Một truyện ngắn cũng không biết bình mà viết cả pho sách dạy phê bình văn học

Phạm Đình Trọng

4-8-2021

Pho sách được khoe trên mạng xã hội Giáo Trình Viết Phê Bình Văn Học nếu của bất kì ai khác là điều bình thường, không làm tôi ngạc nhiên. Nhưng pho sách khổ lớn, dày dặn, dạy viết phê bình văn học lại của người đọc một truyện ngắn cũng không nhận ra thông điệp của truyện, không hiểu truyện, hiểu sai, phê bình sai là điều rất không bình thường và chất lượng pho sách dạy viết phê bình văn học kia là rất đáng ngờ dù người viết sách có học vị tiến sĩ văn chương, học hàm giáo sư cấp phó, dạy khoa viết văn, viết báo trường đại học Văn Hoá Hà Nội.

Giáo Trình Viết Phê Bình Văn Học. Tên pho sách mở ra một đại dương chữ nghĩa, một đại dương kiến thức văn chương. Một giọt nước biển cũng phải mang vị mặn của biển. Giọt nước nhạt thếch thì không thể lấy từ biển mà chỉ là nước từ vòi nước máy công nghiệp có sẵn trong mọi nhà hoặc từ ao hồ nơi nào cũng có mà thôi. Coi bài phê bình một truyện ngắn của ông tiến sĩ văn chương, phó giáo sư viết sách dạy phê bình văn học như giọt nước. Thử vị mặn của giọt nước sẽ biết pho sách vênh vang, ngạo nghễ dạy đời: Giáo Trình Viết Phê Bình Văn Học có phải là đại dương chữ nghĩa, đại dương kiến thức văn chương hay chỉ là những điều sáo rỗng, mòn cũ, nhạt nhẽo, vô vị, nhảm nhí.

Báo Văn Nghệ hội Nhà Văn Việt Nam có thông lệ tết Nguyên Đán đến lại có số báo Tết dày dặn, đặc sắc cùng với một phụ bản tập hợp mười truyện ngắn hay nhất đã đăng Văn Nghệ trong năm. Mỗi truyện được chọn đăng lại được một người làm nghề văn chuyên nghiệp có lời bình chỉ dẫn cho người đọc thưởng thức, nhấm nháp cái hay, cái thú vị của truyện ngắn chọn lọc. Phụ bản mười truyện ngắn chọn lọc tết hàng năm trở thành một đặc sản, một món quà tết độc đáo của tờ báo văn chương quốc gia.

Trong mười truyện ngắn được chọn lọc ở phụ bản báo Văn Nghệ Tết Nhâm Ngọ 2012 có truyện ngắn Hàng Xóm của cô gái trẻ Chu Thuỳ Anh. Truyện hơi tẻ nhạt vì không khai thác yếu tố hấp dẫn mà đánh thức suy nghĩ.

HÀNG XÓM

Truyện ngắn CHU THUỲ ANH

Hàng xóm này cụ thể là hàng xóm ở đối diện. Tầng có tất cả chín nhà, quây quanh cái cầu thang máy. Thực ra thì không có nhà nào thực là đối diện nhà nào cả, nhưng nhìn chênh chếch vẫn có thể thấy được cửa nhà nhau. Nhà này, là hàng xóm nhìn chênh chếch có thể thấy được cửa nhà ông. Cũng tức là, nhà ông, nhìn chênh chếch thấy được cửa nhà ấy.

Thường thì các nhà cửa đóng then cài cẩn mật. Không hẳn vì sợ trộm, trộm cắp làm sao đi qua được phòng bảo vệ ở tầng một, ấn thang máy qua mười ba tầng lên đến tận đây, rồi làm sao phá được khoá cửa sắt để vào nhà, thật cũng lắm gian nan. Nhưng là thói quen thế, nhà nào cũng khoá cả cửa sắt bên ngoài và cửa gỗ bên trong. Giữa cửa sắt và cửa gỗ có năm mươi phân cách biệt, không hiểu người ta thiết kế như thế để làm gì, năm mươi phân thì để vừa được gì và ai cần để cái gì giữa cửa sắt và cửa gỗ.

Thực ra chẳng có nhà nào để gì cả, trừ nhà hàng xóm ấy. Mỗi lần ông nhìn chênh chếch sang, đều thấy mấy đôi dép xếp thẳng hàng. Bốn đôi người lớn và hai đôi trẻ con vào ngày nghỉ. Hai đôi người lớn vào giờ hành chính ngày trong tuần. Lại đủ bốn đôi người lớn và hai đôi trẻ con sau sáu giờ chiều. Chỉ có nhà ấy là xếp dép vào khoảng năm mươi phân giữa hai lớp cửa. Có khi là dép, có khi là giày. Nhìn cỡ thì biết có một bé trai và một bé gái đâu đó tầm mươi mười ba tuổi. Nhưng ông cũng chỉ biết đến thế. Ông sống ở đây một năm trời rồi mà chưa nhìn thấy nhà hàng xóm ấy bao giờ. Những hàng xóm khác thì có thỉnh thoảng gặp, cười cười “bác ạ” rồi ai khép cửa nhà nấy. Riêng nhà có sáu đôi dép thì chưa bao giờ thấy cửa mở, chỉ có những đôi dép lần lượt đảo chỗ cho nhau.

Thực ra ông chẳng cố tình nhìn vào nhà ấy làm gì. Mỗi người đã có cửa của mình, ai bước vào cửa nấy. Chẳng qua chỉ một lần vô tình lúc mở cửa, hôm ấy chắc giở giời, người ngợm thế nào cứ uể oải, làm gì cũng chậm chạp hơn, ông bỗng thấy đôi dép xỏ ngón màu hồng có nơ be bé, ở bên kia cửa sắt nhà chênh chếch đối diện. Giống như là đương lướt mắt qua cả vệt hành lang, cái nhìn bỗng mắc lại ở chỗ nơ hống ấy. Đôi dép xinh xinh chắc của bé gái độ tám, mười tuổi, chắc bằng tuổi cháu ông. Cháu tuần về chơi với ông một lần. Tuần nào bố mẹ nó bận thì có thể may mắn hơn, cháu sẽ được gửi qua đêm với ông; hoặc, có thể ít may mắn hơn, vì bận mà chẳng buồn đưa cháu về nữa. Nhưng đúng lịch thì một tuần sẽ có một lần hai ông cháu gặp nhau. Bố mẹ nó về đây ăn uống thăm hỏi một ngày, rồi sáu ngày tiếp theo ông lại tự ăn uống thăm hỏi một mình, chờ đến chủ nhật. Cái gì là quen rồi thì cũng thấy bình thường thôi. Hàng ngày ông dậy vào giờ của ông, ăn uống kiểu của ông. Cách một ngày có một người đến dọn dẹp, chuẩn bị đồ ăn cho ông. Ông vẫn còn khoẻ, vẫn tự cho mọi thứ vào lò vi sóng, hoặc bắc bếp làm nóng được. Ông có hội cờ tướng của ông, có hội tập thể dục hàng sáng và hàng chiều của ông. Nói thực lòng là thi thoảng cũng mong ngóng chủ nhật lắm. Nhưng để sống cho qua được sáu ngày để đến chủ nhật tiếp theo cũng không phải là khó khăn, vì ông đã quen rồi. Hơn nữa người già ở thế này cũng tiện, mọi thứ trên một mặt bằng, không lên xuống cầu thang, đỡ lo ngã. Ông cũng được sinh hoạt cái kiểu của ông.

Chỉ có hôm ấy, chắc vì giời đổi tiết, thành ra mắt ông mắc lại ở cái nơ hồng be bé ấy. Ông nhìn đôi dép một hồi lâu, nhìn sáu đôi dép một hồi lâu, rồi từ tốn khép cửa, khoá lại cẩn thận trước khi bước vào thang máy. Ông xuống nhà đi dạo ba vòng hít thật đầy khí trời buổi tối, mát lành dễ chịu. Thế mà đêm ấy vẫn trằn trọc mãi không sao ngủ được.

Từ hôm ấy ông bỗng chú ý đến nhà hàng xóm có sáu đôi dép hơn.

Ông từng chờ rất nhiều lần xem nhà hàng xóm của mình là ai. Ở chung cư này đa phần là các gia đình trẻ, có vài nhà như ông, sống một mình. Rất hiếm những gia đình nhiều thế hệ. Nên cái cửa ấy càng làm ông tò mò hơn. Thế nhưng hình như hàng xóm cứ chờ ông bận bịu đâu đó không ngó ra cửa được thì mới đi ra đi vào. Bẵng đi một cái, ông lại thấy đôi dép xếp lại rồi, lần nào ông cũng tiếc rẻ vì những việc linh tinh mà không gặp hàng xóm của mình được. Ông có cả một ngày để làm những việc linh tinh, thế mà thế nào lại toàn lỡ dịp gặp hàng xóm, lại là hàng xóm đặc biệt, kể cũng thấy tiếc.

Cho đến một ngày, khi ông đã thôi ý định ngồi ngóng ra cửa chỉ để gặp hàng xóm, thì bỗng dưng lại gặp bà. Bà bé nhỏ, chắc quãng tuổi ông, hoặc nhiều ít hơn đôi chút. Ông gặp bà trong thang máy, lên cùng một tầng. Đôi mắt bà đỏ hoe, đầu mũi cũng đỏ. Bà im lặng không nhìn ai, chờ mọi người ra hết rồi mới bước ra khỏi thang, di về cửa căn hộ ấy. Bà bước vào nhà, bên cạnh một đôi dép đàn ông đã xếp sẵn ở cửa, giờ xếp thêm đôi dép phụ nữ. Ông cứ đứng nhìn từ cửa nhà mình, vì bất ngờ quá. Ông đã chờ đợi bao nhiêu lần để gặp được hàng xóm của mình, đã mường tượng ra cảnh cả gia đình họ ríu rít dắt nhau vào thang máy thế nào. Đâu ngờ một ngày gặp được hàng xóm, lại là một người đàn bà bé nhỏ vừa rấm rứt khóc xong.

Vì ông có cả một ngày để làm những gì mình muốn, có đến sáu ngay như thế trong tuần, nên ông không thể thôi suy nghĩ về chuyện làm thế nào gặp lại hàng xóm của mình. Vào cái tuổi ấy mà khóc hẳn phải vì lí do gì ghê gớm lắm, Dỗi chồng dỗi con hay bị ngược đãi. Ngoài cửa trông vào tưởng là êm đềm thế, bên ngoài nghe ngóng cũng chẳng thấy cãi cọ bao giờ. Nào có ai ngờ. Ông không biết có nên báo tổ dân phố không. Thực ra ở chung cư thì tổ trưởng dân phố cũng chỉ để một năm đi dạo vài vòng quanh các nhà. Hơn nữa ông chưa biết cụ thể việc gì diễn ra, bỗng dưng đi báo cũng buồn cười. Chẳng lẽ bảo rằng trong thang máy tôi gặp bà ấy sống ở số nhà ấy mắt đỏ hoe như thế ấy, bác tổ trưởng đi kiểm tra tình hình gia đình văn hoá giúp tôi? Mà thực ra từ khi về sống ở đây đến giờ ông đã bao giờ gặp tổ trưởng dân phố đâu. Lần nào có ai ấn chuông ông cũng coi như không có người ở nhà, không mở. Các loại hoá đơn nhờ trả hết ở phòng quản trị tầng một. Không ai bước vào nhà ông được. Ông không muốn ai nhìn thấy một tủ giày chỉ có vài đôi cùng một cỡ, của ông.

Thế nhưng ông muốn sang ấn chuông nhà hàng xóm ghê gớm. Sự tò mò về sáu đôi dép lớn một, thì tò mò về đôi mắt ướt nhẹp đỏ hoe của bà hàng xóm phải lớn gấp mười. Ông cứ nghĩ mãi, ở cái tuổi này còn gì có thể làm cho người ta khóc? Trừ sự tủi thân. Hoặc mất mát. Nhưng sau hôm ấy sáu đôi dép vẫn xếp ngay ngắn vào đúng khoảng thời gian như mọi khi. Không có gì xáo trộn. Nhìn từ ngoài cửa, nghe từ hành lang, thì căn hộ ấy vẫn sống cùng một nhịp cứ như bà lão chưa bao giờ khóc cả.

Đến một ngày, nghĩ mãi vẫn chẳng có cớ gì, nhưng ông vẫn sang ấn chuông nhà hàng xóm. Là cứ ấn thế chứ không mong có ai mở cửa cho mình, mà có mở ông cũng không biết phải nói câu gì. Thế mà rồi cửa lại mở. Bà lão he hé cửa chào ông. Ông, bất ngờ quá, không biết nói gì, tự dưng lại xin bà một phích nước.

Phiền bác quá, ấm đun nước nhà tôi bỗng dưng lại hỏng, các cháu thì đi làm hết rồi, thèm ấm trà mà không pha được. . .

Thế là bà lão mở hẳn cửa ra. Mời ông vào.

Ông được mời trà ngay ở căn hộ bên ấy, không cần xin phích nước về nhà mình nữa.

Căn hộ náy áng chừng cũng rộng như căn hộ của ông, cũng ngần ấy cánh cửa khép. Nhà có trẻ con mà gọn gàng ngăn nắp. Trên bàn để mấy khung ảnh, có một cái ảnh bà lão với con chó con, chụp chừng đã lâu lắm rồi; còn lại là rất nhiều ảnh chó, hình như cùng một con, qua những năm tháng khác nhau. Bên bậu cửa số có mấy cây hoa lốm đốm những chấm xanh lơ.

Bà mời ông dùng trà, hỏi han những câu rất cơ bản như khi người ta đi hết một hàng cau, qua cái cổng duối, bước vào sân là có thể hỏi nhau. Bà hỏi ra bác cũng ở đây, bác ở đây lâu chưa, các cháu công tác thế nào . . .

Câu chuyện bắt đầu như thế. Mắt bà hôm nay không đỏ. Thế nên ông không biết phải bắt đầu cái phần chính yếu của sự tò mò như thế nào. Uống hết cả ấm trà (thực ra đã lâu lắm rồi ông không uống, thế này khéo đủ mất ngủ nguyên một tuần), câu chuyện vẫn do ông kể. Rằng tôi sống bên nhà ấy, số ấy, các cháu công tác ổn, các cháu có một cháu gái rồi, à mà cháu gái tôi chắc bằng cháu gái bà, tự dưng ông buộc miệng thế. Xong im lặng. Nào ông đã gặp cháu gái bà bao giờ. Bà cũng im lặng. Ông không biết nói sao đành thú thật mình đã nhìn rất lâu, rất nhiều lần vào sáu đôi dép, trong đó có một đôi xỏ ngón nơ hồng, mà ông đồ rằng chắc của cháu gái bà.

Bà vẫn không nói gì.

Ông thấy cứ lặng như thế này, ở tầng mười bốn thậm chí không có cả muỗi bay để nghe tiếng vo ve, thật là nghẹt thở quá. Rốt cuộc ông đứng dậy, nói cố một câu trước khi về:

Thực ra tôi ở đây có một mình thôi. Các cháu cuối tuần mới về.

Bà một lúc mới cất lời, chẳng ngước lên nhìn ông:

Thực ra tôi ở đây cũng có một mình thôi. Tôi thậm chí chẳng có các cháu để cuối tuần về. Sáu đôi dép tôi tự mua tự xếp đấy. Để tự thấy rằng mình ấm áp.

Ông đứng lên rồi lại ngồi xuống. Nhìn bà. Kinh ngạc

Bà dừng một hồi rồi tiếp: Trước đây tôi còn có con chó nhỏ, sống cùng với tôi từ mười bốn năm nay, từ trước cả khi chuyển về đây ở. Về đây biết là người ta cấm nuôi động vật, nhưng tôi vẫn nuôi giấu. Tôi nuôi nó từ thuở lọt lòng, nó coi tôi như mẹ, tôi coi nó như con, không có nó tôi chẳng có ai. Nhưng đến nó cũng ra đi rồi. Tôi đành đem chôn. Có mỗi tôi khóc cho nó. Tôi cũng chỉ có mỗi nó để khóc mà thôi.

Bà nói một hơi dài mắt từ từ ậng nước. Ông chuyển từ kinh ngạc sang bối rối. Ông đã sang ấn chuông vì muốn nhìn sâu hơn một chút vào cửa căn hộ này. Trước cửa có xếp sáu đôi dép, bốn đôi người lớn và hai đôi trẻ con.

Ông xoay xoay cốc trà đã cạn, không biết làm gì với bà lão mắt đã lại đỏ hoe, vết đỏ lan ra đến tận đầu mũi. Xoay cốc đủ hai mươi chín vòng thì ông nói, rồi dứt khoát đứng lên đi về trước khi vệt đỏ ấy lan sang cả mắt rồi tràn xuống đầu mũi ông mất.

Xin phép bác, chủ nhật cho ông cháu tôi sang đây xin phích nước.

Hết truyện

***

THÔNG ĐIỆP CỦA TRUYỆN, tiếng chuông gióng lên từ truyện cảnh báo nỗi cô đơn của con người trong văn minh đô thị. Một ông già lủi thủi một mình trong căn hộ chung cư. Cuộc sống của ông chỉ là mong chủ nhật con cháu đến mang lại chút niềm vui ngắn ngủi. Thời gian mong ngóng chậm chạp và thừa thãi, buộc ông phải chú ý đến điều đặc biệt trước cửa căn hộ chếch trước cửa nhà để rồi ông phải nhận ra bà già trong căn hộ đó còn cô đơn, buồn thảm, tội nghiệp hơn ông nhiều.

Trong cô đơn, hàng ngày bà già cứ âm thầm sắp xếp, đỗi chỗ sáu đôi dép như một gia đình có bốn người lớn, hai đứa bé, sáng chiều vẫn đi về. Bà sắp xếp sáu đôi dép như sắp xếp nỗi thèm khát một gia đình đầm ấm đông vui. Chẳng có người thân, bà nuôi con chó để chia sẻ yêu thương. “Tôi coi nó như con. Không có nó tôi chẳng có ai. Nhưng đến nó cũng ra đi rồi. Tôi đành đem chôn. Có mỗi tôi khóc cho nó. Tôi cũng chỉ có mỗi nó để khóc mà thôi.” Cô đơn đến vậy là tận cùng cô đơn rồi!

Đăng Hàng Xóm vào Tết đoàn tụ để nhắc nhở rằng nhà nhà sum họp đầm ấm đông vui xin đừng quên những phận người cô đơn, bất hạnh.

Không nhận ra thông điệp, giá trị nhân văn của truyện, nhà nghiên cứu phê bình văn học leo trèo lên đến tiến sĩ, phó giáo sư văn chương chỉ thấy chi tiết nhỏ mà không thấy vấn đề lớn truyện đưa ra. Chỉ thấy sự vật được truyện đặc tả mà không thấy mạch ngầm của truyện nên chỉ biết bám vào chi tiết nhỏ, bám vào vật nhìn thấy mà bình tán vu vơ, đưa đẩy. Vì truyện đã được chọn lọc nên nhà phê bình không tiếc lời tâng bốc, khen lấy được. Xin đọc Lời Bình cùa nhà nghiên cứu phê bình in kèm theo truyện:

LỜI BÌNH

Truyện nén đọng, kiệm lời. Giống một áng thơ. Tứ truyện nằm ở chi tiết: một dãy bốn đôi dép người lớn, hai đôi dép trẻ con, trong đó có đôi dép xỏ ngón thắt nơ hồng của bé gái xếp hàng ngay ngắn trước cửa nhà hàng xóm. Giỏi quá. Nó là hình ảnh ẩn dụ về một gia đình đầy đủ gồm ba thế hệ: ông bà, vợ chồng và hai đứa trẻ một gái một trai. Cao hơn, nó là ẩn dụ về một tổ ấm hạnh phúc. Cũng từ ao ước về một tổ ấm hạnh phúc mà nhân vật cụ ông đã nhận ra dãy dép rồi tò mò đi tìm sự thật đằng sau chúng. Cuối truyện mới vỡ lẽ, hoá ra là không phải, hoá ra là một bày đặt. Cụ bà bày đặt một trò chơi: ngày ngày xếp các đôi dép và tráo đổi trật tự của chúng. Bởi chơi với dép, nên là một cuộc chơi cô đơn tuyệt đối. Tứ truyện độc sáng và buồn.

Người viết truyện đã đặt cả tấm lòng thiên tính nữ vào trong hình ảnh dãy dép có đôi dép thắt nơ hồng ấy. Hay nói khác hơn, chỉ có tấm lòng thật đôn hậu, tinh tế mới có thể cảm thấu cái đẹp ẩn kín trong những sự vật rất đỗi thường ngày như vậy. Cả ba nhân vật: cụ ông, cụ bà và người kể chuyện đã làm nên cái thế chân kiềng vững chãi ấp iu ngọn lửa tình người.

Vóc dáng truyện nhỏ xinh. Hồn cốt truyện nặng đằm. Câu chuyện đóng kén trong lòng người đọc.

Nhà NCPB VĂN GIÁ

Vì người viết là nữ nên nhà phê bình phán bừa: “Người viết truyện đã đặt cả tấm lòng thiên tính nữ vào trong hình ảnh dãy dép có đôi dép thắt nơ hồng ấy”. Thiên tính nữ gì ở đôi dép đính nơ hồng nhỉ?

Buổi đầu của văn minh đô thị, cá nhân vui sướng được tách ra khỏi bầy đàn, được nhìn nhận và khẳng định sự có mặt trong cuộc đời đã qua lâu rồi. Trong Hàng Xóm, văn minh đô thị đã phát triển đến mức cá nhân được tuyệt đối hoá đến thành cực đoan. Trong sự tuyệt đối hoá của cá nhân, không ít người già đã bị gạt ra bên lề cuộc sống. Không phải chỉ cô đơn, trong Hàng Xóm, hai người giá còn ở tâm thế vô cùng chênh vênh, lay lắt, bấp bênh. Hoàn toàn không có “thế chân kiềng vững chãi ấp iu ngọn lửa tình người” nào cả!

Cảm thụ nghệ thuật cần có cảm hứng, rung động. Tâm hồn xơ cứng, trơ lì, không có năng lực thẩm thấu văn chương, nhà phê bình phải mượn hình ảnh sáo mòn, ngôn từ mùi mẫn, sáo hình, sáo ngữ chẳng ăn nhập gì với truyện: “Cả ba nhân vật: cụ ông, cụ bà và người kể chuyện đã làm nên cái thế chân kiềng vững chãi ấp iu ngọn lửa tình người”.

Phân tích tác phẩm văn học là phân tích nhân vật để thấy nghệ thuật dựng nhân vật cũng là nghệ thuật dựng truyện. Không phải là tự truyện, Hàng Xóm là truyện hư cấu, người viết không phải là nhân vật trong truyện, không có vị trí trong truyện. Người viết như đạo diễn bộ phim, đạo diễn vở kịch, ở ngoài khuôn hình, ở ngoài sân khấu, không thể nhảy vào truyện để “Cả ba nhân vật: cụ ông, cụ bà và người kể chuyện đã làm nên cái thế chân kiềng vững chãi”. Nhân vật truyện chỉ có hai người già, nhà phê bình phải biến cả người viết thành nhân vật truyện để có “cái thế chân kiềng”. Lí luận văn học nào cho nhà phê bình biến tác giả truyện thành nhân vật truyện vậy?

Như người mù không nhìn thấy đường phải khua gậy dò đường. Có khi vô tình khua đúng hướng: sự cô đơn. Nhưng chỉ là cú khua dò đường hú hoạ, vô tình chạm vào, lại vô tình bỏ qua, tiếp tục khua gậy lung tung. Nào là trò chơi sắp đặt. Nào là thiên tính nữ đôn hậu. Nào là thế chân kiềng vững chắc tình người! Rồi vung vãi những lời khen vu vơ, dễ dãi, lạc lõng, sáo rỗng: Nén đọng! Kiệm lời! Áng thơ! Vóc dáng truyện nhỏ xinh! Hồn cốt truyện nặng đằm! Câu chuyện đóng kén trong lòng người đọc! Như phường Sơn Đông mãi võ quảng cáo thuốc cao đơn hoàn tán!

Một truyện ngắn cũng không bình nổi, bình sai mà viết cả pho sách dạy phê bình văn học ư? Giáo trình phê bình văn chương đã có nhiều người viết. Người trong nước, ngoài nước. Người thời nay, thời xưa. Đã có nhiều pho sách kinh điển dạy nguyên lí, lí luận văn học, đưa ra giáo trình phê bình văn học. Cảm thụ nghệ thuật ít nhiều cũng phải có phẩm chất nghệ sĩ là sự rung động. Không cảm hứng, không rung động, không có khả năng phát hiện cái hay cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật thì lại đi cóp nhặt, sao chép, vay mượn phát hiện của người khác làm của mình mà thôi! Như đã từng vay mượn hồn cốt lời bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến làm lời thơ của mình vậy!

_______

Một số hình ảnh:

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. Ngô văn Giá kkk,
    Ngô là bắp, giá là giá đậu, giá đỗ. Phê bình một truyện ngắn còn chưa ra hồn mà dám đao to búa lớn hả. Gs ts ở xứ thiên đường nó thế đấy thưa tác giả kkk.

  2. Phê bình đúng người đúng việc nhưng hình như nhà văn PĐT.hiểu lầm một chữ
    (một dấu đúng hơn) nên đã viết “không phải là tự truyện’ chăng ?
    Thật ra là TỨ (dấu sắc) thay vì TỰ (dấu nặng) ?
    Trân trọng.

      • Bác ơi ! Tứ ở đây không phải là 4 mà là Ý TỨ,Bác đọc ở ngay
        duới Lời Bình mà PĐT.trích dẫn trong bài trên : ” Truyện nén
        đọng,kiệm lời.Giống một áng thơ. TỨ TRUYỆN nằm ở chi tiết…”


  3. Sao Thế vận hội Đông Kinh chưa tàn … mà Quốc phục lại vừa trao ? ? ?
    *******************************

    https://www.youtube.com/watch?v=hsVjHr4DqIk
    The world can unite as One “KIMONO Project”

    Thế hội chưa tàn Quốc phục trao
    Kimono Mỹ bóng chày siêu sao
    Thành phố Thiên Thần Hồ Ly Vọng
    Kimono Pháp thắt lưng thoa giao
    Ba mầu Quốc kỳ Xanh Trắng Đỏ
    Tự do Công bằng Huynh đệ giương cao
    Kimono Nga chú ngựa gù cổ tích
    Hồ Thiên Nga phi thuyền không gian sao
    Kimono Đức bánh răng công nghệ nặng
    Quốc hoa Thi Xa nở ngát hương trào

    https://www.youtube.com/watch?v=jjD06pnb1aE
    【The Dream Comes True】KIMONO Project Completed 213 KIMONO – KIMONOプロジェクト完成記念

    Kimono Vệ lưỡi Liềm Búa tạ ?
    Phúc fuc*k chính phủ kiến tạo tào lao
    Tào Tháo ‘rượt đuổi’ chính fủ điện tử
    Kimono Vệ toàn 0 chẳng thấy 1 nào !
    Toàn 0 huy chương lỗi lãnh đạo
    Vận động viên Việt thương làm sao !!!
    Quan đỏ quan nhớn bé tham nhũng
    Vận động viên ta ốm đói xanh xao !!!
    Thương lắm ơi Vận động viên Việt !!!
    Như thương Chiến sĩ biển đảo sóng gào
    Súng vẫn chặt tay chờ hải tặc Đại Hán
    Thương lắm ơi Vận động viên Việt !!!
    Như thương Tù nhân Lương tâm thanh cao
    Vẫn giữ trọn Tâm hồn Cao thượng yêu Nước
    Bất khuất sau song sắt Ánh Trăng vào

    Thương lắm ơi Vận động viên Việt !!!
    Như thương hàng triệu ly nông ly hương gian lao
    Con đường Cái Quan oằn mình chở nặng
    Đoàn lữ hành ly nông ly hương lệ thầm trào
    Về Quê tránh Đại dịch siêu vi trun..g c..uốc
    Như hàng tỷ Lương dân trên Trái đất – Mẹ đảo chao
    Chiến tranh Vi trùng cố làm xổng chuồng virus
    “Bất chiến tự nhiên thành” Tôn tử mưu cao
    Thâm độc ác hiểm không cần 1 phát súng
    Hàng tỷ Lương dân + Trái đất – Mẹ vỡ toang nào !

    Giữa Đại dịch Thế vận hội Đông Kinh đứng tấn
    Xin đa tạ Xứ Mặt trời mọc cho Tình Nhân loại vươn cao
    Tâm tình Dân tộc Nhật Bản lắng sâu trầm tưởng
    Thế vận hội Đông Kinh chưa tàn … Quốc phục vừa trao
    Tự tình Dân Nhật như Phú Sĩ Sơn vươn cao trời thẳm
    Thế vận hội Đông Kinh chưa tàn … Quốc phục vừa trao

    http://universite-digitale1.com/wp-content/uploads/2018/05/MeVietNam.jpg
    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây