Những điều khó hiểu trong giáo dục (Phần 2)

Thái Hạo

21-6-2021

Tiếp theo Phần 1

Ở bài thứ nhất tôi đã nói cái “khó hiểu” của việc lấy “học thuộc” làm mục đích; bài này đề cập đến sự bất hợp lý của cái cái quy trình lạ đời: Chiếc phễu ngược.

Chiếc phễu là vật dụng dùng để rót chất lỏng, đầu vào thì lớn nhưng đầu ra nhỏ dần và nhỏ. Sự vận hành của các cấp học ở VN đang ngược lại, nghĩa là đầu vào thì nhỏ nhưng đầu ra thì to. Thi vào rất khó nhưng ra lại dễ dàng.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa mới kết thúc đây là một ví dụ. Lớp 10, tức vẫn thuộc cấp THPT, mà hai chữ “phổ thông” có nghĩa là sơ đẳng, là nền tảng, là những hiểu biết thông thường cần trang bị cho bất kỳ một công dân nào. Cớ làm sao lại phải biến thành một cái kỳ thi gian nan đến thế; trong khi tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông lại gần như 100%? Có cần định nghĩa lại khái niệm “phổ thông” chăng? Và nếu có phân ban thì cũng phải học phương tây khi “phân ban”, đi vào chiều sâu nhưng phải hẹp; không ai lại học một lúc 13 môn mà yêu cầu môn nào cũng phải giỏi!

Đầu vào và đầu ra của đại học lại càng có vấn đề hơn nữa. Thi đại học rất khó nhưng gần như hễ cứ vào là ra, rất hiếm có trường hợp nào bị “ách” lại. Thi đại học trở thành một cuộc chiến thực sự, nhưng vào rồi thì coi như xong. Cứ học nhởn nha, vừa học vừa chơi, trả bài đối phó, năm chầy tháng đoạn, thế là ra trường. Nó chẳng thành một cái sản phẩm gì ra hồn cả. Đáng ra nên mở cửa đầu vào cho rộng rãi, và siết chặt đầu ra để biến việc học đại học thành một thứ nghiêm túc nhất đời, thành sinh tử thì đây lại làm ngược lại. Trong khi ấy, những sản phẩm đào tạo của đại học sẽ chính thức bước vào cuộc đời, tham gia lao động, nắm giữ các vị trí; nó quyết định chất lượng công việc và thành quả làm việc thì lại bị hỏng mất quá nửa (thậm chí hỏng gần hết). Rõ ràng, đây là chỗ dứt khoát phải thay đổi.

Các trường đại học vì sự sống còn của mình mà cứ thế cho sinh viên và học viên ra trường (vì “gắt” quá thì sau người ta không thi vô nữa, không có người học thì trường đói), rồi hậu quả thì xã hội gánh cả. Những người được đào tạo không đến nơi đến chốn ấy, họ làm thì ít mà phá thì nhiều, trực tiếp gây ra tình trạng trì trệ cho xã hội và kéo lùi lịch sự của tiến bộ. Những sự vô lý như thế mà cứ nghiễm nhiên duy trì suốt nhiều thập kỷ qua thì quả là tai hại đã vô cùng. Và hậu quả thì chúng ta cũng đang thấy rồi. Đơn cử, đa phần sinh viên sư phạm ra trường là không biết dạy học, tình trạng rất tệ hại; thế nhưng bằng cách này hay cách khác, họ lại vẫn đi dạy!

Giáo dục cần vận hành theo hình phễu thuận (vào dễ ra khó), đặc biệt là đối với đại học. Đây là chỗ hệ trọng, phải sửa ngay chứ không thể trì hoãn được nữa.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Ông Béo, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

  2. “Giáo dục cần vận hành theo hình phễu thuận (vào dễ ra khó)”

    Rất đúng . Cần lấy mô hình trại tạm giam ở ta (vào dễ ra khó) làm mẫu .

  3. Tìm ra hướng giải quyết tốt hơn tìm ra lỗi 1000 lần, nhưng để làm được phải có đột phá trong tư duy. Theo cách nghĩ của người Việt, có lẽ cần 100 năm nữa …..

Leave a Reply to Ta huu quang Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây