COVID-19 và những trăn trở về tư chất

Blog VOA

Trân Văn

7-6-2021

Tuần này, những thông tin, sự kiện liên quan đến đợt dịch COVID-19 lần thứ tư tại Việt Nam tiếp tục là chủ đề chính cả trên hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam lẫn mạng xã hội Việt ngữ.

Người Việt không chỉ chia sẻ thông tin, suy tư về phương thức, hiệu quả phòng – chống dịch của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền mà còn bày tỏ suy tư, thậm chí tranh luận về cách thức ứng xử với nhau trong bối cảnh số ca lây nhiễm càng ngày càng nhiều, mức độ gò bó trong sinh hoạt của cả cá nhân lẫn xã hội càng ngày càng cao, đời sống càng lúc càng khó khăn, tương lai càng nhìn càng hoang mang vì quá nhiều yếu tố bất định, đầy rủi ro…

Thời nào cũng thế và ở đâu cũng vậy, nghịch cảnh luôn là dịp phát lộ những khác biệt trong nhận thức, hành xử của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng để có thể phân tích, đánh giá về hay – dở…

Trong số những thông tin đã được chia sẻ, những suy tư đã được bày tỏ trên mạng xã hội từ đầu tuần đến nay, thay vì tổng hợp – giới thiệu ý kiến của nhiều người về một hay một vài vấn đề vốn là chủ đề nóng nhất, đáng chú ý nhất của cả tuần, lần này, Thiên hạ luận chọn giới thiệu một status của Facebooker Anh Van (*) bởi ngoài những điểm chung còn có những ý riêng, đáng ngẫm nghĩ và hy vọng độc giả sẽ góp thêm suy tư của chính quí vị về những trăn trở của Facebooker Anh Van…

***

Thép Krupp

20 tháng 12 năm 1943.

Trung uý Charlie Brown, 21 tuổi, phi công lái oanh tạc cơ B17, bay phi vụ đầu tiên với không đoàn để dội bom xưởng chế tạo chiến đấu cơ Focke-Wulf FW190 của quân đội Quốc Xã ở thành phố Bremen, Đức Quốc. Sau khi bỏ bom, phi cơ trúng đạn phòng không. Trong bốn máy thì ba liệt, chỉ còn một hoạt động. Bay chậm nên trên đường trở về không theo kịp không đoàn. Đơn độc, phi cơ của Brown lại bị 15 chiến đấu cơ Quốc Xã bâu lại cấu xé trên trời. Khi phi cơ của Brown chúi mũi đâm thẳng xuống đất, đoàn chiến đấu cơ Quốc Xã bỏ đi vì nghĩ rằng nó sẽ rớt…

Charlie Brown bị thương và ngất đi, tỉnh lại chỉ kịp nâng mũi tàu lên khi phi cơ cách mặt đất một ngàn bộ (khoảng hơn 300 mét). Brown ráng bay ra biển về phía bờ Anh Quốc.

Dưới đất, trung úy Franz Stigler, 26 tuổi, phi công Không quân Quốc Xã đang chờ chiến đấu cơ BF109 bơm đầy xăng và nạp đạn thì nghe tiếng ầm ĩ khi phi cơ của Brown là là bay qua đầu. Stigler vứt thuốc lá, leo lên chiếc Messerschmitt cho cất cánh với ý định kết liễu oanh tạc cơ của địch… Khi đến gần đuôi phi cơ của Brown, Stigler ngạc nhiên vì không thấy ánh sáng lập lòe (dấu lửa khi xạ thủ chiếc B17 khai hoả đại liên). Đến gần hơn, Stigler thấy xạ thủ đã chết, máu đã đông trên nòng súng… Vòng ra phía trước, Stigler thấy thân phi cơ nát bươm vì đạn, vòm kính ở mũi B17 vỡ nát. Gió luồn từ trước đến sau, với thời tiết và tốc độ đó, nhiệt độ trong khoang tàu phải lạnh cỡ âm 60 độ, trừ phi công, phi hành đoàn không còn khả năng kháng cự. Stigler tự hỏi làm sao chiếc oanh tạc cơ này chưa rớt?

Khi Stigler nhìn vào khoang lái chiếc B17 thì cũng là lúc Brown nhìn qua. Brown biết, nếu Stigler vòng ra sau lưng và bắn thì… hết nhưng Stigler không bắn mà lấy tay chỉ lia lịa xuống đất, ra dấu hãy hạ cánh, không phải để bắt phi hành đoàn làm tù binh mà chỉ để giúp họ sống… Brown không biết thiện ý đó nên lắc đầu. Stigler cố gắng lập lại ý mình, la hét trong khoang lái, chỉ tay về phía Bắc – hướng Thuỵ Điển, một quốc gia trung lập song Brown bất ngờ cho phi cơ ngoặt sang trái hướng về Anh Quốc…

Stigler là ngôi sao sáng của Không quân Quốc Xã, từng bắn hạ hơn hai mươi phi cơ của phe Đồng minh, nhiều lần bị thương, nếu hạ thêm chiếc B17 của Brown, Stigler sẽ được tưởng thưởng Huy chương Thập tự sắt nhưng sau này, Stigler kể là lúc đó, anh chợt nhớ tới điều Gustav Roedel, Không đoàn trưởng của mình từng đặt ra trước khi Stigler thực hiện phi vụ đầu tiên ở Bắc Phi.

Hồi ấy, Roedel từng nhấn mạnh: Hãy nhớ cảnh báo này. Tại đây, danh dự phải được đặt trên tất cả mọi chuyện. Mỗi lần đụng địch trên không chúng sẽ đông hơn ta nhiều lần. Roedel hỏi Stigler: Cậu sẽ làm gì nếu thấy một phi công địch nhảy dù? Stigler trả lời: Tôi chưa bao giờ nghĩ xa như vậy. Roedel nói tiếp: Nếu chẳng may tôi thấy hoặc nghe nói cậu bắn một phi công địch đang lơ lửng trong dù, chính tôi sẽ bắn hạ cậu. Cậu chiến đấu trong danh dự và giữ tinh thần mã thượng là giữ cho chính cậu chứ không phải vì kẻ thù của cậu. Cậu phải sống theo quy luật đó để bảo toàn nhân tính của cậu…

Đó là lý do khi nhìn thấy phi hành đoàn của chiếc B17 không ai nhảy dù, Stigler đi đến một quyết định táo bạo: Chiếc B17 sắp đến bờ biển phía Bắc của Đức Quốc – nơi lưới cao xạ phòng không rất dày. Stigler đã bay sát oanh tạc cơ của Brown để dưới đất không dám khai hỏa vì sợ bắn trúng chiến đấu cơ của Đức… Stigler tiếp tục bay như thế cho đến khi oanh tạc cơ của Brown bay ra đến biển…

Brown không biết tại sao Stigler cứ lởn vởn quanh mình nên ra lệnh cho xạ thủ còn lại bắn vào Stigler. May mắn là trước khi xạ thủ siết cò thì Brown thấy Stigler bay lên ngang tầm, đưa tay chào anh rồi rẽ trái để quay trở về bờ biển Đức. Đến lúc đó Brown mới hiểu… 40 năm sau chiến tranh, Brown tìm được Stigler. Họ kết nghĩa anh em và liên lạc với nhau cho đến cuối đời.

Sau khi kể lại câu chuyện giữa Brown và Stigler, Anh Van viết thêm như thế này: Stigler không có hành động anh hùng nào cả và cũng không tự nhận là anh hùng vì trong chiến tranh anh hùng làm việc khác người để có lợi cho phe mình, hoặc ít nhất gây hại cho đối phương. Không những không làm điều có lợi cho nước Đức mà Stigler còn làm ngược lại. Stigler cũng không nhận là đã can đảm bởi can đảm trong chiến tranh mang nghĩa tương tự như anh hùng. Nếu hành động của Stigler bị lộ, anh ta sẽ phải ra Tòa án Quân sự vì phản quốc và sau đó ra pháp trường – kỷ luật của quân đội Quốc Xã không phải chuyện đùa. Stigler chưa từng kể không chỉ tha mà còn giúp phi công địch.

Có lẽ cũng không phải vì nhớ đến những gì thượng cấp từng nhắc mà Stigler quyết định làm như vậy. Có lẽ khi nhìn thấy chiếc B17 và những người dở sống, dở chết, Stigler quyết định như đã biết là những điều phát xuất từ sâu bên trong của anh và sau đó anh mới liên liên tưởng đến Roedel.

Stigler lọc lựa hành động theo bậc thang giá trị của chính anh. Một người chỉ có thể suy nghĩ, lựa chọn và đưa ra quyết định cho hành động của mình trong một môi trường xã hội công nhận và nuôi dưỡng khái niệm “cá nhân” cũng như sự độc nhất của cá nhân đó. Xã hội Quốc Xã khắc nghiệt về ý thức hệ nhưng tuyên bố của Roedel và hành vi của Stigler cho thấy xã hội đó vẫn còn chỗ cho sự hiện hữu của cá nhân độc lập. Có thể vì lý do lịch sử (Đức phát triển cao độ về minh triết) hay phong thổ (Đức được bao quanh bởi những quốc gia có văn hoá phát triển nhất trong vòng 400 năm gần đây), hay cả hai. Đây là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển và duy trì của con người.

Ở khía cạnh khác, tâm tư của Stigler có kích thước hướng thượng ngay cả trong hoàn cảnh dã man và tàn bạo nhất là chiến tranh. Anh vẫn không quên con người là cứu cánh cho mọi việc. Việc Stigler nhớ ra nhân tính của mình đưa đến việc nhận ra nhân tính của kẻ thù ngã ngựa và sự đồng cảm đó thúc đẩy anh đưa ra bàn tay để cứu vớt và chung tay bảo toàn đời sống, hợp tác và xây dựng dù không cố ý. Sau chiến tranh, hành vi của Stigler được nhớ đến sau là một nhắc nhở cho cả nhân loại chứ không phải chỉ giữa hai cá thể đơn lẻ.

Trong chiến tranh Việt Nam, tôi đã từng nghe từ người lính miền Nam vài ứng xử tương tự như vậy với bại binh. Phía bên kia tôi không biết nhưng đoán là phải có những tâm tư tương đương ở cán binh Bắc Việt dù từ nghĩ đến làm sẽ khó khăn hơn người lính miền Nam do ý thức hệ và sự căm thù không đội trời chung mà bề trên nhồi nhét.

Đấy lẽ ra là một tâm trạng phải hiện hữu nơi con người trong cả thời chiến lẫn thời bình vì nhân tính phải xuyên suốt kiếp người. Lẽ ra nó phải thịnh hành hơn ở thời bình vì không như trong chiến tranh, trong hòa bình người ta có giờ để chiêm nghiệm về mình và cuộc sống nhiều hơn. Nhưng từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, tôi thấy tâm tư đồng cảm, vị tha, có nguồn gốc nhân tính đó ngày càng khan hiếm. Cho đến nay thì nó có vẻ khô kiệt.

Ở quốc gia nọ, trong tình cảnh bi đát do dịch bùng phát ảnh hưởng liên đới đến mọi người, trong đó không ai có thể tự bảo vệ được mình mà không cần sự hợp tác và chung cùng của tha nhân xung quanh như hiện nay, tôi chỉ nhìn thấy khắp nơi sự chia cách, sân hận, vung tay đổ lỗi, và thù oán với người chẳng may vướng bệnh, dù do rủi ro hay vô ý. Thậm chí người ta còn tỏ ý muốn sát hại những con bệnh mang mầm lây lan này. Người ta không có nổi sự thông cảm tối thiểu, một giá trị tinh thần như người sĩ quan thuộc một thể chế cả thế giới nguyền rủa là tàn bạo bất nhân, để từ đó có những biện pháp tốt cho mọi người hơn. Dù hoàn cảnh dịch bệnh chỉ rõ là mình phải vì cộng đồng bởi số phần mình không thể tách rời khỏi cộng đồng trong tai hoạ. Sự sinh tồn của cộng đồng gắn liền sự sinh tồn của mình.

Nhiều người đến nay vẫn tìm mọi cách chứng minh dịch phát xuất từ Trung Hoa để hài tội hay đổ lỗi. Tôi tự hỏi nếu quả thật xác định được nguồn gốc (điều tôi không tin có thể làm được ít nhất vì lý do quốc phòng) thì nó có làm cho COVID sợ, biết lỗi mà ngưng hoành hành chăng? Nếu cuối cùng nước Tàu có chịu trách nhiệm và bồi thường thì những đổ vỡ có hàn gắn, người chết có hồi sinh được bằng… nhân dân tệ không?

Một nét văn hoá rẻ rúng tính mã thượng, bao dung, trọng danh dự như là điều ngu xuẩn, đặt quyền lợi riêng tư trên hết, sống chết mặc người, luôn phải đố kỵ, phải có thù địch, phản động, bọn xấu để nuôi dưỡng lòng căm thù bất cứ một thứ gì, thật hay tưởng tượng, như một thứ nhu yếu phẩm tâm lý bất thường, phải đối đầu mọi thứ, phải lừa lọc bởi lừa lọc được chứng tỏ mình giỏi, hoá ra có thể thiếu cả khôn lẫn ngoan. Tất cả chỉ vì sự sợ hãi không nguồn gốc bị áp đặt quá lâu, đã in sâu vào tâm thức mọi người.

Tại sao cả một lượng bao người chỉ có thể nhìn đến chừng đó, lại có thể vừa soi gương vừa vỗ ngực tự hào? Những thằng bờm đã tự nguyện bịt mõm bao nhiêu phần trăm nhân tính để đổi lấy nắm xôi hẩm của phú ông giả hiệu trong trăm năm nay? Nó có giải thích được phần nào tại sao quốc gia nọ cũng ý thức hệ sắt máu bây giờ lại như thế kia, trong khi quốc gia kia cũng bắt chước sắt máu bây giờ lại ra thế này hay không? Nga Xô chết hàng 20 triệu người, thắng Quốc Xã để thai nghén những xã hội đen tối sợ sệt như vậy, vẻ vang gì?

Nhìn vào nội hàm nghĩa cử của Stigler, người ta không thể bảo anh ấy sinh bất phùng thời – dưới một chế độ độc tài, nên tài năng đức độ bị đè nén. Nó không tuỳ thuộc vào chế độ mà vào con người, nên dân tộc nọ khó mà đổ thừa vô tội vạ là tại hệ thống lỗi, chứ không phải do con người tự hủ hoá.

Chú thích

(*) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1117862192024933&id=100014034889423

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Học Giả Nguyễn Duy

    Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân
    (ca dao)

    1.
    Thời Mắc Dịch phải chăng Thời Siêu Thực
    âm dương lập lờ ảo ảo hư hư
    không có giấc mơ
    chỉ toàn ác mộng

    mập mờ như ngủ như thức
    người và ma lẫn lộn tù mù
    ta thu bóng ngồi uống trà với gió
    chén rượu suông cụng với chính hồn mình.

    2.
    Nghe rầm trời tiếng dân đen kêu than

    đứt ruột.

    tiếng thở dồn người chống dịch xả thân

    thắt ruột.

    tiếng chim lồng trơn lưỡi véo von

    sốt ruột.

    tiếng mặt lì lảm nhảm ti-vi

    lộn ruột.

    3.
    Gói hàng mã mùa này gửi cho người âm
    thêm hộp khẩu trang bộ áo choàng y tế
    mâm cúng cô hồn ngoài ngõ còn nguyên
    cô hồn năm nay không được phép lang thang lêu lổng

    hồn vía quay quay cuồng cuồng
    đột quị con đường chen chúc sống

    chen chúc chợ đời chen chúc hồi hương

    chen chúc tiêm phòng chen chúc nhà thương

    chen chúc thở

    chen chúc lò thiêu xác.

    4.
    Có cái chết trống không như chết lậu
    không trống không kèn không đèn không nhang
    mùi tử khí ám ươn nhà ổ chuột
    đau kiếp người sống chui chết chui.
    ta thành kính vấn an linh hồn lạc

    chỉ về Trời mới thật có tự do
    tự do nhẹ như gió
    tự do bềnh bồng như mây
    tự do trong như giọt mưa trong
    tự do nặng trĩu như lòng.

    5.
    Ta lăn lê gần hết đời người
    nỗi buồn khổ nuốt tươi niềm vui sướng
    ta thèm khát vô tư như cỏ
    mong thảnh thơi chấm mút phút nhẹ lòng
    ta đã liều mình lao vào đạn bom
    trẻ liều chết nay về già liều sống.

    6.
    Gió sục sạo khắp trần gian dài rộng
    biết chăng con người sống để làm gì?
    giết chóc triền miên suốt nhiều nghìn năm
    tích tụ máu có thể làm thuỷ điện?

    bức tử nước bức tử rừng bức tử bầu khí quyển
    bức tử trời xanh hay bức tử chính mình?

    dịch bệnh bung toang không hề hư vô
    là kiếp nạn hay đòn trừng phạt?
    lời sấm truyền ngày tận thế tự thân
    hay điềm báo Trời thay nhân loại khác?

    con người hiền lương con người nhân đức
    gian ác vừa thôi kẻo hết đất làm người!

    7.
    Thời mắc dịch ngồi uống trà với gió
    lời ruột gan ta tự vấn hồn mình…

    Nguồn Mạng

  2. Đó là lý do khiến nước Đức sau chiến tranh 20 năm trỗi dậy có nền kinh tế mạnh nhất châu Âu.
    Đó là lý do tại sao gần nửa thế kỷ sau chiến tranh lại đang tụt dần về phía đáy của Đông Nam Á, khi vẫn còn cái nhà nước nửa đêm xua ba ngàn cảnh sát cơ động trang bị đến tận răng tấn công một ngôi làng nhỏ giết hại dã man một lão nông rồi trơ trẽn vinh danh kẻ giết người.
    Những con khỉ Pắc bó đã ra khỏi rừng, nhưng cái bản chất rừng rú vẫn nguyên vẹn trong não trạng.
    Bất hạnh thay, con cháu Lạc Hồng !

  3. Các bác có thấy Ngụy không ? Chính vì “nhân bản”, “nhân văn” này nọ mà thua chạy te tua lun . Các bác muốn truyền thống, văn hóa cách mạng của Đỗ Kim Thêm & thành quả cách mạng của Nguyễn Trung tất thành cang rồi tất như cang không ? Không thì lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác .

    Chiện chống dịch này nữa, nó là thời chiến chứ là thời gì nữa . Covid bây giờ lúc ẩn lúc hiện, xuất quỷ nhập thần gây hại cho xã hội như Biệt động thành Saigon dưới sự chỉ đạo của Sáu Dân liệng lựu đạn vào dân, cái lực lượng mà Thiều Thị Tân hiểu rõ về các giá trị Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái, và bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền gia nhập . Với kẻ thù nguy hiểm như thế, trong khi từ Đảng tới dân hoàn toàn mù mờ về “địch/ta”, nên chống dịch đã trở thành hổng biết chống cái gì . Có bi kịch những cũng không thiếu hài kịch . Người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác đi cùng với chính phủ, dân Việt chứ có phải là dân nào đâu . Dân Nga, Thái, HongKong, Miến vẫn … nhưng dân Việt là dân Việt; chiên da chúc mừng trên muôn bậc cảm xúc.

    Thì đã nói rồi, những gì dân ta xem là “tiến bộ & nhân văn” chỉ có dân ta xem là “tiến bộ & nhân văn” thôi . Các bác nói quá làm dân mình cụt hứng, bắt đầu có những bài cải lương “thông cởm” hơn với người ẹ hơn mềnh . Sến sượng & trịch thượng . Nhưng hổng sao, nói chung là No Star Where thui . Cứ để mọi người vui sống .

    Dân Ngụy nhìn lại Việt Nam bây giờ thấy ngạc nhiên . Shouldnt. Cũng may là những phát ngôn khá cạn tào ráo máng đó, tớ take account, thường phát ra từ những người không ít thì nhiều dính dáng tới cách mạng . Nhà báo cách mạng, nhà văn cách mạng … Hễ cứ dính tới cách mạng là răng như ì mở miệng ra mới biết bụng 1 bồ dao găm, lưỡi lê, lựu đạn … Thui thì đủ cả . Hy vọng cúng cùi những người không dính dáng gì tới cách mạng, những tàn dư Mỹ-Ngụy còn sót lại, chưa/không đi hết thời HO -đọc Liêu Thái, VVC- vẫn còn giữ 1 chút gì đó ở rải rác đâu đo. Họ càng ngày càng mai một . Một “bản sắc dân tộc” mới đã trỗi dậy, là thứ mà chúng ta đang bàng hoàng chứng kiến ngày hôm nay .

    Cứ từ từ rùi cũng nhừ tử . No Star Where. Công lao của trí thức đã góp phần xây nên “bản sắc văn hóa” mới của dân tộc . Thanks, but no thanks.

    Còn nhớ cuốn sách được lăng xê là những tiếng nói của trí thức đóng góp cho sự phát triển của đất nước không ? Từng chương đang đăng lên trang nhà của đồng chí tiến sĩ Trần Hữu Dũng, và càng đọc càng thấy … hết biết! Nhưng phải nói chúng phù hợp với “bản sắc văn hóa” mới của dân tộc . Rất “tiến bộ & nhân văn” à la xì tai nước mình hiện giờ .
    _____

    Editor: Xin bác làm ơn viết lời bình đúng chính tả.

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây