“Từ điển” vụ Hồ Duy Hải (Phần 6)

Nguyễn Đức

14-6-2021

Tiếp theo Phần 1 – Phần 2  Phần 3 Phần 4Phần 5

LUẬT SƯ VÕ THÀNH QUYẾT (Luật sư Trần Hồng Phong)

Võ Thành Quyết là luật sư đầu tiên trên thế giới thay vì bào chữa, đã mạnh mẽ kết tội giết người đối với thân chủ của mình là bị cáo HDH, bất kể tại phiên toà bị cáo thảm thiết kêu oan. Luật sư này cũng chủ động đề nghị Toà kết mức án “chung thân” đối với thân chủ của mình; hoàn toàn làm thay vai trò của Kiểm sát viên. Đáng nói, để tham gia kết tội thân chủ tại phiên toà, luật sư Võ Thành Quyết trước đó đã vượt qua 2 lớp rào vi phạm pháp luật, với sự tiếp tay của chủ tọa là thẩm phán Lê Quang Hùng. Võ Thành Quyết cũng là luật sư đầu tiên trên thế giới ngăn cản, không cho thân chủ kháng cáo kêu oan và rủa đồng nghiệp bào chữa “tầm bậy tầm bạ” chỉ vì vị này không kết tội Hồ Duy Hải giống ông ta.

KẾT TỘI THÂN CHỦ NGAY TẠI PHIÊN TOÀ

Với tư cách là “người bào chữa”, theo quy định tại BLTTHS và Luật luật sư, luật sư Quyết hiển nhiên có trách nhiệm bào chữa, không được làm xấu đi tình trạng pháp lý của thân chủ – ở đây là bị cáo Hồ Duy Hải. Quái dị thay, luật sư Quyết đã làm điều ngược lại, trong phần bào chữa của mình vị này đã nêu quan điểm kết tội Hồ Duy Hải, nội dung gần như trùng khớp với quan điểm của VKSND tỉnh Long An.

Theo Biên bản phiên toà sơ thẩm, trong phần xét hỏi, luật sư Võ Thành Quyết đã hỏi bị cáo Hồ Duy Hải duy nhất 2 câu. Nội dung hỏi – đáp như sau:

Hỏi: Bị cáo có đến bưu cục Cầu Voi đêm xảy ra vụ án không?

Hồ Duy Hải đáp: Không có đến.

Hỏi: Trước đây bị cáo khai nhận và xin lỗi gia đình bị hại, mà sao hôm nay bị cáo không nhận?

Hồ Duy Hải đáp: Bị cáo khai vậy chứ không có thực hiện giết người hôm đó.

Trong bản án hình sự sơ thẩm số 97/2008/HSST ngày 28/11/2008 của TAND tỉnh Long An, ghi nhận lời bào chữa của hai luật sư bào chữa cho bị cáo Hồ Duy Hải như sau:

Luật sư Nguyễn Văn Đạt (do gia đình mời): “Quá trình thu thập chứng cứ không tuân thủ trình tự tố tụng, chưa khách quan. Thanh niên có mặt tại bưu cục không xác định được là HDH. Dấu vân tay giám định không phải của HDH. Chưa đủ yếu tố phạm tội giết người và cướp tài sản”.

Luật sư Võ Thành Quyết (luật sư chỉ định): “Mặc dù về trình tự, thủ tục tố tụng do CQĐT tiến hành có một số điểm chưa đúng. Song trong quá trình được chỉ định ở CQĐT, chính HDH cũng thừa nhận hành vi phạm tội, mô tả chi tiết về hành vi dùng hung khí là thớt, ghế và dao thái lan gây án, chiếm đoạt tài sản là nữ trang của hai nạn nhân, và nhận dạng các tài sản, hung khí đều trùng khớp với nhau, có sự tham gia và chứng kiến của VKS và luật sư, nên tôi đề nghị HĐXX khi lượng hình xem xét đến hoàn cảnh của bị cáo do cha mẹ phải ly thân, thiếu sự giáo dục của gia đình, do ham mê cờ bạc dẫn đến phạm tội, tuổi đời còn trẻ, gia đình khắc phục gần hoàn toàn về hậu quả, gia đình nội ngoại đều có công cách mạng, thật thà khai báo, có lúc không khai do tâm lý. Đề nghị áp dụng hình phạt chung thân để có thời gian về hoà nhập xã hội”.

Qua nội dung bào chữa của luật sư Võ Thành Quyết, có thể thấy:

Mặc dù trong phần xét hỏi HDH đã trả lời chính Ls. Quyết, là tối đó không vào bưu cục Cầu Voi, chỉ khai chứ không giết người, nhưng Ls. Quyết vẫn kiên định và mạnh mẽ kết tội giết người và cướp tài sản đối với thân chủ của mình. Mặc định, bất chấp.

Đáng lưu ý, hầu hết những nội dung/chứng cứ mà Ls. Quyết dùng để buộc tội thân chủ HDH đều là bịa đặt, vu khống. Cụ thể:

– Nói rằng HDH “nhận dạng tài sản và hung khí đều trùng khớp” nhưng thực tế không có tài sản, hung khí nào cả. Tài sản chỉ là “ảnh minh hoạ”, hung khí (dao, thới) thì mua ở chợ về. Ls. Quyết chính là “người chứng kiến” khi HDH nhận dạng, biết rõ sự thật này nhưng vẫn trắng trợn nói sai sự thật, quyết ép chết Hồ Duy Hải. Các Biên bản nhận dạng mà Ls Quyết dùng để kết tội Hải về nguyên tắc không có giá trị pháp lý, nhưng lại là bằng chứng thể hiện sự vi phạm pháp luật của chính Ls. Quyết. Theo quy định tại Điều 56 BLTTHS 2003, trong một vụ án, người nào đã tham gia với tư cách là “người chứng kiến” thì không được đồng thời là “người bào chữa”.

– Nói rằng Hồ Duy Hải “do ham mê cờ bạc mà phạm tội” là hoàn toàn không đúng với quan điểm nêu trong Kết luận điều tra và Cáo Trạng, đều xác định động cơ HDH giết hai nữ nạn nhân là vì không cho quan hệ tình dục (đối với Hồng) và che dấu (đối với Vân).

– Nói rằng Hồ Duy Hải “thật thà khai báo” tức là chỉ dùng những bản khai nhận tội, trong khi ngay tại phiên toà Hải khai mình bị oan, không vào bưu cục, không giết người – thì Ls. Quyết … bỏ lơ, không nói.

– Nói gia đình HDH khắc phục hậu quả (bồi thường cho gia đình nạn nhân) số tiền mấy chục triệu đồng thực ra là “mưu ma chước quỷ” của Ls. Quyết, gài HDH vào tình huống nhận tội giết người. Đây là thời điểm gia đình ở bên ngoài suốt 9 tháng trời không hề gặp Hải, hoàn toàn không biết rõ thông tin về vụ án, chỉ biết trông cậy vào Ls. Quyết một cách ngây thơ, vô điều kiện.

Có thể nói, việc Ls. Võ Thành Quyết tham gia vào phiên toà xét xử và cố tình kết tội thân chủ của mình, là vừa sai về pháp luật tố tụng hình sự, vừa là sự vi phạm đạo đức luật sư. Lẽ ra, với tư cách là “người chứng kiến” trong quá trình điều tra, đồng thời biết rõ tại phiên toà gia đình đã mời luật sư Nguyễn Văn Đạt, thì Ls. Quyết – nếu không bị thẩm phán Lê Quang Hùng cắt quyền bào chữa, tự mình cũng phải xin rút khỏi phiên toà.

THẨM PHÁN LÊ QUANG HÙNG CỐ TÌNH PHẠM LUẬT, CÀI LUẬT SƯ QUYẾT VÀO ĐỂ KẾT TỘI HỒ DUY HẢI

Chủ toạ phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án bưu cục Cầu Voi là thẩm phán Lê Quang Hung, khi đó đang là Phó Chánh án TAND tỉnh Long An. Có thể khẳng định trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, thẩm phán Lê Quang Hùng chắc chắn biết rõ hai điều sau đây:

– Ls. Võ Thành Quyết đã tham gia với tư cách là “người chứng kiến” trong toàn bộ 6 Biên bản nhận dạng tài sản và hung khí của Hồ Duy Hải, thì sẽ không thể được tiếp tục tham gia trong vụ án với tư cách là luật sư bào chữa cho bị cáo Hồ Duy Hải. Quy định tại Khoản 2 Điều 56 BLTTHS 2003.

– Gia đình đã mời luật sư Nguyễn Văn Đạt là người bào chữa cho Hồ Duy Hải, thì không cần phải có (hay nói đúng hơn là không được có) luật sư bào chữa chỉ định nữa. Quy định tại Điều 57 BTTHS 2003.

Thế nhưng, trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 112 ngày 14/11/2009, thẩm phán Lê Quang Hùng vẫn đưa tên luật sư Võ Thành Quyết vào danh sách những người tham gia tố tụng với tư cách là “luật sư chỉ định”; trong khi trong QĐ đã có tên luật sư Nguyễn Văn Đạt.

Theo quy định tại Điều 201 BLTTHS 2003, trong phần thủ tục ngay khi khai mạc phiên toà, chủ toạ phiên toà- thẩm phán Lê Quang Hùng – bắt buộc phải giải thích quyền và nghĩa vụ của bị cáo, ít nhất phải hỏi bị cáo Hồ Duy Hải có muốn Ls. Quyết bào chữa chỉ định cho mình không? Phải hỏi ý kiến của VKS về việc tham gia bào chữa chỉ định rất “khác thường” của Ls. Quyết. Nhưng thẩm phán Lê Quan Hùng đã không làm điều đó.

Với những tình tiết như vậy, không thể nói khác, là thẩm phán Lê Quang Hùng đã có sự tính toán, cố ý tăng cường “lực lượng kết tội” đối với Hồ Duy Hải, bằng việc cài luật sư Võ Thành Quyết vào tham gia tố tụng, bất chấp điều cấm của luật. Kết quả của việc này, không khác gì Hồ Duy Hải bị có thêm một thành phần kết tội ngoài luật định; đồng thời bị phá rối, cản trở và xâm hại quyền bào chữa của mình.

KHÔNG CHO HỒ DUY HẢI KHÁNG CÁO KÊU OAN!

Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Loan (mẹ HDH): Khi tham dự phiên toà sơ thẩm, chứng kiến cảnh Hồ Duy Hải nhiều lần nói mình không giết người, và la khóc thất thanh “tôi bị oan, tôi không giết người, cứu tôi” khi bị cảnh sát bảo vệ lôi ra xe ngay sau khi toà tuyên án, cả gia đình chị đã bị shock và hết sức đau lòng.

Trong lúc tuyệt vọng, gia đình vội đến tìm Ls. Quyết để nhờ vị này làm đơn kháng cáo kêu oan cho HDH (ghi chú: vì gia đình tưởng rằng Ls có quyền kháng cáo cho Hải; thực ra theo quy định Ls chỉ có quyền kháng cáo trong trường hợp bị cáo là người chưa thành niên hoặc có nhược điểm về thể chất, tâm thần).

Tại văn phòng của mình, Ls. Quyết lớn tiếng nói: “Xin kháng cáo kêu oan là tôi không ký đâu, xin giảm nhẹ hình phạt thì mới ký”. Ls. Quyết còn “mắng mỏ” gia đình chị Loan là: “Nghe lời ông luật sư Đạt nói “tầm bậy, tầm bạ” rồi phản cung làm chi”. Khi gia đình ra về, Ls. Quyết còn “dặn dò”: Cứ làm đơn xin giảm án nghe chưa, lên phúc thẩm họ làm trắng án hay tha bổng gì cũng được; viết đơn bằng tay chứ không nên đánh máy”.

Về nội dung kháng cáo của Hồ Duy Hải, hẳn nhiều người còn nhớ rằng tại phiên toà phúc thẩm, khi Toà hỏi “kháng cáo kêu oan hay giảm án”, Hồ Duy Hải đã nói rõ là “kháng cáo kêu oan”. Nhưng quá trình xét hỏi của Toà sau đó cho thấy HĐXX đã không xem xét gì đến việc kêu oan của Hồ Duy Hải.

Lời bình:

1. Ông Võ Thành Quyết từng là sĩ quan công an, nhiều năm làm công tác điều tra, chỉ sau khi nghỉ hưu ông mới hành nghề luật sư. Phải chăng thói quen “kết tội” đã thấm sâu vào con người ông, đến mức ra toà với tư cách là luật sư, thì ông lại “đá lộn sân”, bất chấp pháp luật.

2. Việc luật sư Võ Thành Quyết tham gia vào vụ án bưu cục Cầu Voi với tư cách tố tụng lẫn lộn, chính là thêm một bằng chứng thể hiện dấu hiệu vi phạm tố tụng, xâm hại quyền bào chữa của bị can, bị cáo Hồ Duy Hải. Có thể nói, những vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử trong vụ án này là rất rõ ràng, đặc biệt nghiêm trọng và có sự sâu chuỗi, chủ ý. Ngay trong QĐ giám đốc thẩm ngày 8/5/2020 của HĐTP TANDTC đã xác định và thừa nhận những sai phạm này. Chỉ có điều là HĐTP cho rằng đây chỉ là những “sai sót không làm thay đổi bản chất vụ án”, nên không chấp nhận kháng nghị huỷ án, điều tra lại của VKSNDTC.

3. Có thể nói không hề quá, Ls. Võ Thành Quyết chính là người đã góp phần “gài bẫy” đưa Hồ Duy Hải vào tội chết, thậm chí ông Quyết còn tham gia tạo dựng “chứng cứ” kết tội HDH (Các Biên bản nhận dạng tài sản, nữ trang, hung khí). Tôi tuyệt đối không muốn nói xấu đồng nghiệp nào; nhưng nếu làm luật sư, mà hành động trái pháp luật, bôi nhọ danh dự nghề nghiệp, thì cần phải lên án và loại bỏ khỏi đội ngũ những luật sư như vậy. Thiên chức của luật sư, là tôn trọng sự thật khách quan, góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền con người.

4. Theo quy định tại Điều 58 BLTTHS 2003, “Người bào chữa làm trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa, xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

“Ps. Một thời gian ngắn sau phiên toà kết tội HDH, Ls. Võ Thành Quyết qua đời khi còn khá trẻ. Nhiều người từng tham gia trong vụ án này cũng đã qua đời khi còn chưa già”.

Ảnh trên mạng

*Mời xem Video phân tích: https://youtu.be/Bhh6uzjahYY

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây