứng phê phán dữ dội của mình, ông đã dành riêng cho nhà Trần một một nơi tôn nghiêm khi nói “Trừ ra đời nhà Trần thì vua với dân gần nhau lắm. Con vua cũng đi chơi với con dân, những kẻ phụ lão đều dự bàn việc nước, và những khi vua đã truyền ngôi cho Hoàng Thái Tử rồi thì thường đi khắp dân gian xem xét phong tục, chính trị để sửa sang cho hiệp với lòng ước vọng của dân; cho nên dân mến đức mà cảm phục, mấy lần tử chiến với giặc Mông Cổ, mấy phen hiệp sức để giúp vua mới được thắng trận một cách vẻ vang như thế.

Ngày nay ta đọc một đoạn vinh dự sử của nhà Trần đều lấy làm vui”. (Trích: Đạo đức và luân lý Đông Tây).

Việc Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn “quên” thù nhà để giữ gìn giang sơn gấm vóc và mưu cầu thái bình cho muôn dân là một bài học lớn cho muôn đời hậu thế. Ông trở thành biểu tượng kỳ vĩ trong cuộc trường chinh ngàn năm chống giặc phương bắc của dân tộc ta, là kết tinh những giá trị của nòi giống, là ý chí hùng cường không thể bị đè bẹp của cha ông. Ngày nay, việc đọc lại Trần Quốc Tuấn, chiêm ngưỡng lối hành xử trượng phu và lẫm liệt của bậc anh hùng để vực dậy hào khí núi sống là việc không những cần thiết mà còn là cấp thiết.

Ngày nay, bất cứ kẻ nào hèn nhát trước phương bắc hãy nhìn vào tượng đài ông mà cúi đầu hổ thẹn, để hành động mà chuộc tội với tiền nhân. Lịch sử của hào khí nhà Trần liệu có trở lại?

***

Nguyễn Đình Bổn: Thời tiểu học, dù Lưu Hữu Phước là người “phía bên kia”, chúng tôi đều được dạy hát bài này, trong khi các bạn cùng lứa phía Bắc chỉ hát nhạc chống Mỹ:

BẠCH ĐẰNG GIANG (Lưu Hữu Phước)

Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung.

Trên trời xanh muôn sắc đua chen bóng ô
Dưới đáy dòng nước ánh sáng vởn vơ nhấp nhô
Hàng cây cao soi bóng, gió cuốn muôn ngàn lau
Hồn ai đang phảng phất trong gió cảm xiết bao !…

Mây nước thiêng liêng còn ghi chép rành
Thời liệt oanh của bao người xưa trung chánh
Vì yêu quốc gia vui lòng hiến thân
Liều mình ra tay tuốt gươm bao lần…

Dòng nước trắng xóa dưới trời quang đãng
Từ xưa nêu cao tấm gương anh hùng
Dù có sấm sét bão bùng mưa nắng
Đằng Giang vẫn sáng để cho nòi giống soi chung…

Lời 2:

Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung.
Trên dòng sông muôn bóng cờ trông chí Nam
Biết mấy thành tích, biết mấy chiến công đã qua
Đoàn quân Ngô thiện chiến, chém giết quân Hoằng Thao
Đoàn quân Trần Quốc Tuấn, đánh thắng quân Thoát Hoan

Nay đã bao lâu còn đâu nữa rồi
Thời gian qua đã bôi mờ trong đêm tối
Người nay có hay: Đã vì chúng ta,
Người hùng anh xưa, giữ nước non nhà…

Dòng nước trắng xóa dưới trời quang đãng
Từ xưa nêu cao tấm gương anh hùng
Dù có sấm sét bão bùng mưa nắng
Đằng Giang vẫn sáng để cho nòi giống soi chung!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Lịch sử của hào khí nhà Trần liệu có trở lại?”

    Nah. Sẽ xuất hiện (rất) nhiều bài thơ, viết … nghe rổn rảng như khẩu hiệu, nhưng … Trung Hoa vô, nơi này vẫn thế . Thời này hổng phải là thời Trần, more like thời Nguyễn Du . Nhưng may quá, ai cũng quên sạch Nguyễn Huệ, chỉ nhớ thời Trần . Nghe nói khi Lê Chiêu Thống phải sang Trung Hoa tị nạn, triều đình nhà Thanh làm nhục vua Lê, có ông quan Việt nào đó đã tuẫn tiết vì thấy vua mình bị Càn Long xúc phạm . Thats what goin on nowaday, a bunch of sickos. Nếu gọi đó là hào khí của nhà Trần … oh, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa . Trí thức thời nay chưa chuyển thể chuyện Trung Hoa rùi kêu của mình là hồng phúc của Tổ tiên lắm rùi .

Comments are closed.