Pháp nạn – Ma chướng trong chế độ Cộng sản (Phần 2)

Chu Sơn

7-6-2021

Tiếp theo phần 1

Trong chiến tranh, cửa chùa rộng mở cho những thanh niên trốn quân dịch, những binh lính đào ngũ, những tu sĩ và phật tử đấu tranh trốn thoát khỏi các cuộc truy lùng của bạo lực Việt Nam Cộng Hòa, kể cả những “anh em Cộng sản” giả dạng nạn nhân chiến tranh vào chùa đội lốt thầy tu.

Chùa lớn là một đơn vị dân cư đặc biệt do một tổ công an đặc nhiệm đảm trách. Chùa nhỏ do một công an đảm trách hay nằm trong tổ dân phố. Công an chìm và bọn chỉ điểm được cài sẵn trong chùa hay trong các hộ dân cư liên cận. Công an chìm, chỉ điểm viên, công an đặc nhiệm, công an khu vực, công an phường, công an quận huyện, công an tỉnh, thành phố và cả công an bộ là một hệ thống chuyên chính kiểm soát, giám sát chặt chẽ nhân – hộ khẩu trong các hộ dân cư, đặc biệt các chùa, nhà thờ, thánh thất, tu viện… là “nơi mai phục, tụ họp bởi bọn phản động cũ, phản động mới”.

Bất kể ngày đêm, công an và tổ dân phố toàn quyền khám xét để truy lùng “người cư trú bất hợp pháp” (người không có tên trong hộ khẩu) tại bất cứ hộ dân cư nào. Những nhân – hộ khẩu hợp pháp muốn đi đâu, bao lâu, làm gì phải khai báo, nếu không, tức thì mất hộ khẩu. (Mà mất hộ khẩu là “hậu khổ”). Công an vào tận giường các nữ tu để kiểm tra hộ khẩu lúc một, hai giờ sáng là chuyện diễn ra bình thường trong những năm đầu “giải phóng”.

Mục tiêu công tác tôn giáo vận của đảng Cộng sản sau chiến tranh là hạn chế đến tối thiểu các hoạt động tôn giáo ở Miền Nam, đồng thời vô hiệu hóa các giáo hội truyền thống và hình thành các giáo hội quốc doanh làm công cụ tuyên truyền cho cuộc cách mạng long trời lở đất được dẫn dắt bởi triết học Mác – Lê, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Thành tựu 20 năm tôn giáo vận ở Miền Bắc sẽ là mẫu mực noi theo và cũng là bài học cho các cán bộ đảng viên chuyên trách tôn giáo vận ở Miền Nam.

Đỗ Trung Hiếu, một cán bộ tôn giáo vận thuộc ban dân vận thành ủy Cộng sản Hồ Chí Minh, mô tả tình cảnh tôn giáo trên Miền Bắc trong một chuyến tham quan trước năm 1980 như sau:

Hầu hết các chùa, nhà thờ ở miền Bắc mà tôi đã đến thăm đều rêu phong tàn tạ. Các nhà sư (sư ông, sư bà) lẩm cẩm sợ sệt, một báo các cụ, hai báo các cụ. Các linh mục, giám mục đóng kín cửa lạc hậu với thời cuộc. Phật tử gần như không còn gì nữa, chỉ ẩn hiện dưới dạng mê tín, cúng bái linh tinh và rất e dè trước khách lạ. Tín đồ Thiên Chúa giáo thì khổ cực, hằn sâu trong mắt họ những nét u uất thâm nghiêm, nhưng rực lửa và sẵn sàng bốc cháy khi có mồi. Đó là mối nguy lớn, chứ không phải thành công của tôn giáo vận”. (Đỗ Trung Hiếu, hồi ký “Thống Nhất Phật Giáo”, Uyên Nguyên tháng 11.2018).

Đỗ Trung Hiếu, dù là đảng viên cộng sản, nhưng gốc gác Phật giáo, sâu nặng tâm thức nhân bản, nên mô tả và nhận định thực tế tình cảnh tôn giáo Miền Bắc như thế là chính xác. Nhưng người Cộng sản chính danh chắc chắn có cái nhìn ngược lại. Nếu không, họ đã không mưu đồ thực hiện các thủ đoạn và biện pháp quản lý tôn giáo (các giáo hội và giáo dân) gian ác, khắc nghiệt như cảm nhận từ kinh nghiệm đau thương của những nạn nhân trong cuộc. Trên đại thể, đảng Cộng sản đã đem kinh nghiệm mà họ cho là thành công trên Miền Bắc áp đặt tại Miền Nam trong công tác tôn giáo vận, nói riêng và quản lý con người, nói chung.

Để đạt mục tiêu ấy, chỉ riêng đối với Phật giáo Ấn Quang, ngoài các thủ đoạn và biện pháp chia rẽ kềm kẹp con người, phân liệt và vô hiệu hóa giáo hội, đảng Cộng sản còn tước đoạt và giới hạn đến tối thiểu các điều kiện sinh hoạt của các cấp giáo hội như đổi tiền, cải tạo kinh tế đối với các tầng lớp phật tử. Một khi các tầng lớp phật tử khánh kiệt thì lấy ai đóng góp để nuôi sống giáo hội, lấy phương tiện đâu để giáo hội tiến hành các hoạt động Phật sự? Bần cùng, vô sản hóa nhân dân là phương cách tiêu diệt tôn giáo hữu hiệu nhất.

Phật giáo Ấn Quang đến năm 1976 đã lâm vào tình cảnh khốn cùng. Chùa thành phố, chùa nông thôn đều thiếu đói trầm trọng. Đất ruộng chùa nông thôn phải giao nộp cho hợp tác xã. Chùa thành phố, sau hai lần đổi tiền, không có tiền mua gạo sắn khoai, rau muối, hương đèn, áo quần giày dép! Đây không phải tình cảnh tôn giáo trên Miền Bắc trước 1975 sao?

Để đạt mục tiêu ấy, đối với Phật giáo Ấn Quang, đảng Cộng sản còn:

– Giải tán Trung tâm Thích Quảng Đức, Tổng vụ Thanh Niên, các đoàn Sinh viên phật tử, Thanh thiếu niên phật tử, Hướng đạo phật tử ở thành phố, tỉnh lị, và các Gia đình phật tử, các Khuôn hội, Niệm Phật đường ở nông thôn.

– Giải tán và tước đoạt tài sản cô nhi viện Quách Thị Trang tại Sài Gòn và hàng chục cô nhi viện và cơ sở xã hội ở các tỉnh.

– Giải tán, tước đoạt tài sản viện đại học Vạn Hạnh và 163 trường trung tiểu học Bồ Đề trên khắp các tỉnh thành Miền Nam. Thư viện đại học Vạn Hạnh rất lớn chứa hàng chục ngàn đầu sách, bao gồm các thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Đức, Hán, Pa li, Sancrit, và hàng trăm tủ sách tại các trường Bồ Đề đều bị đốt thành tro bụi. Hàng ngàn thầy cô giáo mất việc vì không đáp ứng yêu cầu chính trị để được đảng “lưu dung” (lưu lại mà dung tha, lưu lại mà sử dụng).

– Thư viện và kho tài liệu đồ sộ tại chùa Ấn Quang bị tịch thu và đốt thành tro buị.

– Giải tán, tước đoạt tài sản nhà xuất bản Lá Bối, tạp chí Tư Tưởng, tạp chí Liên Hoa…, đốt hàng chục ngàn đầu sách và tạp chí triết, văn, sử “đồi trụy, phản động”.

– Giải tán Phật học viện Nha trang và các cơ sở đào tạo tăng ni cao đẳng, trung cấp ở nhiều tỉnh thành khác. Thư viện của Phật học viện cũng bị đốt.

Điều vô cùng bạo ngược chưa có chế độ nào làm trước năm 1975 là can thiệp vào nội dung, chương trình truyền giảng Phật pháp và cách thức tổ chức các cuộc lễ tại các chùa. Theo đó, trụ trì các chùa tùy theo tầm vóc mà được mời tới Ủy ban Mặt trận từ xã phường, quận huyện, đến tỉnh thành để “được đề nghị” kết hợp Phật pháp với các bài giảng chính trị về “sự nghiệp cách mạng của Bác, Đảng quang vinh”, về “chủ nghĩa Mác-Lê bách chiến bách thắng vô địch muôn năm”, về các cuộc chiến tranh thần thánh, đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng bọn “tay sai Ngụy quân – Ngụy quyền”. Đây là giọt nước tràn ly, là giới hạn cuối cùng của sự chịu đựng.

Biết đấu tranh trong chế độ Cộng sản là lấy trứng chọi đá, là hành động tuyệt vọng, nhưng rồi vẫn cứ đấu tranh. Những cuộc đấu tranh tuyệt vọng này của các thành viên Phật giáo Ấn Quang tạm chia thành hai thời đoạn: Trước và sau năm 1981 – thời điểm Phật giáo Ấn Quang bị đè bẹp, và Phật giáo Quốc doanh – Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) được đảng Cộng sản khai sinh.

Giáo hội Phật giáo Ấn Quang từ sau tháng 5.1975 gần như bị tê liệt hoàn toàn. Các lãnh tụ lừng danh một thời như Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ… vẫn còn đó, nhưng không phát động được phong trào đấu tranh mà họ nung nấu vì những lý do như đã trình bày trên. Từ tháng 5.1975 đến tháng 11.1981(thời điểm thành lập giáo hội quốc doanh), theo ghi nhận chưa đầy đủ, tại miền Nam (từ Quảng Trị-Huế đến Cà Mau) đã xảy ra các sự cố sau đây:

HT Thích Quảng Độ, cùng các vị tăng ni, hòa thượng khác, bị CSVN bắt và đưa ra tòa tại TAND thành Hồ hồi tháng 8/1995. Nguồn: LHĐ

Bi kịch -Thảm cảnh chùa Dược Sư

Chùa Dược Sư tọa lạc tại một địa điểm phía nam cách Cần Thơ khoảng 30 km. Chùa được xây dựng vào thời điểm hưng phấn nhất của Phật giáo Việt Nam: Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lần đầu tiên được thành lập sau hơn 30 năm vận động. Nhiều chùa như thế được xây dựng trên khắp Miền Nam sau thời điểm đó. Trước khi có chùa, phật tử địa phương sinh hoạt Phật sự tại tư gia, Khuôn hội, hay Niệm Phật đường. Sau khi được biết GHPGVNTN thành lập, phật tử và Giáo hội nhiều địa phương do nhu cầu tín ngưỡng quyết định làm chùa và đề nghị Giáo hội trung ương cử tăng sĩ về làng. Đại đức Thích Huệ Hiền đến trụ trì chùa Dược Sư trong dịp này.

Đại đức Thích Huệ Hiền được đào tạo tại Phật học viện Hải Đức, Nha Trang, đã kinh qua tù tội vì tham gia đấu tranh cho Tự do và Bình đẳng tôn giáo thời đệ nhất Cộng Hòa. Chẳng bao lâu chùa Dược Sư trở thành trung tâm tu hành, truyền bá Phật pháp thu hút sự chú ý và tin theo của phật tử và nhân dân địa phương về con đường Đạo pháp và Dân tộc trước hiểm họa chiến tranh, chia rẽ Dân tộc, về cuộc đấu tranh vì các mục tiêu: Hòa bình, Hòa giải, Hòa hợp Dân tộc theo chủ trương của GHPGVNTN.

Tháng 5.1975, liền sau khi chiến tranh chấm dứt, chùa Dược Sư tổ chức lễ cầu siêu cho tử sĩ của hai bên Quốc gia và Cộng sản với sự tham dự của đồng bào phật tử và nhân dân địa phương. Lúc này chính quyền “Cách mạng” tạị địa phương vẫn còn sơ khai do người Mặt trận đảm trách, chưa bị Bắc hóa, nên lễ cầu siêu đã diễn ra suôn sẻ.

Nhưng càng về sau tình trạng Bắc hóa ngày một thêm phát triển, chùa bị đặt trong sự kiểm soát của công an ngày càng gắt gao: Bị đấu tố phản động vì đã tổ chức lễ cầu siêu, bị kiểm tra an ninh, bị kiểm tra nhân hộ khẩu, bị bắt giao nộp tự điền và tham gia lao động cùng hợp tác xã, bị cấm treo cờ trong các cuộc lễ, bị buộc phải “ăn nói giống như mọi người” trong mọi sinh hoạt Phật sự (phải chửi bới Mỹ-Ngụy, phải ca ngợi công lao kháng chiến của “bác Hồ” và đảng Cộng sản, phải bày tỏ sự tuyệt đối tin tưởng và trung thành với cách mạng Xã hội chủ nghĩa…), bị sỉ nhục là mê tín dị đoan, lười biếng lao động, bị cảnh cáo thường xuyên về “âm mưu tụ tập phản động chống phá cách mạng”, bị bắt đi lính tất cả những tăng sĩ đang độ tuổi thanh niên.

Tóm lại, tình trạng chung ngoài xã hội và riêng trong chùa ngày một bế tắt, tuyệt vọng: bị thiếu đói, bị tẩy não, bị xúc phạm nhân quyền, bị cấm đoán và can thiệp nghiêm trọng các quyền tự do, đặc biệt tự do tôn giáo; nhà sư trụ trì Thích Huệ Hiền và 11 tăng, ni chùa Dược Sư quyết định cùng nhau tự thiêu vào ngày 2.11.1975.

Trong cuộc đấu tranh đòi Tự do và Bình đẳng tôn giáo năm 1963, bắt đầu từ hòa thượng Thích Quảng Đức, ở Miền Nam đã diễn ra 8 cuộc tự thiêu. Hầu hết đều tự thiêu cá thể. Lúc bấy giờ báo chí thế giới tập trung ở Sài Gòn khá đông. Ngay từ cuộc tự thiêu đầu tiên của hòa thượng Thích Quảng Đức, các phương tiện truyền thông không phân biệt Cộng sản hay Tư bản đều đưa tin. Người dân Mỹ và thế giới bày tỏ sự xúc động, phẫn nộ, phản đối nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Thế giới Cộng sản càng tố cáo quyết liệt hơn và cổ vũ mạnh mẽ các cuộc đấu tranh của Phật giáo đồ.

Từ sau biến cố tháng 5.1975, chính quyền Cộng sản trục xuất hết “các phóng viên ngoại quốc không đáng tin cậy”, thiết lập guồng máy toàn trị, thực thi chế độ quân quản, ngăn sông cấm chợ, nên vụ tự thiêu tập thể của 12 Tăng, Ni chùa Dược Sư hoàn toàn bị bưng bít: công an giấu xác, thu dọn tang chứng, chiếm cứ chùa, đe dọa, phong tỏa người dân quanh vùng (nội bất xuất-ngoại bất nhập). Mãi đến một tuần sau, thư tuyệt mệnh của Ngài Trụ Trì Thích Huệ Hiền và Chư Vị Tăng Ni Bất Khuất chùa Dược Sư mới đến được chùa Ấn Quang, nơi mà vòng vây và sự kèm kẹp, phong tỏa của công an chặt chẽ hơn bao giờ hết. Bức thư thông báo mục đích và tên tuổi 12 người tự thiêu.

Về mục đích, nhà sư Thích Huệ Hiền “báo cáo tình trạng tuyệt vọng do Nhân quyền và quyền Tự do tôn giáo bị chà đạp, bị vi phạm nghiêm trọng hơn rất nhiều trong chế độ cũ”. Bằng mọi biện pháp, chính quyền Cộng sản muốn tránh một cuộc nổi dậy từ phía Phật giáo Ấn Quang. Về phía Phật giáo Ấn Quang, các vị lãnh đạo và phật tử còn lại (đa phần đã bị đuổi khỏi chùa vì các biện pháp an ninh và hộ khẩu của công an) vô cùng bức xúc, nhưng không còn khả năng sức lực để thực hiện bất cứ một toan tính âm thầm nào: tự thiêu cá thể, tự thiêu tập thể, biểu tình, tuyệt thực…

Không có kế hoạch nào thực hiện được tại các chùa thuộc Phật giáo Ấn Quang cả vì công an chìm, mật vụ đội lốt sư tăng phật tử đầy chùa, công an đặc nhiệm, công an phường, công an quận, công an thành, công an bộ và cả những cán bộ Tôn giáo vận, Mặt trận vào ra tấp nập, với không biết bao nhiêu mánh lới, thủ đoạn tuyên truyền, chia rẽ, hứa hẹn, hù dọa…

Chưa bao giờ Giáo hội Phật giáo Ấn Quang lúng túng, đau khổ và giằng xé như lúc này. Trong chế độ cũ, Phật giáo chủ trương, phát động các cuộc đấu tranh vì Tự do, Bình đẳng tôn giáo, Dân chủ, Hòa bình, Hòa giải – Hòa hợp Dân tộc. Tăng, ni, phật tử và nhân dân hưởng ứng và đã hy sinh rất nhiều. Nay đã có Hòa bình, nhưng các mục tiêu khác thì không có gì cả! Tự do, Dân chủ? Không! Hòa giải – Hòa hợp Dân tôc? Không! Cơm no áo ấm? Không! Hóa ra “Giáo hội Phật giáo đã làm tay sai cho chế độ Cộng sản: Đưa phật tử và nhân dân vào tròng?” Dĩ nhiên sự thật không phải như thế, nhưng kết quả thì hoàn toàn như thế!

Làm gì và làm như thế nào trước tình cảnh khốn cùng này? Sám hối và cầu nguyện? Câu hỏi này giáo hội Ấn Quang đặt ra hàng triệu lần từ khi đảng Cộng sản thiết lập chế độ cai trị khắc nghiệt trên đất nước và dân tộc.

Trần Phương, trong bài “Miền Nam sau 30/4/1975: Khi các nhà sư vỡ mộng“, viết theo nhật báo Chicago Tribune rằng “ba tuần sau thảm họa chùa Dược Sư, Hòa thượng Thích Trí Thủ…, đã gửi thư đến Chính phủ Lâm thời miền Nam để khiếu nại. Hòa thượng Trí Thủ nói rằng cán bộ cách mạng đã tịch thu chùa Dược Sư và cả thi thể các tăng ni. Bức thư được gửi cùng thư tuyệt mệnh của trụ trì Huệ Hiền, trong đó ghi lại tên tuổi 11 tăng ni và lý do tự thiêu là để yêu cầu chính phủ cách mạng “tôn trọng triệt để tự do tín ngưỡng của các tôn giáo”… “Qua vụ việc trên, chúng tôi hy vọng chính phủ cách mạng sẽ lưu tâm đến những gì đang diễn ra ở cấp cơ sở. Chúng tôi không muốn tin rằng vụ việc đáng tiếc trên cũng như nhiều vụ việc liên quan đến tự do tôn giáo khác phản ánh chính sách của Mặt trận Giải phóng Dân tộc và Chính phủ Cách mạng Lâm thời”. “…đáng lẽ chúng tôi nên đến gặp ông để trình bày chi tiết và kín đáo hơn. Tuy nhiên, một cuộc họp như vậy có vẻ là bất khả thi, kể từ khi thống nhất chúng tôi đã xin gặp chính phủ ba lần để nói về quan điểm của giáo hội đối với vấn đề tôn giáo nhưng liên tiếp bị từ chối”. “Tương tự như yêu cầu xin gặp chính phủ cách mạng, bức thư của Hòa thương Thích Trí Thủ không được hồi đáp”.

Trần Phương viết tiếp: “… Tháng 9/1976, Tổ chức Nhân quyền và Ân xá Quốc tế đã gửi thư đến Bộ Nội vụ Việt Nam để yêu cầu cung cấp thông tin (về vụ tự thiêu ở chùa Dược Sư, C.S). Khoảng sáu tháng sau, Bộ Nội vụ đã hồi đáp bức thư đó bằng một giải thích rất bất ngờ. Chính phủ cho rằng theo lời khai của các nhân chứng thì ông Phạm Văn Có (tên khai sinh của Đại đức Huệ Hiền) đã giết hai ni cô lần lược vào năm 1972 và năm 1974 sau khi ông ta làm hai người này mang thai,..”. “…Sau ngày giải phóng, ông Có vẫn tiếp tục nhiều hành động vô đạo đức” .“…vì sợ việc làm của mình bị lộ ra ngoài, ông Có đã quyết định tự sát, trước khi đốt chùa và tự thiêu mình, ông đã giết chết 11 người khác trong chùa, trong đó có hai thiếu niên”.

Không thể ém nhẹm, bưng bít lâu dài, trước những phản ứng quốc tế và trước những bất mãn âm thầm nhưng quyết liệt của một số chức sắc Phật giáo Ấn Quang, chính quyền Cộng sản đã “tổ chức một cuộc điều tra” với sự tham dự của đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Biên bản điều tra kết luận rằng: “Đại đức Huệ Hiền đã tự sát cùng 11 người khác vì các lý do sau: Sợ bị cách mạng trừng trị vì đã làm chỉ điểm cho Mỹ-Ngụy, không còn lương thực để sống vì trước đó được Mỹ-Ngụy chu cấp và sợ chuyện dâm ô với các ni cô bị bại lộ”…. “Hòa thượng Thích Quảng Độ, lúc đó là Tổng thư ký Viện Hóa Đạo của GHPGVNTN, sau này trở thành Tăng thống thứ năm của giáo hội, nói rằng ông và các vị hòa thượng Thích Thiện Minh, Thích Huyền Quang không chấp nhận lời giải thích của chính quyền”.

Không chỉ có ba vị hòa thượng Thiện Minh, Huyền Quang, Quảng Độ “không chấp nhận lời giải thích của chính quyền”, mà hầu hết chức sắc giáo hội Phật giáo Ấn Quang và phật tử đều khẳng định rằng lời giải thích đó là vu khống trắng trợn, là nhục mạ đối với tăng ni chùa Dược Sư và với cả GHPGVNTN. Tuy nhiên, tùy theo mức độ dị ứng Cộng sản nặng nhẹ khác nhau mà các vị lãnh đạo Ấn Quang thể hiện thái độ bất mãn mức độ khác nhau đối với chế độ.

Một số vị ôn hòa và mềm dẻo như các hoà thượng Thích Trí Thủ, Thích Minh Châu…, còn một chút hy vọng vào “công lao quá khứ” sẽ được đảng Cộng sản thừa nhận vai trò nòng cốt của một giáo hội mới trong một nước Việt Nam thống nhất sẽ đươc bầu cử sắp tới.

Một số khác đông hơn như các hòa thượng Thiện Minh, Huyền Quang, Quảng Độ, và các tăng ni trẻ như Thích Tuệ Sĩ, Thích Trí Siêu, Thích Nữ Trí Hải… thì bày tỏ thái độ bất hợp tác quyết liệt. Thậm chí có vị (như Thiện Minh) thì “thà chết chứ không chịu sống mà không có Tự Do”. Rất nhiều tăng sĩ, trí thức vượt biên. Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở nước ngoài tố cáo với dư luận thế giới: Cộng sản Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo. Đồng thời, thiền sư Nhất Hạnh cổ vũ cho một phát động phong trào Phật giáo đấu tranh trong nước.

Phật giáo Ấn Quang bị đàn áp

Sau thời gian dài chịu đựng các cuộc cải tạo, thảm kịch chùa Dược Sư xảy ra đã xoáy vào tâm thức Phật giáo Ấn Quang những mũi khoan đau nhức không cứu chữa được.

Ngày 6 tháng 4 năm 1977, khoảng vài trăm tăng, ni, phật tử tập họp tại chùa Ấn Quang để thảo luận về “một thái độ ứng xử, một kế hoạch đối phó với chế độ”. Cuộc hội thảo đang tiến hành thì công an ập vào bố ráp. Đàn áp thô bạo đã diễn ra. Vài chục sư tăng và trí thức Phật tử, đứng đầu là các thượng tọa Huyền Quang, Quảng Độ, Tuệ Sĩ, Thanh Thế, Thuyền Ấn, Thông Huệ…, bị bắt.

Từ đó chùa Ấn Quang bị phong tỏa ngày đêm, phật tử chỉ được đến chùa một tháng 2 lần, đầu hoặc giữa tháng, để cầu nguyện trước bàn thờ Phật. Không còn có những buổi giảng dạy Phật pháp như thông lệ trước đó. Các chùa khác thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trên khắp miền Nam đều lâm vào tình trạng tương tự. Phong tỏa, kèm kẹp, kiểm tra nhân hộ khẩu, bắt tăng sĩ trẻ vào lính, bắt bất cứ ai tình nghi chính trị vào tù. Hành hạ, tra tấn, giết chóc tàn bạo hơn rất nhiều trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Nhiều chùa bị đập phá, đóng cửa. Thêm nhiều vụ tự thiêu cá thể.

Theo Trần Phương trong bài đã dẫn: “Trong hai năm 1977-1978, ở miền Nam có thêm 18 tăng ni khác tự thiêu”. Thêm nhiều vụ vượt biên. (Cũng theo Trần Phương, “Khoảng sáu tháng sau cuộc bố ráp vào chùa Ấn Quang. Hòa thượng Thích Mãn Giác, Ủy viên trung ương trong GHPGVNTN, đã vượt biên đến Paris (Pháp) để tố cáo các cuộc đàn áp đạo Phật đang diễn ra rất trầm trọng tại miền Nam)”.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Theo thiển ý tôi,đây là một bài viết muốn “thanh minh thanh nga” chính nghĩa
    tranh đấu của PG miền Trung, mà vẫn không chịu nhận ra lỗi lầm của mình đã
    bị cán bộ CS.thao túng đi đến việc chống phá chế độ VNCH.
    Điều đơn giản nhất có thể nhận ra qua vài chữ dùng của tác giả liên quan tới HT.
    THích Tâm Châu, vốn không đông quan điểm đấu tranh vơi nhóm TTQ.

  2. “Đất nước còn, còn tất cả. Đất nước mất, mất tất cả.”
    “Đừng nghe những gì cộng sản nói. Hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”
    (Tổng thống Nguyễn văn Thiệu)

  3. Qua 2 bài này, dân ta có lý do để tin vào “Nhân Quả” rùi nè .

    “Trong chiến tranh, cửa chùa rộng mở cho những thanh niên trốn quân dịch, những binh lính đào ngũ, những tu sĩ và phật tử đấu tranh trốn thoát khỏi các cuộc truy lùng của bạo lực Việt Nam Cộng Hòa, kể cả những “anh em Cộng sản” giả dạng nạn nhân chiến tranh vào chùa đội lốt thầy tu”

    Các luật sư nên ghi nhớ, chính “bạo lực” của Ngụy mới là cái máy giết Đảng tàn bạo nhất, kể cả những “anh em Cộng Sản” -can we trade’em 4 something else- hiền lành, chân chất rùi dễ thương nữa .

    “Đất ruộng chùa nông thôn phải giao nộp cho hợp tác xã. Chùa thành phố, sau hai lần đổi tiền, không có tiền mua gạo sắn khoai, rau muối, hương đèn, áo quần giày dép! Đây không phải tình cảnh tôn giáo trên Miền Bắc trước 1975 sao?”

    Ậy, chính vì vậy mà “Ta” phải giải phóng miền Nam với biết bao hy sinh tù đày của giới “trí thức đấu tranh”, rùi “những người có lương tri” như ô bà Nguyễn Thùy Dương .

    “chưa có chế độ nào làm trước năm 1975 là can thiệp vào nội dung, chương trình truyền giảng Phật pháp và cách thức tổ chức các cuộc lễ tại các chùa”

    Có rồi, ở ngoài Bắc . Chính vì lý do đó mà các bác phải đấu tranh cho bằng được để những gì xảy ra ở miền Bắc có thể xảy ra ở miền Nam sau “chiến thắng huy hoàng”. Nhà văn Nguyên Ngọc đứng trên Tây Nguyên mà nghẹn ngào vì miền Nam chưa có cơ sở cách mạng, chính là ước muốn tột cùng muốn những gì miền Bắc có, miền Nam cũng ứ hự lãnh đủ .

    “Đại đức Thích Huệ Hiền được đào tạo tại Phật học viện Hải Đức, Nha Trang, đã kinh qua tù tội vì tham gia đấu tranh cho Tự do và Bình đẳng tôn giáo thời đệ nhất Cộng Hòa … “tổ chức một cuộc điều tra” với sự tham dự của đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Biên bản điều tra kết luận rằng: “Đại đức Huệ Hiền đã tự sát cùng 11 người khác vì các lý do sau: Sợ bị cách mạng trừng trị vì đã làm chỉ điểm cho Mỹ-Ngụy, không còn lương thực để sống vì trước đó được Mỹ-Ngụy chu cấp và sợ chuyện dâm ô với các ni cô bị bại lộ”

    Duy nhất Đảng Cộng Sản của các bác mới có thể đi tới tận cùng của chân lý .

    “đứng đầu là các thượng tọa Huyền Quang, Quảng Độ, Tuệ Sĩ, Thanh Thế, Thuyền Ấn, Thông Huệ…, bị bắt”

    Nhưng Thích Trí Quang vẫn bình yên vô sự . Khi về với Bác Hồ -thay vì Niết Bàn- để lại 1 tấm gương sáng chói về đấu tranh cho trí thức Việt . So far, so good. VN vẫn là nước có ổn định chính trị cao .

    Phong trào đốt xe Mỹ ngày xưa là do Thích Trí Quang & đoàn thanh niên phật tử đồng phát động với các trí thức đấu tranh aka Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu … Đúng là sau 1975, các nhân vật như Thích Trí Quang đã được Đảng cho ra rìa -tiếng u là too radical for their own good- nhưng các “trí thức đấu tranh” ngày xưa đã có những đãi ngộ tương thích . Hạ Đình Nguyên làm xếp Imex Hochiminh là 1 ví dụ . Trent Reznor-NIN, Bow down b4 the one you serve, you gonna get what you deserve.

    Thôi thì dân mềnh đã nhất trí rằng Ngụy rất đáng bị lật đổ . Ngay cả một người được giải thưởng của văn việt (lỗi anh đánh máy thiếu chữ “Cộng”), sinh 1976 tức có cái nhìn khách quan cũng xem Ngụy là biểu tượng của tha hóa về đạo đức, đáng dìm tận xuống đáy bùn nhơ . Đảng Cộng Sản ngày nay chính là lời giải đáp duy nhất cho tất cả mọi nan đề của Việt Nam . Đúng, Trung Quốc có tất cả lời giải cho tất cả những vấn đề của Đảng Cộng Sản các bác . Có nghĩa chỉ nên phản biện se sẽ thôi các bạn ạ . Chiện tố Cộng kiểu này không có lợi cho hòa hợp hòa giải, vả lại đã được chứng minh từ trước tới giờ, với thế hệ “khách quan” sinh ra sau kháng chiến chống Mỹ, it aint worth jack. Nước đổ đầu vịt cả thui .

Leave a Reply to bình nhanh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây