Thời của thiếu vắng biểu mẫu

Blog RFA

VietTuSaiGon

16-6-2021

Thần tượng là thứ chủ nghĩa không có giá trị trong thế giới tri thức, bởi với người trí thức, biểu mẫu, năng lượng hay tư duy mới là vấn đề then chốt. Nhưng với đám đông xã hội loài người, chủ nghĩa thần tượng chưa bao giờ phai màu, nếu không muốn nói nó càng ngày càng trở nên khủng hoảng thừa.

Và điều đáng sợ nhất là chủ nghĩa thần tượng mạnh nhất ở các quốc gia độc tài, với các quốc gia này, thần tượng là thứ duy nhất, là thức ăn tinh thần và là bàn thờ để đám đông con dân sùng bái, tín vọng. Nhưng, cũng trong các quốc gia độc tài, chủ nghĩa thần tượng đi từ khủng hoảng đến băng hoại một cách tự nhiên cho đến khi mọi thứ sụp đổ. Để trả giá cho sự sụp đổ này, có rất nhiều thế hệ bị biến thành súc vật trong cái trại tư duy của nhà độc tài.

Đám đông hò hét đến vỡ cầu trường và tạo ra những trận bão giao thông khiến tai nạn liên hoàn, khỏa thân trên đường để hò hét hay đập phá… sau một trận cầu.

Một nhóm, thậm chí nhiều nhóm sẵn sàng hôn lên chỗ ngồi của một diễn viên xứ Hàn, sẵn sàng bỏ ra cả ngày để ra sân bay đón một sao Hàn trong khi đó, cha mẹ, người thân của họ từ xa về chưa chắc đã được họ đón nhiệt thành như vậy.

Một kẻ sẵn sàng vác dao đến nhà người khác để hành hung chỉ vì cái người xa lạ, nạn nhân ấy có lời chỉ trích thần tượng của họ là một ca sĩ mệnh danh “ông hoàng” trong làng Showbiz.

Một người đứng lên livestream chửi tới tấp một ai đó và khi người này phát sóng, có đến gần triệu lượt theo dõi.

Một thanh niên sẵn sàng hành hung người khác khi người này có ý chê Hồ Chí Minh không phải là một người toàn diện hoặc Hồ Chí Minh cũng chẳng phải là bậc thánh nhân.

Thậm chí, một chế độ chính trị sẵn sàng bắt nhốt, đày ải, ám hại người khác chỉ vì người này có lời mạo phạm đến Hồ Chí Minh.

Còn rất nhiều hành vi vượt ra ngoài khả năng quản lý của đạo đức, nhân tính để nhằm một mục đích duy nhất là bảo vệ thần tượng.

Và điều này cho thấy một khi thần tượng, hay nói khác đi là chủ nghĩa thần tượng đã được bảo vệ, xây dựng một cách có hệ thống, có sách lược và nó được đặt lên làm kim chỉ nam phát triển đất nước thì đương nhiên, hệ quả của nó khó mà lường được.

Và, sự nguy hiểm của chủ nghĩa thần tượng đến từ hai hướng: Biểu mẫu có sai số và; Tính lây lan của chủ nghĩa.

Ở khía cạnh thứ nhất: biểu mẫu có sai số, đây là chuyện phổ biến nhất trong thứ chủ nghĩa mang dấu hiệu bệnh hoạn này. Hầu hết các thần tượng đều được tô vẽ, phủ lên một lớp màu rực rỡ, thậm chí sặc sỡ, không tì vết và giấu đi mọi thứ sinh hoạt, đặc tính thường tình nhất của một con người để đặt thần tượng lên hàng thánh. Và đương nhiên sau chiến dịch này là sự sùng bái tập thể, sự sùng bái này đến theo cách chủ động hoặc thụ động đón nhận, mưa dầm thấm lâu.

Và một khi đối tượng đã thành thần tượng trong mắt của đám đông thì đương nhiên, bên cạnh sự sùng bái, cuồng tín, vẫn có những câu hỏi hoặc những nghi vấn tự thân. Chính câu trả lời cho các nghi vấn tự thân này sẽ nhanh chóng mở gói, cho thấy con người thật của thần tượng. Và nguy cơ sụp đổ của thần tượng cũng là nguy cơ chia rẽ, thậm chí mâu thuẫn dẫn đến cừu thù trong một đám đông từng và đang sùng bái.

Trường hợp thần tượng lớn nhất của Việt Nam là Hồ Chí Minh là một ví dụ cho vấn đề này. Câu chuyện chia rẽ ngấm ngầm xảy ra ngay trong nội bộ những con người sùng bái ông và cả những người nhìn nhận khách quan với những người đang sùng bái ông. Mâu thuẫn xã hội đơn giản này lại đẩy thành mâu thuẫn chính trị và mâu thuẫn ý thức hệ, nguy cơ của nó còn cao hơn cả mâu thuẫn tôn giáo.

Đó là thần tượng của thần tượng tại quốc gia độc tài như Việt Nam, ngoài thần tượng Hồ Chí Minh, các ngôi sao trong Showbiz cũng được lăng xê, đẩy lên thành một thứ thần tượng có thể khiến cho đám đông tuổi trẻ khóc cười theo chuyện vui buồn của họ (chứ không phải khóc cười theo vận nước).

Và các thần tượng này cũng được tô son trét phấn trở thành một loại “phó thánh” trong mắt đám đông, được tung hô, được bơm hết cỡ cho đến khi chính họ dính scandal và tạo ra chuỗi mâu thuẫn không đáng có, hay nói khác đây là thứ mâu thuẫn rẻ tiền trong xã hội hiện đại, nếu không muốn nói là nó không nên tồn tại trong xã hội tiến bộ.

Cuộc khủng hoảng thần tượng trong xã hội nhanh chóng đi đến chỗ hiển thị các lỗ hổng về văn hóa và đáng sợ hơn là nó đi đến chỗ làm rõ nét một xã hội băng hoại, thiếu biểu mẫu cần thiết về mặt tri thức, lương tri hay nhân cảm.

Một xã hội mà khi tuổi trẻ được hỏi Nguyễn Trãi là ai? Lý Thường Kiệt là ai? Trần Quốc Tuấn là ai? Quang Trung là ai?… Thì có không ít người trẻ cho rằng đó là tên một cầu thủ nào đó trong đội tuyển Việt Nam hoặc nếu có biết các danh nhân thì cũng biết rất hời hợt, không đầu không đũa. Nhưng khi hỏi Hồ Chí Minh là ai? Hoặc hỏi các nhân vật showbiz là ai thì họ sẽ trả lời một cách rành rõi, nhiệt tình và không thiếu sót chi tiết nào về thần tượng của họ.

Điều này cho thấy rằng khi các thần tượng xã hội đã được kĩ nghệ hóa để che lấp mọi danh nhân văn hóa hay các danh tướng, những người có công với dân tộc… thì hướng nhìn của thế hệ bị đánh lệch và khái niệm về dân tộc hay nhân loại đã bị đánh tráo từ trứng nước.

Và một khi mọi biểu trưng, hình tượng bị đánh tráo, cái giá phải trả cho một dân tộc là lạc đường, không mục tiêu và bị cuộn tròn trong thứ vỏ kén gọi là lý tưởng nhưng kì thực đó là chương trình hành động theo sau chiến dịch thần tượng, biến đám đông xã hội thành một loại súc vật và đất nước, chính trị trở thành chuồng trại và người chăn dắt.

Một đất nước được chăn dắt bởi chủ nghĩa thần tượng làm bình phong chính trị thì chắc chắn một điều là mọi thứ được hô xung phong theo hiệu ứng đám đông và khi hiệu ứng này tắt ngúm, bản năng không được giải tỏa, nó sẽ chuyển hướng theo chiều xấu đi, băng hoại, nổi loạn.

Chính vì tính khủng hoảng hình tượng, biểu mẫu trong chủ nghĩa thần tượng đã nhanh chóng đẩy xã hội đến thứ phản ứng phụ, đó là tính lây lan thần tượng. Nghĩa là sống trong môi trường luôn được ấn định theo thần tượng thì người ta quan tâm thần tượng một cách chủ động hay thụ động trong chính cái sinh quyển tồn tại của họ. Và họ cũng đặt ước mơ hay huyễn hoặc bản thân thành một loại thần tượng nào đó trong xã hội.

Những hành vi bứt phá không giống ai, những kiểu phá bỉnh, những trò phù phép chính trị để tìm cổ vũ đám đông hay những kiểu anh hùng phim tàu xuất hiện đầy rẫy trong xã hội Việt Nam. Đặc biệt, khi mà chủ nghĩa thần tượng chính thống khủng hoảng và đối mặt với nguy cơ sụp đổ thì thứ chủ nghĩa thần tượng bên lề nổi lên, có hàng loạt tay xăm trổ hay các nghệ sĩ sống theo lối xăm trổ nhanh chóng trở thành biểu tượng và thần tượng của không ít thanh niên.

Họ làm cho giới trẻ khóc cười theo họ và quên hết mọi thứ cần thiết của một con người nói riêng và một dân tộc nói chung. Mãi cho đến khi các thần tượng sụp đổ, người ta lại đổ xô đi tìm thần tượng mới và biểu mẫu ngày càng lệch lạc theo kiểu chợ búa, bản năng.

Một xã hội trở nên sống bản năng, nhặng xị, chợ búa và hỗn tạp, nguyên nhân khởi thủy của nó, phải nhắc tới biểu tượng chính trị, thần tượng chính trị và sau đó là hàng loạt các loại thần tượng, các kiểu phong thần đã lấp cả hệ thống giáo dục và cũng có thể hệ thống giáo dục ngay từ đầu đã bị biến thành một thứ nhân vật phụ họa cho thần tượng chính trị.

Và cái giá phải trả cho chủ nghĩa thần tượng là một dân tộc mất phương hướng, mất biểu mẫu tri thức và đánh mất nhân bản, không còn khả năng sáng tạo. Sâu xa hơn thì có lẽ là sự vong thân và vong nô. Thật đáng buồn!

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Thần tượng ở xứ đảng đã đổi mới tư duy từ thần tượng vô thức chuyển sang thần tượng có ý thức do ” dân trí” được nâng cao cùng với ” đổi mới”
    Bò đỏ: thần tượng đảng và bác Hồ
    Bò vàng: thần tượng giới nhân sĩ trí thức bác kỳ đu học Đông Âu, đu học Đại Hán
    Bò xám ( từ bò đỏ chuyển sang bò vàng và tiến hóa bò xám. Gien trội của bò xám xuất hiện khi bỏ đảng về hiu): thần tượng của bò xám thay đổi theo thời cuộc. Tỉ như bò xám thần tượng Phạm văn Đồng, Võ văn Kiệt, Phan văn Khải như […] Nhưng đám bò xám này lại ghét cay, ghét đắng thủ tướng 3X, tbt Nông Mạnh, tbt Nguyễn phú Tọng. Và nay bò xám thần tượng lối sống ” trụy lạc” của bọn tư bản phương Tây sau một thời gian dài tích lũy Tư Bẩn từ Đông Âu, từ ” ĐỔI MỚI”

  2. Từ khi internet phổ biến, thần tượng đã sụp đổ trong lòng dân tộc dù người ta cố tô son trát phấn mỗi ngày. Nhờ mạng xã hội mà người ta biết đến Tăng Tuyết Minh, Nông Thị Xuân…, đọc được hồi kí của nhiều nhân vật quá khứ và hiện tại . Và nhiều sự thật trơ trẽn đã được phơi bày .

  3. Nên đổi nick thành Viết từ Tp Hồ Chí Minh

    Vì tớ hổng phải là trí thức nên chủ nghĩa thần tượng luôn song hành với tớ . Hồi mới qua mẽo, phòng của tớ có iconic image Jimmy Page, cạnh đó là Steven Tyler của Aerosmith, bên kia là nhóm GNR. Trước đó là Jimi Hendrix đốt cây đàn ở Monterey fest. Chuyển nhà này nọ cũng rơi rụng, & hiện nay trong phòng làm việc ở nhà có hình tớ chụp với Dalai Lahma, tông tông linh tông, Bruce Dickinson của Iron Maiden, Paul Gilbert của Mr Big, Steve Ray Vaughn, Maya Lin, và Chủ tịch Tập Cận Bình . Chủ nghĩa thần tượng vẫn sống rất béo tốt trong tớ .

    “Một thanh niên sẵn sàng hành hung người khác khi người này có ý chê Hồ Chí Minh không phải là một người toàn diện hoặc Hồ Chí Minh cũng chẳng phải là bậc thánh nhân”

    Không trách được . Nếu tớ mà có trí thức như Phạm Xuân Nguyên, tớ sẽ nói niềm tôn kính Cụ Hồ Chí Minh đã trở thành 1 thuộc tính của dân tộc, có nghĩa không bao giờ mai một . Trí thức nhà mềnh Ngô Anh Tuấn, Đoàn Bảo Châu, Nguyễn Ngọc Chu, Ngô Bảo Châu … nối tiếp thế hệ trước của Nguyễn Quang A, Nguyễn Nguyên Bình, Phạm Toàn … và cả lớp trẻ Hoàng Thị Nhật Lệ, Vũ Tú Anh … lớp già mãi không trẻ Trần Nhật Quang … tất cả họ đều cuồng Hồ hết thuốc chữa . Khi Đảng buộc tội, lên án 1 người trẻ tội xúc phạm Cụ Hồ Chí Minh, cả BBC & RFA đều ra sức biện hộ, có nghĩa cả những người Việt làm báo đài hải ngoại cũng nghĩ xúc phạm Cụ Hồ là 1 tội hình sự . Vậy kính trọng Bác Hồ có trở thành dân tộc tính chưa ? Và sẽ không quá sai nếu nói “một chế độ chính trị sẵn sàng bắt nhốt, đày ải, ám hại người khác chỉ vì người này có lời mạo phạm đến Hồ Chí Minh” là chế độ thực sự đại diện cho đa số -nói cho rõ- những người còn xem mình là người Việt hoặc có lương tri gì gì đấy .

    “Câu chuyện chia rẽ ngấm ngầm xảy ra ngay trong nội bộ những con người sùng bái ông và cả những người nhìn nhận khách quan với những người đang sùng bái ông”

    Có thể tớ hổng phải là trí thức nên nhìn 2 nhóm người này là sêm xít . 1 bên xem Cụ Hồ như thánh, hội tụ tất cả những ý chí & khát vọng của dân tộc như Triệu Đà ngày xưa . Bên kia xem Cụ Hồ là 1 người có tất cả những tính chất thất tình lục dục hoàn toàn của 1 con người, thì mến mộ Cụ Hồ ở tính nhân văn, gần gũi, thân thiện … thật sự như 1 Bác Hồ, 1 cha già của dân tộc, 1 kết tinh những cái gì tốt đẹp nhất của 2 nền văn hóa . Hiện giờ đang có 1 số những tranh cãi yêu Bác Hồ thế nào cho đúng giữa 2 phía, riêng đ/v tớ là sêm xít . Đầu óc tớ đơn giản lắm, hổng phức tạp như mọi người tưởng .

    “nếu không muốn nói là nó không nên tồn tại trong xã hội tiến bộ”

    No star where. Đoàn Bảo Châu nghĩ những điều đó rất phù hợp với xã hội chúng ta

    “làm rõ nét một xã hội băng hoại, thiếu biểu mẫu cần thiết về mặt tri thức, lương tri hay nhân cảm”

    Tùy quan điểm cả thôi . Miếng wagyu steak của những người ăn thịt (carnivore) làm những người chuyên ăn rau (vegan) kinh tởm .

    “hàng loạt tay xăm trổ hay các nghệ sĩ sống theo lối xăm trổ nhanh chóng trở thành biểu tượng và thần tượng của không ít thanh niên”

    No comment. Vì nói ra sẽ trở thành Bất Lương .

    “mất phương hướng, mất biểu mẫu tri thức và đánh mất nhân bản, không còn khả năng sáng tạo”

    Yepper. Họ chỉ lấy chiện còm bậy bạ làm niềm vui .

  4. Tất tần tật mọi thứ ở xứ Đông Lào ta đều theo định hướng xhcn, mà tác giả lại bảo rằng thì là mất phương hướng, thì lạ thật !

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây