Một số sai lầm cần tránh khi thảo luận về chính sách phòng chống Covid-19

Vũ Thành Tự Anh

9-7-2021

Tôi viết bài này nhân đọc bài “Nên ngưng đếm số ca nhiễm và chiến lược thoát covid-19” của GS. Nguyễn Văn Tuấn đăng trên blog cá nhân của ông ngày 7/7/2021, trong đó tôi thấy có một số ngộ nhận, thậm chí là sai lầm nên tránh.

Trong điều kiện bình thường, tôi sẽ không bình luận. Nhưng vì những nhận định sai lầm này có thể dẫn tới những nhận thức không đúng đắn cho công chúng và các nhà làm chính sách; và trong bối cảnh dịch bệnh đang leo thang ở Việt Nam, những nhận định sai lầm này có thể trở nên nguy hiểm, thậm chí phải trả giá bằng sinh mạng, vì vậy tôi buộc phải bình luận.

Để ngắn gọn, tôi chỉ nêu ra 3 sai lầm quan trọng của bài viết này.

SAI LẦM 1: DẪN CHỨNG SAI SỰ THỰC

Câu đầu tiên trong bài, GS Tuấn viết “Đã đến lúc chúng ta nên làm như Singapore: ngưng đếm số ca nhiễm virus mỗi ngày”.

Để kiểm tra, tôi vào trang web của Bộ Y tế Singapore (www.moh.gov.sg) và thấy họ đang đếm số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày, ngay cả khi chỉ là 3 ca như số liệu ngày 8/7/2021.

Ảnh chụp màn hình

SAI LẦM 2: ĐÁNH ĐỒNG XÁC SUẤT TRONG CÁC ĐIỀU KIỆN KHÁC NHAU

Bình luận về tỷ lệ tử vong ở Việt Nam hiện là 0,4% so với mức bình quân của thế giới là 0,8%, GS Tuấn nhận xét “tính trung bình, tỉ lệ tử vong Covid-19 ở VN chỉ bằng phân nửa tỉ lệ trên thế giới.”

Ở đây cần hiểu tỷ lệ tử vong 0,4% hiện nay ở Việt Nam là trong điều kiện hệ thống y tế chưa bị quá tải. Nhớ lại trường hợp của phi công người Anh (BN91) chỉ được cứu sống nhờ máy trợ thở và ECMO trong 68 ngày. Điều này ngụ ý rằng, khi tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ ca nhiễm nặng và cần thở máy hay ECMO vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống y tế – điều chắc chắn sẽ xảy ra nếu TP.HCM không áp dụng phong tỏa toàn thành phố – thì việc sử dụng máy trợ thở và ECMO trong 68 ngày là điều vô cùng “xa xỉ”, vì cả TP.HCM hiện chỉ có 16 máy ECMO. Khi ấy, chắc chắn tỷ lệ tử vong không dừng ở con số 0,4% như trong điều kiện chưa bị quá tải.

Trong khi tôi đồng ý với GS Tuấn rằng không nên “đưa ra những con số thống kê thiếu bối cảnh nên làm cho người ta (có lẽ kể cả nhà chức trách) hoang mang,” thì ở góc độ ngược lại, cũng không nên đưa ra những con số thống kê thiếu bối cảnh làm cho người dân và chính quyền lạc quan một cách không thực tế.

SAI LẦM 3: BẮT CHƯỚC NƯỚC KHÁC MỘT CÁCH THIẾU CÂN NHẮC

Bài viết của GS Tuấn kết luận “đã đến lúc chúng ta nên làm như Singapore: ngưng đếm số ca mỗi ngày (chỉ tập trung vào số ca nặng) và chuẩn bị phương án sống chung với con virus này vĩnh viễn như Úc đang làm”.

Như đã dẫn chứng ở trên, Singapore vẫn đang đếm số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày. Ở Singapore, ngay trong điều kiện dịch đã được kiểm soát gần như hoàn toàn (với tối đa 6 ca nhiễm trong 10 ngày qua), Chính phủ tuy đưa ra lộ trình đi đến “bình thường mới”, nhưng đồng thời cũng khẳng định “trong thời gian chờ đợi, chúng ta vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ cần thiết để ngăn ngừa lây nhiễm và nhập viện” (xem “Living normally, with Covid-19: Taskforce ministers on how S’pore is drawing road map for new normal”).

Như vậy, trước khi có thể “sống chung một cách bình thường với Covid-19” thì những biện pháp phòng chống dịch tích cực vẫn phải được thực hiện – chưa kiểm soát được dịch thì khẩu hiệu “sống chung với dịch” chỉ là ảo tưởng, không những thế là ảo tưởng nguy hiểm vì có thể sẽ phải trả giá bằng rất nhiều sinh mạng.

GS Tuấn cũng khuyên Việt Nam học theo kế hoạch exit 4 giai đoạn của Úc. Tuy nhiên, nếu đối chiếu tình trạng thực tế của Việt Nam so với Úc và tham chiếu vào kế hoạch này, có lẽ Việt Nam đang ở “giai đoạn -1”, vì vậy không thể vội vàng bỏ qua thời kỳ quá độ được.

Để kết thúc bài, GS Tuấn kết luận điều kiện để sống chung với Covid-19 thì “ưu tiên số 1 là vaccine tiêm vaccine, chớ không phải làm xét nghiệm đại trà.” Chắc chắn GS Tuấn biết Việt Nam hiện nay có bao nhiêu liều vaccine và tình hình tiếp cận vaccine khó khăn đến nhường nào khi cầu vượt xa cung trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, đừng áp đặt kinh nghiệm của một nước phát triển và dân số tương đối thấp như Singapore hay Úc cho các quốc gia có điều kiện rất khác, trong đó có Việt Nam.

Để chính sách – dù là về vaccine hay bất cứ điều gì khác – có tính khả thi, nhất thiết phải bám sát điều kiện thực tiễn, trong đó bao gồm những ràng buộc về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, và trong trường hợp Covid-19, cả những điều kiện y tế, tài chính, và địa chính trị nữa. Tôi mong những nhà phân tích lưu ý những yếu tố này để những bình luận của chúng ta góp phần soi sáng thực tại, từ đó giúp công chúng và người ra chính sách có nhận thức và quyết định phù hợp.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Học Giả Nguyễn Duy

    Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân
    (ca dao)

    1.
    Thời Mắc Dịch phải chăng Thời Siêu Thực
    âm dương lập lờ ảo ảo hư hư
    không có giấc mơ
    chỉ toàn ác mộng

    mập mờ như ngủ như thức
    người và ma lẫn lộn tù mù
    ta thu bóng ngồi uống trà với gió
    chén rượu suông cụng với chính hồn mình.

    2.
    Nghe rầm trời tiếng dân đen kêu than

    đứt ruột.

    tiếng thở dồn người chống dịch xả thân

    thắt ruột.

    tiếng chim lồng trơn lưỡi véo von

    sốt ruột.

    tiếng mặt lì lảm nhảm ti-vi

    lộn ruột.

    3.
    Gói hàng mã mùa này gửi cho người âm
    thêm hộp khẩu trang bộ áo choàng y tế
    mâm cúng cô hồn ngoài ngõ còn nguyên
    cô hồn năm nay không được phép lang thang lêu lổng

    hồn vía quay quay cuồng cuồng
    đột quị con đường chen chúc sống

    chen chúc chợ đời chen chúc hồi hương

    chen chúc tiêm phòng chen chúc nhà thương

    chen chúc thở

    chen chúc lò thiêu xác.

    4.
    Có cái chết trống không như chết lậu
    không trống không kèn không đèn không nhang
    mùi tử khí ám ươn nhà ổ chuột
    đau kiếp người sống chui chết chui.
    ta thành kính vấn an linh hồn lạc

    chỉ về Trời mới thật có tự do
    tự do nhẹ như gió
    tự do bềnh bồng như mây
    tự do trong như giọt mưa trong
    tự do nặng trĩu như lòng.

    5.
    Ta lăn lê gần hết đời người
    nỗi buồn khổ nuốt tươi niềm vui sướng
    ta thèm khát vô tư như cỏ
    mong thảnh thơi chấm mút phút nhẹ lòng
    ta đã liều mình lao vào đạn bom
    trẻ liều chết nay về già liều sống.

    6.
    Gió sục sạo khắp trần gian dài rộng
    biết chăng con người sống để làm gì?
    giết chóc triền miên suốt nhiều nghìn năm
    tích tụ máu có thể làm thuỷ điện?

    bức tử nước bức tử rừng bức tử bầu khí quyển
    bức tử trời xanh hay bức tử chính mình?

    dịch bệnh bung toang không hề hư vô
    là kiếp nạn hay đòn trừng phạt?
    lời sấm truyền ngày tận thế tự thân
    hay điềm báo Trời thay nhân loại khác?

    con người hiền lương con người nhân đức
    gian ác vừa thôi kẻo hết đất làm người!

    7.
    Thời mắc dịch ngồi uống trà với gió
    lời ruột gan ta tự vấn hồn mình…

    Nguồn Mạng

  2. -Điểm qua tin tức báo chí từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát hôm 27/4, để có cái nhìn toàn cảnh về những sự kiện tập trung đông người, chưa tuân thủ giãn cách trong phòng chống dịch, góp phần làm gia tăng số người nhiễm virus trong thời gian qua, trong đó có TP.HCM:
    *Dịp lễ 30/4 và 1/5/2021, với những nỗ lực kích cầu du lịch trong trạng thái bình thường mới, nhiểu địa điểm du lịch khách sạn đạt công suất phòng 75% – 100%.
    *Chủ nhật ngày 23/5/2021, gần 69,2 triệu cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
    *Sáng ngày 19/6/2021, Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lớn nhất từ trước đến nay tại TP.HCM, với 836.000 liều được phân bổ đã chính khởi động tại Công ty TNHH phần mềm FPT TP.HCM, tại lô E3 – 2.34.5 đường D2, Khu công nghệ cao TP.HCM, phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức. Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay tại TP.HCM được dự kiến tổng triển khai với 1.000 điểm tiêm, trong thời gian 5-7 ngày. Cao điểm trong 01 ngày 24/6, tại nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11), hơn 200 nhân viên y tế làm việc xuyên trưa tiêm vắc xin cho 9.200 người.
    *Sáng ngày 25/6/2021, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền phối hợp với Trung tâm Y tế quận 8 đã tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho hơn 12.000 người làm việc tại chợ đầu mối Bình Điền; gồm thương nhân, lao động vựa, lực lượng bốc xếp hàng hóa, đội vệ sinh công ích.
    *Ngày 26/6, UBND TPHCM ban hành kế hoạch xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho 5 triệungười dân, người lao động tại khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Thời gian lấy mẫu xét nghiệm trong 10 ngày, từ ngày 26/6 đến ngày 5/7. Hình thức thực hiện sử dụng phương pháp lấy mẫu gộp: gộp 10, gộp 15. Phải lấy 500.000 mẫu/ngày trong 10 ngày.
    *Kể từ 0 giờ ngày 5/7, người dân từ vùng dịch có việc phải đi đến các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng… đều được yêu cầu xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19. Giấy xét nghiệm này chỉ có giá trị từ 3 đến 7 ngày (tùy địa phương) kể từ khi có kết quả xét nghiệm. Việc ban hành quy định phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính mới được vào địa phương, khiến nhiều bệnh viện vùng ven TP.HCM trở nên quá tải, do lượng người đến xét nghiệm quá đông, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh. Ngoài ra, giá trị thời hạn sử dụng của “giấy thông hành” này được mỗi địa phương áp dụng mỗi kiểu khiến nhiều người dân bức xúc vì quá tốn kém.
    *Ngày 6/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ra Công điện hỏa tốc số 914/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện mục tiêu kép. Công điện đặc biệt lưu ý tuyệt đối không để tiếp diễn tình trạng tập trung đông người, không tuân thủ quy định giữ khoảng cách trong khi đang thực hiện giãn cách xã hội.
    *Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra từ ngày 6- 9/7/2021, có 1.014.972 thí sinh đăng ký dự thi. Ngày 6/7 là thời gian làm thủ tục dự thi, ngày 9/7 là ngày dự phòng. Hai ngày thi chính thức là ngày 7/7 và 8/7.
    *Từ 0h ngày 9/7, Chính quyền quyết định giãn cách xã hội 15 ngày toàn thành phố TP HCM theo Chỉ thị 16 (trước đó, từ 0h ngày 31/5 đến 18/6, toàn thành phố TP HCM giãn cách theo Chỉ thị 15; từ ngày 19/6 đến 8/7 áp dụng Chỉ thị 10).
    -Qua diễn tiến phòng chống dịch theo trình tự thời gian nêu như trên, nhận xét góp ý thấy địa phương làm việc duy ý chí (với sức người sỏi đá cũng thành cơm???!!!); kế hoạch đưa ra không theo, không phù hợp thực tế (không biết, không dự đoán được nước lên; nước lên đến đâu, nhẩy gấp đến đó), kế hoạch lập ra vượt quá nguồn lực hiện có; không có sự đồng bộ, phối hợp giữa kế hoạch các địa phương với nhau, giữa trung ương với địa phương; kế hoạch trung ương không theo kịp diễn tiến hiện trạng dịch tại địa phương;…
    -Kết luận: Mỗi địa phương thực sự đúng la một đầu tàu.

  3. Tôi ủng hộ ý kiến của ông Vũ Thành Tự An,lý luận rất khoa học,rất thuận lý.Đã có lần tôi có coi một bài tường thuật của giáo sư Tuấn,không biết có phải GS Tuấn này không,phát biểu rằng để chống dịch covid,một số nước đóng cưa biên giới chỉ do lý do chính trị,đóng cửa biên giới,tính theo thuật toán,cũng chỉ giảm được 20% sự lây lan,đối với một trận dịch,con số này là không đáng kể.Nghe nói Gs là một chuyên gia về dịch tể học mà tuyên bố như trên thì hết biết rồi.

  4. Rất vui là cả trí thức thiên tả lẫn “trí thức” cầm chuông cánh hữu đều yêu Đảng . Bài này có thể được xem là 1 “phản biện” thường thấy của phe thiên tả, rất sâu sắc & ý nhị . “Trong khi tôi đồng ý với GS Tuấn rằng không nên “đưa ra những con số thống kê thiếu bối cảnh nên làm cho người ta (có lẽ kể cả nhà chức trách) hoang mang,” thì ở góc độ ngược lại, cũng không nên đưa ra những con số thống kê thiếu bối cảnh làm cho người dân và chính quyền lạc quan một cách không thực tế”. Hy vọng bác sĩ CC Nguyễn Văn Tuấn sẽ dùng ngôn ngữ tự do, không phải đạo để bảo vệ quan điểm của mình, nhớ trích QAnon.

    Biện pháp phong tỏa thành phố mang tên Bác kỳ này, Đảng đã áp dụng phương pháp của Dr Fauci, người bác sĩ được TT Trump dại dột tin cẩn làm kinh tế Mỹ banh càng dẫn tới ảnh hưởng tới kỳ bầu cử vừa rồi . Dr Fauci này, theo nhiều nguồn đáng & đã được người Việt tin cậy, là người đã chấp thuận những khoản tiền viện trợ cho viện nghiên cứu vi khuẩn ở Vũ Hán, 1 phần trong số tiền đó đã được xử dụng để chế tạo con virus gây ra covid như ta biết, tiếng Việt là cái gì đó tớ hổng muốn nhắc lại .

    Đảng nên ghi nhận tình yêu của bs CC NVT vì ông í biết con số nhiễm & tử vong của Mỹ đã làm cho Tổng thống idol của ổng mất mặt . Và TT Trump cũng đã ra lệnh không đăng những con số bất lợi cho mình, nhưng truyền thông thổ tả & các viện khoa học cũng thổ tả không kém đã cãi lệnh Tổng thống như tướng Từ Cần Tiên của Trung Quốc . Và đúng như Vũ Thành Tự Anh đã chỉ ra, tình hình thực tế của VN hoàn toàn khác . Những gì có thể gây hại cho số phiếu của TT Trump không đụng được tới lông chân của Đảng của mấy bác trí thức lẫn “trí thức”.

    Tuy vậy, Đảng cũng cho bs NVT 1 trái về xe . Loại người từ 65 tuổi trở lên ra khỏi diện ưu tiên tiêm chủng là chủ trương của những nghị sĩ ủng hộ TT Trump. Và nếu ông là công dân Mỹ và TT của ông tại vị, ông cũng rớt đài . Dân Mỹ được 1 phen hú vía . Có nghĩa, confusing as it sounds, những tuyên bố như nồi lẩu của lãnh đạo nhà mềnh actually make lots of cents. Vừa thổ tả của Fauci lại vừa kết hợp cánh hữu . Vả lại rất hợp với dân trí mềnh; điều kiện tiên quyết đấy . Đúng, có 1 số người sì lô bép pờ, nhưng biết làm sao được . Bàn tay còn có ngón dài ngón ngắn, đôi khi có cả ngón thứ 6 nữa . In the mean time, mọi người hãy tin vào sự lãnh đạo của Đảng như trước giờ vẫn tin . Từ 1945 tới giờ, đủ lâu để có thể nói dân không tin ai ngoài Đảng Cộng Sản . i mean những người còn lại & chưa đi được .

    Có Vũ Thành Tự Anh trong bộ sậu chống dịch như đóng kịch của Đảng, tớ cảm thấy tin tưởng hẳn lên . May quá, tớ hổng ở nowhere near Tổ quốc mến yêu của các bác .

Leave a Reply to Le pathetlao Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây