Vụ “Giấy Đi Đường” bộc lộ chất lượng bộ máy quản lý hành chính

Ngô Ngọc Trai

10-8-2021

Để ràng buộc người dân ở yên trong nhà tránh tập trung đông người, thành phố Hà Nội quy định người đi ra đường phải có giấy đi đường được cấp bởi cơ quan đơn vị, mới đây lại thêm yêu cầu giấy đi đường phải có xác nhận của UBND xã phường.

Điều này thành ra lại làm tăng thêm công việc buộc phải đi lại của dân chúng và biến trụ sở UBND xã phường thành nơi tập trung đông người tăng nguy cơ lây nhiễm.

Sau phản ứng rộng khắp của dư luận thì chỉ sau một ngày thực hiện chính sách về Giấy đi đường đã phải sửa lại.

Điều này cho thấy chính sách ban hành thiếu khả năng dự liệu, không phù hợp với thực tiễn, cho thấy người soạn thảo ban hành quan liêu không thấu hiểu đời sống.

Sự việc này một lần nữa cho thấy vấn đề về năng lực quản lý hành chính.

Mới đây trong một bài báo có tiêu đề “Để phát triển bứt phá Việt Nam cần khắc phục điểm nghẽn quản lý hành chính” xuất phát từ những vấn đề của dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông tôi đã chỉ ra điểm nghẽn của quản lý hành chính.

Trong đó đặt ra câu hỏi rằng các đơn vị đã thẩm định tính toán triển khai dự án như thế nào mà để xảy ra sự việc dự án đường sắt chậm trễ như hiện nay.

Từ đó tôi chỉ ra lỗi của khối hành chính công vụ của các ban ngành quản lý đã dẫn đến chất lượng yếu kém của một dự án, từ đó cho rằng cần đặt ra yêu cầu về cải cách trong việc tuyển dụng bổ nhiệm bộ máy hành chính.

Nay vụ Giấy đi đường cũng thêm là một minh chứng cho thấy sự cần thiết phải cải cách trong tuyển dụng bổ nhiệm bộ máy hành chính công vụ.

Lâu nay việc tuyển dụng bổ nhiệm chỉ dựa vào năng lực chuyên môn hay còn vì các yếu tố chính trị khác, khi đó sẽ làm giảm mặt bằng năng lực chất lượng của các đơn vị.

Mới đây tôi đọc được cuốn sách của tác giả Francis Fukuyama nói về quá trình cải cách nền hành chính công vụ của các nước Mỹ, Anh trước kia.

Thông tin cho biết thời trước ở các nước họ cũng tồn tại nền hành chính thân hữu bảo trợ với việc cất nhắc bổ nhiệm dựa vào thân quen và ủng hộ chính trị.

Bộ máy hành chính công sau đó được cho là đã không đáp ứng được những đòi hỏi của tầng lớp trung lưu đô thị ngày một đông đảo, gồm những lãnh đạo chính trị, những nhà báo, những thương nhân đô thị, cộng đồng kinh doanh .v.v.

Tất cả đều đòi hỏi một nền hành chính công vụ chất lượng hiệu quả trong các vấn đề như quản lý ngân sách, dịch vụ công ích, phòng chống tội phạm, xử lý sự cố.

Những điều chỉ có thể đạt được dựa trên việc tuyển dụng theo năng lực thực tài và tách bạch nền hành chính công vụ với hệ thống chính trị đảng phái.

Tác giả Fukuyama cho biết, các chính sách cải cách ban đầu cũng gặp phải nhiều lực cản do truyền thống thói quen cố hữu khó bỏ.

Nhưng bằng những nỗ lực thúc đẩy của các chính trị gia có tầm nhìn cùng nhu cầu thiết thân của những nhóm xã hội tiến bộ mới đã giúp công việc tiến triển tới thành công.

Mô hình về tuyển dụng qua thi tuyển và cạnh tranh công bằng dựa trên năng lực đã trở thành mô hình chuẩn cho các nước trên thế giới về sau.

Ở Việt Nam lâu nay việc tuyển dụng công chức cũng thông qua thi tuyển theo thông lệ chung của thế giới.

Nhưng bộ máy nhân sự tạo lập không hoàn toàn chỉ dựa vào thi tuyển công bằng, và những vị trí nhân sự quản lý được bổ nhiệm không hoàn toàn chỉ dựa vào năng lực cạnh tranh.

Sau một quá trình phát triển biến đổi đời sống xã hội, hiện nay đã có những nhu cầu đòi hỏi khác về nền hành chính công vụ, mà vụ Giấy đi đường là ví dụ hệ quả.

Tác giả Francis Fukuyama trong cuốn sách về trật tự và suy tàn chính trị đã cho biết, thể chế quản lý hành chính là những mẫu hình hành vi kéo dài được tạo ra để đáp ứng nhu cầu của một giai đoạn lịch sử cụ thể.

Nhưng các xã hội, nhất là những nơi đang có đà tăng trưởng kinh tế lại không đứng yên một chỗ.

Nhiều tầng lớp xã hội mới được tạo ra, các công dân được giáo dục và những công nghệ mới được áp dụng đã gây ra những xáo trộn.

Nếu thể chế quản lý hành chính không điều tiết bản thân để đổi mới thích ứng cho phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng suy tàn.

Điều đó rất không có lợi cho phát triển mà một đất nước như Việt Nam cần phải tránh cho bằng được để có những bước phát triển bứt phá.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Vụ “Giấy Đi Đường” bộc lộ chất lượng bộ máy quản lý hành chính”

    Nhưng chất lượng bộ máy quản lý hành chính lại phản ảnh dân trí . No Star Where.

    “Nhưng các xã hội, nhất là những nơi đang có đà tăng trưởng kinh tế lại không đứng yên một chỗ”

    No Star Where. Việt Nam ta, theo tiến sĩ Tô Văn Trường, rất “độc lập”, aka hổng giống ai . Có đà tăng trưởng nhưng vẫn đứng yên 1 chỗ không phải là điều gì mới lạ đ/v Việt Nam .

    “Nếu thể chế quản lý hành chính không điều tiết bản thân để đổi mới thích ứng cho phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng suy tàn”

    Nhưng không có nghĩa nó sẽ xụp đổ . Muốn nó xụp đổ cần phải có những ý muốn chống lại nó . None exist. Cần phải có những lực với mục đích lật đổ nó . None exist. Ngược lại, có những ý muốn duy trì sự sống cho nó tới vĩnh viễn . Why the Phúc nó phải thay đổi khi hổng ai chống lại & muốn nó lật đổ ? i wouldnt.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây