Công lý và một nền tư pháp

Huy Đức

29-5-2021

Luật sư Lê Văn Hòa tuyên bố: “Tôi bỏ nghề luật sư từ hôm nay, 27-5-2021, vì đã mất hết niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam.” Tôi tin ông Hòa là người tốt nhưng tôi nghĩ, cũng như nhiều quan chức khác vỡ mộng khi về hưu, ông đã sai khi đặt niềm tin vào nền tư pháp thay vì đặt niềm tin vào công lý.

Càng đối diện với một nền tư pháp yếu kém hay tha hóa càng cần những người có niềm tin sắt đá vào công lý và không bao giờ ngã lòng.

Tôi may mắn là phóng viên viết về Quốc hội trong khoảng thời gian mà Quốc hội Việt Nam tranh cãi quyết liệt để thông qua Hiến pháp 1992 và những bộ luật rường cột đang áp dụng ngày nay: Bộ Luật Hình sự & Bộ Luật Tố tụng hình sự; Bộ Luật Dân sự; Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp… Nhưng tôi cũng không “embedded Hội trường Ba Đình”, tôi làm phóng sự điều tra và đặc biệt, được ngồi tường thuật các vụ án then chốt của Việt Nam trong khoảng 1989 – 2009.

Bài học đầu tiên về công lý mà tôi nhận được là từ phiên tòa xử vụ “Bỉnh Họt” (tôi nhớ) vào cuối năm 1989. Bỉnh Họt là một người Hoa ở Kiên Giang từng tham gia đưa người vượt biên theo “Phương án II” nhưng phiên tòa chỉ xử phần buôn lậu mà ông tham gia cùng với các quan chức địa phương. Các luật sư nổi tiếng nhất của Sài Gòn được mời xuống Kiên Giang như Trịnh Đình Ban, Trương Thị Hòa, Nguyễn Đăng Trừng.

Tôi ngồi trong tòa như một bồi thẩm viên, chứng kiến nhưng pha tranh tụng tuyệt vời của các luật sư về những vi phạm tố tụng, về những bằng chứng cho thấy việc buôn lậu là có chủ trương. Nếu có một bồi thẩm đoàn và những người được bỏ phiếu cùng suy nghĩ như tôi thì chắc chắn phán quyết cho các bị cáo sẽ là “not guilty”. Nhưng, mức án đều như dự đoán.

Tôi cố gắng chắt lọc sự kiện và đưa tối đa tinh thần của phiên tòa lên mặt báo. Lúc đó, tôi phải viết tay, photocopy ra nhiều bản, nhờ một đồng nghiệp là anh Quang Tiên nửa đêm ra gửi hành khách xe đò Rạch Giá – Sài Gòn. Cứ 5 bản gửi, hai bản về tới tòa soạn chiều hôm sau trước giờ sắp chữ.

Trước phiên tòa, Bộ Văn hóa Thông tin cho xe chở hơn 30 nhà báo từ Sài Gòn xuống Rạch Giá định tuyên truyền cho chủ trương chống buôn lậu. Sau hai bài báo trên Tuổi Trẻ và một số báo bạn, các báo nhận lệnh chỉ đưa tin bản án chứ không cho tường thuật nữa. Bài thứ ba quan trọng nhất, tường thuật so sánh giữa lập luận của VKS, Tòa và các luật sư của tôi bị vứt vào sọt rác.

Người bạn, người đồng nghiệp mà tôi kính trọng cùng dự phiên tòa phúc thẩm Tamexco (1997) chắc đến bây giờ cũng không hiểu tại sao hôm ấy tôi đã làm tường thuật chính lại còn dành lấy phần ghi lại “lời nói sau cùng của các bị cáo trước Tòa”. Tôi biết, các bị cáo ấy không hề hy vọng vào bản án, họ hy vọng công chúng, người thân, gia đình nghe được những lời ruột gan của họ… Tôi cố gắng để thể hiện chính xác câu chữ và truyền tải tối đa thông điệp mà họ muốn.

Tôi biết, nếu Bầu Kiên chịu thỏa hiệp, anh có thể nhận một bản án mà giờ đây đã có thể rung đùi trên xe Rolls Royce. Nhưng cảm nhận về công lý của Bầu Kiên khác với những bị cáo bình thường. Việc công chúng chia sẻ, cảm nhận anh vô tội quan trọng hơn nhiều mấy chục năm trong bản án.

Khi sự kiện viên đại úy công an lãnh đạm cầm điện thoại trong khi anh tài xế bị thương vẫn đang vật lộn với tên cướp, cà phê với hai đại tá công an nghỉ hưu, tôi hỏi họ nghĩ sao. Một vị từng làm ở Cục Cảnh sát điều tra nói ngay: “Ăn thua gì. Đó là sự vô cảm mà ta thấy. Sự vô cảm trong phòng máy lạnh của những người cấp bậc to hơn cậu ấy trước oan khuất của người dân, trước những hành vi phạm tội của những quan chức, ta không thấy nhưng, hơn nhiều lần, nguy hiểm.”

Tuyên bố của LS Lê Văn Hòa theo tôi là vẫn rất có ý nghĩa. Hy vọng nó làm giật mình nhiều quan chức cao cấp như anh đang tại chức, đang vô cảm và đang tận hưởng những bổng lộc từ hệ thống. Dăm bảy năm trước, nói chuyện công lý với những Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Vũ Huy Hoàng… sẽ bị cười khẩy ngay. Họ chắc chắn đã từng tham gia các quyết định liên quan đến số phận của nhiều người. Họ đâu nghĩ có một ngày họ khao khát không chỉ là bản án mà vài dòng trên báo nói khách quan cho họ.

Tôi tin LS Lê Văn Hòa là một người tốt, nhưng cũng hơi thất vọng khi anh “nghe lời vợ về nhà”. Càng ở trong một hệ thống tư pháp mất khả năng cung cấp công lý, những người tốt càng không nên bỏ cuộc. Đừng tưởng có tam quyền phân lập là công lý tự đến. Công lý không chỉ chỉ được cung cấp bởi một hệ thống tư pháp “độc lập chỉ tuân theo pháp luật” mà còn cần sự đồng hành của những người không chỉ trong sạch, quả cảm và trí tuệ mà còn phải vững niềm tin và khát khao công lý.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. “các luật sư bỏ nghề ra đi ,dân ở thế yếu lấy gì để dựa khác gì gà nòi bẻ cựa để chống chọi với diều hâu”

    Gà phải tự tìm cách để chống lại với diều hâu, thay vì ỷ lại vào cái đám làm đẹp mặt diều hâu . Dẹp cái đám đó đi, gà sẽ bắt buộc phải thấy rõ mình đang phải đối phó với lũ diều hâu . Tới lúc đó để xem chúng vào phe gà hay biện hộ cho diều hâu là bít lìn đó muh.

  2. Trích:
    “…ông đã sai khi đặt niềm tin vào nền tư pháp thay vì đặt niềm tin vào công lý.”./.

    *Có loại công lý nào tồn tại độc lập khách quan phi chế độ chính trị không?
    *Hay công lý chỉ là giá trị của nền tư pháp và định chế xã hội nhất định của một, của vài hoặc của nhóm quốc gia nào đó được đại bộ phận nhân loại thừa nhận, tôn vinh, mong ước hưởng thụ khi họ đang chịu đoạ đày bất công bởi một nền tư pháp độc ác?

    Trong ý niệm thứ 2, công lý phải nhập thể vào nền tư pháp và chế độ xã hội nhất định.
    Vì thế đã có thứ công lý cho người phụ nữ nho giáo “tại gia tòng phụ xuất giá tòng phu…”; công lý cho người phụ nữ Hồi giáo ra ngoài phải có một thành viên nam của gia đình đi theo, suốt đời phải bịt mặt không để cho ai khác ngoài chồng thấy dung nhan; công lý cho một đàn ông Hồi giáo có quyền lấy nhiều vợ miễn là y cung phụng vật chất đầy đủ và bình đẳng giữa các người vợ.

    Nghe có vẻ chướng tai. Nhưng công lý là cái “lý” được đa số “công” nhận, tuân theo, chấp hành vì họ cho đó là phải, đúng, bởi tập quán, giáo dục, tôn giáo, hoặc ý thức hệ, và tệ hơn nữa, bởi sức mạnh của cường quyền hoặc của bản năng sinh tồn!

    Vấn đề là thứ công lý đó được nhân loại đánh giá như thế nào? Bất lực tuân theo, chỉ trích, nguyền rủa, chống đối, ly khai, khao khát vọng tưởng công lý của ngoại bang nào đó.

    *Hiểu như vậy, câu Huy Đức phê phán Ls LVH trích trên là không có cơ sở.

    Công lý của CSVN đặt cơ sở trên một nền tư pháp không có xương sống; thứ tư pháp đảng trị phản tự do dân chủ chà đạp công bằng xã hội và tuỳ tiện theo lợi ích của ĐCS.
    Và Ls Hoà không còn tin tưởng nền tư pháp đó cùng với thứ công lý giả cầy mà nó nhân danh;
    thế là ông hết mọi niềm tin, hy vọng, phải từ giả nghề thôi.

    Từ giả nghề xét cho cùng cũng là một chống đối, như tuyệt thực, có giá trị một đòn hy sinh.
    Trong bối cảnh chế độ nầy cũng rất đạo đức giả, coi trọng “tiếng tăm” trên trường quốc tế; bởi thế mà ngay từ đầu nó có đủ một combo “dân chủ” giả hiệu: quốc hội, hiến pháp, bầu cử, toà án, vv và vv…
    Nếu Toàn bộ luật sư cùng bỏ nghề thì cũng là cái tát vào bộ mặt tô son trét phấn đấy chứ.

    Công lý nào nữa khi một luật sư tài giỏi cương trực biện hộ, bảo vệ hiệu quả cho một “tội phạm phản động” …có thể sẽ không bị chính quyền bắt, nhưng rồi dần dà bị trúng độc, bị tai nạn xe cộ, hay té lầu!
    Thì Công lý sẽ trụ vào đâu nữa?
    Biểu tình lẻ tẻ với vài cái khẩu hiệu, rồi bị hốt, im.
    Báo chí toàn là của nhà nước.
    Báo mạng cánh tả gào thét vài bài rồi cũng im?
    Lsư dựa vào công lý nào đây?

    Vụ án khiến trời giận đất hờn ở ĐT chẳng hề nghe HĐ nhắc nhở gì, chỉ nghe nói toàn cac quan tham. Luật sư trong vụ nầy thế nào nhỉ. Thế đã là vắng bóng công lý rồi.
    HĐ đang cố ngăn “công lý” vỡ đập nếu Ls hè nhau nghỉ việc chăng?

  3. “nhưng tôi nghĩ … ông đã sai khi đặt niềm tin vào nền tư pháp thay vì đặt niềm tin vào công lý”

    i can du . Thấy Mai Quốc Ấn đặt niềm tin mù quáng vào công lý hông ? Kết quả là hắn nộp Đặng Văn Hiến cho công an . OK, sẽ có ngừ nói đó là kết cục tất yếu cho Đặng Văn Hiến . Níu đúng như vậy, then let it play out cho mọi ngừ thấy . Sẽ có ngừ nói tiếp không có Mai Quốc Ấn này cũng sẽ có những Mai Quốc Ấn khác . Thats exactly my point, the problem is not just the system, innit. Vứn đề vưỡn là xã hội có quá nhiều Mai Quốc Ấn & những ngừ biện hộ cho chúng . Vậy thay đổi phải bắt đầu từ đâu ? OK thì công ní . Tức không phải tại chính thể & cũng hổng phải tại Mai Quốc Ấn . Nàm thao để mọi ngừ hổng để ý rằng thìa là mà it takes cả hệ thống lẫn Mai Quốc Ấn to tango? Lets find something abstract, như công ní chẳng hạn .

    “nhiều quan chức khác vỡ mộng khi về hưu”

    Tại sao những quan chức đó không vỡ mộng khi đang nắm quyền lực trong tay, có lẽ chúng ta, những ngừ trần mắt thịt, chả ai hiểu nổi . Cứ biết là họ về hưu mới vỡ mộng cái đã .

  4. Nói túm lại là anh Hòa không ” Ôn hòa có học” bằng đồng chí Huy Đức. Do vậy đồng chí Huy Đức vẫn ngồi mâm cao cỗ đầy. Nghĩa nà ” ôn cái lằn nà ăn cái đùi”

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây