Có cần không một tượng đài?

Diễn Đàn

Trần Tố Nga

25-6-2021

Đọc trên báo Thanh Hóa tin vào quý ba năm 2021, Thanh Hóa sẽ dựng một tượng đài kỷ niệm người miền Nam tập kết trên bến Sầm Sơn những năm 1954, 1955 với kinh phí xây dựng hơn 350 tỷ đồng*, trên 38ha đất, các học sinh miền Nam tập kết những năm đó, đi từ sửng sốt đến bàng hoàng, bức xúc.

Đất nước chúng ta có những trang vui, buồn… và những buồn, vui đó cần được ghi lại, để thế hệ sau được nhắc nhở về những đúng sai, khôn dại của cha ông. Mỗi người, tùy hiểu biết, văn hóa, quan điểm chính trị của mình, có thể có những ý kiến khác nhau về sự kiện lịch sử, nhưng với nhiều người, Sầm Sơn đã từng là biểu tượng của ý chí thống nhất đất nước trong tâm hồn người Việt, biểu tượng của tình nghĩa Bắc-Nam, biểu tượng của khát vọng độc lập, tự do… trong giai đoạn đất nước bị cưỡng bức chia đôi.

Rồi những con người của giai đoạn đó cũng sẽ đi hết, nhưng các thế hệ sau không được quên điều đó.

Vì vậy, một chút gì đó, ví như một tấm bia đá ngay tại bến Sầm Sơn sẽ đủ để hôm nay và cả mai sau không quên sự kiện lịch sử đậm nghĩa Bắc Nam.

Một tấm bia đá trên vài chục mét vuông đất, được dựng lên trang trọng vẫn sẽ để lại dấu ấn cho muôn đời sau.

Bởi lẽ, Sầm Sơn cũng chỉ là nơi chúng tôi xuống bến để rồi được đưa đi về khắp các làng quê, nơi chúng tôi được các gia đình đón tiếp, nhường nhà cho chúng tôi ở, chịu đói để chúng tôi có cơm trắng mà ăn khi chính họ chỉ có khoai sắn và các con của họ, những người cùng lứa tuổi của chúng tôi bụng đói đứng nhìn chúng tôi ăn mà không được phép nhận phần chúng tôi chia. Chính những hình ảnh ấy, những gia đình ấy mới cần được tạc tượng. Vậy thì sẽ có bao nhiêu tượng cho vừa?

Cũng bởi lẽ, không chỉ có bến Sầm Sơn đón tiếp những người miền Nam tập kết mà còn bến Nghệ An, Thái Bình và hàng ngàn gia đình nhận đón tiếp người tập kết. Tượng đài nào cho đủ, cho vừa với những trang anh hùng của dân tộc, của đất nước.

Chúng tôi, những người miền Nam tập kết luôn mang trong lòng một tượng đài, tượng đài của lòng biết ơn nhân dân miền Bắc, của món nợ ân tình. Nhưng nhân danh chúng tôi mà lấy tiền, lấy đất của dân để làm một tượng đài như dự định thì chúng tôi không cam lòng.

Chúng tôi càng thấy bức xúc, khi đất nước đang gồng mình đối phó với đại dịch, khi đang phải chắt chiu và trân quý từng đồng tiền đóng góp chống dịch, tiền của một em bé 6 tuổi đập ống heo, tiền dưỡng già của một cụ hưu trí, tiền thấm đẫm mồ hôi của bao nhiêu người, cũng đang khó khăn vì dịch thì sao có thể cam tâm bỏ ra mấy trăm tỷ đồng, mấy chục ha đất để làm một việc mà chính chúng tôi, những đối tượng chủ thể không hề cảm thấy cần thiết và được vinh danh?

Trái lai, nhân danh chúng tôi làm như vậy khiến chúng tôi mang mặc cảm có lỗi với đồng bào. Mấy ngày qua, tôi nhận được nhiều lời chất vấn và trách cứ xung quanh việc làm này.

Một tượng đài hơn 300 tỷ đồng trên hơn 35 ha đất* cần cho ai? Những người miền Nam tập kết có đồng tình với việc làm này không? Xin thưa là KHÔNG.

Đề nghị dừng ngay việc này. Số tiền dự tính, nếu đã có, xin chuyển thẳng sang mua vaccine hoặc hỗ trợ tuyến đầu chống dịch.

Và chúng tôi sẽ xin được đóng góp để dựng một bia đá đẹp trên bến Sầm Sơn, cùng với những bia được dựng trên các bến Nghệ An, Thái Bình, những tấm bia thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của của HSMN và người miền Nam tập kết đối với đồng bào miền Bắc.

Đất nước chúng ta chắc chắn không bao giờ có thể tri ân được hết đối với những hy sinh lớn lao của các thế hệ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, trong đó có hàng triệu người con miền Bắc trên đất miền Nam. Cũng không thể nào ghi nhớ hết những đau khổ, mất mát, chia ly… mà người mất và người còn đều gánh chịu.

Cách tri ân và tưởng niệm tốt nhất là những người đang sống làm tất cả để những hy sinh đó không trở nên vô ích.

Đó là điều chúng tôi luôn canh cánh bên lòng và cũng vì thế, chúng tôi không thể đồng tình với mọi công trình tưởng nhớ kiểu này.

*Ghi chú của Tiếng Dân: Theo thông tin mới nhất trên VnExpress, Dự án Khu lưu niệm có tổng mức đầu tư là 255 tỷ đồng, quy mô hơn 40.000m2.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Đọc 1 bài viết rất truyền cảm của bà Trần Tố Nga, 1 người đàn bà chân yếu tay mềm đang kiên cường mở lại cuộc kháng chiến chống Mỹ lần II, tớ rất vô cùng xúc động . Và đúng như bà đã viết “Chính những hình ảnh ấy, những gia đình ấy mới cần được tạc tượng. Vậy thì sẽ có bao nhiêu tượng cho vừa?”, nước Việt còn nợ những người thế hệ bà 1 món nợ có 500 tỷ cũng chả đáng vào đâu, nói chi tới hình thể tượng 300 tỷ trong dự tính .

    “Sầm Sơn đã từng là biểu tượng của ý chí thống nhất đất nước trong tâm hồn người Việt, biểu tượng của tình nghĩa Bắc-Nam, biểu tượng của khát vọng độc lập, tự do… trong giai đoạn đất nước bị cưỡng bức chia đôi”

    Thì tớ thấy đúng như nhiều người đã chỉ ra, mức độ hiện giờ của mẫu tượng không đủ hoành tráng để có thể chứa đựng nhiêu đó thông điệp, và thông điệp nào cũng đều có thể là 1 bài học sáng ngời á cho cái thế hệ đang ngấu nghiến đến nghiện bả tư bản như ma túy hôm nay .

    “Rồi những con người của giai đoạn đó cũng sẽ đi hết, nhưng các thế hệ sau không được quên điều đó”

    Rất đúng . Có nghĩa những tượng đài mang những ý nghĩa này cần phải làm bằng những vật liệu có thể tồn tại mãi qua thời gian

    “Vậy thì sẽ có bao nhiêu tượng cho vừa?”

    Rất chính xác . Có làm hàng ngàn hàng trăm tượng đi chăng nữa cũng hoàn toàn không xứng đáng với những hy sinh mà thế hệ của Trần Tố Nga đã phải chịu đựng .

    “Tượng đài nào cho đủ, cho vừa với những trang anh hùng của dân tộc, của đất nước”

    Đúng . Nhưng với tình hình hiện tại của đất nước nên xem đây là những cố gắng đầu tiên để tạc vào không gian 1 hình ảnh đã đi vào lòng những người như bà Trần Tố Nga, 1 chứng nhân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của 1 thời oanh liệt .

    “Đất nước chúng ta chắc chắn không bao giờ có thể tri ân được hết đối với những hy sinh lớn lao của các thế hệ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, trong đó có hàng triệu người con miền Bắc trên đất miền Nam. Cũng không thể nào ghi nhớ hết những đau khổ, mất mát, chia ly… mà người mất và người còn đều gánh chịu”

    Rất chính xác .

    “Cách tri ân và tưởng niệm tốt nhất là những người đang sống làm tất cả để những hy sinh đó không trở nên vô ích”

    Quá tuyệt vời! Nên nhớ, quỵ lụy tư bản, nhất là đế quốc Mỹ, phản bội lại tư tưởng Hồ Chí Minh, khôi phục lại tư duy phong kiến, làm sống lại tư tưởng chống Cộng, chống chủ nghĩa xã hội chính là làm những hy sinh đó thành vô ích .

    Bà Trần Tố Nga đang mở lại cuộc kháng chiến chống Mỹ lần II, ai không ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ lần II là những kẻ không có lương tri & không thể gọi mình là người Việt được .

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây