“Công bằng trong tiếp cận vắc-xin”

Lê Quang

1-8-2021

Ở Việt Nam bây giờ muốn cho người dân sử dụng sản phẩm gì đó nhiệt tình thì đó phải là một sản phẩm nhuốm màu “yêu nước” (xin tạm để trong ngoặc kép để đưa nó về miền ý nghĩa đặc thù). Đùa tý cho vui nhưng đó là một hiện thực.

Một chiếc điện thoại sản xuất 100% công nghệ của TQ, linh kiện của TQ, lắp ráp tại TQ, khi về đến VN, chỉ cần dán logo của một tập đoàn yêu nước vào là bán chạy như tôm, giá cao hơn sp gốc bên Trung cũng được.

Các hệ thống tuyên truyền đã thuộc bài này nên đừng lấy làm bất ngờ khi sắp tới có khẩu hiệu tiêm vắc-xin là “yêu nước”. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi liều vắc xin là một viên đạn (đại khái vậy). Tuy thế chả lẽ lại có tâm lý kén chọn “yêu nước bằng loại nào” dựa trên tâm lý kén chọn vắc-xin?

Đối với tâm lý kén chọn vắc-xin, thật ra ở đâu cũng có nhưng cá nhân tôi thấy rằng ở Việt Nam tâm lý này nặng nề. Sự nặng nề ấy, không nằm ở việc người dân kén cá chọn canh mà có lẽ nó nằm sâu xa trong nhận thức và ám ảnh về sự “phân biệt đối xử” hay là tình trạng “ưu tiên ngầm” vốn đã diễn ra ở khắp nơi, từ văn phòng công sở nhà nước cho tới các hội đoàn. Nó tạo ra tâm lý lợi ích, bè phái mà người thấp cổ bé họng không tránh khỏi mặc cảm, tự ti.

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ

Tâm lý ấy bị kích hoạt khi mọi người nhìn nhận vắc-xin là yếu tố sống còn, là biểu hiện cho giá trị của anh, thứ bậc của anh trong xã hội và không có ai có thể chấp nhận mình ở dưới đáy cả. Vâng nghe có vẻ rất tiêu cực nhưng hãy nói rằng tôi sai nếu như rất nhiều các lãnh đạo cao cấp không tiêm Pfizer – như thừa nhận của một giám đốc bệnh viện lớn mà báo chí có đưa tin.

Ở Đức, tâm lý kén chọn ít hơn. Dù chính là nước sở hữu BnT Pfizer nhưng thú thực là vào khoảng 2 tháng trước Pfizer vẫn chưa áp đảo tại các trung tâm tiêm chủng. Trước đó hồi tháng 3, rất nhiều người có bệnh nền vẫn được chỉ định tiêm AS (AstraZeneca) cho tới khi xuất hiện một vài ca biến chứng thì một loạt người có tiền sử tiểu đường phải hoãn lại để tiêm Pfizer. Mặc dù vậy, tâm lý chờ đến đúng loại vắc-xin mình muốn là biểu hiện thưa thớt.

Để có được tâm lý thoải mái này, tôi phải thừa nhận rằng cần đạt được sự công bằng, minh bạch trong tiếp cận vắc-xin. Ví dụ như vào tháng 2-3, thanh niên không ai đả động gì tới vắc-xin bởi đều biết rằng các nhóm ưu tiên đang được tiêm trước (bao gồm người già, y bác sĩ, điều dưỡng viên và những người có bệnh nền). Đó chính là khái niệm “công bằng” thực sự. Công bằng không phải là cào bằng hay ưu tiên một ai đó vì đã đóng nhiều tiền. “Công bằng” là đảm bảo nguồn vắc-xin tới đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng đang chịu nguy cơ cao nhất.

Đảm bảo được điều đó thì người dân vui lòng ngồi vào chỗ của mình trên hàng ghế đợi. Thật ra người ta có ý thức về việc hệ thống của mình là một hệ thống sạch sẽ, minh bạch chứ họ không quan tâm lắm tới việc mình sẽ thực sự dùng vắc-xin gì.

Đến khi các trung tâm tiêm chủng bắt đầu thực hiện đăng kí tự do (sau khi đã hoàn thành xong các đợt tiêm cho đối tượng ưu tiên) thì nó dẫn tới quá tải ngay lập tức. Thanh niên ở các thành phố lớn đổ đi tiêm rất đông, cho đến giữa tháng 5, phần lớn vẫn tiêm AS. Đồng nghiệp, bạn bè tôi 70% tiêm loại vắc-xin này, cả trung tâm tiêm chủng lẫn các phòng khám tư đều kín lịch. Thậm chí cá biệt chú bé Canada bạn tôi khi xếp hàng chờ khám đau cơ vai, bỗng có bà bác sĩ ra vận động hỏi ai có muốn tiêm không thì vào tiêm luôn không cần đặt hẹn do lượng huỷ hẹn nhiều và vắc-xin thì “sắp hết hạn sử dụng”. Thế là chú bé vào tiêm luôn, về VP còn đi khoe khắp nơi vì pha vắc-xin nhặt được giữa đường như vậy.

Tất nhiên tâm lý chung của cả thế giới là thích Pfizer hơn nhưng thật ra nó không tới mức độc đoán, đặc biệt ở Đức, bởi vì chính Thủ tướng Đức cũng tiêm AS cơ mà. Đó là một hành động có chủ đích để trấn an người dân về độ minh bạch của chính sách. Người ta nghĩ bụng rằng, à, bây giờ người già họ cần Pfizer thì mình dùng AS cũng được, đó mới thực là sự “công bằng” trong lòng người. Người ta dành cái nhìn trìu mến tới những nhóm đối tượng nguy cơ cao: người già, y bác sĩ chứ không phải là một ai đó đã chi tiền để đạt được sự “công bằng”. Khái niệm này chỉ tồn tại trong nhận thức của con người mà thôi, họ thấy hợp tình hợp lý thì đó là công bằng.

Cá nhân tôi khi đăng kí tiêm chủng, cũng chọn AS vì lúc đó Pfizer chưa nhiều. Sau đó ông bác sĩ riêng của VP thông báo rằng những ai chưa đến lịch tiêm với trung tâm thì ra ông ý tiêm cho. Vậy là tôi huỷ hẹn chỗ trung tâm để tiêm ở chỗ này vì sẽ được làm sớm hơn 1 tháng. Lúc này cá nhân tôi nghĩ rằng sớm hơn thì tốt hơn chứ không đặt nặng loại vắc-xin nào. Cuối cùng bác sĩ hợp đồng với VP nhận được lô Pfizer và cả VP tiêm theo (trừ những ai đã tiêm trước đó qua trung tâm tiêm chủng của bang). Có nghĩa là trong VP, có sếp thì tiêm AS, có sếp tiêm Pfizer, có nhân viên tiêm AS, có nhân viên tiêm Pfizer, có nhân viên bị bệnh nền thì tiêm từ tận tháng 3 mà có sếp do ham đi du lịch nên giờ mới tiêm mũi đầu. Không có đặc quyền hay phân biệt đối xử. Lúc này ta gọi đó là “công bằng”.

Cho tới tháng 8 này, Berlin cho phép đi tiêm mà không cần đặt hẹn qua mạng (vì đã qua giai đoạn quá tải), người đi tiêm cũng thoải mái chọn loại vắc-xin hơn; và người ta cũng bắt đầu tiêm cho người lưu trú không có giấy tờ (bao gồm người sống vô gia cư và cả lưu trú bất hợp pháp) mà tôi đồ rằng họ sẽ không bị bê lên phường sau khi tiêm. Đó cũng là “công bằng trong tiếp cận vắc-xin” mà ta đang nhắc tới.

“Công bằng trong tiếp cận vắc-xin” là một chủ đề rộng, nhạy cảm. Tuy thế cá nhân tôi cho rằng để tạo ra được tâm lý xã hội này, rất cần tính minh bạch, rõ ràng trong phân phối. Người dân họ sẽ không bao giờ tị nạnh với người cao tuổi, họ sẽ không tị nạnh với y bác sĩ hay điều dưỡng viên, họ sẽ rất mực vui lòng ngồi vào hàng ghế đợi khi biết rằng chính sách đang thực thi hợp tình hợp lý. Người dân sẽ ít kén chọn khi họ biết rằng ai ai cũng được quan tâm như nhau, biết rằng không có phân biệt đối xử giàu nghèo hay vị trí vai trò mà người ấy nắm giữ trong xã hội. Nghe có vẻ rất dễ nhưng chỉ cần một số điểm đen về triển khai chính sách, ưu tiên, nâng đỡ, phân biệt đối xử, chúng sẽ làm lung lay niềm tin về sự “công bằng” vốn rất mong manh.

Merkel – thủ tướng của một đất nước đã tạo ra Pfizer – đã chọn tiêm AS và sau khi tiêm xong bà ấy muốn nói gì người khác cũng nghe. Đó là chính trị. Ở những nơi khác, lãnh đạo cấp thứ trưởng ngấm ngầm tiêm Pfizer và khi họ nói về “công bằng vắc xin” thì không ai thèm nghe nữa. Đó cũng là chính trị, thật sòng phẳng.

Rút cục, “công bằng vắc xin” được tạo ra nhờ sự rõ ràng và minh bạch trong điều phối, nó có ưu tiên và thứ bậc (hiển nhiên), tuy nhiên thứ bậc mà đúng khoa học, mà nhân văn thì chính hệ thống ưu tiên ấy lại tạo ra sự “công bằng”.

Trở lại cách đặt vấn đề ban đầu, “tiêm vắc xin là yêu nước”? Chớ dại mà hô hào như thế, bởi vì sau đó anh không thể trả lời được câu hỏi “vắc xin nào mới là yêu nước?” Cá nhân anh có khi đã là sự phủ nhận lớn nhất cho câu hỏi ấy bởi các chính sách mà anh tạo ra cho chính mình. Người ta sẽ hỏi anh rằng anh đã dùng loại vắc xin nào cho lòng “yêu nước” của anh?

Đó là một câu hỏi không thể trả lời nổi (ở một số nơi).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “CÔNG BẰNG” là khi CS.chưa cưóp được quyền lực bằng tuyên truyền (đi trước) và
    khủng bố (kèm theo sau),chứ nắm quyền rồi thì đừng hòng mà ngược lại,còn nhiều
    bất công hơn thời xưa mà họ từng kết án kịch liệt (cho người dân tin tưởng) với đủ
    loại ĐẶC QUYỀN ĐẴC LỢI cho giai cấp thống trị.
    Do đó,những cái goị là “kiểm điểm” quan chức hay xử phạt nguời khoe chích vaccin
    tốt “nhờ ông ngoại” chỉ là những màn kịch rẻ tiền !

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây