Một khái niệm chưa rõ nghĩa nhưng được nhắc tới rất nhiều

Ngô Huy Cương

4-6-2021

Không một người Việt nào không một lần được nghe tới “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.

Thế nhưng nó có nghĩa là gì thì tôi dám chắc rằng không phải bất kỳ ai, ngay cả những chính trị gia, những nhà nghiên cứu, giảng dạy hiểu đúng về nó.

Ấy thế mà Hiến pháp 2013 tuyên bố tại Điều 2 rằng: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” (khoản 1).

Hiến pháp 2013 (như trên đã dẫn) và phần lớn các lý giải ở nước ta về “nhà nước pháp quyền” đều đánh đồng “nhà nước pháp quyền” với một hình thức nhà nước cụ thể, tổ chức nhà nước cụ thể.

“Nhà nước pháp quyền” trước hết là một học thuyết có một hạt nhân lý luận mà bất kể nhận thức nào cũng không thể xa rời- đó là “nhà nước bị ràng buộc bởi pháp luật để bảo vệ quyền tự do của cá nhân con người”.

Vì thế khi dịch thuật ngữ “État de Droit” từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, các học giả của Việt Nam Cộng hòa dịch thành “quốc gia thượng pháp” (hiểu mộc mạc là nhà nước luôn đặt pháp luật lên trên đầu).

Các học giả của ta ngày nay dịch thành “nhà nước pháp quyền” (có lẽ từ tiếng Nga). Cách gọi này gây khó hiểu hơn nhưng có thể cắt nghĩa mộc mạc là nhà nước thuộc quyền của pháp luật.

Tiếng Anh gọi khái niệm “nhà nước pháp quyền” là “The Rule of Law” mà không có từ “nhà nước” nào trong đó cho thấy rõ hơn là “nhà nước pháp quyền” không chỉ một hình thức hay một tổ chức nhà nước cụ thể nào.

Đây là một học thuyết của Phương Tây đã trở thành một nguyên tắc vận hành của bất kỳ nhà nước cụ thể nào thừa nhận nguyên tắc đó. Lưu ý rằng nó cũng khác với khái niệm chế độ chính trị.

Ý tưởng và nội dung chủ yếu của “nhà nước pháp quyền” xuất hiện đầu tiên (trong hệ thống pháp luật Anh – Mỹ) tại Đại Hiến chương Magna Carta (Magna Carta Libertatum) ở Anh Quốc vào năm 1215 là một Đại hiến chương về những quyền tự do thỏa hiệp giữa nhà vua Anh với những người dân và quý tộc chống lại nhà vua. Nhà vua bị ràng buộc bởi luật lệ để bảo vệ quyền tự do cá nhân của con người và tiếp cận công lý.

Ở ta hiện nay rất nhiều người, ngay cả các học giả nhầm lẫn giữa nguyên tắc “nhà nước pháp quyền” với nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa hay nguyên tắc pháp trị.

Vì vậy “nhà nước pháp quyền” gần gũi với tư pháp và đối lập với nguyên tắc dân chủ hướng tới số đông gần gũi với lập pháp.

Khi ta nói “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” có nghĩa là ta đã làm hẹp đi nguyên tắc “nhà nước pháp quyền” nói chung bởi nhà nước pháp quyền buộc phải thể hiện tính chất xã hội chủ nghĩa và tính chất dân chủ (lưu ý: “chính quyền của dân, do dân, vì dân” là một câu nói của Abraham Lincohn ở Mỹ để nói về dân chủ).

Nếu gộp “nhà nước pháp quyền” với “dân chủ” làm một thì ta có thể tưởng tượng đó là “dân chủ tự do” ở Phương Tây.

Học thuyết “nhà nước pháp quyền” nói chung xem nhà nước chỉ là một cấu trúc pháp lý (có nghĩa là do pháp luật tạo dựng nên, khác với coi nhà nước là tổ chức bạo lực của giai cấp thống trị như chủ nghĩa Mác- Lê Nin) và coi công dân ngang bằng với nhà nước.

Vậy tính chất “xã hội chủ nghĩa” trong khái niệm “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” là gì?

Học thuyết “nhà nước pháp quyền” du nhập vào nước ta từ sau khi chúng ta “đổi mới”. Luận án tiến sĩ luật học đầu tiên nghiên cứu về vấn đề này là của cố PGS. TS. Lê Văn Hòe (từng là Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật của Học viện Chính trị, Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh). Sau đó có một phong trào nghiên cứu, hội thảo rầm rộ về “nhà nước pháp quyền”.

Người nước ngoài nhiệt thành nhất trong việc phổ biến học thuyết “nhà nước pháp quyền” vào Việt Nam là giáo sư Umbach (nguyên thẩm phán Tòa án Hiến pháp của Cộng hòa Liên Bang Đức) và Viện Cộng hòa của Hoa Kỳ. Tôi cũng hăng hái viết nhiều về “nhà nước và pháp quyền” trong nhiều cuốn sách và đăng tải trên nhiều tạp chí chuyên môn, nhất là Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp.

Nhưng nay những cơ quan và học giả có trách nhiệm đã ai giải thích rõ, dễ hiểu và công khai cho nhân dân thấm khái niệm “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” chưa?

Trong dịp bầu cử vừa qua, chúng ta tuyên truyền và nhắc tới quá nhiều khái niệm này, cho nên nhiều người không hiểu nhờ tôi giải thích. Chắc chắn là tôi từ chối giải thích vì tôi không có trách nhiệm, tôi cũng không chắc chắn và tôi e ngại nhiều vấn đề khác.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. “Vì thế khi dịch thuật ngữ “État de Droit” từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, các học giả của Việt Nam Cộng hòa dịch thành “quốc gia thượng pháp” (hiểu mộc mạc là nhà nước luôn đặt pháp luật lên trên đầu).”

    Trước 1975, trong bất cứ sách vở nào của miền Nam đều không hề có thụật ngữ “quốc gia thượng pháp”, mà chỉ có “tinh thần thượng tôn pháp luật”

    „Ý tưởng và nội dung chủ yếu của “nhà nước pháp quyền” xuất hiện đầu tiên (trong hệ thống pháp luật Anh – Mỹ) tại Đại Hiến chương Magna Carta (Magna Carta Libertatum) ở Anh Quốc vào năm 1215“

    Nhà nước pháp quyền (Rechtsstaat) là một khái niệm thuộc luật hiến pháp của Đức nhằm đề cao tính cách tối thượng của hiến pháp và luật pháp mà chính nhà nước phải tuân thủ. Liên Xô đã vận dụng và dịch thành Pravovoe gosudarstvo. Việt Nam khi đổi mới đã du nhập cuả Liên Xô và cải biên thành nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghiã vì vẫn kiên định tiếp tục theo đuổi con đường XHCN. Do bối cảnh này mà thành hình khái niệm tại Việt Nam.

    Pháp không có khái niệm về État de droit. Léon Dugit là người đầu tiên đã du nhập ý niệm Rechtsstaat vào Pháp năm 1907. Sau đó Raymond Carré de Malberg đã triển khai nội dung này trong tác phẩm Contribution à la théorie générale de l’ État năm 1922. Sách giáo khoa này không gây được tiếng vang nào trong học giới hay ngoài công luận.

    Khi dịch NNPQXHCN, Việt Nam lại dùng Rule of Law của Anh ngữ để diễn đạt, một khái niệm nằm trong một bối cảnh văn hoá, lịch sử và truyền thống khác hẳn với Việt Nam. Thuật ngữ này có hai phạm vi riêng biệt, một thuộc luật hiến pháp và hai thuộc xã hội học luật pháp.
    Đây là một học thuyết, không có định hướng ý thức hệ chính trị hay là một công cụ cho nhà nước, mà là phương tiện kiểm soát và phải được tất cả tôn trọng, kể cả Đảng cầm quyền.

    Dịch Rule of Law là NNPQXHCN là một sai lầm mà có thể tạm dịch là tinh thần thượng tôn pháp luật.

    Thảo luận về nội dung học thuyết Rule of Law tại Việt Nam là vô ích vì không thể áp dụng cho Việt Nam trong khi Đảng đứng trên và ngoài pháp luật. Đề tài này chỉ dành cho luật gia nào quan tâm đến triết lý pháp luật, lý thuyết pháp luật, xã hội học pháp luật hay luật hiền pháp đối chiếu.

  2. Đề nghị các bác nhân sĩ trí thức nước Đảng giải thích dùm cho tác giả và dân đen .
    E hem hừm
    Chúng tớ không ủng hộ cái gọi là” nhà nước pháp quyền xhcn…vì dân” vì nó có thể còng đầu chúng tớ bất cứ lúc náo.
    Chúng tớ chỉ ủng hộ nền kinh tế thị trường được định hướng xã hội Đỏ vì trong lúc tranh tối tranh sáng, nước đục thì cá mới dễ cắn câu.
    Người đi câu phải biết im lặng, chờ nước đục thả câu.
    Em đã từng đi câu mà chẳng câu được con nào. Mấy bác í bảo nước trong chỉ có tắm ở truồng, câu cái éo gì cá.

  3. Làm gì có NNPQ ở nước Việt cọng, Theo đó Nhà nước pháp quyền ai cũng phải bị ràng buộc bởi pháp luật, đàng này xứ Việt cọng thì sống sót cũng nhờ pháp luật mà chạy tội cũng do bẻ còng pháp luật mà ra. Tòa án VKS CA là 3 thứ tào lao nhất đã bóp chết PQ
    Xứ VC có pháp luật dành riêng cho băng đảng csvn, còn với dân thì chết chắc vì luật rừng.

Leave a Reply to bình nhanh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây