Tại sao tôi thiếu niềm tin vào đổi mới giáo dục?

Thái Hạo

19-6-2021

Như trong bài liền trước (Những điều khó hiểu trong giáo dục) tôi đã nói, để thành công thì có một núi việc cần được giải quyết trước. Tôi tạm thời gác sang bên tất cả, cả câu chuyện “chính trị hóa giáo dục”, để chỉ đền cập đến một vấn đề thôi: sự chuẩn bị. Tôi phải nói ngay rằng, sự chuẩn bị cần thiết và tối quan trọng ấy gần như không có.

Tôi là người khao khát đổi mới, do không thể chấp nhận được những gì đang diễn ra trong giáo dục; vì thế, tháng 12/2018, chương trình Đổi mới chính thức được công bố tôi liền tìm nó để đọc. Nhiều tháng sau, thấy giáo viên trong tổ vẫn im lìm, tôi chuyển cái chương trình ấy cho họ và đề nghị đọc để thảo luận. Nhưng cho đến cuối năm ngoái, tôi biết rằng đa số giáo viên văn chưa từng đọc qua lấy 1 lần.

Trải qua nửa năm sau, đến giữa 2019 tôi chưa từng nghe hay thấy một cuộc họp/một sự triển khai nào ở chính ngôi trường THPT chuyên mà tôi đang dạy. Tất cả im lìm, mọi người chỉ nghe phong thanh, nói phong thanh theo kiểu tin đồn. Trong khi, chương trình này sẽ được chính thức áp dụng từ năm 2020 cho lớp 1, và đến năm 2022 thì áp dụng cho lớp 10. Cho đến cuối năm 2019, tất cả vẫn im ắng như cũ. Cuối năm 2020, tình hình vẫn không có sự biến chuyến gì.

Tháng 11/2019 tôi tham gia đợt tập huấn về chương trình đổi mới này tại Đà Nẵng trong tâm thế sẽ về triển khai lại nghiêm túc cho nhà trường. Tuy nhiên, khi trở về, thấy mọi thứ vẫn ơ hờ, mãi hàng tháng sau thì nhà trường mới có cái thông báo là giáo viên tham gia đợt tập huấn kia tổ chức triển khai lại cho tổ chuyên môn. Hết.

Cho đến hết năm học 2019-2020, tức đến khi tôi rời khỏi ngôi trường ấy, vẫn chưa từng có một buổi tổ chức triển khai nào ở cấp độ nhà trường cho cái công việc hệ trọng sắp tới ấy. Những người trực tiếp “lãnh đạo” nhà trường dường như không hề để tâm, không hề lo lắng hay có một động thái nghiêm túc nào về câu chuyện đổi mới đã đến chân ấy.

Một bạn tôi, là giáo viên cấp 2, cho đến mãi cuối năm ngoái khi ngồi trò chuyện đã thú nhận rằng, chưa từng đọc qua chương trình đổi mới (2018); nhà trường cũng chưa từng có bất kỳ một buổi triển khai nghiêm túc nào; chỉ nhắc tới bâng quơ trong vài buổi họp hội đồng sư phạm. Tôi hỏi, “Sang năm đã thực hiện rồi mà bây giờ còn chưa biết mặt mũi của nó ra sao thì biết lối nào mà làm”?; Anh bạn trả lời “Ai cũng rứa cả, không rõ đầu cua tai nheo ra sao hết”.

Tôi không chắc lắm về sự sốt sắng và lo lắng của Bộ Giáo dục và các cấp trên bộ như thế nào, nhưng ở các cơ sở giáo dục thì gần như ơ hờ hoàn toàn. “Đổi mới” làm sao đây với một sự chuẩn bị và một tâm thế như vậy? Vẫn con người cũ, tư duy cũ, phương pháp cũ; vẫn ỉ lại và lười biếng, vẫn ngại thay đổi và không muốn thay đổi; thử hỏi đổi mới sẽ đi về đâu?

Rồi chúng ta sẽ lại gặp lại những thứ quen quen, vẫn những sách vở mớm sẵn, vẫn những thứ văn mẫu, giáo án tải miễn phí; vẫn ru lại những điệu xưa cũ. Cả các cấp quản lý ở cơ sở đến người giáo viên đều bàng quan và thờ ơ với đổi mới thì thử hỏi làm sao lại không đi vào vết xe đổ cho được?

Bộ giáo dục không thể chỉ tung ra một cái chương trình rồi coi như “hoàn thành nhiệm vụ”, các phòng sở không thể chỉ làm cái thao tác click chuột “chuyển tiếp” các công của Bộ về trường; rồi trường lại click chuột chuyển về tổ. Nó là một con đường thẳng đuột để dẫn vào im lặng hố thẳm, dẫn vào cái chết và sự vô cảm. Có ai lo lắng chăng? Rồi đây ai sẽ chịu trách nhiệm hay lại huề cả làng? Trong khi cái cuộc Đổi mới này là ngàn tỉ giữa một đất nước còn nghèo đói khốn khổ.

Làm ra một chương trình (trọng đại và sống còn như thế) thì phải tổ chức triển khai; và GIÁM SÁT THỰC HIỆN, ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ, chứ không thể cứ cái kiểu “rửa đít cho con láng giềng” như thế được. Tôi thật sự hoang mang và không dám nghĩ tiếp nữa về cái cảnh thực hiện một cuộc đổi mới “căn bản toàn diện” mà tất cả đều ú ớ, mù mờ, sờ sẫm; rồi đây học sinh sẽ ra sao, các em sẽ về đâu…

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Ông Béo, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

  2. “Tổ chức triển khai, giám sát thực hiện, đánh giá kết quả… “,nhưng toàn những “người cũ,tư duy cũ,phương pháp cũ…”,vậy thực hiện bằng cách nào? Cũng như mục đích của cải cách giáo dục là công nghệ và khoa học kĩ thuật, đòi hỏi phải hiểu biết về lĩnh vực này thì mới đánh giá được cái chương trình đó .Nước ngoài đầy rẫy những chương trình về khoa học trên truyền hình, vì họ hiểu và dám làm, đồng thời họ biết tác dụng của nó, nhưng những thứ này vắng bóng ở Vn,bởi không dám làm vì không đủ khả năng, thay vào đó là những chương trình về hài, đàn hát …..Một vd đơn giản cho thấy mấu chốt của vấn đề nằm ở đâu

Leave a Reply to Ta huu quang Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây