Chống dịch như giặc, chỉ mong đừng chống giặc như dịch

Blog VOA

Trân Văn

27-8-2021

Sắp tròn một tuần tính từ khi quân đội tham gia phòng – chống COVID-19 tại TP.HCM nhưng công cuộc… xây dựng 312 phường – xã ở TP.HCM thành… 312 pháo đài vẫn đầy những khiếm khuyết hết sức khó hiểu…

Những khiếm khuyết ấy không chỉ khiến hậu quả của đại dịch trầm trọng hơn mà còn làm thiên hạ lo ngại về khả năng tư duy, khả năng quản trị – điều hành của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương trước, trong cũng như sau thảm họa.

Bởi các viên chức hữu trách ở Việt Nam thường ví von… chống dịch như chống giặc nên người ta phải liên tưởng ngược lại: Nếu có giặc và chống giặc giống như chống dịch, chắc chắn “ta” cũng sẽ dắt díu nhau đi từ… thất bại này đến thất bại khác…

***

Cho dù sự tham gia của quân đội trong phòng – chống dịch ở TP.HCM để thực thi yêu cầu cách ly triệt để giữa người với người, gia đình với gia đình, xã phường với xã phường,… hiện khác rất xa với tuyên bố ban đầu của Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Quốc phòng: Quân đội không phát thực phẩm cũng như hàng hóa thiết yếu đến tận cửa từng nhà mà chỉ… đi chợ giùm, song chuyện quân nhân đi chợ giùm vẫn đầy bất ổn. Có thể mường tượng những bất ổn đó qua nhận xét của Phương Nam, đăng trên trang facebook “Tôi là dân quận 9”: Sau ba ngày bộ đội tiến hành đi chợ hộ đã lộ ra rất nhiều bất cập. Chưa xét tới chuyện đến giờ nhiều người vẫn chưa được gặp bộ đội thì phương cách này vẫn có quá nhiều nhược điểm.

Hôm nay bộ đội đến nhà bạn mình để nhận đi chợ giùm nhưng bạn mình không thể mua được thứ gì vì giá đưa ra quá chát. Chúng ta chỉ nói đến hiện tượng chứ không phán xét và suy luận bản chất. Giá một ký thịt bộ đội mua giùm đắt hơn 90.000 so với giá cô ấy mua hôm trước. Giá đắt hơn vì sao thì không kết luận, đừng đổ lỗi cho các em, các cháu bộ đội. Bọn nhỏ chắc cũng chẳng ham hố gì chuyện đi làm những việc này đâu.

Sau giá cả thì đưa ra các combo (hàng hóa đã sắp sẵn về chủng loại, số lượng, người mua phải nhận cả gói) bắt dân chọn rất vô lý. Dân thực hiện giãn cách vốn không kiếm ra tiền mà giờ mua thực phẩm giá đã đắt còn phải mua luôn những thứ không muốn hoặc không ăn được. Mình muốn ăn thịt ba rọi rim thì không được ăn rau muống xào tỏi mà phải ăn táo, trong khi mình bị dị ứng với táo. Mình muốn mua kem đánh răng thì phải mua luôn bàn chải, dầu gội và sữa tắm. Trong khi nhà mình đã có bàn chải máy. Mình muốn mua gói muối thôi thì phải mua luôn nước mắm, nước tương, hạt nêm và dầu ăn. Thôi thì các thứ gia vị kia để dành dùng dần cũng được nhưng giờ mình kẹt tiền và không ăn được hạt nêm thì phải làm sao? Muốn mua sữa tươi với sữa chua cho con thôi thì bắt mua luôn sữa đặc để mình uống cho mập hay sao?

Tại sao bắt dân mua combo thay vì chia ra các nhóm thực phẩm mà bên cung ứng có sẵn để dân lựa chọn? Ví dụ nhóm thịt thì gồm thịt nạc, thịt sườn, thịt gà, thịt bò… Nhóm trái cây, nhóm rau củ, nhóm bánh nước, nhóm gia vị… Các thứ cứ cân sẵn định lượng từng phần. Làm một cái phần mềm quản lý dạng excel có giá cả. Điều này quá đơn giản. Nhận đơn xong anh bộ đội chỉ cần điền họ tên người mua, địa chỉ, click vào những thứ người dân đó cần, nó sẽ cho luôn số tiền để thu. Gửi thông tin qua mạng về bên cung ứng hàng. Nhân viên bán hàng sẽ đóng gói rồi bấm dính tờ giấy có thông tin người mua hàng bên ngoài. Làm xong bộ đội đến nhận và mang đi giao. Làm vậy đâu khó khăn hay mất công gì nhiều hơn mà giúp được cho dân rất nhiều. Giờ dân phải tiết kiệm từng đồng mà bắt họ mua luôn những thứ không cần thì quá tội cho họ. Mình chỉ nghĩ được đến đây thôi, không biết cách của mình có ổn không? Đồng bào có cao kiến gì hay hơn không (1)?

Cũng từ thực tế vừa trải nghiệm, Hoàng Xuân bình luận: Đúng người thì mọi việc mới trôi chảy. Các chú bộ đội nên để gác chốt và tuần tra thành phố, giúp đưa dân đi bệnh viện khi cần thiết, phụ phường chăm sóc những gia đình già yếu, neo đơn, bệnh tật… Việc mua bán đi chợ là việc của các hộ kinh doanh, hệ thống tiểu thương, siêu thị. Hiện siêu thị quá tải vì chỉ được để 10% nhân viên đi làm. Nhiều hệ thống cung cấp nhỏ hơn không được cấp giấy đi đường để giao hàng mặc dù nằm trong danh sách đơn vị cung cấp hàng của thành phố. Do vậy họ cũng không thể mua hàng để bán ra. Hàng thừa ế, nông dân đổ bỏ, còn người tiêu dùng thiếu thốn thắt ngặt. Doanh nghiệp mải miết đi kêu cứu hết đợt này đến đợt khác. Nút thắt này gần trở thành nút thòng lọng luôn rồi (2).

Cù Mai Công – một facebooker, đồng thời là nhà báo, làm việc tại tờ Tuổi Trẻ thì bỏ thời gian để viết dài hơn nhằm minh họa cho nhận định: Lúng túng và lung tung – hàng loạt cách làm không giãn cách, COVID “thừa thắng xông lên”…

Mục tiêu cơ bản và tối thượng trong phòng chống COVID-19 từ đầu đến nay ở TP.HCM là dần tăng giãn cách tối đa, từ chỉ thị 10, 12, đến 15, 16, 16+. Dân giờ ai cũng sợ và rành COVID như “chuyên gia”. Hậu quả sờ sờ ra đó, ai cũng thấy quanh mình, có khi chính là mình, gia đình mình cũng nhiễm. Con số chính thức tới tối 25/8/2021, TP.HCM hơn 190.000 ca rồi. Con số thật chắc chắn cao hơn vì ngành y đang căng thẳng truy lùng, mỗi ngày mấy ngàn ca… Sau mấy tuần dưới 5.000 ca nhiễm/ngày và sau ba ngày “thiết quân luật”, TP.HCM đã vọt lên hơn 5.294 ca.

Vì đâu nên nỗi? Có nhiều nguyên nhân, không loại trừ lây chéo ở nơi chích, nhiễm từ cả nhân viên và phương tiện chích nhưng theo chủ quan của mình, tôi nghĩ ca cộng đồng ở TP.HCM tăng mạnh hiện nay có hai lý do chính: Công tác xét nghiệm được đẩy mạnh hơn, nên ra nhiều ca nhiễm hơn. Không thể phủ nhận thực tế mấy “Ngày hội F0” trước “thiết quân luật” 23/8/2021, khi hàng trăm ngàn chen chúc mua đồ trong hàng ngàn siêu thị, chợ vỉa hè… Một người bạn tôi than trời: “Như ngày hội F0”!

Quy định, chính sách thay đổi liên tục. Mỗi lần đổi là một lần dân đổ ra đường, chen lấn. Ai cũng thấy điều này. Hậu quả tôi nghĩ sẽ còn tăng tiếp vài ngày tới. Và đây chỉ là một trong hàng loạt vụ tập trung, chen chúc, liên tục xảy ra suốt gần ba tháng qua ở TP.HCM. Mục tiêu giãn cách, nói liên tục từ công văn, khẩu hiệu đến loa phường. Nhưng cách làm lại vô tình đẩy người dân tập trung, từ xét nghiệm, chích ngừa,… đến dẹp chợ gom vô siêu thị, Thậm chí các chốt ùn ứ không hề vô can trong việc lan truyền COVID đổ bộ nhanh, độc lực mạnh này. Có chốt, ngựa xe dài cả cây số. Qua được có khi cả tiếng. COVID dễ gì buông tha những người ở đó.

Trước đó, thay vì sắp xếp lại cho thoáng hơn ở ngoài trời, tạo độ giãn cách rộng hơn và kiểm soát chuyện này thì chợ vỉa hè vốn yếu thế nhất bị “trảm” đầu tiên, dồn khách vô chợ truyền thống có nhà lồng chợ kín hơn. 200/237 chợ liên tục có ca nhiễm bị đóng cửa. Lại dồn vô các siêu thị kín hơn, máy lạnh 24/24. Ngành y trên thế giới xác định COVID Covid này rất khoái ở phòng kín, phòng lạnh hơn ở ngoài trời. Thoạt đầu vô siêu thị cũng khai báo y tế, đo nhiệt độ; sau chỉ cần xếp hàng. Vô rồi thì khách đi lung tung, khoảng cách 2 mét chỉ là lý thuyết. Không ai vô dưới 15 phút, kể cả hàng ngàn, hàng vạn F0. Xếp hàng cả ngày thì mua cho xứng công.

Nguyên nhân cơ bản của tất cả là vô số cách làm, mỗi cách đưa xuống xong mỗi anh “linh hoạt” mỗi kiểu, mỗi nơi mỗi phách. Chẳng hạn như các chốt, có chốt “hắc xì dầu” như chốt trước Công an Bình Thạnh trên đường Phan Đăng Lưu, xe nào cũng dính cả chục phút ở đó. Có chốt mấy “ảnh” ngồi vậy thôi, ai qua cũng được. Trưa hay mưa thì cơ bản xe cộ “thông chốt” thoải mái, qua lại phà phà. Ai đi cũng thấy, cũng biết mà.

Rồi hết “app” này, “app” nọ của từng ban ngành, chồng lấn nhau lung tung. Dân không biết đâu mà lần. “App” nào cũng xài ít ngày là bỗng không nghe nhắc tới như “đề mốt”, “chết không kèn không trống”. Như cái “app di biến động dân cư” mới đây đó.

Khoan đổ cho dân thiếu ý thức. Họ có kinh nghiệm, chính quyền đang “lúng túng” thì ta tự lo cho ta là chắc ăn, dù sợ COVID hơn sợ Ông Ba Bị. Vậy nên ngay trước 23/8/2021, TP.HCM kêu gọi bà con không đổ xô mua hàng, hàng ngàn siêu thị vẫn bị “tràn ngập lãnh thổ”. Hàng sạp vỉa hè thì có hàng gì hết hàng nấy… “như ngày hội” – dù đó là ngày hội rất buồn, rất lo hậu quả…

Thực tế, ba ngày qua, dù đã có anh em bộ đội chung tay với địa phương nhưng theo Sở Công thương TP.HCM, tỉ lệ chốt đơn mua hàng qua siêu thị ở TP.HCM hôm 24/8/2021 là 70.337/74.033. Cả TP.HCM có khoảng gần 3.500.000 hộ + phòng trọ… Tỉ lệ chốt đơn chỉ được 2% số hộ, phòng trọ đó.

Đủ chuyện. Phường 3, Tân Bình của tôi, anh em bên phường đã cầu cứu tình nguyện viên khỏe mạnh các tổ, khu phố phụ một tay. Ở phường 1, Phú Nhuận vào thực tế có vẻ cũng rối. Các khu phố bàn lui bàn tới nhiều chuyện: Trả tiền ra sao vì có người nói giờ không có tiền mặt (do không được ra ngoài để rút), cũng không thể chuyển khoản, yêu cầu nhà có F0 phải chuyển khoản (nếu họ không thể chuyển thì chẳng lẽ để đói). Hiểu cho họ, vài người thì làm sao lo cho nổi mấy trăm hộ với đủ nhu cầu khác nhau từ cọng rau, trái trứng, miếng thịt, con cá… đến Kotex…

Đều thiết yếu hết. Ngay chuyện gas trong nhà hết mà tiệm gas bên kia đường cũng không giao được. Chẳng hạn ngày 24/8/2021, bà Trương Thị Kim Hoa – ngụ đường Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức – cho biết, liên hệ cả ba cửa hàng đều không được giao gas với lý do “không có giấy đi đường”. Đáng nói, cửa hàng gas V. nằm đối diện nhà bà nhưng bà cũng không thể nhận được gas do đây là đường lớn, muốn giao gas nhân viên phải đi qua chốt kiểm soát nhưng lại không có giấy tờ.

Đạo diễn Nguyễn Thành Chánh Trực la hoảng trên Facebook. Anh cho biết cụ thể: Sáng nay 25/8/2021, nhà tui hết gas, tui gọi tất cả các số cửa hàng gas đều báo là không đi giao được, tui tìm ra số Phó chủ tịch phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú và được cho số phone 091 812 6632. Khi tui gọi số này thì được báo là bình gas giá 460.000 đồng. Và tui cũng được cho biết ở một số nơi, bạn bè tui phải chấp nhận giá gas lên đến 480.000-490.000 đồng, nghĩa là mắc hơn ngày thường một trăm mấy…

Mắc cũng phải chịu. Dân Sài Gòn giờ hầu hết xài gas, không có gas là bữa cơm không có, đói thiệt chứ chẳng chơi.

Rồi các combo hàng công khai của một loạt siêu thị bị kêu là “chém”. Dân la rùm lên. Các siêu thị phải hứa sẽ điều chỉnh lại.

Gốc vấn đề là giấy đi đường. Nhiều chốt “ác liệt” như cái máy. Ngay góc Thuận Kiều – Phạm Hữu Chí một tổ công tác của phường ập đến hỏi giấy khi một cô qua chợ Xã Tây mua thuốc. Cổ bảo: “Tui bệnh đi mua thuốc, chờ cấp giấy đi đường chắc đi mua thuốc hổng nổi chú ơi”. Nói vậy nhưng cô vẫn bị là lập biên bản tạm giữ xe…

Không lạ khi bác sĩ Võ Xuân Sơn (Phòng khám quốc tế Exson) sáng 25/8/2021 cho biết: Xe chở bình oxy đi nạp của chúng tôi đã bị bắt lại. Anh CSGT nói với tôi, rằng phải nộp phạt 6 triệu sau khi anh kê ra mấy cái lỗi, chủ yếu là không có QR code… Cuối cùng không phạt, nhưng xe quay đầu về.

Chỉ cần một anh CSGT thôi là tắc tị một hành trình cứu người. Bí quá, bác sĩ Sơn phải cầu cứu lãnh đạo TP. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình, các cơ quan chức năng đã gấp rút hướng dẫn các thủ tục, để được cấp giấy QR code cho xe đi nạp bình oxy. Bác sĩ Sơn sau khi cám ơn ông Lê Hòa Bình, cùng các lãnh đạo Sở Y tế, Sở Giao thông Vận tải đã bảo: Vẫn chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng. Nếu các cơ quan chức năng thống nhất được với nhau thì người dân sẽ đỡ bị lúng túng hơn.

Và đó chỉ là một trong hàng triệu ví dụ về giấy đi đường hiện nay. Chỉ vì cái giấy này, hàng hóa, siêu thị nơi nào cũng chết cứng. Hiệu quả phòng chống COVID bằng giấy chưa rõ, còn tổn thất kinh tế, sinh mạng người bệnh lẫn an sinh xã hội rõ ràng là khôn lường.

COVID-19 như tôi từng nói trên trang này mấy tháng trước, “đừng mơ đánh nhanh thắng nhanh”. Chưa nước nào dám nói đánh thắng hết. Tân Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ nói “Tập trung cải thiện tình hình, tiến đến kiểm soát dịch COVID-19”. Tức là tình hình dịch ở TP.HCM chưa kiểm soát được.

Ngay trước đợt giãn cách quyết liệt 23/8/2021, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM là Chủ tịch Nguyễn Thành Phong thôi chủ tịch, về làm Phó Ban Kinh tế TW. Ngày 24/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đích thân làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Ngày 25/8/2021, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh – hôm 4/6/2021, từng “lạc quan tếu” khi báo cáo rằng dịch ở TP.HCM đã giảm – có quyết định hưu.

Thay ba tướng cầm quân giữa cao điểm dịch, đoán chắc tình hình giãn cách còn gian nan, còn dài. Chỉ mong đừng rối, chồng chéo điều hành như vừa qua; khổ dân, mệt lính và tơi bời anh chị em tuyến đầu ngành y.

***

Xem dịch như… giặc mà từ chiến lược đến chỉ đạo đều thiếu viễn kiến, tùy tiện, liên tục phải sửa do bất khả thi, lúc tổ chức thực thi thì bất nhất, vừa gây thêm hỗn loạn, vừa gia tăng thiệt hại, nếu giặc như… dịch, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền làm sao đối phó? Dịch chỉ làm mất dân, giặc thâu tóm cả lãnh thổ, mất luôn cả những đặc quyền, đặc lợi do độc quyền lãnh đạo toàn diện. Có phải vì rất hiểu rất rõ nên trước giờ “ta” mới chọn nhũn như chi chi làm… kim chỉ nam?

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/groups/1513445372224741/posts/3150337675202161/

(2) https://www.facebook.com/hoang.xuan.79/posts/10157791709875683

(3) https://www.facebook.com/he.via.54/posts/1288366268276090

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Dân chết hết thì dịch cũng hết, Phạm minh chính đang thực hiện chỉ thị của Tập Cận Bình để dâng đất cho người hán là anh em của chính và trọng.

  2. Công nhận học được tính chảnh của dân Ngụy nên dân thành phố mang tên Bác bây giờ cũng kén cá chọn canh, ngay cả trong mùa dịch . Thời lockdown bên này có thịt là may . Mấy cty meat processing bị dính dịch, operate at 30%, aka 1 tuần Walmart gần nhà tớ chỉ có 2 ngày có thịt . Mà phải canh me . Đi sớm thì chưa có, đi trễ thì hết, nên thường thì có gì mua nấy . Rau quả cũng rơi vào trường hợp tương tự . Mua được gì lên du túp xem người ta chế biến . Có miếng thịt gà với quả táo, Pháp có ngay món gà chiên táo . Chỉ mua được bắp cải với ít thịt băm, Hungary & Đức có ngay solutions. Trứng 48 món, its worldwide solutions. Đi 1 vòng từ tây bán nhà qua tới hàn quốc kiếm đủ 48 món trứng . Thats how i went thru those dayz. Tham gia cộng đồng mạng, chế biến những gì mua được . Có bữa chỉ mua được sausages, bạn bên Đức & Thụy Điển show me how its done w beer còn lại, hoặc với riệu . Yummy! Lên phê ke búc mà xem, hình món ăn chế biến lọt tóp ten thời lockdown.

    “Chống dịch như giặc, chỉ mong đừng chống giặc như dịch”

    Hổng trách được Đảng chuyện này, mà nên tự trách mình . Thử hỏi bây giờ ai là giặc khi chính Đảng các bác phản bội tư tưởng Hồ Chí Minh ? Mỹ ư, đọc Lưu Trọng Văn & Đặng Sơn Duân, among many others. Tư bản ư, xưa rồi Diễm . Nhóm IDS tạo ra luật phát triển cả chủ nghĩa đồng bọn, cronyism. Cronyism phát triển mọi nơi mọi lúc, từ tư bản qua trí thức tới dân chúng luôn . Trung Quốc, đúng là có 1 thời nồi da xáo thịt, nhưng đã hòa giải, đang tiến tới hòa hợp . Vả lại Đảng các bác cần hòa bình . Chỉ cần 1 ngày chiến tranh, sự tồn vong của Đảng các bác sẽ giảm 75% overnite. Bây giờ chỉ còn mỗi đám đảng viên thoái hóa nhà các bác, thì các bác lại tru tréo họ hổng phải là địch . So, good the Phúc luck trong chuyện xác định được địch là ai . Tình trạng mù mờ không còn phân biệt được địch-ta chính là nguyên nhân chính làm chuyện chống dịch trở thành 1 vở hài kịch . Thử hỏi ở đâu mà Thủ tướng phải chờ cấp dưới của mình bật đèn xanh, trong khi Tổng thống Trump thay staff còn lẹ hơn thay tã . Dân chủ kiểu Mỹ đấy .

    Chuyện bộ đội hành xử như các mợ sợ gãy móng tay … như tớ đã nói, quân lụi! Tại sao quân đội người ta thì đâu ra đó, thay thế toàn bộ hệ thống logistics, trong khi quân lụi nhà mềnh chỏng gọng ngay cả trong những chuyện sơ đẳng nhứt ?

    An ninh thì đã có công an, là thần tượng của Mai Quốc Ấn . Quân lụi cần phải hoàn thành những nhiệm vụ Đảng giao . Granted, thời này not much, nhưng hổng nên so đo lớn nhỏ như các mợ . Nhiệm vụ nào Đảng giao cũng cao quý hít chơn hít chọi, hổng tin đọc lại trí thức nhà mềnh. Tớ đã chỉ ra quân đội người ta làm thế nào . Chuyện phải cầm tận tay chỉ bảo -yep, it got to that point- Đảng các bác know who to call. Ghost busters.

Leave a Reply to cao cầu Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây