Dân nào thì nhà nước ấy

Thái Hạo

22-8-2021

Những ngày này làm nghĩ nhiều hơn đến cái câu chuyện “con gà – quả trứng”, và nhận ra sự ngụy biện tai quái của lối so sánh này.

Mối quan hệ của một dân chúng với sự ra đời một nhà nước không có gì giống với chuyện trứng và con gà cả. Bất kỳ một nhà nước nào cũng là sản phẩm NHÂN TẠO của con người, nó không phải là một chuỗi tạo tác của thiên nhiên. Nghĩa là con người tạo ra tất cả các thiết chế xã hội dựa trên trình độ nhận thức và năng lực trí tuệ của mình. Đây là hiểu biết ở mức thường thức.

Khi chúng ta hiểu rằng, mọi phương cách tổ chức xã hội đều là sản phẩm có tính công cụ do con người tạo ra trong cái cộng đồng của nó thì ta sẽ liền thấy sự “tiến hóa” song hành của mức độ trưởng thành nơi dân chúng và cái nhà nước mà nó tạo ra.

Dân chúng nào thì nhà nước ấy. Một dân chúng nô lệ sẽ tạo ra một nhà nước quân chủ chuyên chế, một dân chúng tự do sẽ kiến thiết nên nhà nước dân trị chủ nghĩa. Phẩm tính hiện hành của con người trong một cộng đồng nhất định sẽ quyết định sự ra đời của loại chính thể tương ứng.

Tại sao Mỹ đóng ở miền Nam Việt Nam và Afghanistan 20 năm nhưng đều không thể duy trì được nền dân chủ ở những nơi đó, trong khi với sự hiện diện ngắn và mờ nhạt hơn tại Nhật Bản thì đất nước ấy đã trở thành phương Tây giữa lòng Á châu? Vì người Nhật đã được chuẩn bị chu đáo từ Duy Tân Minh Trị, họ đã đọc tất cả những sách vở quan trọng nhất của phương Tây trong mấy chục năm duy tân. Còn Bhutan thì không cần ai “hộ sinh” cả nhưng họ vẫn tự “đẻ” ra được nền dân chủ cho chính mình là cũng bởi những phẩm chất của dân tộc ấy đã được hun đúc và chín muồi.

Một dân chúng thụ động, chấp nhận sự cai trị để chỉ tìm kiếm phương tiện vật chất và giải trí thì đó chính là một dân chúng đang mang tính cách nộ lệ; một dân chúng mạnh mẽ, khoáng đạt và cường tráng sẽ tất yếu sinh ra một nhà nước tự do, vấn đề còn lại chỉ là thời gian và bối cảnh lịch sử.

Với một dân chúng ù lì thì ngay cả cơ hội tốt nhất cũng qua đi, và thậm chí tự mình cai trị ngược trở lại đồng bào mình ngay cả khi “dân chủ có vô tình rơi vào đầu”.

Tại sao Phan Châu Trinh khởi xướng Duy Tân? Vì ông thấu suốt những lẽ trên. Cả Đông và Tây đều từng trải qua thời kỳ phong kiến dài lâu, nhưng phong kiến gia trưởng kiểu Trung Hoa đã không tạo điều kiện cho bước tiếp theo trong hành trình tiến hóa xã hội của họ. Việc “khai dân trí” vì thế đã được các bậc thức giả đặt lên hàng đầu. Vì nếu không có được một dân chúng “khỏe mạnh” thì không cách chi kiến lập được một nhà nước tiến bộ.

Một khi mà tính cách nô lệ còn là chủ đạo thì con người chỉ biết làm theo mệnh lệnh, và chỉ làm khi được ra lệnh; nhưng trong khi phó mặc số phận cá nhân cho nhà nước như con người hoang dã đã từng phó mặc cho ông trời thì họ cũng đồng thời chỉ lo những nhu cầu của con người bản năng là chủ yếu.

Oái oăm thay, một tính cách nô lệ như thế lại luôn luôn đi kèm với đam mê cai trị kẻ khác. Họ sẽ nhảy lên “ngai vàng” ngay lập tức khi có cơ hội, và thậm chí luôn luôn tìm kiếm cơ hội ấy như là một mục đích cao nhất của đời mình. Việt Nam là một dân tộc như thế.

Việc phê phán chính quyền không những là quyền mà còn là trách nhiệm, nhưng không phải chỉ có thế, trong khi phê phán ta luôn cần phải BIỆN GIẢI cho một chính thể tiến bộ ở thì tương lai. Chữ “biện giải” chứ không phải “ném ra” một vài từ ngữ để khiến dân chúng ngày càng điếc đặc bởi ảo tưởng “biết rồi khổ lắm nói mãi”.

Như vậy, việc chửi bới theo kiểu tôm cá không những là không cần thiết mà còn là không nên nếu ta còn muốn có tham vọng “giáo dục” dân chúng. Dù rằng, điều ấy (chửi bới) có thể khiến ta thỏa mãn những bực tức nhất thời nhưng sẽ chẳng có mấy ích lợi cho một văn hóa tương lai, mà nếu có được chút ít chăng nữa thì nó sẽ luôn kèm theo nhiều di chứng nặng hơn là điều đã đạt được. Ở đây, hai chữ “phê phán” theo đúng nghĩa khoa học và tiến bộ của nó phải được dùng thay thế cho những chữ khác trong tần suất cao nhất có thể.

Một tâm thế nhẫn nại trường viễn gắn với những hoạt động thích đáng và hữu ích có lẽ là điều hệ trọng nhất cần xác lập trong bất cứ ai đang và sẽ có khát vọng về một sự đổi thay. Tất nhiên là cũng cần phải ghim vào đó cả cái tinh thần rằng, nó có thể chỉ đến sau khi thế hệ chúng ta đã qua đời.

Bình Luận từ Facebook

8 BÌNH LUẬN

  1. “Một dân chúng thụ động, chấp nhận sự cai trị để chỉ tìm kiếm phương tiện vật chất và giải trí thì đó chính là một dân chúng đang mang tính cách nộ lệ;” ( Trích TH) )
    – Giữa lúc dịch tràn lan, người lao động đỏi rã ruột, mớ rau, kí gạo đem lại sụ sống và niềm vui, thế mà một vài trang báo quốc doanh vẫn thích đăng hình những “Ngọc Trinh” hớn hở khoe đùi, khoe ngực , ưỡn ẹo tạo dáng…Lại nhớ trước đây, một nhóm thuộc giới trẻ khá đông kiên trì nhẫn nại thức từ đêm hôm đến giữa trưa năng chỉ để nhìn mặt cái anh chàng ca sĩ Bi Rain ( HQ ) . Có đứa ( không thể goi một cách tôn trọng nổi ! ) ôm mặt khóc sướt mướt ( còn hơn cha chết !) khi không nhìn được mặt chàng . Lại có đứa hôn cả chiếc ghế chàng ca sĩ đã ngồi. Sao tuyên giáo không chỉ ra như thế là không biết tự trọng nhỉ ?!
    Ngán ngẫm đến tận cùng !

  2. Phan Chu Trinh gửi 200 nhân sĩ sang Nhật học cách để “Duy Tân” nước Việt theo gương Nhật (một hoạt động quan trọng của phong trào Đông du lúc đo). Nhưng Pháp phá, bắt người mang tiền quyên góp sang cho các nhân sĩ. Lớp học tan rã.
    Người Việt Nam như Phan Chu Trinh, sau đó đến nay, không thấy xuất hiện trên “trần gian”!

    • Bây giờ con số lên đến hàng Ngàn An tòa khu của ” nhân sĩ trí thức nước đảng” khắp Âu Mỹ.

  3. Trong xã hôi phong kiến (giả CS) hiện nay, con người bị tẩy não mạnh mẽ, đa số theo chủ nghĩa duy $ (không phải duy vật), không có giá trị gì khác. 100 năm sau người Việt chưa chắc xóa được tàn tích của nó để phát triển.

  4. “nó có thể chỉ đến sau khi thế hệ chúng ta đã qua đời”

    Bi giờ mới biết những người như mình là lý do Đảng Cộng Sản sẽ trường tồn cùng đất nước & dân tộc ? Hate to burst yo bubbles, nhưng những điều bác để lại cho thế hệ sau, look like cái thế hệ học trò của bác qua đời rồi mới hy vọng le lói .

    “ta luôn cần phải BIỆN GIẢI cho một chính thể tiến bộ ở thì tương lai”

    How it come to be? Từ đống tro vụn của chính quyền này hay từ sự “(tự) lột xác” của nó ? 2 chữ “biện giải” có nghĩa chính quyền này rất OK, chỉ cần nó (tự) lột xác ? Count me out. “Dân nào thì nhà nước ấy” still apply.

    Nếu có phải đề nghị, chỉ nói thế này . You already know that “nó -chính thể tiến bộ ở thì tương lai- có thể chỉ đến sau khi thế hệ chúng ta đã qua đời”, why not speed up the process? Những người như thái hạo càng chết sớm thì cái “chính thể tiến bộ” đã càng mau đến, để khỏi uổng cuộc sống & cái chết của mấy người như bác, why not chống đối & đòi lật đổ lun 1 thể, thay vì chỉ phản biện nhì nhằng như bây giờ .

  5. Tác giả so sánh VNCH với Nhật như trên là chỉ đúng 1/2 về mặt dân trí nhưng
    không phải là yếu tố hay điều kiện chủ yếu mà là Nhật không còn phải chống
    lại kẻ thù nào nữa sau khi được Mỹ “giải phóng” rồi trở thành ân nhân của họ
    trong khi đó VNCH.đang bị VNDCCH.tìm cách thôn tính,cho nên VNCH.không
    còn con đường nào khác hơn là coi việc sống còn là quan trọng nhất, vì thế
    không còn có yếu tố “an cư’ trước khi “lạc nghiệp” được vì bị VNDCCH.tìm mọi
    cách làm suy yếu bằng những hoạt đông phá hoại liên tục.

Leave a Reply to Lambanthesu Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây