“Rút ống thở” dưới khía cạnh pháp lý

Đặng Đình Mạnh

8-8-2021

Euthanasia hay “Cái chết êm dịu” là thuật ngữ y khoa sử dụng trong trường hợp bác sỹ giúp cho bệnh nhân được chết nhẹ nhàng thoát khỏi những cơn đau đớn, vật vã do bệnh nan y hoặc rơi vào tình trạng vô vọng, vô phương cứu chữa…

Hiện nay, trên thế giới thì Châu Âu đã là nơi có nhiều quốc gia chấp nhận giải pháp “Cái chết êm dịu” nhất để miễn trừ trách nhiệm cho bác sỹ khi họ giúp bệnh nhân… chết, như Thụy Sỹ, Pháp, Thụy Điển, Anh, Áo, Đức, Na Uy, Đan Mạch. Mỗi quốc gia có những quyết định khác biệt nhau về cách áp dụng giải pháp này.

Thế nhưng, cũng tại Châu Âu, nơi được xem là cởi mở nhất cho giải pháp “Cái chết êm dịu” thì vẫn còn nhiều quốc gia khác cấm triệt để giải pháp này như Ý, Romania, Hy Lạp, Bosnia, Serbia, Croatia, Ba Lan và Ailen. Theo đó, “cái chết êm ái” bị coi là hành vi giết người. Hình phạt có thể lên đến 15 năm tù.

Phần còn lại của thế giới đều chưa chấp nhận việc hợp pháp hóa cho giải pháp “Cái chết êm dịu”.

Quan điểm chung hiện nay, sự sống hay cái chết là do bàn tay của tạo hóa. Con người không có quyền thay mặt tạo hóa để tước đoạt đi sự sống của người khác, kể cả vận dụng “Cái chết êm dịu” như là một giải pháp nhân đạo.

Y khoa Việt Nam thuộc về phần còn lại của thế giới chưa chấp nhận “Cái chết êm dịu” là một giải pháp nhân đạo cần hợp pháp hóa.

Thế nên, trong ngành y Việt Nam hiện nay, luật pháp không cho phép sự tồn tại của câu chuyện rút ống thở của người này giúp cho người kia khi mà việc rút ống thở đồng nghĩa với việc gây nên cái chết của bệnh nhân. Trừ khi, người bị rút ống thở không còn cần đến nữa do đã chết hoặc sức khỏe đã hồi phục đến mức không cần ống thở nữa.

Câu chuyện của bác sỹ Khoa rút ống thở của người mẹ khiến bà chết sau đó, để nhường ống thở cho sản phụ song thai nếu có, chỉ là câu chuyện vụ án. Mà hậu quả pháp lý có thể biết trước một cách khá rõ ràng. Vị bác sỹ Khoa, ngôi sao vụt sáng của cộng đồng mạng sẽ sớm trở thành bị can, bị khởi tố hình sự với tội danh “Giết người”. Bài viết kể về câu chuyện của chính ông trên Facebook sẽ có giá trị là lời nhận tội, một trong các chứng cứ ban đầu để giúp cho cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố ông.

“Giết người” là một tội danh hình sự nghiêm trọng, có hình phạt rất nặng, mức cao nhất có thể lên đến chung thân, tử hình. Cho nên, bên cạnh việc khởi tố ông, chắc chắn cơ quan điều tra sẽ cân nhắc đến khả năng tạm giam trong quá trình điều tra.

Tuy vậy, việc ông “nhường” ống thở cho sản phụ sinh song thai, nếu được đánh giá là có kết quả tích cực, mang lại sự hồi sinh cho ba nhân mạng gồm sản phụ và hai trẻ sơ sinh. Thì điều đó chắc chắn là tình tiết giảm khinh, giúp giảm nhẹ một phần hình phạt. Sự đánh giá, dĩ nhiên do một hội đồng giám định y khoa được trưng cầu kết luận.

Với tôi, giá như biết từ đầu là hư cấu thì đấy vẫn là một câu chuyện nhân ái sâu sắc về việc nhường ống thở của chính mẹ mình để mang lại sự hồi sinh cho ba người khác. Rõ ràng, tác giả đã rất biết khai thác tình tiết câu chuyện khi sáng tạo chi tiết đứng trước sự lựa chọn quá nghiệt ngã giữa một bên tuy chỉ là sự sống mong manh và vô vọng nhưng lại là mẹ ruột máu mủ tình thâm, và bên kia tuy chỉ là người dưng nước lã, nhưng là đến 3 sinh mạng. Quyết định của vị bác sĩ là sự lựa chọn vĩ đại, tỉnh táo nhưng đầy nhân ái.

Cho nên, thật dễ hiểu khi câu chuyện dễ đi vào lòng người, khiến công chúng rúng động nhân tâm mà quên đi những tiểu tiết vô lý trong câu chuyện.

Bác sỹ Khoa đã sớm đóng facebook để trở thành một nhân vật giả tưởng khó truy tầm và có lẽ cũng không cần truy tầm nữa khi câu chuyện đã bị cơ quan chức năng xác định là hư cấu. Không phải là câu chuyện thật thì cũng không còn cơ sở để trở thành vụ án thật nữa.

Câu chuyện thì giả, nhưng xem ra, hai nhà báo chủ động tiếp tay giúp lan truyền câu chuyện giả để mua nước mắt công chúng và tệ hơn, phá nát lòng tin của công chúng vào câu chuyện nhân ái thì lại rất thật. Danh tính hai nhà báo cũng rất thật, chức vụ và cơ quan của họ cũng rất thật.

Công chúng chia sẻ hoang tin bị phạt. Vậy nhà báo thì sao? Và là cán bộ nhà nước, thậm chí phó tổng biên tập một tờ báo chuyên ngành pháp luật thì sao?

Tôi nghĩ, cơ quan chức năng sẽ không để trống những câu hỏi ấy quá lâu.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Giả thử bệnh nhân bị rút ống thở, bị hy sinh cho mạng sống của người khác kia, thay vì là mẹ thì là con đẻ của ông bs,
    thì liệu ông ta có nỡ lòng rút ống thở không?!
    Tôi nghĩ là không. Không ai nỡ xuống tay kết thúc mạng sống đứa con vô tội của mình, nhân danh bất cứ gì. Vì đó là bản năng sinh tồn – giữ cho giống loài không bị diệt vong: bảo vệ con trẻ.
    Vậy có thể nói ông bác sĩ nầy thuộc hạng vô ơn đối với bậc sinh thành chỉ vì một mặc cảm tự tôn đạo đức giả về đức cao thượng hy sinh;
    trong tiềm thức ai dám bảo ông ta không muốn nổi tiếng vì “nghĩa cử hy sinh” nầy?

    Thí bỏ mạng sống người thân – anh, chị, em, cháu… đã là khó.
    Là sinh mạng của cha/mẹ thì thật không thể tưởng tượng nổi. Vô đạo đức, máu lạnh!

    Nhưng xét cho cùng, kẻ đáng lên án nhất chính là kẻ tiêu pha thả cửa tiền thuế của dân phục vụ ăn chơi phè phởn, xây sân golf, tượng đài, resort, nâng cao chất lượng sống cho một thiểu số giàu có…
    nhưng lại không lo đủ cho sức khoẻ người dân, không sắm đủ máy thở cho nạn nhân covid…
    Trong đại dịch nền kinh tế quốc dân bị chựng lại, dân khốn khó, nhưng nhà nước vẫn tăng thu, giảm chi, là một nghịch lý tố cáo thực trạng nhà nước không vì an sinh của dân, chỉ biết tận thu bóc lột.
    Toàn cảnh cái phi lý của sự việc bất ngờ “dân hy sinh cho nhau” đang gây nên sự giằng xé giữa những mâu thuẫn nhân đạo, khiến khó lòng phán xét, kết án ai, và đâu là điều phải đạo.
    Tuy thế cũng không khó để người dân nhận ra…
    Kẻ đáng bị kết án chính là bọn đang nắm toàn bộ của cải xã hội trong tay và mặc sức hoang phí thâm lạm một cách vô trách nhiệm, vô cảm và vô nhân đạo vậy!

Leave a Reply to SaKim Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây