Về 5 phẩm chất và 10 năng lực cần phát triển cho học sinh: Hoang tưởng và áp đặt

Chu Mộng Long

21-6-2021

“5 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi của học sinh cầ đạt được”. Ảnh trên mạng

Nhiều bạn thắc mắc về khái niệm “phẩm chất” và “năng lực” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tôi thì cho rằng, mọi khái niệm đều có tính quy ước, không nhất thiết phải tranh luận về nghĩa của khái niệm.

Cứ xem như “phẩm chất” gồm có 5 tiêu chuẩn: Yêu nước, trách nhiệm, trung thực, chăm chỉ, nhân ái. Và “năng lực” gồm có 10 tiêu chuẩn: tự chủ và tự học, thể chất, thẩm mỹ, tin học, công nghệ, khoa học, toán học, ngôn ngữ, giải quyết vấn đề và sáng tạo, giao tiếp và hợp tác. Các tiêu chuẩn đó coi như đã là định nghĩa cho khái niệm.

Nên nhớ, đó là các tiêu chuẩn “chủ yếu” và “cốt lõi” buộc học sinh phải đạt được và từ đó phát triển cao hơn, rộng hơn, theo lời giải thích của một trong những chủ biên chương trình.

Về phẩm chất, đối với học sinh phổ thông mà đạt cả 5 đã là… hơn cả thánh. Tôi càng thắc mắc, nếu không nói là hoảng hốt, về cái gọi là “năng lực chuyên môn”. Đã gọi là “chuyên môn” thì chỉ có một. Trong xã hội hiện đại, khi sự phân công lao động đã được chuyên môn hoá, thì không thể nào có một cá nhân có đến 7 chuyên môn (trong 10 năng lực) khác nhau. Ngay trong huyền thoại, thần thánh ở trên trời cũng chỉ có một chuyên môn: thần chiến tranh, thần thợ rèn, thần nghệ thuật, thi ca… Các vị thần tối cao như Zeus, Thượng Đế, gọi là toàn năng nhưng xét đến cùng cũng chỉ có sức mạnh của kẻ độc tài. Nếu toàn năng thật thì đã không cần các thần thánh khác.

Tôi không thể hiểu nổi, ông Thuyết, ông Thống hay các nhà giáo dục học nào nghĩ ra một học sinh phổ thông phải đạt đến 5 phẩm chất, 10 năng lực gọi là “chủ yếu” và “cốt lõi” như vậy, trong khi thánh nhân cũng chỉ đạt một vài phẩm chất và không hơn một năng lực mà anh ta rèn luyện và phấn đấu cả đời.

Riêng cá nhân tôi, thú nhận một cách trung thực rằng, tôi chỉ đạt được một phần rất nhỏ bé trong các phẩm chất và năng lực trên!

Chỉ có hoang tưởng và áp đặt mới tạo ra một bảng tiêu chuẩn như vậy!

Tôi hình dung, các ông sẽ bào chữa rằng, đó là tinh thần triết lý “giáo dục toàn diện” hay “vừa hồng vừa chuyên” như cụ Hồ đã dạy. Sự thực, “toàn diện” hay “hồng” mà cụ Hồ nói chỉ là xây dựng một nền tảng kiến thức tối thiểu ở phổ thông để học sinh lấy đó làm bệ phóng cho sự phát triển chuyên môn trong tương lai ở cấp học cao hơn, chứ không phải là một “năng lực chuyên môn” gồm đủ các loại chuyên môn mà một học sinh phổ thông phải có như là tất cả các nhà chuyên môn cộng lại.

Nếu đó chỉ là trang bị hệ thống kiến thức nền thì không thể gọi là “năng lực chuyên môn”, trừ phi người đưa ra các chuẩn này… dốt tiếng Việt. Tiếng Hán, tiếng Anh càng đặc cán mai, vì không có nghĩa “chuyên môn” nào là “toàn diện” cả!

Bây giờ thì tôi hiểu tại sao từ sau nhiều cuộc cải cách giáo dục, chương trình càng ngày càng quá tải đối với học sinh. Quá tải ở đây là vừa đồ sộ vừa vượt quá tầm tiếp nhận của học sinh.

Về phẩm chất, các sách thi nhau nhồi đủ thứ từ yêu nước, trách nhiệm, trung thực, chăm chỉ đến nhân ái. Đến mức, ngoài Đạo đức công dân, Đạo đức an ninh quốc phòng, Đạo đức chống tham nhũng…, trẻ em mới vào lớp Một đã phải học sách “Đạo đức Bác Hồ đối với lớp 1” (có nghĩa là sẽ có Đạo đức Bác Hồ đối với lớp 2, rồi lớp 3… cho đến lớp 12).

Về năng lực, các sách thi nhau đẩy nội dung có tính chuyên môn sâu ở cấp đại học xuống phổ thông để nhồi vào đầu trẻ, từ Ngôn ngữ học, Âm nhạc, Hội hoạ, Tin học, Công nghệ, Toán học, Vật lý, Hoá học, Văn học, Địa lý, Lịch sử, Triết học, Thể dục – Thể thao… Học sinh phải đạt chuẩn “chuyên môn” như những nhà khoa học chuyên ngành, lại còn phải đi học nghề suốt từ THCS đến lớp 11 để có chứng chỉ nghề nữa!

Hiển nhiên, các nhà giáo dục sẽ nói, sự thật là nhiều năm qua các cháu đã đạt cả đấy! Đạt qua các kỳ thi, còn làm “chuyên môn” hay “nghề” được không ai cũng biết. Chúng thuộc bài mẫu rồi quên hết. Đứa nào không quên, ắt loạn não, tức bị tâm thần!

Tôi xem Mô hình kỹ năng thế kỷ 21 do Tổ chức Đối tác cho giáo dục thế kỷ 21 (Partnership for 21st century learning) công bố năm 2002 chỉ có 3 lõi kỹ năng rất khái quát: Kỹ năng sống và nghề nghiệp, Kỹ năng học tập và sáng tạo, Kỹ năng thông tin, truyền thông và kỹ thuật. Trên cái lõi ấy, người ta thiết kế các chuẩn đầu ra và đánh giá cho từng cấp học, thiết kế chương trình và phương pháp học tập, phát triển nghề nghiệp và tạo môi trường học tập phù hợp (Hình 2). Tuyệt đối không có bắt buộc học sinh, cả sinh viên, phải đạt tất cả các phẩm chất và năng lực kinh khủng như giáo dục Việt Nam.

Yêu cầu phẩm chất và năng lực của giáo dục Việt Nam cao gấp nhiều lần so với các nước phát triển mà tại sao không quốc gia nào thừa nhận bằng cấp của ta nhỉ? Có ai trả lời được rằng, vì sao một giảng viên đại học ở Việt Nam qua Mỹ sống mà không xin được việc gì, ngoài phải đi học nghề làm móng tay không?

Tôi đề nghị sát hạch ông Thuyết, ông Thống và các nhà giáo dục chóp bu ở Việt Nam theo 5 phẩm chất và 10 năng lực mà các ông đó đưa ra. Ông nào đạt được thì cho về trời làm thánh, không đạt thì xuống địa ngục làm quỷ, nên làm gấp cho con cháu chúng ta nhờ!

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Quan trọng nhất là :học cái gì, bằng cách nào để hiểu và sử dụng được nó một cách đơn giản, hiệu quả…. tất cả thuộc tầng vĩ mô. Học cái gì?cứ theo các nước văn minh mà bắt chước, khỏi phải nghĩ (mà nghĩ làm sao được ).Bằng cách nào để hiểu và sử dụng được kiến thức, đây chính là vấn đề duy nhất của giáo dục Vn,cố mà nghĩ, đừng đoán già đoán non, bởi kinh nghiệm từ truyền thống “uống rượu bình thơ”không có tác dụng trong việc học khoa học

  2. “Yêu nước” được để lên hàng đầu để dễ lừa bịp người dân vì đây là thủ đoạn
    đánh tráo khái niệm hay cố ý không cho lòi đuôi nhũng cái chính quyền CS.
    áp đặt. Điều người dân cần phải biết rõ để luôn cảnh giác là vì chủ đích trong
    định nghĩa của họ nằm gọn trong câu “Yêu nước là yêu chủ nghĩa CS.” họặc
    “độc lập găn liền với chủ nghĩa xã hội”. Toàn là tuyên truyền bịp bợm. Tiếc là
    ở thế kỷ 21 mà khá nhiều người còn tin theo nên…vẫn cuồng bác đảng !

  3. Tôi hiểu khi viết lên những dòng này Thầy đau lòng lắm. Biết làm sao được! Đất Nước đang đến đến hồi mạt vận nên mới sinh ra toàn bọn “trí thức lưu manh” như ông Thuyết, Thống…

  4. Chu Mộng Long thường xuyên nhắc tới phần nhân văn của chủ nghĩa Mác mà hôm nay chú lại xổ toẹt ngay cái phần đó gòi .

    Đúng là không cụ thể như 10 ngày của ông tổng tư lệnh chống dịch mà dân ta phong thánh, nhưng tớ thấy đó là chủ trương đúng . Bên đây có châm ngôn “Aim for the sky, anything short of that is pretty amazing” mà học sinh nào cũng thuộc . i guess chính phủ nhà các bác hơn bác ít nhứt 1 cái đầu là ở chỗ đó .

    “Zeus, Thượng Đế, gọi là toàn năng nhưng xét đến cùng cũng chỉ có sức mạnh của kẻ độc tài. Nếu toàn năng thật thì đã không cần các thần thánh khác”

    Họ toàn năng thật . Thượng Đế tạo ra toàn bộ vũ trụ trong 6 ngày, có nghĩa TĐ có thể làm hết tất cả mọi thứ, so does Zeus. Nhưng họ cần người chuyên môn giúp việc vì 1- Thân này ví xẻ làm hàng ngàn, hàng triệu được . 2- Serve as guidance. Thượng Đế không thể ôm đồm mọi thứ & cũng muốn con người nhận thức được sự tồn tại vĩ đại của mình 1 cách từ từ . 3- Cần phải biết mọi thứ vì nếu có ai nổi loạn, Thượng Đế/Zeus/Bác Hồ có thể trị được . Không thiếu kẻ nổi loạn, Prometheus, Lucifer … Phật Tổ & Tề Thiên, cứ lấy đó mà suy ra . Tại sao Phật Tổ không thổi 1 cái là kinh kệ từ Thiên Trúc sẽ bay tới nơi cần tới, mà phải cần Đường Tăng ?

    “Tôi không thể hiểu nổi”

    Trình độ của bác chỉ có thế thôi

    “thú nhận một cách trung thực rằng, tôi chỉ đạt được một phần rất nhỏ bé trong các phẩm chất và năng lực trên”

    Why wasnt i surprised?

    “toàn diện” hay “hồng” mà cụ Hồ nói chỉ là xây dựng một nền tảng kiến thức tối thiểu ở phổ thông”

    Không đúng . Coi lại chủ nghĩa Mác

    “Có ai trả lời được rằng, vì sao một giảng viên đại học ở Việt Nam qua Mỹ sống mà không xin được việc gì, ngoài phải đi học nghề làm móng tay không?”

    Tùy người bác ạ . Lê Hồng Hiệp, Hà Hoàng Hợp, Trần Thị Bích, Nguyễn Hùng … làm bồi bút cho Đảng tại các cơ quan nghiên cứu hàng đầu của tư bửn . Cỡ như bác thì … again, why wasnt i surprised.

    Về cái đề nghị mang tính nanh nọc, đanh đá cuối bài, nếu phải sát hạch, những người như CML sẽ dính chưởng đầu tiên . Đừng có dại .

  5. Chỉ cần bạn biết biến hình thành học sinh và ngồi nghe thày cô giảng trong 10 trường 10 lớp khác nhau là hiểu hết về người trồng cây dưới mái trường xhcn vn.
    Mình nghe rất nhiều các em kể về các SIÊU PHẨM từ bục giảng nên mới ước ao được biến hình, đừng bao giờ tự gắn camera trong lớp, điều này có thể làm cho nhà cầm quyền lấy tiền thuế xây thêm nhà tù.

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây