Chủ nghĩa cá nhân ở Việt Nam

Nguyễn Đình Cống

16-7-2021

Chủ nghĩa cá nhân (CNCN) có nhiều nội dung tích cực, tốt đẹp, nhưng gần một thế kỷ qua ở Việt Nam các nhà lãnh đạo và tuyên truyền cộng sản đã hiểu sai về nó và ra sức chống đối. Việc này lợi ít hại nhiều. Đã đến lúc cần làm cho người dân Việt và đặc biệt là tầng lớp trẻ hiểu rõ và phát huy sức mạnh của CNCN, đồng thời hướng sự chống đối vào những mặt xấu xa, tiêu cực của con người và thể chế.

Dưới nền quân chủ vai trò cá nhân quy tụ vào vua chúa. Dân thường chỉ được làm theo lệnh cấp trên, không có quyền tự do tư tưởng, không thể sáng tạo. Xã hội ở vào trạng thái trì trệ.

CNCN bắt đầu manh nha ở châu Âu từ thời Phục Hưng (thế kỷ 16) với sự phát triển mọi mặt của con người và đạt đỉnh cao trong Thời kỳ Khai Sáng (thế kỷ 18) với Tự do cùng lòng khoan dung cá nhân và chống lại độc quyền của vua chúa.

CNCN có nội dung triết học và nhân văn, nó đề cao vai trò và lợi ích cá nhân trên cơ sở mỗi người có lòng tự trọng, tự tin, tự lập, tự quyết, tự do, là cơ sở của mọi sáng tạo và thành công, là động lực mạnh mẽ của tiến bộ xã hội, là vũ khí và lực lượng chống lại sự độc tôn toàn trị. Vì vậy bọn chuyên chính độc tài thù ghét nó.

Nội dung cơ bản của CNCN không bao gồm những thói hư, tật xấu như ích kỷ, cửa quyền, độc đoán, tham nhũng, chia rẽ, thù oán v.v…, thế nhưng trong quá trình lan tỏa, người ta gán thêm cho nó tính vị kỷ, gắn nó với Chủ nghĩa vị kỷ và đặc biệt khi tuyên truyền cho đạo đức cách mạng của giai cấp vô sản thì người ta gán cho CNCN những thói hư tật xấu và không kể đến những tích cực của nó.

Một số lãnh đạo đảng CSVN, không biết vì thiếu trí tuệ rồi bị nhầm lẫn hay vì cố tình đánh tráo khái niệm mà đã mô tả CNCN như là tàn dư của phong kiến và tư bản, với mọi thói xấu xa đê tiện rồi ra sức tuyên truyền chống phá. Rất có thể họ thấy được những mặt tích cực của CNCN, nhưng họ không muốn công nhận vì chúng đụng chạm tới uy quyền toàn trị của họ, họ không chịu được rằng trong đất nước này lại có người giỏi hơn họ, dám đề xuất những điều khác với họ.

Về khoa học cũng như về đạo lý người ta có quyền đặt tên một khái niệm do họ phát hiện ra. Nhưng không được trùng hoàn toàn với tên một khái niệm đã được công nhận rộng rãi. Khi khái quát hóa những thói hư tật xấu thành “Chủ nghĩa cá nhân” người ta đã mắc 2 sai lầm sau:

Một là, tập hợp các thói hư tật xấu của con người không thể gọi là một chủ nghĩa theo cách hiểu thông thường (Chủ nghĩa là quan niệm, quan điểm hoặc chủ trương chính sách, hoặc ý thức tư tưởng thành hệ thống về triết học, chính trị, đạo đức, văn học, nghệ thuật).

Hai là, “Chủ nghĩa cá nhân” đang được dùng đặt tên cho một khái niệm đã có, muốn dùng nó để đặt tên cho một khái niệm mới thì phải sửa đổi, hoặc thêm bớt một chút gì đó cho khác đi. Thí dụ gọi là “Tật xấu cá nhân” hoặc “Chủ nghĩa cá nhân xấu xa” v.v…

Những người Việt có hiểu biết thông thường, được tuyên truyền nhiều đến mức khi nghe nói đến CNCN là sợ co dúm lại, không dám nghĩ đến, không dám quan hệ với người được cho là đang thực hành nó. Thế mà ngày nay, để khuyến khích việc lập nghiệp thì lại rất cần gieo vào hoặc kích thích nẩy mầm trong bạn trẻ những hạt giống thuộc CNCN. Đó là tự tin, tự phát triển bản thân, tạo ra sự khác biệt, tìm đường mới khác với lối mòn, khác với mô hình do ai đó đã làm, là chủ động trong mọi công việc. Những hoạt động như thế là xa lạ với thói quen chỉ biết chờ đợi sự chỉ đạo từ cấp trên, là ngược với kiểu cách lãnh đạo độc đoán, chỉ muốn áp đặt.

Phải chăng tuyên truyền chống CNCN, bên ngoài thì rùm beng chuyện chống thói hư tật xấu, còn bên trong ẩn chứa mưu đồ làm ngu dân về chính trị.

Thế có cần chống những thói hư tật xấu? Cần quá đi chứ. Càng phát triển những điều tốt đẹp của CNCN thì càng cần chống thói hư tật xấu. Đó là những việc như: Độc đoán cửa quyền, tham nhũng dối trá, mua quan bán tước, dẫm đạp công lý, che giấu sự thật, đàn áp phản biện, hạn chế tự do v.v…

Những thói tật ấy tuy thuộc về cá nhân là chủ yếu, nhưng được sinh ra và phát triển không phải từ CNCN mà từ một nguồn gốc khác, đó là sự độc quyền của những đầu óc kém trí tuệ mà tham lam, đó là do sự toàn trị của một bọn cơ hội. Để chống lại những thói hư tật xấu trong mỗi con người và trong hệ thống thì chính quyền nhà nước cần đề cao QUANG MINH CHÍNH ĐẠI và thực hiện TAM QUYỀN PHÂN LẬP.

Để khuyến khích các cá nhân khởi nghiệp, để có được một đất nước khởi nghiệp thì cần có những hiểu biết đúng đắn về CNCN. Lãnh đạo và tuyên truyền ngừng ngay những suy nghĩ và phát biểu nhầm lẫn về nó (quên đi, không nhắc lại những điều sai lầm do vài người lãnh đạo trước đây đã nói về CNCN).

Ở Việt Nam, dưới sự ảnh hưởng và khống chế của Chủ nghĩa Cộng sản người ta đề cao Chủ nghĩa tập thể, là một dạng đối lập với CNCN. Nào là lãnh đạo tập thể, ý kiến tập thể, quyết định của tập thể, làm ăn tập thể (Hợp tác xã nông nghiệp) v.v… Bài này chưa phân tích những đúng sai, hay dở của Chủ nghĩa tập thể mà chỉ xin nêu ra một nhận xét quan trọng về vai trò của tập thể trong phát minh, sáng chế, trong việc đề ra các chủ trương, đường lối, chính sách để quản trị và phát triển xã hội.

Phát minh, sáng chế là việc hoàn toàn do cá nhân. Tập thể chỉ tham gia đánh giá và sử dụng. Việc đề ra các đường lối, chủ trương, chính sách, chủ nghĩa (ngay cả việc đề ra Chủ nghĩa tập thể) dù ở cấp nào thì đầu tiên là do một cá nhân nêu ra. Khi người đó giữ vị trí cao nhất thì tuy có đưa ra tập thể thảo luận, nhưng phần lớn chỉ là phụ họa và đề cao cá nhân người ấy. Khi người đó giữ vị trí thấp thì ý kiến có thể được thảo luận và biến thành ý kiến tập thể hoặc bị người khác lợi dụng, trước mắt bị bác bỏ nhưng sau được đem dùng ở một dạng khác. Như vậy, trong những trường hợp vừa kể thì vai trò của tập thể rất lu mờ.

Đề nghị Hội đồng Lý luận trung ương tổ chức nghiên cứu về CNCN trong hoàn cảnh VN hiện tại, biết đâu sẽ có đóng góp để phát triển Chủ nghĩa Mác Lê.

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Whoa, báo quân đội trích Bác Hồ phản biện ô Cống

    “Nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, chủ nghĩa cá nhân là “tư tưởng mẹ” đẻ ra nhiều tư tưởng xấu, trái với đạo đức cách mạng và đạo đức công dân. Người viết: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác… Người cách mạng phải tiêu diệt nó”

  2. Tôi làm việc để tạo dựng môi trường trong đó quyền tự do hành động cho cá nhân là có vị thế lớn hơn sự kiểm soát của tập thể hoặc nhà nước, bao gồm tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do phát biểu, tự do làm báo, tự do lập hội, tự do ứng cử, tự do bầu cử, và tự do kinh doanh không bị tham nhũng quấy rầy. Có gì khó hiểu chăng?

    • Có, nếu bạn ở VN.

      Tự do yêu Đảng, kính trọng Bác Hồ, sống chiến đấu lao động & học tập theo truyền thống cách mạng, tôn trọng những giá trị cách mạng aka hổng nên đụng tới, kính trọng các trí thức cách mạng past, present & future. Không suy nghĩ, viết & hành động phản động, trái với pháp luật . Có gì khó hiểu chăng ?

  3. Nội hàm tiến bộ của chủ nghĩa cá nhân có từ lâu lắm rồi.
    Tha hồ tra cứu để biết nghĩa gốc của khái niệm này.

    Ngay tài liệu tiếng Việt, chì cần gõ hai cụm từ “chủ nghĩa cá nhân” “chủ nghĩa tập thể” cũng đủ phân biệt.

    Xin nhớ rằng các ĐCS đồng loạt kỳ thị CNCN, đánh đồng nó (tốt) với chủ nghĩa vị kỷ (xấu).

  4. Đề nghị Hội đồng Lý luận trung ương tổ chức nghiên cứu về CNCN trong hoàn cảnh VN hiện tại, biết đâu sẽ có đóng góp để phát triển Chủ nghĩa Mác Lê.
    Nếu có, giả sử là nếu có, thời chuyện thế này sẽ khiến cho mọi thứ từ trước đến nay vẫn được đảng tôn thờ như kim chỉ nam cho đường lối đảng làm theo sẽ trôi tuột vào sọt rác hết. Vì mọi cái xuất phát từ sự vĩ cuồng của mất tay chóp bu trong đảng đưa đảng đến bờ vực phá sản niềm tin như hiện nay, đều từ chủ nghĩa cá nhân độc đoán mà ra.

  5. Paradox “Phát minh, sáng chế là việc hoàn toàn do cá nhân. Tập thể chỉ tham gia đánh giá và sử dụng”

    Cái “Tập thể chỉ tham gia đánh giá và sử dụng” đó bao gồm những cá nhân . Vậy có nên phát triển chủ nghĩa cá nhân của từng cá nhân trong tập thể trong đánh giá ? 9 người 10 ý, cuối cùng cái “phát minh, sáng chế” sẽ end up đồ đỉ bo ? Chuyện anh đẽo cày come to mind.

    “Để khuyến khích các cá nhân khởi nghiệp, để có được một đất nước khởi nghiệp thì cần có những hiểu biết đúng đắn về CNCN”

    Thêm 1 nghịch lý . Ở xứ tư bản, 1 cá nhân hoặc 1 nhóm cá nhân khởi nghiệp có 1 vision, viễn kiến . Và “khởi nghiệp” có nghĩa họ quy tụ bằng thuê mướn 1 tập thể để thực hiện cái viễn kiến của họ . Cái “tập thể” thực hiện 1 viễn kiến của người khác có quyền được phát triển chủ nghĩa cá nhân không ? Và nếu được thì tới độ nào để cái vision có thể improved nhưng vẫn intact? Nếu để chủ nghĩa cá nhân phát triển vô tội vạ tới độ ảnh hưởng tới cái orig vision dẫn tới 1 kết/hậu -tùy cách nhìn- quả khá là bi đát thì làm thế nào ?

    Và cứ theo dòng logic ở trên, phải chăng có những “cá nhân” có quyền phát triển chủ nghĩa cá nhân hơn các “cá nhân” khác ? Orwell, anyone? Và để đảm bảo những người có quyết phát triển chủ nghĩa cá nhân của riêng mình, trong khi những người không xứng đáng thì vẫn bị giới hạn … How you gonna solve xítload of paradoxes từ 2 cái initial paradoxes này của mềnh ạ . Và nếu không giải quyết được tất cả những nghịch lý phát sinh trong “viễn kiến” của mình, nên chăng ta cần đưa bác Cống vào đúng chỗ của mình; là 1 phần có thể thiếu được -nobody gonna miss ya- của “tập thể”?

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây