Giáo viên còn theo mẫu, huống hồ là học sinh

Chu Mộng Long

6-6-2021

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành. Ảnh: moet.gov.vn

Vừa làm vừa càu nhàu, chửi rủa và nổi điên là chuyện thường xảy ra đối với giáo viên phổ thông mỗi khi có đợt thanh tra giáo án và các loại hồ sơ. Hiển nhiên là tôi nói giáo viên có năng lực, chứ loại giáo viên bảo gì làm nấy thì tôi không thèm đả động tới.

Vì sao họ vừa làm, vừa càu nhàu, chửi rủa? Vì cái sự nghiệp cải cách, đổi mới đến loạn não của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Không phải vì năng lực giáo viên yếu kém không theo kịp đổi mới như ông Thuyết, ông Thống kêu ca và đổ thừa cho họ mà vì sự hành hạ qua loạn xì ngầu các loại mẫu mã. Mỗi năm các quan trên Bộ bày vẽ thêm ra một vài mẫu mới và bắt giáo viên phải sửa theo.

Các loại mẫu mới ấy không phải đổi mới nội dung hay phương pháp dạy học gì mà đổi mới theo cách xáo xào trật tự và tên gọi các đề mục, thêm bớt cột trong tab. Tráo qua đổi lại, đổi lại rồi tráo qua, cứ thế hành giáo viên xáo đi xào lại cho đúng mẫu. Đại khái, thời gian thành thời lượng, củng cố thành dặn dò, cho vào tab hay bỏ ra ngoài tab, cột hoạt động của thầy và trò tách thành hai rồi nhập, nhập rồi tách, từ vị trí cột này chuyển sang vị trí cột khác… Bấy nhiêu đó đã làm cho giáo viên điên đầu.

Khi tạo ra một ma trận chẳng chịt các cột ngang cột dọc, người tạo mẫu có lẽ coi giáo viên là giới bình dân vô học đang tập đội hình đi đều bước, phải dạy họ cách hô “một hai một” thành “chân cột lạt chân không cột lạt” để không bị nhầm chân trái với chân phải!

Coi thường, hành hạ giáo viên đên như vậy thì còn lâu mới phát huy được động lực sáng tạo.

Chưa kể giáo án soạn sẵn được mua bán công khai trên mạng. Ai đã bịa ra các loại mẫu mã mới để bán giáo án sau mỗi năm thay đổi một lần?

Các trang rao bán giáo án mẫu, sáng kiến kinh nghiệm trên mạng. Ảnh chụp màn hình

Tóm lại là cùng với các dự án ngốn hàng ngàn ngàn tỷ là loay hoay thay mẫu như cái cối xay cùn. Hậu quả là cả một đời giáo viên lo đối phó chứ không còn thời gian đầu tư vào chuyên môn. Tôi được biết các nhóm giáo viên phân công nhau lên mạng mua mẫu về chế biến ra cho từng khối. Thanh tra thì chỉ biết xem giáo án có đúng mẫu hay không chứ không biết chất lượng thế nào và các giáo án có sao chép nhau không. Một hậu quả khác là mỗi năm giáo viên xả ra hàng đống giấy lộn, vị chi tốn hàng ngàn héc ta bạch đàn. Một trong những nghề gián tiếp phá rừng bậc nhất hiện nay phải nói là nghề giáo. Tôi nói thắng, giáo dục như vậy là vô giáo dục!

Ta cứ hình dung, giáo án của thầy cô giáo mà còn chép mẫu thì trách gì học sinh làm bài tập và thi toàn theo mẫu.

Ông Thống, ông Thuyết và các loại giáo sư ăn trên ngồi trốc trên Bộ đổ lỗi cải cách thất bại là do giáo viên không theo kịp hay thích ứng mà quên rằng, các loại mẫu đều do các ông bịa ra. Tổ mẫu chính là các ông: vừa làm chương trình vừa làm sách giáo khoa, lại vừa sản xuất và buôn sách mẫu, trong đó không chỉ giải bài tập mẫu mà còn cả giáo án mẫu. Trong khi mở mồm ra là leo lẻo nói “dạy học phát triển năng lực”. Năng lực gì khi nhốt cả bầy đàn thầy và trò trong một cái khuôn do các ông đúc ra?

Bây giờ thì các loại mẫu theo Công văn 5512/BGDDT-GDTrH bị phản ứng (lần đầu tiên giáo viên dám lên tiếng) thì chính Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành biện hộ chỉ là để tham khảo. Không chừng Bộ lại đổ lỗi do các lãnh đạo Sở, Phòng thực hiện máy móc và do giáo viên cũng máy móc, không biết sáng tạo?

Thưa ông Nguyễn Xuân Thành. Ông nói Bộ không áp đặt thì ông có thể trả lời ai đã áp đặt khi đợt học modul vừa rồi, giáo viên nào “trả bài” không đúng theo mẫu giáo án của CV 5512 đều bị bắt làm lại hoặc có thể bị đánh trượt? Chủ trì đợt học modul ấy đích danh là Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết đấy!

Các giáo viên sợ hãi không dám nói mà cắn răng chịu đựng và làm theo hàng chục năm nay chứ không phải họ ngu. Và hiển nhiên, họ càu nhàu, chửi rủa là chửi vào các đấng bậc trên Bộ đấy. Chỉ tiếc là các ông có tai mà bị điếc. Và hậu quả khác là, mỗi gia đình có người là thầy cô giáo đều phải chịu đựng như nuôi một bệnh nhân tâm thần trong nhà. Và tôi cứ hình dung, một kẻ có quyền bị tâm thần là gần như hàng triệu người bị lây tâm thần theo! Kẻ chịu đựng cuối cùng ắt là các cháu học sinh. Thầy cô giáo mà tâm thần bất định thì học sinh không bị tâm thần cũng no đòn!

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có nghe thấu chăng?

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Quả thật, GV không ngu đâu thầy ạ . Chỉ có những kẻ bày tro nầy nọ để hành GV và ĐỔI CŨ mà cứ hò hét là ĐỔI MỚI là ngu thôi ạ. Và còn ngu lâu ấy chứ. Nền giáo dục cứ loay hoay cải cách xong rồi lại cải cách, cải hoài, cải mãi mà chẳng tìm ra hướng đi nào cho thích hợp để rồi càng nhày càng lún sâu vào trì trệ, lạc hậu.
    Thế mà vẫn cứ được phê duyệt, được vỗ tay rần rần. Như vậy không ngu, thì gọi là gì hở thầy ?!

  2. Thày cứ lửng lơ, lững lờ như thế để làm gì, nền giáo dục vô giáo dục đó từ 1975 đến giờ nó ty tiện vô liêm sỷ như thế nào ai mà chẳng biết. Giọng văn của thày cũng nên nghiêm túc, uốn éo lườm nguýt dùng cho bọn thiểu năng thì không cải thiện được gì đâu.
    Ít nhiều gì thày cũng đang là con ốc vít, bánh răng của hệ thống giáo dục này, thấy nó khốn nạn thì nên ở hay nên đi, cái gì kiện được thì cho ra tòa, sống cho nó thanh thản.

    • ” người tốt nên ở nhà”, còn đã làm con ốc vít bánh răng của hệ thống thì đừng có ò ẹ giải trình giải thích mấy ai tin

  3. “Dạy học phát triển năng lực “, vô tình cho người ta thấy cái lỗi nặng nề trong quá khứ của giáo dục Vn :học mà không biết để làm gì,không sử dụng được kiến thức…. và bây giờ, những con người là sản phẩm của một nền giáo dục kém cỏi, lại đứng ra làm cải cách giáo dục, thử hỏi họ lấy cái gì làm nền tảng tư duy để phát triển giáo dục? Viết sách mà giáo viên còn không hiểu, thì làm sao mà học sinh hiểu nổi…. ,, bởi họ làm gì có tư duy ngoài tham vọng. Đừng ngạc nhiên khi thấy “3 môn dồn vào 1 sách “,hoặc yêu cầu tiến sĩ cũng phải có chứng chỉ nghề nghiệp ….tất cả cho thấy họ đã hết cách ,không biết gì về sự vận động của lý thuyết ra thực tế….

Leave a Reply to Phan Xi Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây