Tầm nhìn và Tâm của lãnh đạo

Đoàn Bảo Châu

19-6-2021

Cách đây chừng 6, 7 năm khi các tổ chức bảo vệ môi trường ở Việt Nam, có cả tổ chức của Liên Hiệp Quốc đưa ra những kiến nghị về việc dùng Năng lượng tái tạo (NLTT) thì Bộ Công thương còn thờ ơ, thậm chí còn có ý không hài lòng.

Giờ đây, khi NLTT đã trở thành một xu hướng tất yếu thì họ đã thể hiện rõ sự lúng túng về quy hoạch, chính sách.

Mới đầu năm ngoái, vẫn còn có chính sách khuyến khích sản xuất điện mặt trời ở quy mô lớn và cả hộ dân đơn lẻ, nhưng chỉ hết cuối năm là giãn ra, lạnh nhạt với NLTT. Lý do bởi không hề chuẩn bị về cơ sở hạ tầng để tiếp nhận được điện NNTT sản xuất ra. Các doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, chỉ 60, 70% công suất. Giá có khả năng sẽ bị dìm xuống.

Những kẻ ủng hộ nhiệt điện than (NĐT) đang dài mồm ra bảo chỉ có nhiệt điện than mới có thể điều tiết được nhu cầu dùng, cho dù các chỉ số ô nhiễm môi trường không ngừng tăng cao nhanh chóng. Tương lai, tôi hy vọng sẽ có thống kê chi tiết, đầy đủ về số người chết vì ô nhiễm môi trường gây ra bởi NĐT.

Lý do vẫn là do tầm nhìn hạn hẹp và cả cái tâm chỉ biết lo lợi ích trước mắt, không biết xót xa trước những cái chết bởi ung thư của người dân sống gần các nhà máy NĐT.

Vẫn cái lý luận cũ mèm là NLTT không ổn định. Tắt nắng là hết điện. Để giải quyết vấn đề này thì mô hình xây dựng các trạm tích năng là cần thiết, điều mà thế giới đang phát triển mạnh mẽ.

Tức là khi điện thừa thì tích vào, để đến khi tắt nắng thì dùng.

Hơn nữa, NLTT không chỉ có điện mặt trời mà với hơn 3.000km ven biển, Việt Nam có một tiềm năng to lớn về điện gió ngoài khơi. Ngân hàng thế giới đã đưa ra con số về tiềm năng cho điện gió ngoài khơi của Việt Nam là 475.000 MW, gấp gần 7 lần công suất của điện hiện thời là 70.000 MW. Mà gió thì thổi cả đêm lẫn ngày.

Có bạn hỏi tại sao gần đây tôi hay viết về điện. Xin thưa, bởi sắp tới chính phủ thông qua quy hoạch về điện WIII. Mỗi một quy hoặc được thông qua sẽ quyết định rất lớn tới tình hình năng lượng, môi trường, sức khoẻ của chúng ta trong những năm tới.

Các bạn sẽ cảm thấy chán vì phải đọc nhiều bài tôi viết về chủ đề này. Nhưng vài tháng tới khi mức độ ô nhiễm ở Hà Nội trở nên độc hại hơn, các bạn sẽ có cái nhìn khác về chủ đề này.

Mà không cần phải chờ đến lúc ấy, các bạn có thể đặt mình vào địa vị những người dân đang sống cạnh các nhà máy nhiệt điện.

Đây là ảnh một cháu bé 15 tuổi bị ung thư phổi tôi chụp mấy năm trước ở bệnh viện K Hà Nội, không biết bây giờ cháu ra sao. Mẹ cháu cho biết nhà cháu gần nhà máy nhiệt điện ở Hải Phòng. Để kết luận có phải vì ô nhiễm môi trường gây ra không thì phải có nghiên cứu, khảo sát.

Còn đây là clip của VTV, đăng lại thông tin về một bài báo trên NY Times, tôi là người đi phỏng vấn lấy tin cho phóng viên có tên trong bài viết. Thời ấy, tôi không muốn có trên trong bài để tránh phiền phức. Bài báo nói về một trường mẫu giáo ở Hải Phòng nằm ngay cạnh một nhà máy nhiệt điện than. Mỗi sáng các cô giáo phải viết cả đống tro xỉ trên mái, trong sân trường.

Tôi hy vọng các bạn quan tâm tới chủ đề quan trọng này. Xin trân trọng cảm ơn các bạn.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tầm nhìn và tâm của lãnh đạo (đảng HCM) cũng khác chi bầu trời Hà Nội vào những ngày ô nhiễm nhất, xám xịt khác chi lăng mộ hồ chí minh trong những ngày u ám lê thê.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây