Biết gì từ thế sự trong chăn (Phần cuối)

Nguyễn Đình Cống

9-6-2021

Tiếp theo phần 1phần 2

8- Nhận xét và đề xuất

Ra được khỏi chăn, biết được một số điểm bất cập, tôi viết ra cho mọi người tham khảo và hy vọng những phát hiện đó sẽ giúp được chút ít cho tiến bộ xã hội.

i- Đề xuất về hồ sơ

Theo tôi hồ sơ ứng cử nên gửi thành 2 lần. Lần 1 chỉ một tờ đơn trong đó có kể qua quá trình công tác. Nếu vì một lý do nào đó mà đơn bị bác bỏ thì dừng lại. Khi đơn được chấp nhận thì làm thêm hồ sơ lần hai gồm chương trình hành động và có thể kèm theo danh sách những người ủng hộ. Những người trúng cử sẽ phải làm hồ sơ bổ sung về lý lịch và kê khai tài sản (sau bầu cử).

Ban bầu cử có thể soạn văn bản hướng dẫn qua về nội dung hồ sơ, không cần quy định khắt khe về hình thức. Người ứng cử tự làm hồ sơ và đem nộp trực tiếp cho nơi nhận, không cần phải xác nhận của cơ quan nào cả. Cán bộ nhận hồ sơ làm biên nhận, chỉ xem qua mà không cần soát xét kỹ nội dung hoặc các lỗi chính tả, không cần so sánh với mẫu. Được như thế thì cuộc đời đẹp lên rất nhiều.

Tại sao lại có thể đơn giản đến như vậy?

Thứ nhất là xuất phát từ mục đích của hồ sơ. Quan trọng nhất là để biết người nào ứng cử và chương trình của họ. Những thông tin về vợ chồng, con cháu, tài sản, nếu cần là cần đối với người trúng cử. Thế thì bắt người bị loại ngay vòng đầu khai mà làm gì.

Hồ sơ chỉ cần đơn và chương trình hành động. Danh sách người ủng hộ chỉ cần khi đã bãi bỏ cuộc họp giả dối của cử tri, thay cuộc họp đó bằng danh sách người ủng hộ.

Thứ hai: Không cần có mẫu và bản hướng dẫn thật chi tiết. Người tự ứng cử vào Quốc hội thường có trình độ khá cao, họ thừa sức biết viết đơn và chương trình như thế nào, cần gì phải hướng dẫn như đối với người tập sự. Người ta thấy cần viết gì thì viết, cần gì các đơn phải theo mẫu thống nhất.

Thứ ba, tại sao hồ sơ không cần xác nhận. Hỏi xác nhận để làm gì? Phải chăng để bảo đảm hồ sơ thật chứ không phải là giả. Hỏi tiếp: Liệu trong số những người tự ứng cử có ai làm hồ sơ giả để nộp hoặc khai gian điều gì đó? Có thể có, nhưng với xác suất rất thấp, có thể chỉ dưới một phần vạn. Và nếu có xảy ra thì cũng không quá khó để phát hiện và xử lý.

Ban bầu cử chắc không biết được nỗi cực nhục mà người tự ứng cử như tôi phải mất rất nhiều công sức, thời gian và sự chịu đựng mới xin được xác nhận.

Chỉ vì một việc có khả năng xảy ra với xác suất rất thấp và nếu xảy ra cũng dễ giải quyết, mà buộc nhiều người chịu đựng vất vả thì người tử tế có nên bắt buộc người ta chịu hay không. Thí dụ trong chợ đông khoảng vài ngàn người, ông quan vào chợ cầm theo quyển tiểu thuyết có giá vài trăm ngàn, bị lấy cắp. Có phải để tìm sách cho quan mà phải khám xét tất cả mọi người trong chợ.

Thứ tư: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ không cần kiểm tra kỹ. Tại sao vậy? Lỡ ra hồ sơ có sai sót thì sao. Không sao cả, nếu chỉ là vài sai sót nhỏ. Người tự ứng cử có trình độ và trách nhiệm chứ không phải là một kẻ vô học. Họ phải chịu trách nhiệm về những điều viết ra. Cán bộ tiếp nhận không cần xem kỹ là để tiết kiệm thời gian cho cả hai bên, tăng năng suất và hiệu suất công việc. Nếu sau này, trong quá trình xử lý hồ sơ mà phát hiện ra những điều sai sót không chấp nhận được thì báo cho đương sự đến sửa chữa, bổ sung hoặc hủy bỏ nếu phạm luật.

Hôm tôi nộp hồ sơ, thấy có 5 cán bộ tiếp nhận, những người nộp hồ sơ phải xếp theo thứ tự và đợi. Mỗi người, trừ thời gian chờ đợi, từ khi được gọi tên cho đến khi được cấp giấy biên nhận, thường phải mất khoảng một giờ. Riêng tôi phải chờ gần suốt buổi sáng, được cấp giấy biên nhận đã nộp hồ sơ vào lúc 12 giờ, tưởng là xong, nhưng không ngờ hôm sau bị gọi đến để làm lại bộ hồ sơ khác và hôm sau nữa lại mất gần buổi sáng để hoàn thành việc nộp hồ sơ. Nếu không kiểm tra kỹ đến từng dấu chấm, phẩy thì để tiếp nhận một hồ sơ chỉ cần dưới 5 phút. Mà kiểm cho kỹ như thế để làm gì kia chứ?

ii- Không tổ chức hội nghị mà thu thập chữ ký

Người ta truyên truyền rằng, Hội nghị để phát huy quyền dân chủ, để thể hiện tính dân chủ. Hình như ở các nước dân chủ không nơi nào tổ chức hội nghị như vậy. Nếu quả thật hội nghị là một sáng tạo, có nhiều ưu điểm thì nên duy trì, nhưng thật ra, phần lớn hội nghi là giả dối mà tốn khá nhiều công sức, tiền của.

Thế thì nên bỏ mà thay bằng hình thức khác. Đó là người ứng cử thu thập chữ ký ủng hộ. Chữ ký được thu thập trên toàn quốc, với số lượng tối thiểu là bao nhiêu do Quốc hội thông qua. Cách thu thập như thế nào thì thế giới đã có nhiều kinh nghiệm. Việc này người ứng cử bỏ tiền riêng ra để làm, không đụng đến ngân sách. Nếu phát hiện gian dối thì người ứng cử bị loại ngay. Chỉ riêng việc này đã có thể loại bỏ những người kém năng lực, không có uy tín trong xã hội và tiết kiệm cho ngân sách.

iii- Nếu vẫn muốn tổ chức hội nghị

Nếu thật tâm muốn phát huy dân chủ thì phải tổ chức hội nghị cách khác chứ không làm hội nghị mà nhiều người biết rõ mục đích là dùng áp lực của số đông để loại bỏ ứng viên. Vậy nên tổ chức như thế nào?

Trước hết là người chỉ đạo và tổ chức phải có thiện chí, có tâm chân thành, không thiên vị, không định kiến. Phải thật sự khách quan. Những người tự thấy không giữ được khách quan thì đừng tham gia chỉ đạo và tổ chức. Như thế cũng là để tránh được nghiệp chướng thuộc tâm linh.

Xin tạm dừng một chút để kể chuyện xưa. Thời mà các sĩ tử đến các Trường thi với lều, chõng để trổ tài, thì người xướng lệnh mời các Thần Báo Oán vào trước, mời các Thần Báo Ân vào tiếp, sau đó mới mở cửa cho các quan giám khảo và sĩ tử.

Những người được mời dự họp phải đạt được tính đại diện. Có một số cách để làm việc đó.

Cách thứ nhất: Giấy mời có hai loại. 50% do Mặt trận mời, 50% do ứng viên mời. Cách này giống như mời dự đám cưới, cha mẹ mời một phần, các con mời một phần.

Cách thứ hai: Thông báo rộng rãi về cuộc họp cho dân trong địa bàn biết và yêu cầu ai muốn dự họp cần đăng ký trước. Nếu số đăng ký dự họp quá nhiều thì phải hiệp thương để lựa chọn. Hiệp thương phải giữa hai bên. Một bên là đại diện Mặt trận, bên kia là người ứng cử.

Trong hội nghị, sau phần thủ tục ngắn gọn thì phải để cho ứng viên phát biểu trước các cử tri khác, thời gian không quá 15 phút. Sau khi các cử tri phát biểu thì ứng viên còn được nói một lần nữa, không quá 5 phút.

iv- Bãi bỏ sự áp đặt

Hiện nay ứng viên không được chọn đơn vị bầu cử mà bị Ban bầu cử áp đặt, sắp xếp vào nơi mà Ban cần, hình như là để tạo được cơ cấu theo dự định. Cách làm như vậy được nấp dưới danh nghĩa “tạo cân bằng”, làm cho các đơn vị bầu cử có số ứng viên cân xứng, không nơi nào có nhiều quá hoặc ít quá. Làm như vậy là tạo sự dễ dàng, tăng quyền uy cho Ban bầu cử, nhưng vi phạm quyền của ứng viên và của cử tri. Phải bãi bỏ cách làm này, còn làm như thế nào thì sẽ còn nhiều thì giờ để nghiên cứu.

v- Phải có vận động, có tranh cử

Có một ý kiến cho rằng “Không bầu cho người tham chức tham quyền”, vì vậy không mấy ai dám vận động “Hãy bầu cho tôi”. Họ sợ rằng vận động như thế là tỏ ra tham chức tham quyền. Ở đây người ta đã ngụy biện bằng cách dùng từ “Tham”, lẫn lộn với “Thích”. Tôi không tán thành quan điểm vừa nêu.

Nếu ai đó, là ứng viên mà nói rằng không thích quyền lực, không cần quyền lực thì tôi sẽ không bầu. Và có ai hỏi tôi có thích, có cần quyền lực không, tôi trả lời có. Tôi phân chia người có quyền lực, hay thường gọi người làm quan thành ba loại: vì công việc, vì lợi riêng, vì tư tưởng.

Làm vì công việc: Đó là sự tín nhiệm và phân công của tổ chức, để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Làm như thế ít gặp khó khăn, chỉ cần chăm chỉ, nỗ lực là tạm được và sẽ kết thúc trong lặng lẽ, nhanh chóng bị quên lãng. Về lâu dài những kẻ chỉ biết làm vì công việc là lực lượng cản trở sự tiến bộ của xã hội.

Làm vì lợi riêng: Để mưu cầu danh, lợi, quyền cho cá nhân, cho nhóm lợi ích hoặc bè đảng. Đây là loại quan tham lại nhũng, bọn cơ hội lắm kế nhiều mưu, bọn liên kết với nhau trong các nhóm. Cần chống là chống bọn này. Chúng nó là sâu mọt, là những tên phá hoại, là giặc nội xâm.

Làm vì tư tưởng: Nhằm thực thi tư tưởng tốt đẹp, thực thi quan điểm mình cho là đúng, là hay, thực thi đạo nghĩa nhận thức được. Làm vì tư tưởng mới là người chính nhân quân tử. Có tư tưởng tốt mà không có quyền lực để thực thi thì nó dễ bị vùi dập hoặc bị người khác lợi dụng, may mắn lắm thì viết vài bài báo cho ai thích thì tham khảo mà thôi.

Một số người có sự kết hợp giữa các xu hướng này.

Ở Việt Nam hiện nay, để làm vì tư tưởng phải là người có thực tài, có mưu lược và dũng cảm vì phải giải quyết một mâu thuẫn rất lớn. Đó là tạo thế cân bằng, là việc “Đu dây” giữa hai thế lực, một bên có quyền lực sinh sát nhưng nặng về bảo thủ, một bên là sự tiến bộ, bị quy chụp là tự chuyển biến theo thế lực thù địch. Người ta hay gọi là Lề Đảng và Lề Dân.

Phải có vận động tranh cử. Tuy rằng trong vận động sẽ xuất hiện một số người biết nói giỏi để lừa dối, nhưng sự lừa dối đó cũng dễ bị phát hiện và loại bỏ.

vi- Về nền hành chính Việt Nam

Tôi thật sự không ngờ phải tiếp xúc với một nền HÀNH là CHÍNH như vậy, mặc dù trước đây cũng đã biết ít nhiều. Đó là một nền hành chính biến phần lớn những nhân viên là con người có lương tri, có tâm hồn thành những rô bốt. Phải chăng đây là kết quả của một nền giáo dục đào tạo ra những người chỉ biết thừa hành. Nền hành chính như vậy có lẽ đã hỏng từ các cấp cao nhất, chứ không phải chỉ ở tầng lớp nhân viên, Cứ xem cung cách hướng dẫn làm hồ sơ của Ban bầu cử thì rõ.

Theo ý kiến của một vài nhà phản biện thì nền giáo dục Việt Nam bị hư hỏng cũng bắt đầu từ nền hành chính của nó.

Thủ tướng chính phủ ra sức kêu gọi tạo lập hệ thống chính quyền làm việc với hiệu quả cao trong lúc các trường đào tạo nhân lực hành chính chủ yếu biến con người thành máy móc.

Tôi xin đánh lên hồi chuông báo động sự thoái hóa về hoạt động và đạo lý của nền hành chính. Thời đại công nghệ 4.0, đáng lẽ con người làm chủ công nghệ bằng trí tuệ và Nhân tâm thì nền giáo dục và dặc biệt là các trường hành chính, biến con người thành nô lệ của máy móc và nguy hiểm hơn là nô lệ cho những văn bản cứng nhắc, vô hồn.

9- Vài lời kết

Những con rận đủ loại được mô tả trên đây, trước khi tôi chui vào chăn và nhiều người ở ngoài chăn cũng đã biết, nhưng vì chưa bị chúng nó cắn nên chỉ cảm nhận sơ sơ. Tôi đang tiếp tục suy nghĩ và mong được nhiều người cùng chia sẻ, tìm nguyên nhân và biện pháp làm sao cho chiếc chăn trở nên sạch sẽ, thơm tho, ấm áp. Nhưng có lẽ hay hơn là vứt bỏ cả chiếc chăn, đưa mọi sự ra ánh sáng Quang Minh Chính Đại.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Cùng là tiến sĩ, nhưng ông Trọng khi ứng cử chức tổng bí thư lần 3, thì như con voi chui lọt lỗ kim kìa. Cái này gọi là âm thịnh dương suy đó.

  2. Đảng cọng sản ăn lương của dân, bọn điều hành bầu cử ăn lương cọng bổng lộc của đảng, bầu cử là hộp son tô môi đảng, là nước hoa đểu đi đánh đĩ 10 phương.
    Nên trông mong cho bọn nó chết bớt đi, được thằng nào mừng thằng đấy, đừng hy vọng thay đổi được lũ gian ác lưu manh này.
    Chỉ trừ khi cho đến khi tượng ông Hồ tất cả bị đo ván nằm phơi nắng.

    • Em có ý kiến,
      Mặc dù tượng bác Hồ đã trải dài từ bắc xuống nam, từ thành thị tới nông thôn, thiết nghĩ vẫn chửa đủ. Hãy dựng tượng bác nơi nghĩa trang, nơi cửa lò thiêu tại những nơi hỏa táng, để cho người đã mất vẫn luôn luôn nghĩ về bác. Làm được như thía mói là ôn hòa có hiếu, mới xứng tầm của bác.

  3. Tôi tin rằng các ủy viên bộ chính trị khi ứng cử thì hồ sơ đợn giản
    hoặc được tay sai (ăn lương công chức) hầu hạ.

Leave a Reply to Nguyễn Nhân Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây