Pháp nạn – Ma chướng trong chế độ Cộng sản (Phần 9)

Chu Sơn

14-6-2021

Tiếp theo phần 1phần 2phần 3phần 4phần 5 phần 6phần 7phần 8

Hòa thượng Thích Quảng Độ

Hòa thượng Thích Quảng Độ tên khai sinh là Đặng Phúc Tuệ, sinh năm 1928 tại xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình làm nghề nông, theo Nho học và đời đời sùng tín Phật pháp. Thân phụ ông là cụ Đặng Phúc Thiều, tự là Minh Viễn, thân mẫu là cụ bà Đào Thị Huân, pháp danh là Diệu Hương”. (Trích nguyên văn Sơ Lược Tiểu sử Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ… do VP Thường Trực Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN-HN tại UDL-TTL biên soạn).

Năm 1934, thiếu niên Đặng Phúc Tuệ theo học trường làng, đến năm 1942 xuất gia tại chùa Linh Quang, tỉnh Hà Đông, do lão tăng Thích Đức Hải trụ trì, sư phụ đặt tên Phật là Thích Quảng Độ. Sau đó tiểu tăng Thích Quảng Độ được bổn sư gởi tới tu học tại chùa Quán Sứ – Hà Nội.

Năm 1952, Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại miền Bắc tổ chức cho thanh niên tăng Thích Quảng Độ du học tại Phật học viện Pirivena – Tích Lan.

Kết thúc chương trình tu học tại Tích Lan, tăng sĩ Thích Quảng Độ du khảo các di tích và trung tâm Phật giáo tại Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Tây Tạng.

Năm 1958, ông trở về Sài Gòn làm giảng viên tại các Phật học đường, tiếp tục nghiên cứu Phật pháp, nghiên cứu lịch sử, văn hóa và văn học dân tộc, dịch kinh, viết sách.

Năm 1963, ông tham gia phong trào Phật giáo đấu tranh kêu đòi chính phủ Ngô Đình Diệm tôn trọng tự do và bình đẳng tôn giáo. Ông bị bắt trong chiến dịch Nước Lũ (ngày 20.8.1963) và được giải thoát cùng với 2000 tăng ni và phật tử khác, sau cuộc đảo chính do các tướng lãnh cầm đầu (ngày 1.11.1963).

Ra tù, đại đức Thích Quảng Độ do tình hình sức khỏe kiệt quệ (bị tra tấn trong tù), ông không thể tham gia thành lập GHPGVNTN, cũng không thể tham gia các cuộc đấu tranh do giáo hội phát động từ năm 1964 đến 1966.

Năm 1966, Giáo Hội tổ chức đưa ông đi điều trị tại Nhật Bản. Lành bệnh, phục hồi sức khỏe, Giáo Hội gợi ý và tạo điều kiện cho ông du khảo tình hình Phật giáo tại Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan và Miến Điện. Về nước, ông làm giảng sư, giáo sư tại Phật học viện Từ Nghiêm, Phật học viện Dược Sư, Đại học Van Hạnh, Đại học Hòa Hảo.

Năm 1972, thượng tọa Thích Quảng Độ được đề cử làm phát ngôn viên, kiêm thanh tra Viện Hóa Đạo GHPGVNTN. Năm 1973, ông được cử làm thư ký Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.

Năm 1974, thượng tòa Thích Quảng Độ tham gia Lực Lượng Hòa Giải Dân Tộc do GHPGVNTN bảo trợ.

Từ sau 1975, thiền sư Thích Quảng Độ đau khổ trước sự cai trị hà khắc của chế độ Cộng sản. Ông cho rằng đảng Cộng sản đã bỏ qua cơ hội ngàn vàng để thực hiện Hòa giải, Hòa hợp Dân Tộc.

Năm 1976, ông qui kết trách nhiệm cho đảng Cộng sản về sự kiện 12 tăng, ni chùa Dược Sư tự thiêu. Ông nhấn mạnh rằng sự kiện tự thiêu tập thể này là phản ứng tuyệt vọng trước các sách lược và hành động sai trái và tội ác của chế độ.

Tháng 4.1977, trong một cuộc họp của khoảng 200 tăng, ni và phật tử tại chùa Ấn Quang để tìm giải pháp thích ứng trước nguy cơ tôn giáo bị cấm cách, giáo hội bị đàn áp, đất nước dân tộc bị suy tàn bởi cuộc cách mạng XHCN và sách lược ngoại giao thể hiện bản chất tham sân si ngoại hạng của đảng Cộng sản, thiền sư Thích Quảng Độ, Thiền sư Thích Huyền Quang và 5 vị tỳ kheo khác bị công an ập vào trấn áp và bắt giam. Tháng 12.1978, được thả sau một phiên tòa xử trắng án. Thực tế, phiên tòa là kết quả của áp lực từ chính giới và truyền thông châu Âu sau chuyến công du đầu tiên của thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Đầu năm 1982, do phản đối trước việc đảng Cộng sản tổ chức đại hội thành lập GHPGVN, công cụ của chế độ, hòa thượng Thích Quảng Độ cùng với hòa thượng Thích Huyền Quang bị chính quyền Cộng sản chỉ định cư trú tại quê nhà. Hòa thượng Huyền Quang bị áp giải đi Quảng Ngãi. Hòa thượng Quảng Độ (cùng mẹ) bị áp giải đi Thái Bình.

(Thái Bình là quê nhà xưa cũ, hòa thượng Quảng Độ đã rời xa tròn nửa thế kỷ, gia đình, xóm giềng chẳng còn mấy ai thân thuộc, chùa Phật đã trở nên điêu tàn sau chừng ấy thời gian trong chế độ XHCN, lại bị cấm “hành nghề tôn giáo” và bị công an theo dõi, kềm kẹp nghiêm ngặt, ông chẳng biết làm gì ngoài việc dịch kinh, viết sách trong bối cảnh đảng Cộng sản “tự chuyển biến, tự chuyển hóa”: Chính quyền Công Nông chuyển dần qua Tư sản Đỏ, kinh tế chỉ huy – ngăn sông cấm chợ, ồ ạt chuyển qua kinh tế thị trường – chợ búa đến trụ sở đảng trung ương, ngoại giao từ độc kết Liên Xô chuyển qua “thế giới đại đồng” với kẻ cựu thù Đế quốc xâm lược Tư bản Mỹ và đương kim bành trướng hung ác Trung cộng. Trước tình thế đó, thiền sư Quảng Độ tự ý rời bỏ Thái Bình, về lại Miền Nam quê hương tranh đấu của GHPGVNTN…)

Hòa thượng Thích Quảng Độ về lại Sài Gòn vào khoảng giữa năm 1992. Lang thang thiếu đói khá lâu mới tìm được chỗ ở là Thanh Minh Thiền viện ở số 90 Trần huy Liệu, phường 25, quận Phú Nhuận, tp Hồ Chí Minh do thiền sư Thích Thanh Minh trụ trì. Chắc là thiền sư Thích Thanh Minh thành tâm chia sẻ những mục tiêu và khát vọng đấu tranh của ông mới gồng mình che chở cho một nhân vật nguy hiểm như vậy trong mắt của chính quyền Cộng sản.

Ba mục tiêu hòa thượng Quảng Độ đề ra vào thời điểm này: Một là kêu đòi chính quyền Cộng sản tôn trọng quyền hoạt động tôn giáo hợp pháp của GHPGVNTN; hai là đấu tranh kêu đòi Tự do, Dân chủ và Nhân quyền; ba là tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp ý kiến cùng chính quyền trong những vấn đề xây dựng, bảo vệ đất nước.

Hòa thượng Thích Quảng Độ âm thầm tập họp lực lượng. Ông quy tụ những tăng, ni bất phục chế độ ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Ông tìm cách thiết lập mối quan hệ với Quảng Ngãi và Bình Định, nơi hòa thượng Thích Huyền Quang, vị lãnh đạo mới của GHPGVNTN được ủy nhiệm bởi cố hòa thượng Thích Đôn Hậu, đang bị quản thúc. Ông cũng tìm cách thiết lập mối quan hệ với các thiền sư đang sôi sục đấu tranh Bảo Vệ Chánh Pháp theo Di chúc của Ngài Thích Đôn Hậu tại Huế, Quảng Trị, Quảng Nam. Ông thiết lập mối quan hệ với Phòng thông tin hải ngoại thuộc GHPGVNTN tại Pháp và các GHPGVNTN tại Úc và Mỹ.

Ngày 9.8.1994 hòa thượng Thích Quảng Độ, chánh thư ký viện Hóa Đạo trực thuộc GHPGVHTN gởi thư cho tổng bí thư đảng Cộng sản Đỗ Mười để phản đối lệnh quốc tang cho Kim Nhật Thành, lãnh tụ đảng Cộng sản Triều Tiên. Theo thiền sư Quảng Độ, nhân dân Việt Nam không để tang cho lãnh tụ độc tài đàn áp nhân dân Triều Tiên.

Ông khẳng định rằng nếu nhân dân Việt Nam để tang thì để tang cho hàng chục ngàn người bị giết chết trong Cải Cách Ruộng Đất ở Miền Bắc, 5000 người bị giết trong tết Mậu Thân ở Huế, hàng chục ngàn người bị chết trong các trại cải tạo sĩ quan và công chức Việt Nam Cộng Hòa sau năm 1975, hàng trăm ngàn người bị chết trong các cuộc vượt biên trên biển hay trên đất liền trong nhiều năm liền đảng Cộng sản tiến hành cuộc cách mạng XHCN.

Qua kháng thư này, thiền sư Thích Quảng Độ chứng tỏ ông không chỉ là một nhà tu hành đấu tranh cho tự do tôn giáo và sự tồn vong của GHPGVNTH, ông đã trở thành nhân vật đấu tranh vì các mục tiêu to lớn hơn là Dân chủ, Nhân quyền và Xã hội Dân sự trên bình diện cả nước.

Kèm theo kháng thư này, thiền sư Thích Quảng Độ còn gởi đến tổng bí thư Đỗ Mười một bản nhận định tổng quát về những sai trái mà đảng Cộng sản Việt Nam mắc phải từ sau năm 1975 đối với đất nước, dân tộc và các tôn giáo, trong đó có Phật giáo.

Ngày 10.10.1994, hòa thượng Thích Quảng Độ khai dựng bảng “Văn Phòng Viện Hóa Đạo Lưu Vong” tại Thanh Minh Thiền Viện số 90 Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh (văn phòng chính của viện Hóa Đạo GHPGVNTN đặt tại chùa Ấn Quang đã bị giáo hội Phật giáo quốc doanh chiếm dụng từ năm 1991). Nhân dịp này, thiền sư Quảng Độ gởi thư cho các tăng ni ngoài Phật giáo quốc doanh trên toàn quốc, đề nghị dựng bảng GHPGVNTN tại chùa và tu viện do mình trụ trì.

Ngày 24.10.1994. hòa thượng Thích Quảng Độ và nhóm các vị tăng thân thuộc GHPGVNTN tại thành phố HCM và các tỉnh lân cận nhóm họp tại Thanh Minh Thiền Viện, để bàn thảo chương trình cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Thượng tọa Thích Long Trí được cử đi tiền trạm nhằm quan sát tình hình cụ thể để Giáo Hội có kế hoạch cứu trợ thích ứng. Thượng tọa bị công an chận bắt trên đường đi, đem về giam tại TP HCM. Công an lục soát Thanh Minh Thiền Viện, lục soát các chùa có tăng thân tham gia công cuộc cứu trợ; công an ngăn chặn các xe chở hàng cứu trợ và lấy đi tất cả của cải Giáo Hội quyên góp được. Một số tăng, ni, phật tử bị bắt như đại đức Thích Trí Lực, các thượng tọa Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban, các phật tử Phạm Văn Xua, Nguyễn Thị Em…

Ngày 1.12.1994, hòa thượng Thích Quảng Độ bị công an vào Thanh Minh Thiền Viện bắt, đưa ra miền bắc, giam tại trại tù B14, bị đưa ra tòa ngày 15.8.1995 cùng với 6 tù nhân phản đối chế độ khác. Hòa thượng Thích Quảng Độ bị kết án 5 năm tù.

Tháng 8/1995, Hòa thượng Thích Quảng Độ bị Tòa án Nhân dân TP HCM xử 5 năm tù giam. Nguồn: Phật tử VN

Ngày 30.8.1998, hòa thượng Thích Quảng Độ được trả tự do, nghe đâu nhờ sự can thiệp của chính phủ Mỹ và các tổ chức Bảo Vệ Nhân Quyền trên thế giới.

Nhân dịp này, hòa thượng Thích Quảng Độ được chính quyền Cộng sản và tòa đại sứ Mỹ đề nghị sang cư trú tại Hoa Kỳ. Ông đã từ chối vì lý do: “Ở lại với quần chúng phật tử”. Hòa thượng Thích Quảng Độ trở lại Sài Gòn, tiếp tục cư trú tại Thanh Minh Thiền Viện, tiếp tục thực hiện “Quyền Công Dân” trước sự kiểm soát nghiêm ngặt của công an.

Ngày 19.3.1999, hòa thượng Thích Quảng Độ đi Quảng Ngãi thăm hòa thượng Thích Huyền Quang (sau 18 năm cách biệt). Cùng thời điểm, từ Quảng Trị, đại đức Thích Hải Tạng cũng đến Quảng Ngãi thăm vị hòa thượng đứng đầu GHPGVNTN. Công an giải tán cuộc họp mặt tình cờ này. Hai vị khách bị công an áp tải về nơi xuất phát. GHPGVNTN vẫn bị chính quyền Cộng sản đặt ngoài vòng pháp luật.

Ngày 21.2.2001, hòa thượng Thích Quảng Độ công bố Lời kêu gọi DÂN CHỦ CHO VIỆT NAM nhân danh Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.

Ngày 9.4.2002, hòa thượng Thích Quảng Độ (cùng hòa thượng Thích Huyền Quang, linh mục Nguyễn Văn Lý) được Tổ chức People in Need, Cộng hòa Séc, trao giải thưởng Homo Homini. Cả ba vị được vinh danh là “những người bảo vệ nhân quyền, tự do dân chủ và tự do tôn giáo ở Việt Nam”.

Ngày 22.9.2003, Đại Hội Bất Thường gồm đại diện GHPGVNTN các địa phương khai mạc tại tu viện Nguyên Thiều, Bình Định, nhằm mục đích củng cố và phát triển giáo hội. Tại Đại Hội này, hòa thượng Thích Huyền Quang được tôn cử chính thức viện trưởng Viện Tăng Thống, hòa thượng Thích Quảng Độ được tôn cử chính thức viện trưởng Viện Hóa Đạo. Trong khi Đại Hội đang tiếp diễn thì công an ập vào trấn áp, giải tán. Hòa thượng Thích Quảng Độ bị công an áp tải trở lại TP HCM để tiếp tục quản chế.

Tháng 9.2006, hòa thượng Thích Quảng Độ được trao giải Thorolf Rafto, Na Uy, vì “đã dũng cảm và kiên trì chống đối ôn hòa chế độ Cộng sản Việt Nam”. Ông cho biết, sẽ không rời Việt Nam để tới Na Uy nhận giải vì ngại chính quyền sẽ không cho trở về Việt Nam nữa, buộc ông phải sống lưu vong. Ông ủy thác cho ông Võ Văn Ái, giám đốc Phòng Thông tin hải ngoại của GHPGVNTN, nhận giải thay ông. Ông không muốn xa lìa nhân dân và quần chúng phật tử.

Tháng 7.2007, hòa thượng Thích Quảng Độ tham gia cứu trợ những người dân đang khiếu kiện đòi lại đất tại TP HCM và kêu gọi “chấm dứt cái nạn độc quyền cai trị tại Việt Nam”. Ngày 23.8, ông cử thượng tọa Thích Không Tánh mang tiền ra miền Bắc cứu trợ những người khiếu kiện. Cùng ngày, cả hại vị thiền sư đều bị công an bắt vì cho rằng “đã hoạt động phá rối trật tư trị an”. Đảng Cộng sản đã huy động nhiều cơ quan và phương tiện truyền thông như báo Nhân Dân, báo Tiền Phong, báo Tuổi Trẻ Online tố cáo ông, nào là “lợi dụng tôn giáo mưu đồ chính trị, kích động phản loạn, gây rối…”

Năm 2008, hòa thượng Thích Huyền Quang qua đời, để lại chúc thư, cử hòa thượng Thích Quảng Độ thay ông làm đệ ngũ tăng thống GHPGVNTN.

Trên cương vị và chức danh mới, dưới mắt chính quyền Cộng sản, hòa thượng Thích Quảng Độ càng “nguy hiểm” hơn, công an càng kiểm soát nghiêm ngặt hơn, phật tử không còn ai lui tới, Thanh Minh Thiền Viện vắng vẻ như chùa Bà Đanh. Áp lực từ phía công an, cộng thêm áp lực từ tình hình thực tế thiếu đói của cộng đồng tu viện, hòa thượng trụ trì Thích Thanh Minh đề nghị hòa thượng Thích Quảng Độ rời đi. Đó là ngày 15.9. 2018.

Rời Thanh Minh Thiền Viện, thiền sư Thích Quảng Độ lang thang hết chùa này đến chùa nọ, trước áp lực của công an, không chùa nào chứa chấp ông cả. Ngày 5.11.2018, ông lên tàu về quê Thái Bình. Thái Bình cũng không ở được. Ngày 18.11.2018, ông vào lại TP HCM, tạm trú tại chùa Từ Hiếu, quận 8.

Ngày 22.2.2019, thiền sư Quảng Độ qua đời ở tuổi 92. Theo di ngôn, đám tang của Ngài sẽ được hòa thượng Thích Nguyên Lý và các Sư Tăng chùa Từ Hiếu cử hành đơn giản. Không vòng hoa. Không điếu văn. Không trướng liễn. Không để quá 3 ngày. Ngài muốn được thiêu để trở về với cát bụi.

Trớ trêu là cát bụi cũng không được ngủ yên. Phật giáo Quốc doanh ào ào kéo tới can thiệp vào tang lễ, nhưng mục đích chính là can thiệp vào việc đề cử chức danh tăng thống. Không có thông tin nào được kiểm chứng về ý chỉ của Đức đệ ngũ tăng thống Thích Quảng Độ về vấn đề quan trọng này.

Thiền sư Thích Tuệ Sĩ đã xuất hiện bên cạnh đệ tứ tăng thống Thích Huyền Quang từ năm 2003, bên cạnh đệ ngũ tăng thống Thích Quảng Độ từ sau năm 2008 với chức danh phó tăng thống, nhưng năm 2019 này, không thấy ông tham dự tang lễ vị tăng thống quá cố. Phải chăng sức khỏe và tâm nguyện của thiền sư thi sĩ không thích hợp với vai trò vị trí này?

Tre tàn mà măng không mọc là thực trạng của GHPGVNTN! Đây là mục tiêu và thủ đoạn của đảng Cộng sản.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Các Ngài là hóa thân của bồ tát tại cõi trần thực hiện ” hành bồ tát đạo” cứu rỗi sự u minh tăm tối.

  2. Trích:
    “Ra tù, đại đức Thích Quảng Độ do tình hình sức khỏe kiệt quệ (bị tra tấn trong tù), ông không thể tham gia thành lập GHPGVNTN, cũng không thể tham gia các cuộc đấu tranh do giáo hội phát động từ năm 1964 đến 1966.”

    *Tôi nghi nhờ sự khách quan của tác giả với quy kết rằng chính quyền NĐ Diem đã tra tấn các sư Phật giáo chỉ thuộc hàng đại đức, bị bắt “trong chiến dịch Nước Lũ (ngày 20.8.1963) và được giải thoát cùng với 2000 tăng ni và phật tử khác, sau cuộc đảo chính do các tướng lãnh cầm đầu (ngày 1.11.1963)”.

    Cấp bậc trong “hàng giáo phẩm” Phật giáo từ chóp bu trở xuống là Đại Lão Hoà thượng Tăng Thống, các Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức, tăng ni, và các chú tiểu mới thí phát quy y.

    Với trường hợp Đại đức Thích Quảng Độ, bấy giờ (1963) mới chỉ 35 tuổi và chỉ là “giảng viên tại các Phật học đường”, không đóng một vai trò tích cực nào trong bộ tham mưu Phật giáo Ấn Quang chỉ đạo cuộc đấu tranh chống chế độ NĐ Diem; không là nhân vật gì ghê gớm để phải tra tấn hành hạ.
    Để giữ uy quyền của chế độ, Diệm Nhu bất đắc dĩ mới manh động đàn áp PG. Tận thâm tâm họ không hề thù hằn để tra tấn giết chóc người Phật giáo.
    Chế độ bấy giờ thừa biết họ đang ngoáy vào trái tim của 80% dân số là Phật giáo đồ, trong khi đang đánh nhau với VC. Họ cũng thừa biết người Mỹ không bỏ sót một động thái chính trị nào của họ.
    Họ không đủ ngu để đùa với vấn đề gây thất nhân tâm, để mất dân vào tay VC.
    Và trên hết, họ không phải là CS!

    Chiến dịch Nước Lũ là sự “thị uy” lớn của chế độ, bắt giữ qui mô lớn Phật giáo đồ trên toàn miền Nam, từ chức sắc trong Giáo hội đến các Gia đình Phật tử, Hướng đạo PG, Sinh viên PG, các Giáo sư ĐH thiện cảm với PG và GS Trung học tại các trường Bồ Đề…
    kể đến hàng chục nghìn người khắp đất nước!

    Chỉ riêng tại Huế đã bắt cả nghìn người rồi, nhốt tại Sân Vận động Tự do Huế, ngày 2 bửa cho ăn uống đàng hoàng. Tại đây những người “bị giam” ở trong những lều dã chiến, ở trên khán đài của sân vận động. Hàng ngày họ kháo chuyện nhau, hút thuốc, chửi chế độ, nói tục diễu hài…vui vẻ, chẳng hề bị đánh đập gì. Bởi chiến dịch nầy chỉ là thị uy, dằn mặt, và phần nào để vô hiệu hoá hoạt động chống đối. Không phải để tra tấn, hành hạ, khai thác tin tức.
    Bấy giờ tôi đang dạy học tại Trung học Đệ nhị cấp Bồ Đề Hữu ngạn Huế, và cũng bị hốt tận nhà trọ. Tôi biết hết.

    Có bị chất vấn chăng, là chỉ xảy ra với những cấp chức sắc chỉ huy cuộc đấu tranh, không tới hàng đại đức vốn rất đông đảo, chỉ lo việc hành đạo là chính.
    Và chỉ chất vấn tra hỏi thôi; dứt khoát không cần thiết phải tra tấn. Nhà tù đã chật cứng VC và tội phạm hình sự rồi, không có chỗ và không có đủ cai ngục cho hàng chục nghìn người theo Phật giáo mới bị bắt…để mà tra tấn,
    như CS đối với PG chế độ cũ sau 30/4/75!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây