Giáo dục còn gì?

Thái Hạo

12-7-2021

Một cô giáo 7x ở Quảng Ninh nói chuyện với mình, và mình nghe rõ sự run rẩy trong từng con chữ trên màn hình. Cô bảo, hiệu trưởng yêu cầu họ (Giáo viên) tiêm vaccine Sinopharm (của TQ), mà họ thì lo lắng không dám tiêm. Mình bảo chưa yên tâm thì đừng tiêm, đó là quyền mình mà. “Vâng, tôi biết như vậy. Nhưng một khi không tiêm sẽ bị liệt vào thành phần chống đối, vào danh sách đen để trù dập. Tôi sợ lắm”. Một cảm giác vừa đau nhói vừa bi phẫn dâng lên trong lồng ngực mình.

Tôi biết nhiều bạn sẽ chửi cô giáo là “hèn, là đáng kiếp”, tôi cũng thế; nhưng không chỉ có thế, nếu các bạn không phải người trong giáo dục hay trong chốn công quyền thì các bạn không bao giờ hiểu được để mà thương xót đâu. Họ đáng giận vì đến cả chuyện chích cái gì vào thân thể mình mà cũng không dám hả miệng để nói lấy một tiếng; nhưng họ cũng thật đáng thương, vì sống trong môi trường chuyên chế khốn nạn tột cùng. Những gì cô giáo kể với tôi vốn không khác những gì tôi đã trải qua trong các môi trường giáo dục mà mình từng gắn bó.

Tôi hỏi cô giáo, “Ở đó, nếu ghét mình thì họ làm những gì”? “Họ ghét thì bất cứ lỗi nào cũng phê bình trước hội đồng. Rồi dự giờ đột xuất bắt lỗi. Các cuộc thi đua luôn dìm mình xuống dù mình không kém người khác. Rồi họ lôi kéo giáo viên, tỏ thái độ coi thường mình…”.

Tôi nói, “Giáo viên phải đứng thẳng lên và đứng bên nhau để bảo vệ lẽ phải..”. “Ở trường tôi ngay cả hiệu phó không được lòng hiệu trưởng thì cũng bị giáo viên tỏ thái độ coi thường ra mặt cơ. Thực ra nhiều khi chính Giáo viên tự làm khổ mình. Cứ lo bợ đỡ nịnh nọt hiệu trưởng mà quay lưng với chính đồng nghiệp của mình. Bây giờ một người chống đối, là bị cả tập thể chống lại mình đấy. Kinh lắm”.

“Họ bắt chúng tôi cài đặt Bluezone hay VSS ID… cũng bắt chụp màn hình gửi lên. Cái gì cũng chụp màn hình điện thoại báo cáo, cứ bắt Giáo viên phải ngoan ngoãn như con cừu ấy. Ức chế. Có lần Họ đưa link Facebook của một người lên yêu cầu báo cáo đánh sập, rồi cũng chụp màn hình báo cáo là đã làm xong. Có một phụ huynh bức xúc với một Giáo viên của trường và đưa lên Facebook, thế là họ kêu gọi Giáo viên đánh sập Facebook đấy đi. Tôi thì hèn, chả dám phản đối. Tôi tranh thủ tải trộm một tấm ảnh của ai đó rồi gửi lên coi như mình cũng xong việc báo cáo”…

Cô giáo kể tới đâu, tôi thấy hiện ra tới đó những ký ức của mình, cả những câu chuyện của biết bao nhiêu đồng nghiệp và bạn bè thân thiết trong trong giáo giới. Nó, một màu như thế: chuyên quyền, độc đoán, ngột ngạt, ti tiểu… Mỗi hiệu trưởng là một lãnh chúa, và giáo viên thì không những khiếp nhược mà còn sẵn sàng vào hùa với hiệu trưởng để cô lập và bóp chết những tiếng nói thật thà hiếm hoi. Cái môi trường giáo dục như thế, nó đã hủ hóa, hư nát đến đến tận cùng.

Một cảm giác vừa ngột ngạt, vừa xót xa, vừa giận dữ lẫn căm phẫn xâm chiếm. Người ta đã làm hỏng giáo viên bằng lối cai trị quân trị chủ nghĩa trong các trường học như thế; biến họ thành kẻ hoặc hèn nhát, hoặc hèn hạ, thậm chí lưu manh nữa. Một ít người còn chút lương tri sót lại thì đau khổ vằn vặt trong bóng tối.

Ông bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ạ! Tôi khẩn thiết gửi đến ông một lời từ đáy lòng mình: Trước khi thực hiện những đổi mới về chuyên môn, xin hãy làm trong sạch ngành giáo dục trước đã, hãy xóa bỏ loại hình chuyên chế trong nhà trường, phân chia quyền lực và phân cấp quản lý theo phương pháp quản trị khoa học của các nước tiến bộ, từ đó mà tạo ra một cơ chế dân chủ thực sự cho giáo dục.

Nếu không làm được cái công việc bản lề và nền móng này, dù có “cải cách, đổi mới” gì gì đi nữa thì cũng không thể vực ngành giáo dục dậy được, nếu không muốn nói là chỉ làm cho rối và suy vi bại hơn mà thôi. Vì con trẻ, vì đất nước, xin các ông hãy lắng nghe và khởi sự sửa chữa, nếu không sẽ không kịp nữa.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Tiên Sinh, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

  2. Sau mấy mươi năm thì đâu đã vào đấy rồi. Ngày nay không còn những thầy cô đủ can đảm đứng thẳng người như thời phong kiến tay sai Mỹ ngụy, như GS Tấn bạn tôi đã đánh rớt Ngô Đ Lệ Thủy cháu TT Diệm ở miền Nam trước 75; sau 75 như bạn Lê T. Phước viết thư giải thích về luật hợp đồng gởi cho trưỡng ty GD trước khi từ chức, và tôi tự động bỏ dạy vì thấy mình vô ích. Dĩ nhiên chúng tôi gặp vồ vàn khó khăn sau đó nên đã ra đi.
    Cuộc cm của chế độ cs ở VN đến nay đã thành công!

  3. Vài vấn đề trong bài này

    1- Anti-vaxxer thể hiện qua kỳ thị vaccine. “Mình bảo chưa yên tâm thì đừng tiêm, đó là quyền mình mà”. Khi đất nước đang gồng mình chống dịch thì tiêm chủng là 1 hành động mang tính yêu nước . “quyền mình” … Đúng, người dân có quyền không yêu nước, nhưng có thể xem là phản quốc không ? Và với thái độ miễn cưỡng trong tiêm chủng, nếu chậm trễ rồi rủi mình mắc dịch đi lây cho người khác có phải là vô nhân đạo hay không ?

    2- “chuyên quyền, độc đoán, ngột ngạt, ti tiểu…” Ậy, chính vì những điều cao quý như vậy mà đa số -nói cho rõ- đã không quản hy sinh gian khổ để đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào, giải phóng miền Nam

    3- “Giáo viên phải đứng thẳng lên và đứng bên nhau để bảo vệ lẽ phải..” ai can du . Đọc Huy Đức “tĩnh lặng mới chiêm nghiệm được cái giá của xương máu đã đổ xuống cho hòa bình mà chúng ta đang được hưởng hôm nay”, đừng có mà nhiệt tình quá mức cần thiết, sẽ phá vỡ cái hòa bình chúng ta được hưởng hôm nay -thật ra “hòa bình mà chúng ta đang được hưởng hôm nay” đến từ hội nghị Thành Đô, nhưng không cần/nên quan tâm . Cái “hòa bình mà chúng ta đang được hưởng hôm nay” có giá xương máu của những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam -để phân biệt những quân đội phi nhân dân & phi Việt Nam khác- đấy

    4- “Giáo dục còn gì?” Tớ thấy vẫn còn nguyên vẹn . Nền giáo dục mà các đại trí thức như gs Hoàng Tụy đặt nền móng càng ngày càng đạt những đỉnh cao mới . Thái Hạo chỉ cần thay đổi cách nhìn thì sẽ thấy cuộc đời là màu hồng, đúng, toàn tài tử, hoặc có chuyên thì cũng tu, nhưng one baby step at a time. Hổng nên nóng vội . Chuyện “đấu tranh” sẽ rất dài lâu, có thể tới đời chắt chít của chắt chít Thái Hạo cũng nguyễn y vân . Cái chính là chúng ta lúc nào cũng phải giữ nguyên thái độ lạc quan tếu . Đúng, cực kỳ khó . Nhưng không làm không được vì không (bao giờ) có lựa chọn nào khác cả đâu . Cứ cắn răng cắn lợi mà giữ nhá . Không giữ được sẽ được đưa vào viện tâm thần như Phạm Thành & Lê Duy Hùng đới . Tất nhiên sẽ có (rất) nhiều người cảm thấy rất là hợp lý thui .

Leave a Reply to Nelson Mandela Nói Về Giáo Dục Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây