Sự thật không bao giờ cũ

Tạ Duy Anh

3-7-2021

Việc Ban quản trị Facebook xóa bài của tôi, thực ra là do những DLV đánh phá, hóa ra rất phản tác dụng. Tôi không bịa đặt một chi tiết nhỏ, vì thế tôi hoàn toàn bình thản. Sự thật không bao giờ cũ. Một nhà triết học, kịch tác gia cổ Hy Lạp có câu nói bất hủ: “Tôi nắm trong tay sức mạnh của sự thật”. Không vũ khí hủy diệt nào xóa được sự thật. Mong các vị nhớ cho điều đó.

Tự truyện (một kiểu hồi kí) DƯỚI BÀN TAY VÔ HÌNH tôi viết xong từ năm 2012. Sau khi về hưu, tôi có sửa sang lại, bổ sung vài chi tiết không đáng kể. Nó gần 200.000 chữ. Phần viết về nạn quân phiệt trong quân đội (chỉ kể lại những gì tôi chứng kiến tận mắt và những gì tôi trải qua (như bài viết vừa rồi) gồm hai chương: NƠI HẦM TỐI và CHUỘC TỘI chiếm gần 1/6 cuốn sách.

Bài vừa bị xóa chỉ là phần rất nhỏ, chưa bằng 1/10 của hai phần trên và chưa phải là chuyện kinh khủng nhất. Chuyện kinh khủng nhất xảy ra với một quân nhân tên là Tiện, cùng lúc bị năm tên chỉ huy và một A trưởng hạ sỹ quan (tôi ghi tên từng thằng) lao vào đánh đấm trước mặt hơn 200 tân binh (trong đó có tôi).

Khi ông Lê Đức Anh qua đời, tôi đọc thấy có bài báo hiếm hoi nói về việc ông nhắc tới nạn quân phiệt trong quân đội. Tôi đã định nhân cớ ấy kể về chuyện tôi bị tra tấn, để lãnh đạo Bộ Quốc phòng biết một sự thật nhức nhối, diễn ra tàn khốc nhưng luôn bị bao che, tuy gần đây có giảm nhưng vẫn chưa chấm dứt, tại các đơn vị quân đội. Nhưng rồi nhìn vài gương mặt, tôi cảm thấy chưa phải là lúc.

Chắc chắn Bộ Quốc phòng còn lưu trữ hồ sơ về những vụ lính bắn chỉ huy, (dù chủ yếu bị giấu, thì cũng khá nhiều) chỉ vì bị ngược đãi, tra tấn.

Hẳn chuyến đi thị sát của bà Nguyễn Thị Bình đến một số đơn vị bộ đội khoảng năm 1987, còn lưu trong hồ sơ công tác của Quốc Hội. Bà Bình đi chuyến công tác ấy vì có đơn thư tố cáo nạn quân phiệt ào ạt gửi về từ khắp nơi.

Còn đây là đoạn đối thoại giữa Thiếu tá Lưu Văn Hậu, trung đoàn phó chính trị trung đoàn 254, sư đoàn 355 với tôi, khi báo Chiến sỹ Tây Bắc yêu cầu trung đoàn 254 giải quyết vụ việc tôi tố cáo: (Xin nói qua: Sau khi ông Hậu dọa tôi bằng súng không xong thì ông ấy quay sang “mua” tôi bằng thuốc lá. Đoạn đối thoại dưới đây điễn ra trong ngữ cảnh ấy).

“Chú mày là dân viết lách, hẳn phải rất hiểu biết. Chú mày thấy đấy, anh em chúng nó có sung sướng gì đâu. Trong khi ở Hà Nội, những người chả có công lao chó gì cũng còn được ưu đãi đủ thứ. Nào là lương bổng, tiêu chuẩn thực phẩm, nhà cửa, xe cộ… lại được kè kè bên vợ con để hú hí đêm ngày. Vậy mà anh em ở đây thì quanh năm chỉ cứ sẵn sàng chiến đấu, hy sinh. Ăn uống thì kham khổ. Thành ra chúng nó cũng bức xúc. Không biết trút vào đâu thì trút lên lính tráng. Bậy vô cùng. Anh sẽ không để yên cho những hành vi như em vừa tố cáo. Mà em nói toàn sự thật, anh công nhận. Nhưng ngoài xã hội tiêu cực nhiều quá, tham ô, hối lộ, giết người, lừa thầy phản bạn, chạy chức chạy quyền tùm lum… đủ cả. Quân đội cũng là một phần của xã hội, làm sao thoát không bị tệ nạn nó tràn vào. Nó tràn vào một bộ phận thôi. Nhưng con sâu làm rầu nồi canh. Mình cũng nên công bằng mà nhìn nhận. Và phải có thời gian em ạ. Không thể đem kỷ luật đuổi về xuôi hết được. Lấy ai chỉ huy? Lấy ai canh biên giới? Liệu có bảo mấy thằng béo mẫm dưới xuôi, chỉ quen ngồi chảy bụng ra trong phòng lạnh, lên thay vào vị trí chúng nó được không. Chả có đứa ma nào lên đâu em ạ. Gớm, còn lâu nhé, tao biết tỏng. Tao nói cho mày biết, tin mật đấy nhé. Chúng tao vừa được thông báo một thằng lính ở X.M dùng B40 thiêu cháy cả một tiểu đoàn bộ, cũng vì quân phiệt của chỉ huy… Các mặt trận khác cũng đầy rẫy. Lạng Sơn, Quảng Ninh… có cả. Lính viết thư bằng máu tố cáo chỉ huy gửi đến tận Quốc Hội, Trung ương Đoàn thanh niên. Nói thế để chú em hiểu, không phải cấp trên không biết. Nhưng từ biết đến xử lý cần phải có một thời gian. Anh khẳng định, hiện tượng quân phiệt là nghiêm trọng và phải chấm dứt, không được phép tồn tại, anh đồng ý với mày về cơ bản. Nhưng anh nói lại, phải cho anh thời gian. Nếu chú mày lại gửi đơn đi tiếp thì khác nào bắt bí anh…” (Hết trích)

Tại sao tôi đăng bài viết trong dịp này.

Thứ nhất: tôi không thể im lặng trong vụ việc của cháu Trần Đức Đô. Là nhà văn, nếu tôi im lặng trước bất công, thì xin bạn đọc hãy đái vào tác phẩm của tôi và tiện thể đái luôn vào tôi.

Thứ hai: tôi có thiện cảm rõ ràng với Thượng tướng Phan Văn Giang, qua một vài việc ông ấy làm, qua những lần ông ấy nói và qua gương mặt ông. Tôi hy vọng ông Phan Văn Giang sẽ cải cách triệt để quân đội, để nó thực sự mạnh, đủ sức đương đầu lâu dài với gã khổng lồ phương Bắc ngày càng khốn nạn.

Chỉ đơn giản vậy thôi.

_________________

Chú thích ảnh: Người ngồi đặt tay lên vai tôi là Bùi Minh Thắng, nguyên hiệu phó trường đào tạo Ngân Hàng Trung Ương, vừa nghỉ hưu, là người cũng bị chỉ huy Đại đội 3, tiểu đoàn Bảy, Trung Đoàn 254 (tên là Ngọc) hành hung vô cớ.

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. “Sự thật không bao giờ cũ”

    Sự thật ở Việt Nam có cái hay là mặc dù chả bao giờ cũ, nó cũng chả mới lên được chút nào . Bác Hồ vẫn vĩ đại, Đảng vẫn vinh quang, & mọi thứ dính dáng tới cách mạng đều zách lầu .

    • Cách đây chục năm, Việt cộng rất cảm kích trước cuốn sách “Ho Chi Minh: A Life” của tác giả William J Duiker và muốn được dịch ra bản tiếng Việt nhưng khi thương lượng với tác giả để loại bỏ phần Nguyễn Sinh Sắc bị triều đình Huế bắt vì tội giết người thì tác giả từ chối nên cuối cùng người Việt Nam không được hân hạnh đọc cuốn sách quý giá đó. Còn theo Wilkipidia thì tôi tìm thấy cái mới và lạ nằm trong mục “tài liệu mới cần bổ sung vào bài” là Nguyễn Sinh Sắc bị kết án hậu trảm sau khi tòa triều dình xét xử. Tôi không biết thực hư ra sao nhưng cứ đăng lên để mọi người đọc và xét đoán. Ông CA có thể vào đọc ở đây: https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%A3o_lu%E1%BA%ADn:Nguy%E1%BB%85n_Sinh_S%E1%BA%AFc

    • Nguyễn sinh Sắc chỉ bị giáng cấp và phạt hèo không nghe nói hậu trảm, dường như nhờ Ngô đình Khả bạn đồng Liêu âm thầm giúp trốn vô Nam làm Thầy thuốc Bắc, dù sau thì Triều đình Huế sáng suốt hơn Triều đình Hồ sau này

  2. Nhân tiện đây, chúng ta cũng nhắc lại một câu chuyện cũ… Ông Nguyễn Sinh Sắc thuở xưa lúc làm quan dưới triều nhà Nguyễn, vì say xỉn nên ra lệnh cho cai tù đánh chết một phạm nhân. Gia đình phạm nhân kiện lên triều đình khiến ông ta bị bắt đưa ra Huế và chịu tội hậu trảm (giam chờ chém), may nhờ những người quen biết là học trò của Hồ Sĩ Tạo trong triều giúp nên trốn thoát được (theo Wilkipidia). Ngày nay thì quân nhân Trần Đức Đô được phát hiện chết “trong tư thế treo cổ”, theo lời đại tá Nguyễn Xuân Thìn thì câu chuyện này đã bị thế lực thù địch xuyên tạc là binh nhì Đô tự tự khiến sự việc đi theo hướng khác”. Khi người ta thắc mắc về các vết thương trên cơ thể Trần Đức Đô thì ông Thìn trả lời rằng “các vết xây xước, bầm tím trên cơ thể quân nhân Đô, có thể trong quá trình treo cổ tự tử, quân nhân Đô đã giãy giụa, vùng vẫy nên bị dây treo cổ sát vào má, thành cằm, còn đầu có thể va vào thân cây trước khi chết”. (theo Sputniknews, tuoitre…)

    Hai câu chuyện trên cho chúng thấy sự tương đồng giữa hai chế độ xưa và nay. Triều đại phong kiến lạc hậu, luật pháp tuy nghiêm minh nhưng vẫn có những kẻ gian trong triều đình giúp tử tù đào thoát, và chế độ cộng sản ngày nay, vốn thường được gọi là đỉnh cao của trí tuệ loài người, cũng có những kẻ gian tìm cách bao che cho những thành phần bất hảo trong chính quyền… Dầu thế nào, nếu cho tôi lựa chọn, tôi vẫn muốn sống dưới triều nhà Nguyễn hơn là chế độ cộng sản hiện nay.

  3. Tướng Giang văn Giang cũng chẳng thể làm được gì đâu tác giả. Ông cũng chỉ là con ốc, con bù loong trong cỗ máy. Thôi thì ai không may mắn thì bị hại. Vài lời ” chia buồn đau xót” cũng chỉ là chút giớ thổi qua an ùi nạn nhân và gia đình họ, rồi mọi sự vẫn như cũ với cấp độ tăng dần đều, tăng đột biến. Hãy cứ ” ôn hòa có học” cho nó lành.

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây