Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn giữ lại nhiều tiền thuế hơn

David Brown

Song Phan, chuyển ngữ

18-6-2021

Trước hết bọn quan tham phải ra đi

Mối quan hệ thử thách nhiều năm giữa các cơ quan quản lý trên toàn quốc Việt Nam và những cơ quan quản lý đại đô thị phía nam, dường như đang chuyển sang một hướng hiệu quả hơn sau nhiều thập niên giành nhau về tài chính.

Thành phố Hồ Chi Minh chiếm 10% dân số của Việt Nam nhưng tạo ra 22% GDP cả nước. Không chỉ là động lực tài chính và kinh doanh, nó còn là thủ đô cũ của “miền Nam Việt Nam”. Kể từ khi “giải phóng”, thành phố rực rỡ này đã chuyển hầu hết tiền thuế thu được của mình cho chính quyền trung ương để phân phối lại cho các vùng nghèo hơn của đất nước.

Trong những năm qua, chính quyền thành phố dường như cho rằng việc họ, chứ không phải các quan chức ở Hà Nội, nên có quyền quyết định trong việc chi phần thu ngân sách địa phương như thế nào, là điều hợp lý.

Thời Nguyễn Tấn Dũng là thủ tướng, chính quyền và thành ủy TP.HCM đã nổi bật trong việc không tuân theo các chỉ thị không hoan nghênh từ trung ương. Đúng vậy, đã có những tiếng xì xào bàn tán về các vụ bê bối bất động sản ở TP.HCM và những nơi khác, và có nhiều lời than phiền rằng, ở đó cũng như những nơi khác, đàn em ông Dũng đã dấn vào việc tự tư, tự lợi quá quắt. Điều đó có quá đáng so với chuẩn mực của Việt Nam không? Chỉ sau khi ông Dũng thất bại trong cuộc tranh chức tổng bí thư hồi đầu năm 2016 và bị cho nghỉ hưu, người ta mới biết “Sếp” Lê Thanh Hải và các cộng sự của ông ta là những kẻ chủ mưu và hưởng lợi chính trong một mạng lưới tham nhũng tràn lan ở thành phố.

Trước năm 2016, 77% tổng thu thuế ở TP.HCM được chuyển về trung ương để phân bổ lại cho các tỉnh cần kíp nhất. Sau Đại hội Đảng thứ 12, một loạt lãnh đạo trên toàn quốc mới xuất hiện, với chương trình chống tham nhũng. Họ đã tăng mức TP.HCM phải chuyển về Trung ương lên tới 82%.

Để cải cách, hãy bắt đầu tại trụ sở công an

Với hình thức vừa qua, lẽ ra chính quyền địa phương phải kháng cự lại. Trên thực tế, TP.HCM đã bị sạch túi. Nhất là sau năm 2016, nguồn thu thuế do thành phố giữ lại chưa đủ để giữ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn khỏi bị chậm tiến độ.

Cách giải thích có lý lẽ duy nhất cho việc các nhà lãnh đạo TP.HCM đồng ý nâng mức đóng góp vào kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 lên 82% là, băng nhóm Hải hy vọng rằng, họ mua lấy việc chính quyền trung ương sẽ làm ngơ không để ý đến cách thành phố rộng lớn miền Nam được quản lý như thế nào.

Họ đã đoán sai. Như Asia Sentinel đã đưa tin hồi năm ngoái, ban lãnh đạo trung ương mới của Việt Nam đã triển khai các đội thanh tra và kế toán đến TP.HCM. Họ lập hồ sơ về Hải, đồng bọn và âm mưu trục lợi của nhóm này, nhất là từ việc chuyển đổi đất công thành các tòa tháp văn phòng và các khu dân cư sang trọng.

Tuy nhiên, việc tóm lấy băng nhóm Hải không hề đơn giản. Một ủy viên Bộ Chính trị được phái về miền nam năm 2017 để nắm quyền chỉ huy đảng bộ thành phố đã không thể hoàn thành nhiệm vụ. Bức xúc, Tổng Bí thư Trọng đã sắp xếp việc thay Nguyễn Thiện Nhân đột ngột vào tháng 10 năm 2020. Người kế nhiệm Nhân là Nguyễn Văn Nên, một quan chức ít người biết đến, từng là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng của ông Trọng.

Ông Nên dường như được làm bằng chất liệu cứng rắn hơn. Trước kia, ông là cán bộ công an rồi bí thư tỉnh Tây Ninh, ngay phía tây bắc TP.HCM. Đầu năm nay, Nên đã gây chú ý khi từ chối không ra tranh cử ghế đại biểu Quốc hội, một công việc phụ thường được các quan chức đảng mong muốn vì có cơ hội kết bè kết bạn với các đồng chí trong giới tinh hoa chính trị, hai tháng mỗi năm ở Hà Nội. Nên đã trêu các nhà báo qua việc nói rằng, ông có nhiều việc quan trọng hơn phải làm ở TP.HCM.

“Công việc quan trọng” đó, đặc biệt dính dáng đến công an thành phố, từ lâu được coi là sự tuân phục của băng nhóm Hải. Bây giờ một giám đốc mới đã được bổ nhiệm, Lê Hồng Nam, cũng là một người ngoài cuộc. Ông là một sĩ quan được biết với những thành công trong việc chống cướp và buôn lậu, hay nói cách khác là một đồng minh lý tưởng của Nên.

Vào ngày 16 tháng 12 năm 2020, công an thành phố đã bắt và truy tố cộng sự lâu năm của Hải là Tất Thành Cang, phó bí thư thành ủy, về tội “sai phạm trong quản lý tài sản nhà nước”.

Sau đó, vào tháng 3, Bộ Chính trị tước bỏ các chức vụ và danh hiệu trong quá khứ của Hải và Lê Hoàng Quân, phó lâu năm của Hải trong đảng bộ TP.HCM – một bước đi mở đường cho việc xét xử họ tại các tòa hình sự. Quân được cho là đã nhận tội và đồng ý làm nhân chứng để được giảm tội. Báo chí địa phương đưa tin về hoạt động mạnh mẽ hơn của các thanh tra chính phủ. Một số bình luận được cho là từ ‘cơ quan nhà nước’, đề nghị rằng, hàng chục quan chức cấp cao và trung cấp của thành ủy TP.HCM, có khả năng bị bắt.

Tìm cách tận dụng thành quả

Ông Nên, Bí thư thành ủy TP.HCM và các đồng liêu của ông đang tận dụng những thành quả ban đầu chống lại phe nhóm Hải khi họ vận động để giữ lại số tiền thuế nhiều hơn. Các quan chức địa phương đã cho thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lời than phiền về những lý do, khi ông đến thăm và làm việc hồi tháng Năm.

Giống như chủ nhà, ông Chính có vẻ được thuyết phục rằng, TP.HCM cần khoảng ngân sách lớn hơn. Ông nói với họ rằng, họ có lý lẽ thuyết phục, và bảo họ hãy thúc đẩy từng bộ trưởng về điều đó. Ông gọi TP.HCM là “đầu tàu của đất nước” – những từ ngữ ưu ái tương tự như cách gọi đồng cảm của Nguyễn Xuân Phúc, người tiền nhiệm của Chính, hiện là ‘Chủ tịch nước’ của Việt Nam.

Cả Nên lẫn Chính đều mới mẻ với công việc của mình và đều là ủy viên Bộ Chính trị, nhóm điều hành chóp bu của đảng gồm 18 người. Cho đến tháng 10 năm ngoái, khi hai ông đều làm việc trong Văn phòng Trung ương, Chính phụ trách vấn đề nhân sự, trên danh nghĩa là cấp dưới của Nên.

Chuyến thăm TP.HCM của Chính là chuyến đi đầu tiên của ông ra khỏi Hà Nội với tư cách thủ tướng. Đáng chú ý, chỉ một tuần sau đó, một ủy viên Bộ Chính trị khác từ Hà Nội cũng đã đến: Phan Đình Trạc, tân Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng của đảng, do ông Trọng làm sếp.

Trạc đưa ra một lời răn rất thẳng thắn và công khai: Ông nói, đến cuối tháng 6, chính quyền TP.HCM phải hoàn tất việc xử lý các vụ bê bối đã gây chấn động chính trị thành phố trong nhiều năm. Trạc bảo đảm với những người nghe rằng, nếu kéo lê thêm thì chính quyền trung ương buộc phải giành lấy công việc điều tra.

Trước hết, Trạc đề cập đến dự án đô thị mới Thủ Thiêm, rộng 7km vuông. Được khởi động cách đây hai thập niên và sa lầy vào tình trạng tự tung tự tác và biển lận, dự án còn lâu mới hoàn thành. Đây là một vấn đề cấp bách, Trạc nhấn mạnh. Hồ sơ do thanh tra chính phủ trung ương công bố hai năm trước đó thật tệ hại và Hà Nội không còn kiên nhẫn được nữa. Bây giờ chính quyền TP.HCM “phải thu hồi và hoàn trả hơn 26 ngàn tỷ đồng (khoảng 1,14 tỷ USD) đã tạm ứng cho dự án từ ngân sách Nhà nước”. TP.HCM còn phải huy động thêm 4 ngàn tỷ đồng để trả nợ Ngân hàng Nhà nước.

Vẫn chưa hết. Trạc nói, cuối tháng 6, chính quyền trung ương cũng mong đợi sẽ thấy những hành động nhanh chóng để chấn chỉnh sự quản lý kém hiệu quả của một số quy hoạch phát triển đất đai của các doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền kiểm soát của TP.HCM. Tất cả những quy hoạch này, một chút nghiên cứu cho thấy, đều có liên quan đến phe nhóm của “Ông trùm Lê Thanh Hải.” Có vẻ như Hải, cùng với Quân, Cang và một số người chưa bị bắt, sẽ ở sau song sắt không bao lâu nữa.

Củ cà rốt và cây gậy

Phan Đình Trạc không phải đến TP.HCM hồi cuối tháng trước để tiếp thêm năng lượng cho Nên. Không hề: Phó trưởng ban mới của Trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng nội bộ đảng và suy thoái đạo đức, đã được cử đến để thay mặt Nên, vung một cây gậy lớn. Ông ta đến để xua tan ảo tưởng rằng, Hà Nội có thể sẽ cho phép mọi việc tiếp tục diễn ra như trước.

Một củ cà rốt nhằm bổ sung cho cây gậy lớn của Hà Nội, rất có thể là việc giảm đóng góp về thuế nêu trên, số tiền mà Nên và giới công chức TP.HCM phải có, để tái tạo năng lượng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị.

Một danh sách dài về các dự án của thành phố đang đói quỹ công, bao gồm (dĩ nhiên!) Thủ Thiêm, nơi được tưởng tượng như một khu tài chính khá như Manhattan hay Pudong, đầy công viên và con kênh. Còn nữa, có mạng lưới đường sắt đô thị chín tuyến, chậm tiến độ khoảng một thập niên và một sân bay quốc tế mới, vẫn chỉ là một giấc mơ.

Cũng cấp thiết, vì phần lớn diện tích TP.HCM chỉ cao hơn mực nước biển khoảng một mét, nhu cầu cấp bách cần phải xây dựng hệ thống tốn kém phòng chống nước biển dâng. Cơ sở hạ tầng y tế và giáo dục tạo nên một thành phố vĩ đại và những thứ như nước sạch và xử lý chất thải cũng cần được tài trợ tốt hơn.

Giành được quyền giữ và sử dụng thêm 5% thuế thu được ở thành phố sẽ không giải quyết được tất cả những nhu cầu này, nhưng nó có thể làm cho chúng dễ sửa đổi thêm một cách đáng kể.

______

David Brown là cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ, có nhiều kinh nghiệm về Việt Nam và là người thường xuyên cộng tác với Asia Sentinel và báo Tiếng Dân.­­­­­­ Bài dịch này với sự chỉnh sửa của ông, dành cho độc giả người Việt, từ bài viết đăng trên báo Asia Sentinel ngày 18-6-2021.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Leave a Reply to Trùng Dương Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây