Ai Gián Nghị, ai Hòa Thân?

Đặng Đình Mạnh

11-8-2021

Chuyên chế, độc tài… chẳng ai có thể qua mặt được các ông vua thời quân chủ. Cái gọi là nguyên tắc tam quyền phân lập với các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo đảm chống lại sự chuyên chế, độc tài thì cả ba quyền ấy đều tập trung vào tay ông vua dưới thời quân chủ.

Nhưng cũng cần biết. Chuyên chế là vậy, nhưng để tránh những hành xử thái quá, chế độ quân chủ vẫn đặt chức quan Gián nghị đại phu đảm nhiệm việc khuyên răn, can gián vua khi ban hành các quyết định quan trọng. Thời tiền Lê, khai quốc công thần Nguyễn Trãi đã được phong nhiều chức vị, trong đó, có chức vị Gián nghị đại phu. Qua đó, giúp cho chúng ta hình dung Gián nghị đại phu là người như thế nào?

Vua nghe lời phải, thì xứ sở có thể cường thịnh. Vua nghe lời xu nịnh, thì nước mất nhà tan chẳng mấy hồi. Lời phải đôi khi nghe trái tai, khó chịu. Cho nên, người xưa nói “trung ngôn nghịch nhĩ” là vậy.

Bài học thời quân chủ đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự về cách lắng nghe lời phải và trọng dụng người ngay. Trong dân chúng, có người tán thành chính sách này vì cho rằng hợp lòng dân. Có người lại phê bình chính sách kia vì lo lắng chúng đi ngược với lợi ích dân tộc. Điều đó là bình thường, vì chín người thì mười ý, không thể bắt mọi người dân phải “đồng phục” quan điểm. Trăm họ, bách tính, ai cũng có quyền được nói, phê bình, đánh giá, thậm chí phản đối chính sách của chính quyền. Khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” chẳng phải để cho vui. Chính quyền “của dân, do dân và vì dân” chẳng phải chỉ là khẩu hiệu.

Hiện nay, chúng ta theo chính thể cộng hòa không có chức vị Gián nghị đại phu. Nhưng vẫn mặc nhiên tồn tại hàng vạn, hàng chục vạn Gián nghị đại phu làm việc không lương dưới màu áo phản biện xã hội. Lời phản biện của họ giúp chính quyền sửa đổi chính sách cho phù hợp, họ hiến kế vì quốc kế dân sinh. Trong cơn đại dịch, họ hiện diện với tư cách những nhà khoa học có tiếng nói độc lập trong buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhằm góp thêm phương pháp vào chiến lược chống dịch COVID-19 tại TP.HCM…

Phản biện xã hội cần nhìn nhận ra không chỉ là những báo cáo khoa học, những bài phân tích, viết chỉnh chu, đăng tải trên các trang báo, trang mạng xã hội, mà phải bao gồm cả những lời phê bình, phê phán, đánh giá, phàn nàn, chỉ trích…

Với góc độ đó, thì lời của giảng viên T.T.T Trường Đại Học Duy Tân cũng chính là lời phản biện xã hội mà cô muốn truyền lại cho sinh viên của mình. Nhưng “Trứng khôn hơn vịt”, sinh viên đã “hạ nốc-ao” giảng viên của mình.

Cô giảng viên cho rằng “Có dân nước nào chạy 1.500km về quê, như vậy hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém đúng không?”. Công chúng thử điểm lại đánh giá vừa rồi để thấy cô giảng viên đã đúng sai thế nào?

Tháng 07/2021, khi TP.HCM và các tỉnh lân cận áp dụng giải pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 16+, thì hàng vạn người dân nhập cư tại TP.HCM và các tỉnh lân cận chợt thấy mình là người thừa thải, nằm ngoài sự chăm lo của chính quyền. Các gói cứu trợ hàng nghìn tỷ đồng đã ở đâu trong cái túi rỗng của họ? Biết bao nhiêu nỗi lo lắng về nơi ăn, chốn ở, dịch bệnh đe dọa… sẽ được giải quyết như thế nào đã là những câu hỏi lơ lửng không thể giải đáp. Họ đành chọn sự tự giải đáp theo cách khó nhất và vất vả nhất là tay xách, nách mang, bồng bế cả con thơ… chạy xe máy, xe công nông, xe ba gác và đi bộ… hàng trăm, hàng nghìn km trên các con đường quốc lộ ra phía bắc, lên tây nguyên, xuôi miền tây để hồi hương “tị nạn” là sự vạn bất đắc dĩ.

Khi ly hương đến các đô thị miền Nam, chưa một ai trong số họ nghĩ đến viễn cảnh ngày trở về của họ theo cách ấy.

“Nếu hệ thống an sinh” (từ của cô giảng viên T.T.T dùng) chu đáo, hiệu quả và minh bạch ngay cùng lúc với thông báo áp dụng các mệnh lệnh hành chính giãn cách xã hội làm yên lòng họ, thì chắc chắn đã không dẫn đến cuộc “tị nạn” của hàng vạn người dân như vậy.

Vậy đánh giá của cô giảng viên T.T.T về hệ thống an sinh đã sai chỗ nào?

Nhưng rất tiếc, Trường Đại học Duy Tân, đã hành xử đầy thủ cựu, đi ngược với tinh thần Duy Tân lịch sử của cụ Phan Bội Châu khi sớm ra quyết định sa thải giảng viên T.T.T.

Hạ tuần tháng 05/2016, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ, ông Obama có lời phát biểu trước cử tọa người Việt “Tôi vẫn nghe những lời chỉ trích hàng ngày. Nhưng chính sự giám sát đó, những cuộc tranh luận công khai, chỉ ra những điểm không hoàn hảo của chúng tôi, và cho phép tất cả mọi người có tiếng nói đã giúp chúng tôi phát triển mạnh mẽ hơn, thịnh vượng hơn và công bằng hơn”.

Ông Obama không phát biểu những điều tương tự khi thăm các quốc gia khác ngoài Việt Nam. Có lẽ công chúng dễ đoán ra lý do.

Trên thế giới, không có dân tộc nào lại không mong muốn được “phát triển mạnh mẽ hơn, thịnh vượng hơn và công bằng hơn” như nước Mỹ của ông Obama. Dân tộc này cũng vậy! Nhưng những ai? Cơ chế nào? Sẽ làm điều đơn giản nhất là bắt đầu lắng nghe những lời “Trung ngôn nghịch nhĩ” để dân tộc này được cất cánh, khi mà sau phát ngôn sẽ không đặt họ sau song sắt nhà tù vì những tội danh “Vi phạm quyền tự do dân chủ”, hay “Tuyên truyền chống Nhà nước”?

Trở lại với bạn sinh viên Trường Đại học Duy Tân. Hôm nay, trong cơn say men chiến thắng khi hạ nốc-ao một giảng viên đại học, thì bạn ấy đã không biết mình đang góp phần tạo nên điều gì cho thế hệ mình: Ngu dân.

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Thi Sĩ Bùi Chí Vịnh

    Đất nước cần những cô giáo Thơ như vậy
    Những cô giáo không “rút ống thở” mọi người như “facebook bác sĩ Khoa”
    Cô giáo tên Thơ nhưng không ngủ vùi trong… thơ mộng
    Mà biết mở mắt xót xa trước nỗi nhục sơn hà

    Thực ra cô giáo có quyền “phớt tỉnh Ăng-lê” hoặc “kiếm chuyện làm quà”
    Giống vô số đồng nghiệp “gù lưng” vì miếng cơm manh áo
    Cô có quyền đứng trên đèo Hải Vân “vô cảm” hái hoa
    Ngắm dòng người chạy dịch như bầy cừu lơ láo

    Tại sao các quốc gia trên thế giới đều đề cao lòng nhân đạo
    Tại sao ở đất nước cô, súc vật sướng hơn người
    Tại sao Nguyễn Trãi nói: “Lấy chí nhân mà thay cường bạo”
    Nhưng cuối cùng ba họ bị… đầu rơi ?

    Trích nguồn mạng

  2. Chỉ xin đóng góp một ý nhỏ: Cụ Nguyễn Trãi làm quan dưới thời Hậu Lê (do Lê Lợi tức vua Lê Thái Tổ dựng nên) chứ không phải Tiền Lê (do tướng Lê Hoàn hay vua Lê Đại Hành dựng nên)

  3. “Khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” chẳng phải để cho vui. Chính quyền “của dân, do dân và vì dân” chẳng phải chỉ là khẩu hiệu”

    Holy xít, i did not know that. Cảm ơn luật sư Đặng Đình Mạnh đã “khai trí” cho tớ thấy . Ông này đem ra làm khai trí được vì ổng thật sự tin vào mấy khẩu hiệu của Đảng .

    “hàng chục vạn Gián nghị đại phu làm việc không lương dưới màu áo phản biện xã hội”

    Có phải lũ này “chín người thì mười ý” hông ? Nếu thế thì cần thêm 1 chức gián nghị gián nghị tiểu phu, chuyên nói 4 chữ “cho i can du” or “shut the Phúc up”, tùy hoàn cảnh . mi rít vô phê is the latter, how about ya?

    Chuyện quan “gián nghị đại phu” Cộng Sản hổng phải là 1 ý tưởng tồi tệ -nhứt, actually its not that bad . Có nghĩa its bad, but not that bad. Nếu Đảng nghe theo lời khuyên này, đây là kiến nghị của tớ . Như mọi chức vụ khác trong Đảng, it need qualifications, và quan trọng nhứt, hổng có những qualifications giời ơi đất hỡi kiểu ố Cống, Pluh-Eez! Để cụ thể hóa & cũng trong tinh thần “Đổi Đúng” thay vì “Đổi Mới” -1 ý cũng của ls Đặng Đình Mạnh- may i suggest đầu tiên người đó phải trung thành với chủ nghĩa Mác-Lê & tư tưởng Hồ Chí Minh dạng ô la zin. Chỉ có thế mới bảo đảm mỗi lần Đảng “sẹ sẹ” phản bội chủ nghĩa Mác-Lê & tư tưởng Hồ Chí Minh, quan gián nghị đại phu Cộng Sản sẽ la to “Uh-uh, dont even Phúc Kđinh think about it”.

    Nếu Đảng làm được điều này, im all for it.

    “Hôm nay, trong cơn say men chiến thắng khi hạ nốc-ao một giảng viên đại học, thì bạn ấy đã không biết mình đang góp phần tạo nên điều gì cho thế hệ mình: Ngu dân”

    No Star Where. Bạn í hãy tự hào . Cho tới ngay bây giờ men chiến thắng giải phóng miền Nam vẫn được các trí thức đem ra nhậu với nhau . Và mọi người vẫn kính trọng họ . Chuyện “ngu dân” … i mean Đamn, 45 năm trí thức nhà ta say men chiến thắng . Nói chung no star where & no fo go thui .

  4. Một vài bài, một vài còm xót thương thân phận cô giáo Thơ, tán thán, oán trách chế độ rồi cũng nhẹ nhàng theo cơn gió thoảng trước cơn lốc bất tận ” tất cả cần ôn hòa để cùng mần ăn”
    Chỉ biết trách cô Thảo, cũng như thầy Khoa ” trẻ người non dạ. Ngựa non háu đá, xanh và non lắm….” Trách cô Thảo, thầy Khoa sao không học tập tấm gương mấy zvị giáo sư, tiến sĩ, nhân sĩ trí thức ” Rùa mù đớp kiếm” là cần ” ôn cái hòa cho đỡ nhọc. Vừa la làng đấu tranh vừa mần ăn với đảng” để rồi tất cả các quý zdị Í đều đã có ATK, rổn rảng mê sảng nói cười ” khai trí, chấn hưng dân khí…”
    Rồi đây không việc, không ai nhòm nghó, sống thế nào đây. Nhân sĩ trí thức họ chỉ biết thí Pháp, chớ còn tài vật họ vẫn đang còn kiếm tìm thí lấy đâu ra mà bảo họ Thí Tài Vật

  5. Hành vi của cậu sinh viên khiến chúng ta nhớ lại thời Cải cách ruộng đất ở miền Bắc khi mà con bị xúi giục tố cha, vợ bị xúi giục tố chồng.
    Hành động bất nhân này tưởng đã hết. Nhưng không, nó vẫn được nuôi dưỡng cho đến ngày nay khi “BS Khoa” rút ống thở của mẹ và được nhiều người khen ngợi đến cậu sinh viên giăng bẫy thày cô mình.
    Không biết rồi đây đạo đức xã hội ở xứ này sẽ đi về đâu, khi bạo lực công an, dân phòng, bạo lực tinh thần ngày càng mang bộ mặt của một con quái vật.

  6. Không nghe lời nói thẳng, đất nước này đang bị trị vì bởi một bạo chúa.

    Sau vụ án bánh mỳ, người ta đang truy tìm xem ai đã phát tán đoạn video này lên mạng.

    Rõ ràng là không chỉ có một đại học Duy Tân.

Leave a Reply to Kim Nguyen Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây