Sài Gòn ngày phong tỏa thứ mười hai: Chuyện ổ bánh mì và nỗi lo còn đó

Đỗ Duy Ngọc

20-7-2021

Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4phần 5 phần 6phần 7phần 8phần 9phần 10phần 11

Trên mạng xã hội và dư luận ở Việt Nam ngày hôm qua, có lẽ từ bánh mì và lương thực là từ được nhắc đến nhiều nhất. Và nhân vật Trần Lê Hữu Thọ, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa, tỉnh Khánh Hòa bỗng dưng nổi tiếng như cồn. Nổi đến độ giờ đây lên google gõ “bánh mì không phải là lương thực” sẽ cho ra kết quả 25.900.00 tin liên quan trong 0,57 giây.

Nó bắt nguồn từ việc một ông quan bé cấp phường tên Thọ ở tỉnh Khánh Hoà bắt một anh thanh niên trẻ ra đường mua thức ăn trong ngày giãn cách. Anh mua bánh mì. Luật không cấm người đi mua lương thực, thực phẩm và hàng hoá thiết yếu. Thế nhưng, anh quan bé này cho rằng bánh mì không phải là lương thực nên bắt anh nhỏ về đồn sau một hồi nói qua nói lại.

Clip từ lúc câu chuyện bắt đầu xảy ra ở ngoài đường cho đến khi vào văn phòng phường đều do chính anh Thọ này ghi lại làm bằng chứng tâng công nên có độ chân thực tuyệt đối và Thọ cũng không ngờ clip đó lại khiến dư luận phẫn nộ chống lại mình. Gậy ông lại đập lưng ông, chẳng còn chi để chối cãi và lãnh đạo cũng không còn cách gì để bênh vực thuộc hạ của mình như đã từng xử lý lâu nay.

Không chỉ bảo bánh mì không phải là lương thực để bắt phạt, giam xe, thu giấy tờ của cậu nhỏ. Anh phó phường này còn xúc phạm người khác khi mỉa mai cho rằng cậu nhỏ ở trên núi à, trên núi mới xuống hả? Có ý chê cậu này quê mùa không biết bánh mì không phải là lương thực. Ở đâu ra cái thói khinh miệt, phân biệt dân của cán bộ thế? Lại còn hăm doạ tác động để đuổi việc cậu nhỏ. Sau đó cậu bị đuổi thật. Hèn thế!

Dân Việt Nam từ Bắc vào Nam, từ quê đến tỉnh, từ vùng núi cho đến đồng bằng không ai là không biết đến bánh mì. Nó là loại thực phẩm phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đó là loại bánh được chế biến từ bột mì hoặc ngũ cốc nướng lên. Và đích thị nó được nằm trong danh mục lương thực và thực phẩm.

Khi tên quan bé cấp phường tên Thọ nói rằng: “Bánh mì đâu phải lương thực, thực phẩm. Lương thực là gạo, rau củ, muối cá, thịt… những cái thức ăn. Bánh mì là món ăn luôn rồi! Từ ngữ lương thực không phải vậy. Em lên google search ra mới hiểu được“. Hắn đang giảng điều ngu ngốc mà cứ tưởng là hay lắm, trí tuệ lắm.

Người ta thường bảo dốt thì ưa nói chữ là thế. Thật ra trong vụ này, nổi bật lên không phải ở chỗ sự thiếu não của ông quan bé mà thể hiện sự lạm quyền, ưa sách nhiễu nhân dân, muốn tỏ quyền uy, hạch sách người khác của đại bộ phận quan chức, cán bộ từ nhỏ đến to trong hệ thống công quyền ngày nay. Với lối định nghĩa bánh mì không phải là lương thực, tên Thọ cho thấy y là người vô học, thái độ cư xử của người dân như thế thể hiện y là kẻ ỷ mạnh hiếp yếu, đê hèn, ưa thể hiện quyền lực.

Giao cho một kẻ vô học, thất phu như thế có chút quyền hành thì chỉ khổ dân thôi. Một kẻ trong đầu rỗng không, vừa dốt vừa không có tâm mà lại có quyền thì nó hung hăng lắm, muốn chứng tỏ uy quyền ghê lắm. Khổ thay trong xã hội ta lúc này lúc nhúc những đám người như thế này.

Mùa dịch, phong toả, giãn cách là một biện pháp để ngăn ngừa và chống dịch. Là người dân, ai cũng phải có trách nhiệm chấp hành. Nhưng cuộc sống phải có những nhu cầu sinh hoạt cho nên bắt buộc có người phải ra đường để giải quyết. Nhiệm vụ của người được giao quyền lực là ngăn chận nhưng trong cái lý phải còn cái tình, không vì cố phạt cho được để thu tiền dân mà nên giải thích cho dân hiểu và cũng tuỳ trường hợp mà xử lý. Cái thói lạm quyền ăn sâu vào trong đầu của mấy ông nội được ban cho chút quyền nên cứ như Hồng vệ binh ở bên Tàu.

Và cũng từ chuyện bánh mì của ông quan Thọ này, người ta tự hỏi sao trong hệ thống chính quyền của nhà nước này lại thu nạp một kẻ tướng tá, tác phong, ngôn ngữ như dân xã hội đen, như tay đứng bến xe, bến đò, như mấy kẻ đòi nợ thuê nhan nhản ở khắp phố phường thời nay.

Xem mấy tấm hình của y, người ta không nghĩ đây là một viên chức hành chánh của nhà nước đang quản lý và điều hành một phường ở một thành phố khá lớn và nổi tiếng của Việt Nam. Người ta cứ nghĩ đó là một tay giang hồ. Mà suy cho cùng, tổ chức của xã hội ta giờ có khác chi chốn giang hồ. Không thiếu kẻ thi hành pháp luật hành xử như tên Thọ này. Nỗi lo vẫn còn đấy.

Tội nghiệp cậu nhỏ, lúc đầu cậu cũng cứng cỏi lắm. Nhưng rồi bị thu giấy tờ, giam xe, doạ nạt cậu đành nhẫn nhục, xuống nước. Ngồi nghe giảng biết kẻ đang nói ngu bỏ mẹ mà vẫn cứ phải gật đầu thấy thương. Cái thế của dân ta bây giờ là vậy thôi, biết sai mà đố dám cãi.

Thật tội cho dân mình khi phải bị trị bởi những quan ngu. Rồi cậu ta bị đuổi việc. Nhưng xã hội bất bình, ra tay giúp cho cậu ta sớm có việc làm. Rồi trước áp lực của dư luận, công ty cũ của cậu ta lại nhận cậu nhỏ về làm việc lại. Ít ra cũng còn chút lẽ phải để vui trong mùa dịch vật này.

Cũng hôm qua được xem một clip về một anh chủ nhà mặt tiền giúp cho một cậu thanh niên chạy Grab bị hư điện thoại. Clip chỉn chu quá, hình ảnh tốt quá lại có phụ đề ở dưới khiến nhiều người xem cho là dàn dựng. Ừ, có thể là chuyện thực mà cũng có thể là dàn dựng. Nhưng một câu chuyện hư cấu đầy tính nhân văn, một vở kịch dạy cho người ta làm điều thiện, một cuộn phim cho người xem một bài học ứng xử tốt với đồng bào mình cũng là điều cẩn thiết chứ. Tất cả cũng là diễn đấy thôi.

Đọc tin một gia đình ở quận 10, đã có ba sinh mạng tử vong chỉ trong vòng nửa tháng vì cúm Tàu. Xót xa quá. Một sinh linh vừa chào đời đã mất. Hai bà nội, bà ngoại đến chăm cháu vì cha mẹ cháu bị đi cách ly tập trung do vướng virus cũng lần lượt lìa đời vì nhiễm bệnh. Và rồi cả nhà, họ hàng, anh em đều dương tính cả. Buồn quá.

Mà nghĩ cũng lạ, nhà nước ta dùng chữ kỳ thật chứ. Đã cách ly mà lại tập trung, hai từ ấy chỏi nhau quá mạng. Y như kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vậy. Ghép hai cái mâu thuẫn, đối chọi nhau vào một cụm, diễn dịch ra tiếng nước ngoài đố thằng Tây nào hiểu nổi.

Phong toả đã qua đến ngày thứ mười một, tin trên báo đài, phát biểu của quan chức đều cho là đã kiểm soát được dịch bệnh, bệnh viện đầy đủ thiết bị để chữa bệnh, siêu thị đầy ắp hàng hoá trên ti vi. Nhưng dân nghi nghi, thấy có gì sai sai vì cũng trên các báo, phần cuối các tin là lời kêu gọi nhân dân hỗ trợ để mua các thiết bị y tế cho các khu tập trung, cho các bệnh viện dã chiến?

Người dân cũng khó tìm được những mặt hàng thiết yếu trong các siêu thị dù phải xếp hàng chờ đợi và phải mua với giá cao. Tình hình chắc chắn phải kéo dài thêm nhiều ngày nữa, mỗi người dân tiếp tục kiên nhẫn chịu đựng và tự mỗi người phải tự bảo vệ mình và gia đình mình. Dính bệnh là một bất hạnh mà dính vào thời điểm này lại càng bất hạnh hơn vì tất cả đã quá tải.

Sức lực của đội ngũ y tế đã kiệt quệ sau một thời gian dài phục vụ. Các bệnh viện đã đầy ắp bệnh nhân. Xe cứu thương không đủ để phục vụ. Toàn xã hội đang trong cơn stress và di chứng đó sẽ còn tồn tại mãi sau cơn đại dịch này. Mong bình yên cho tất cả.

_____

Một số hình ảnh:

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. “Người ta thường bảo dốt thì ưa nói chữ là thế.” ( Trích ĐDN )
    – ( Nói thì thầm một chút ) : Vua ta rất hay nói chữ, thì sao ạ ?!

  2. “Cán bộ giải thích với anh E.: “Nhà nước cho ra đường mua mặt hàng thiết yếu là lương thực thực phẩm. Bánh mì đâu phải thực phẩm, lương thực. Lương thực là gạo, rau củ còn thực phẩm là mắm, muối, cá, thịt để về chế biến thức ăn. Chứ bánh mì nó là món ăn luôn rồi chứ không phải lương thực, thực phẩm nữa mà em cứ nói bánh mì là lương thực của em“.”
    -Cán bộ đại diện “Nhà nước”, nhân danh “Nhà nước”, giải thích chính sách cho người lao động như thế à ???!!! Cán bộ đã “Học tập & làm theo…” là như thế sao???!!!. Không lẽ đến điều tối thiểu cán bộ không biết, không hiểu rằng bánh mì, mì gói chính là thực phẩm cứu đói chữa cháy cho nhiều thành phần lao động cùng khổ, trong đó có lực lượng công nhân xây dựng đa phần là lao động tư do, với đồng lương lãnh ngày nào chỉ lo cho ngày đó. Thể chế này rồi sẽ cứ lụi tàn dần khi mà vẫn đang dung dưỡng cho những cán bộ cơ sở như thế, gần sát dân mà chẳng cần hiểu dân, chẳng cần dân biết gì, dân muốn gì, dân nghĩ gì (quan liêu, hách dịch, cửa quyền,…, còn đảng còn mình). Đừng cứ lôi “thế lực thù địch” ra đổ thừa, đôi khi cũng tội cho “thế lực thù địch” lắm, phải không các bạn đọc ạ.

  3. Bánh mì có phải là thực phẩm thiết yếu không, Nguyễn Đình Chiểu trong Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc cho ta 1 case study

    “Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ

  4. Đến giờ này, mái đầu bạc hiên ngang vẫn đang lải nhải về cái chủ nghĩa Mác Lê nin tanh mùi máu, về CNXH… thì những chuyện về ổ bánh mỳ không phải là lương thực của lũ đầu sai ô trọc cũng là chuyện đương nhiên vậy.

  5. “Y như kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vậy. Ghép hai cái mâu thuẫn, đối chọi nhau vào một cụm, diễn dịch ra tiếng nước ngoài đố thằng Tây nào hiểu nổi”

    Điều đó có cấm được tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhà mềnh vác láp tốp được Đảng các bác tài trợ đi hết diễn đàn này tới diễn đàn khác để thuyết trình đâu

    “Ngồi nghe giảng biết kẻ đang nói ngu bỏ mẹ mà vẫn cứ phải gật đầu thấy thương”

    If i had a penny. Thế này nhá, vấn đề ngu-khôn, thiện-ác, đúng-sai … ở VN chỉ dựa vào số đông . Nếu số đông nghĩ 1 chuyện là đúng thì chuyện đó là đúng . Nếu chỉ có 2 người với nhau thì dựa vào quyền lực . Ở những trường hợp khác thì cái chuẩn để dựa vào còn mơ hồ hơn nhiều, ví dụ như nếu được xem là “trí thức” này nọ thì thường được xem là đúng, là thiện, là trí tuệ, thông minh đĩnh ngộ vv … vv … Với những hệ quy chiếu mang đầy tính cảm tính như vậy, dựa vào quyền lực như chuyện bánh mì vừa qua is not so bad after all. i know đó là 1 ngụy biện/nghịch lý, nhưng ở VN thì one more wouldn’t make it any worse.

    Tớ ngưng nói về chuyện ứng xử người-với-người khi đụng tới VN sau chuyện Mai Quốc Ấn nộp Đặng Văn Hiến cho công an . Hành động của Mai Quốc Ấn không đáng nói, nhưng thái độ bênh vực của mọi người đ/v MQA mới là dấu hiệu của vô vọng . Đúng, đôi lúc tớ cũng kìm không được như chuyện thái độ của dân ta đ/v dân Việt từ Cam & thái độ dửng dưng của dân mình đ/v con nít với chế độ cách ly khá là nghiệt ngã -again, đ/v tớ- của Đảng các bác . Nhưng rõ ràng nobody give a Phúc về những chuyện như vậy . Những thái độ như vậy nói lên rất nhiều điều . Và những điều đó là gì … Ờ thì dân ta cứ việc tin những gì mình tin, hãy làm những gì mình tin là đúng, là tốt để lương tâm được thanh thản .

    Những nhận định cho rằng dịch này làm lộ ra nhiều thứ bất cập của xã hội . Nah, dont believe it one bit. Ngay cả chuyện “đạo đức giả” cũng chả ai (thèm) để ý . Oh, nước mình không tồn tại “đạo đức giả”. Cả xã hội, ai cũng nghĩ mình là đỉnh cao của đạo đức cả, nên chỉ hành động theo tiếng nói của trái tim, theo mệnh lệnh của lương tâm hay những thứ trời ơi đất hỡi như vậy . Có nghĩa “đạo đức thật” thật sự tồn tại ở VN, có điều nó có dính dáng gì tới những gì gọi là “đạo đức” không thì, như Phạm Đoan Trang đã nhắn nhủ . Nếu hổng bàn về đạo đức thì mọi chuyện OK lắm . Cứ sống không trái với “lương tâm”, thế là đủ rồi . Còn “lương tâm” mình có trái không thì … Cái nước mình nó thế thôi .

Leave a Reply to Choi Song Djong Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây