Bộ trưởng Austin thăm VN: Xây dựng lòng tin để củng cố quan hệ quốc phòng

Nghiên cứu Quốc tế

Lê Hồng Hiệp

28-7-2021

Kể từ khi bình thường hóa vào năm 1995, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã cải thiện đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là một trong những nguồn đầu tư nước ngoài quan trọng nhất của Việt Nam. Kể từ năm 2018, quan hệ kinh tế song phương càng được tăng cường hơn nữa, một phần nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung dẫn đến sự chuyển hướng thương mại và đầu tư từ Trung Quốc sang một số nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Chẳng hạn, trong quý đầu tiên của năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 21,2 tỷ đô la, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư từ các công ty Mỹ như Apple và Intel, cùng với các nhà cung cấp của họ, cũng đóng vai trò then chốt trong nỗ lực của Việt Nam nhằm tăng cường hoạt động xuất khẩu và năng lực chế tạo của mình.

Trong khi khía cạnh kinh tế của quan hệ song phương đã phát triển vượt bậc, quan hệ an ninh – quốc phòng vẫn còn khiêm tốn và thiếu thực chất.

Một trở ngại lớn đối với việc làm sâu sắc hơn quan hệ quốc phòng là mong muốn của Việt Nam trong việc duy trì sự cân bằng chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, và lo ngại rằng Trung Quốc sẽ phản ứng tiêu cực nếu Việt Nam xích lại quá gần Mỹ. Đồng thời, sự ngờ vực vẫn còn vương vẩn đối với Mỹ trong một bộ phận giới lãnh đạo Việt Nam vẫn đang hạn chế quan hệ song phương. Sự thiếu hụt lòng tin này xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm cả sự thù địch trong quá khứ và sự khác biệt trong hệ thống chính trị của hai nước. Một lý do khác cũng có thể đã khiến Việt Nam chần chừ trong việc phát triển quan hệ quốc phòng song phương có thể là mong muốn được Mỹ nhượng bộ trong việc giúp giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tới Việt Nam, bắt đầu từ chiều nay (28/7), có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề thiếu hụt lòng tin và di sản chiến tranh giữa hai nước, qua đó mở đường cho hợp tác quốc phòng ngày càng mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Phù hợp với chương trình nghị sự tổng thể của chuyến đi, vốn bao gồm cả các điểm dừng ở Singapore và Philippines, Bộ trưởng Austin dự kiến ​​sẽ tái nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo Việt Nam về cam kết của chính quyền Biden đối với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, qua đó tranh thủ sự ủng hộ của Việt Nam đối với các nỗ lực của Mỹ trong việc chống lại ảnh hưởng chiến lược ngày càng mở rộng của Trung Quốc.

Để phục vụ mục tiêu này, Bộ trưởng Austin có thể sẽ khẳng định lại cam kết của Hoa Kỳ trong việc “tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam”, hàm ý rằng Hoa Kỳ sẽ không can thiệp vào chính trị nội bộ hay tìm cách thay đổi chế độ chính trị của Việt Nam. Khác biệt trong hệ thống chính trị hai nước và sự ủng hộ lâu đời của Mỹ đối với các giá trị dân chủ và tự do từ lâu đã là một mối quan ngại cho một số nhà lãnh đạo Việt Nam, những người lo ngại rằng một mối quan hệ bền chặt hơn với Mỹ sẽ làm xói mòn quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Do lo ngại này, một số người trong số họ cũng muốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, một đồng minh ý thức hệ trên lý thuyết, hơn là với Hoa Kỳ. Do đó, cam kết lặp đi lặp lại của Washington trong việc tôn trọng các lợi ích chính trị của Hà Nội, được đề cập lần đầu trong tuyên bố của hai nước về việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện hồi năm 2013, là chìa khóa cho nỗ lực của Washington nhằm trấn an các nhà lãnh đạo Việt Nam về thiện chí cũng như ý định chân thành của Mỹ trong việc tăng cường quan hệ song phương.

Một bằng chứng khác về nỗ lực của Mỹ trong việc xây dựng lòng tin với Việt Nam là việc hai bên dự kiến ký kết, trong chuyến thăm của ông Austin, một bản ghi nhớ (MOU) về việc giải quyết vấn đề di sản chiến tranh giữa hai nước. Bản ghi nhớ sẽ cung cấp cơ sở pháp lý cho việc Mỹ hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm, xác định danh tính và quy tập hài cốt của hàng trăm nghìn quân nhân Việt Nam đã hi sinh trong Chiến tranh Việt Nam nhưng vẫn nằm trong danh sách quân nhân mất tích (MIA).

Bốn mươi sáu năm sau khi chiến tranh kết thúc, vấn đề này vẫn còn mang ý nghĩa tình cảm lớn lao đối với Việt Nam, đặc biệt là gia đình của những quân nhân vẫn còn chưa được tìm thấy. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề này đang đặt ra cho Việt Nam những thách thức lớn, chủ yếu là do Việt Nam thiếu thông tin và các nguồn lực. Với việc ký Bản ghi nhớ, Hoa Kỳ dự kiến ​​sẽ cung cấp cho Việt Nam các công nghệ liên quan, bao gồm các công nghệ phân tích DNA tiên tiến, cũng như quyền tiếp cận hàng triệu tài liệu chiến tranh của Hoa Kỳ trong kho lưu trữ của họ ở cả Washington và các nơi khác, để giúp tìm kiếm và quy tập hài cốt của các liệt sĩ Việt Nam một cách hiệu quả hơn.

Cần lưu ý rằng mặc dù Mỹ coi sự hợp tác vô điều kiện của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề tù binh chiến tranh (POW) và quân nhân Mỹ mất tích là điều kiện tiên quyết cho việc bình thường hóa quan hệ song phương trong những năm 1990, nhưng Washington đã khá chậm chạp trong việc đáp ứng yêu cầu giúp đỡ từ phía Hà Nội trong việc giải quyết vấn đề tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của mình. Tuy nhiên, sau nhiều năm trì hoãn, Washington hiện đã có động lực mạnh mẽ hơn để cuối cùng có thể giúp Việt Nam giải quyết vấn đề này.

Quyết định của Hoa Kỳ, dù chủ yếu dựa trên các lý do nhân đạo, cũng được thúc đẩy bởi các tính toán chiến lược. Vốn coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong việc chống lại sự bành trướng chiến lược của Trung Quốc vào Đông Nam Á, Mỹ rất quan tâm đến việc có được các mối quan hệ quốc phòng ngày càng mạnh mẽ và thực chất hơn với Việt Nam, chẳng hạn như quyền tiếp cận lớn hơn đối với các cơ sở quân sự của Việt Nam, đưa Việt Nam tham gia các cuộc tập trận do Mỹ tổ chức, hoặc bán vũ khí cho Việt Nam. Giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề tìm kiếm hài cốt liệt sĩ sẽ loại bỏ một trở ngại mang tính biểu tượng chính trị mạnh mẽ đối với hợp tác quốc phòng song phương.

Việc ký Bản ghi nhớ, cùng với các thỏa thuận trước đây của Mỹ nhằm giúp giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh khác mà Việt Nam đang đối mặt, chẳng hạn như rà phá bom mìn chưa nổ và tẩy rửa dioxin, sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa sự hòa giải giữa hai cựu thù và xây dựng lòng tin lẫn nhau. Điều này, đến lượt nó, sẽ tạo tiền đề cho hai nước tiến hành các hoạt động hợp tác quốc phòng thực chất và có ý nghĩa hơn trong tương lai. Do đó, việc ký Bản ghi nhớ có thể sẽ là kết quả quan trọng nhất trong chuyến thăm Việt Nam ngày hôm nay của Bộ trưởng Austin.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Cũng là quan hệ cựu thù sau chiến tranh, quan hệ Mỹ Nhật đẩy nước Nhật lên thành một cường quốc kinh tế .
    Quan hệ Mỹ Việt đẩy Việt Nam trở nên một cường quốc về ngạo nghễ tự hào.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây