Nhân giỗ đầu của báo Lao động Nghệ An 30/7/2020 – 30/7/2021: “Tiếng gai hót trong bụi mận chim”

Phạm Xuân Cần

30-7-2021

Báo Lao động Nghệ An lần này được “quy hoạch”, sau 24 năm tồn tại. Tôi có hơn nửa thời gian trong số đó cộng tác với báo. Thực ra thì trước đó tôi thỉnh thoảng cũng có viết bài, nhưng chỉ từ năm 2007, tôi mới thường xuyên có bài cho báo, đặc biệt là giữ vài chuyên mục trên đó.

Rất lâu trước đó tôi thường xuyên đọc báo Lao Động (trung ương) và rất thích mục “Nói hay Đừng” của Lý Sinh Sự. Nhận thấy cách đối đáp này có nhiều đất dụng võ, để có thể châm chích được nhiều thói hư tật xấu, kể cả của quan chức và nhất là của… quan chức, tôi đã đề xuất mục “Công Nông đối thoại”, và nhanh chóng được tổng biên tập Lao động Nghệ An lúc đó là Trần Hồng Cơ đồng ý.

Thế là hàng tuần, suốt đâu bảy năm trời, thằng tôi phải phân thân ra làm hai là anh Công (với hàm ý là anh công nhân) và bác Nông (Nông dân) cãi nhau về một chuyện gì đấy. Qua cái gọi là đối thoại đó, thằng tôi tha hồ châm chích (đả kích, châm biếm), châm chọc (gây cười) và hầu như không hề biết châm chước cho ai bao giờ. Phản hồi từ bạn đọc càng tích cực thì tôi càng khổ, vì cứ phải cố viết cho hay hơn.

Hồi đầu còn viết dài, sau quen tay đã nén dần thông tin lại, càng ngắn gọn, càng rõ ý hơn. Bắt tay vào viết mới thấy cụ Lý Sinh Sự sao mà giỏi thế, ngày nào cũng “sinh sự” được, mình một tuần có một bài mà cả tuần cứ như đau đẻ. Thực ra lúc đề xuất chuyên mục này tôi cũng không nghĩ là chỉ mình mình viết.

Thế nhưng, cũng một vài người thử, nhưng nghe ra không hợp giọng, nên thành ra đúng là mình “vẽ vòng dẫm phải vòng”, cứ phải đeo đẳng nó. Cứ đến hạn chót nộp bài là mất ăn mất ngủ. Nội dung để “đối thoại” thì không khó, ngày nào, tuần nào chả có cái để mình bình luận, nhưng cái khó là lập tứ, viết sao cho nó cay, nó hóm, vừa châm và chọc được thì vô cùng khó. Có hôm đi công tác Kỳ Sơn, cả tối hôm trước đã nhịn không dám đụng đến một giọt rượu để viết cho xong bài về quan chức đánh gôn, vậy mà tịt vẫn tịt.

Mãi đến gần sáng tỉnh dậy bỗng dưng nghĩ ra cái tứ, nếu quản lý không khéo thì quan chức mang bị gậy đi đánh gôn, người nông dân cũng mang bị gậy đi… ăn mày vì mất ruộng. Vậy là ba mươi phút sau có bài “Bị gậy”, ấn nút gửi đi, sướng như mình vừa vụt được một cú “hole-in-one” (một gậy trúng lỗ). (Là nghe nói thì nói cho sang vậy thôi, chứ tôi chưa từng được sờ cái gậy chơi gôn).

Nhưng rồi, sợ cố quá thành ra quá cố, tôi đã chủ động dừng chuyên mục này trước khi bạn đọc chán nó.

Mấy năm sau, tổng biên tập lúc này là chị Nguyễn Thu Hương lại định cho ra chuyên mục nói thẳng nói thật gì đó, như một vài tờ khác. Tôi góp ý báo mô không biết, chứ Lao động Nghệ An khi mô mà không nói thẳng, nói thật? Cho nên đừng đặt tên mục như vậy, ta phải nói theo kiểu người lao động, theo kiểu người Nghệ là “Nói cho vuông”. Nữ tổng biên tập gật đầu “Rứa thì anh mần đi”. Trời ạ, già rồi còn dại, lại tự “vẽ vòng, dẫm vòng”.

Viết “Nói cho vuông” có vẻ như dễ hơn viết “Công Nông đối thoại”, vì cứ “nói trửa mặt”, không phải ý tứ châm chích, hàm ngôn, ẩn ngôn chi cả. Thế nhưng, muốn “nói trửa mặt” theo kiểu người Nghệ thì chứng lý phải chắc, hơn nữa cũng không thể nói theo kiểu chửi đổng, nói cho “đã nư” được. Vẫn phải nói một cách văn minh, đặc biệt là nói sao cho có tính xây dựng, chứ không phải xúc đất đổ đi.

Vậy là “Nói cho vuông” cũng định hình được một chuyên mục. Người ta thường nghĩ mấy ông về hưu thì thường nói mạnh. Cũng có người hỏi tôi như vậy. Nhưng, tôi lại khác. Từ khi về hưu tôi nhận thấy mình ít thông tin hơn, nhất là thông tin địa phương. Hơn nữa sau khi nghỉ hưu tôi hướng sự quan tâm của mình chủ yếu sang hướng nghiên cứu, nhất là về thành phố Vinh thời thuộc Pháp. Bởi vậy, cảm thấy nói không được “vuông” nữa, nên đã chủ động xin dừng chuyên mục.

Vài năm gần đây tôi chỉ tham gia một số bài bình luận. Đặc biệt mấy số báo tết liên tục của Lao động Nghệ An tôi đều là người được tin cậy đặt hàng viết bài bình luận mang chủ đề chính của báo.

Tính ra cho đến nay cuộc đời “nhà báo không thẻ” của tôi cũng đã có khoảng bảy tám trăm bài báo lớn nhỏ, dài ngắn đủ thể loại, trong đó đa số là viết cho Lao Động Nghệ An. Không biết mình đã đóng góp được gì cho báo, nhưng chính báo đã làm cho mình ít nhiều được người đọc biết đến.

Sau này, khi đã có chút ít tiếng tăm cũng có môt số báo, tạp chí đặt vấn đề tôi cộng tác, giữ chuyên mục cho họ, nhưng quả thật thấy mình không đủ chuyên nghiệp nên tôi đều từ chối. Có lẽ cái duyên của tôi đã được báo Lao động Nghệ An cộng hưởng. Tôi không biết bài viết của tôi nếu gửi có được các báo khác đăng hay không, nhưng tôi tin chắc rằng những bài gan ruột của tôi thì ngoài Lao động Nghệ An sẽ không có tờ nào đăng, hoặc đúng hơn là dám đăng cả.

Mười mấy năm chơi với báo, tôi biết có những kỳ báo đưa đi in thì tổng biên tập cũng tắt điện thoại để chặn mọi ý đồ nhờ hoặc can thiệp gỡ bài. Ngay cả tôi nhiều khi cũng tự hỏi, với tư cách cộng tác viên thì mình dám viết như vậy, nhưng nếu là tổng biên tập mình có dám cho đăng không? Có đến mấy năm trời Lao động Nghệ An đã là cái tên mà một vài người cứ đợi đến giao ban báo chí là “điểm danh”. Phải cương quyết và khôn khéo lắm tổng biên tập mới vượt qua những ngày không yên ả ấy, để giữ thương hiệu Lao động Nghệ An trong lòng bạn đọc. Nhiều người quý báo Lao động Nghệ An vĩ lẽ ấy.

Lần này thì chắc là số cuối cùng rồi. Tổng biên tập gọi điện cho tôi và lệnh kiểu chi anh cũng phải có bài. Tôi nói tôi viết một bài văn tế kiểu cụ Tú Mỡ của báo Phong Hóa điếu An Nam Tạp chí của bác Tản Đà ngày xưa, hay “Điếu Hà Tây tỉnh” gần đây có được không? Được thì kiểu chi cũng có bài hay. Trời ạ, anh mà mần rứa thì họ cho em chết. Ơ hay, lần này chết thật rồi còn sợ chi nữa?

Nói vậy thôi, ai lại viết điếu văn. “Sáp nhập” chứ có phải “sát nhập” (sát rồi mới nhập) đâu! Trên FB, một độc giả dùng cái tít phim “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” như một thành ngữ để nói cái sự “quy hoạch” lần này của báo Lao động Nghệ An. Tôi bèn nhại lại, nỏ phải “tiếng chim hót trong bụi mận gai” mà là “tiếng gai hót trong bụi mận chim”. Đùa mà có ý thật.

Vì lâu nay, trong tai, trong mắt của một vài người, kể cả quan chức và nhất là quan chức, báo Lao Động Nghệ An chưa bao giờ là tiếng chim lảnh lót, líu lo, ríu rít ngợi ca như rất nhiều tờ báo khác. Trong tai, trong mắt họ, Lao động Nghệ An chẳng khác gì một cái gai. Vậy thì phải nói là “tiếng gai hót…” chứ nhỉ?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “sát rồi mới nhập”

    Bây giờ, trí thức gọi “sát” rồi mới “nhập” là “thống nhứt”. Nhập xong rồi “sát” thêm mớ nữa . Từ vựng mới Việt Nam thời Bác, “sát nhập sát” = Thống Nhất ? Hoàng Tuấn Công có duyệt cho tớ không ?

    “Nhưng rồi, sợ cố quá thành ra quá cố, tôi đã chủ động dừng chuyên mục này trước khi bạn đọc chán nó”

    Thêm 1 trí thức nhận ra “phản biện” không có lợi cho sự tồn vong của Đảng, ngoài Đỗ Duy Ngọc .

    “Tôi góp ý báo mô không biết, chứ Lao động Nghệ An khi mô mà không nói thẳng, nói thật?”

    Đúng thế . Báo cách mạng mà không nói thẳng, nói thật, Nucking Futs?

    “Thế nhưng, muốn “nói trửa mặt” theo kiểu người Nghệ thì chứng lý phải chắc, hơn nữa cũng không thể nói theo kiểu chửi đổng, nói cho “đã nư” được. Vẫn phải nói một cách văn minh, đặc biệt là nói sao cho có tính xây dựng, chứ không phải xúc đất đổ đi”

    Cuốn sách về “phản biện” của ố Cống có nêu được những điều này không ? “chứ không phải xúc đất đổ đi”. Rất đúng . Đàng nào Đảng cũng là của “Ta”.

    “nhưng chính báo đã làm cho mình ít nhiều được người đọc biết đến”

    Như nhà báo cách mạng chân chính, tức hổng có “nhưng mà” gì hết

    “Trong tai, trong mắt họ, Lao động Nghệ An chẳng khác gì một cái gai. Vậy thì phải nói là “tiếng gai hót…” chứ nhỉ?”

    Gai hót cũng hay như chim họa mi trong lồng vậy

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây