Cần đánh bật tư tưởng cần có học sinh giỏi, người giỏi là giáo dục ở hạng cao

Chu Mộng Long

20-5-2021

Thường các quan chức Việt Nam có cách nguỵ biện, rằng giáo dục Việt Nam có học sinh giỏi, người giỏi là được xếp ở hạng cao so với thế giới. Thậm chí có người còn đem Ngô Bảo Châu ra khoe như một niềm tự hào chính đáng.

Bài này tôi không cần nói tỉ lệ giỏi bao nhiêu phần trăm, từ tiểu học đến đại học, cao học, bởi các tỷ lệ 80, 90% đó hoàn toàn là ảo, cái ảo của căn bệnh dối trá, nhã ngữ gọi là “bệnh thành tích”.

Bài này chỉ nói đến những cá nhân giỏi thật, tức nhân tài thật. Như Ngô Bảo Châu chẳng hạn, mặc dù Ngô Bảo Châu chủ yếu học và làm việc ở nước có nền giáo dục hiện đại.

Ai từng quan tâm đến giáo dục hiện đại chắc là biết đến các thí nghiệm và kết luận nổi tiếng của Galperin, cha đẻ của lý thuyết “kiến tạo hoạt động trí tuệ”. Tôi quan tâm đến một thí nghiệm đơn giản: cho đối tượng vẽ trên trang giấy một đường, sau đó yêu cầu đối tượng nhắm mắt và vẽ lại con đường đó. Kết quả, đối tượng mò trong bóng tối để vẽ hàng trăm đường mới có thể vẽ được một đường gần trùng với đường ban đầu. Kết quả đó muốn nói lên điều gì? Giáo dục đi trên con đường mù thì ngẫu nhiên cũng sinh ra được nhân tài, trong khi có vô số “nhân tai” sống bên cạnh nhân tài! Mà nhân tai đông như vậy thì nhân tài chỉ có thể… chết yểu hoặc chết bất đắc kì tử!

Không thể nói nhờ giáo dục thời cổ – trung đại, thậm chí hiện đại của phương Tây, mà nhân loại có những nhân tài như Socrates, Plato, Aristotle, Archimedes, Thales, Copernicus, Galileo, Newton, Einstein, Marx… Phương Đông cũng vậy. Không thể nói các nhân tài kiệt xuất như Quản Trọng, Hàn Phi Tử, Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tử, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Quang Trung, Phan Châu Trinh, Hồ Chí Minh… mà người ta tôn thờ như những vị thánh là nhờ giáo dục phong kiến hay thực dân. Sao không thấy các sách giáo dục học của các ông hiện nay ngợi ca những nền giáo dục ấy mà toàn phủ nhận đến sổ toẹt?

Lấy cá nhân học sinh giỏi, người giỏi ra tự hào về giáo dục thì Giáo hội Rome hay các loại thánh đường khác cũng có quyền tự hào “xưa nay chưa từng có”!

Một ví dụ dễ hiểu như trường hợp Archimedes, nhờ ông ta bơi trong hồ mà phát hiện ra định luật vật nổi hay nhờ giáo dục giúp cho ông ta? Các phát minh vĩ đại của nhân loại xưa nay, phần lớn nhờ ngẫu nhiên, nhờ nỗ lực cá nhân hay nhờ giáo dục? Tất cả đều là một cuộc mò mẫm cá nhân cả đấy! Mà đã mò mẫm cá nhân thì có khi hàng thiên niên kỷ mới có nhân tài.

Trong sự ngẫu nhiên ấy có điều không ngẫu nhiên. Trong số những nhân tài đó, không ít người đã cực lực chống lại nền giáo dục mà họ từng thụ hưởng. Họ có tài, có trí qua trải nghiệm cá nhân, họ thấy hết những bất cập của giáo dục đang cầm tù họ, họ chống quyết liệt thứ giáo dục giáo điều đang thống trị và đòi đổi mới giáo dục một cách mạnh mẽ. Trong khi, nói như Einstein, “không thể chống lại bọn ngu, vì chúng rất đông”, có nghĩa là “bọn ngu” ấy hoặc a dua, nô lệ giáo điều, hoặc thậm chí hùa nhau giết chết nhân tài thật nếu giáo dục không chủ động giải thoát để tìm đến ánh sáng!

Lịch sử chứng minh sống động nhiều nhân tài bị vùi dập, bị treo cổ, bị tru di ba họ khi bọn ngu nắm quyền hành. Socrates bị tử hình, Galieo bị đưa lên giàn hoả thiêu, Tư Mã Thiên bị thiến, Nguyễn Trãi bị tru di ba họ… Nhân tài đọ sức với nhân tai đấy! Hiện nay có quá nhiều nhân tài học xong thì ở luôn nước ngoài vì điều gì?

Khi Nguyễn Trãi viết “Nhân tài như lá mùa thu”, có lẽ ông đã ám ảnh cái đầu nhân tài bị rơi trước lưỡi gươm hung hãn của bọn ngu (không phải quân Minh) đang nắm quyền.

Giáo dục Việt Nam đến lúc cần đánh bật cái tư tưởng có học sinh giỏi, người giỏi là có thể xếp hạng cao so với thế giới. Mỗi năm đến kỳ thi quốc gia hay quốc tế với những giải cao giải thấp là thi nhau hô hào tán dương mà không thấy đó chỉ là nỗ lực cá nhân trong cái xác suất đơn lẻ giữa đa số năng lực yếu kém. Có những trường có năm có cá nhân đoạt giải cao thì rầm rộ tán dương như là thành tích chung, có năm bị trượt vỏ chuối thì lại bùi ngùi khóc và tự an ủi là không may mắn. Hạng cao mà làm Lý Thông và đợi hên xui vậy sao?

Tôi khẳng định, bất cứ nền giáo dục nào, tệ hại đến mấy cũng có một số nhân tài! Cho nên không thể lấy các nhân tài đơn lẻ ấy đánh giá giáo dục.

Cá nhân tôi, không dám tự kiêu nhận mình là nhân tài. Nhưng phải nói thẳng một điều, những gì tôi có được hôm nay đều là nỗ lực cá nhân. Nếu không nói, chính nền giáo dục này đã tròng lên đầu tôi một vòng kim cô, một cái gông mà suốt nhiều năm tôi phải đấu tranh vật vã với nó để giải thoát.

Một nền giáo dục ở hạng cao không trông chờ một kết quả ngẫu nhiên hay nỗ lực cá nhân như vậy mà phải là một kết quả tất yếu. Nền giáo dục ấy không để cho cá nhân mày mò trong bóng tối hay nỗ lực riêng mà soi sáng cho nhiều người cùng học tập và phấn đấu với kết quả tất yếu của một tiến trình cả xã hội học tập. Nhiều quốc gia văn minh đã làm điều ấy bằng chính phương pháp dạy học mới, mỗi người học đều có một công cụ tốt nhất để làm việc tốt nhất trong lĩnh vực cuộc sống của họ mà không trông chờ vận may rủi hay nỗ lực riêng của những phát kiến cá nhân.

Các lãnh đạo và ông Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có hiểu tôi nói gì không?

Bình Luận từ Facebook

11 BÌNH LUẬN

  1. Tiên Sinh, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

  2. Trích:
    “Một ví dụ dễ hiểu như trường hợp Archimedes, nhờ ông ta bơi trong hồ mà phát hiện ra định luật vật nổi hay nhờ giáo dục giúp cho ông ta?”./.

    * CMLong leo qua lãnh vực khác là sẽ vớ vẩn đấy.
    Định luật Archimedes không nói về “vật nổi”, mà nói về sức đẩy của nước vào bất cứ vật gì bỏ vào nước, dù nổi hay chìm, đang di chuyển hay đứng im.
    Phát biểu của định luật là, “vật gì nằm trong nước đều bị sức nước đẩy lên. Sức đẩy ấy mạnh bằng trọng lượng của khối nước mà vật ấy choán chỗ”
    Vậy CMLong thử đặt một xe tăng (30 tấn và thể tích 15m khối) xuống nước, thì xe ấy vẫn chìm xuống đáy nước dù sâu bao nhiêu; nhưng trong môi trường nước, nó chỉ còn nặng: 30 tấn thép trừ đi 15 tấn nước, còn nặng 15 tấn thép.
    Xe tăng không có nổi. Từ đó người ta suy ra tỷ trọng thép lớn hơn tỷ trọng của nước.
    Nếu là một tấm phảng gỗ, tỷ trọng gỗ nhỏ hơn tỷ trọng nước, nên gỗ sẽ nổi trong nước.
    Đừng leo lề mà té.
    Trích:
    “Các phát minh vĩ đại của nhân loại xưa nay, phần lớn nhờ ngẫu nhiên, nhờ nỗ lực cá nhân hay nhờ giáo dục? Tất cả đều là một cuộc mò mẫm cá nhân cả đấy! Mà đã mò mẫm cá nhân thì có khi hàng thiên niên kỷ mới có nhân tài.”./.

    * ông lại bày vẽ ra cái khôn của sự mò mẫm. Một thằng ngu thì chỉ thấy cái hay khi mò mẫm túi xách, túi quần người ta, hay mò bậy bị mấy bà phang đòn gánh thôi.
    Nhà vật lý học, hoá học, sinh vật học nào, trước phút thăng hoa bất ngờ để nhận ra chân lý nào đó, đều cũng đã nắm vững những định luật toán lý hoá sinh…; phải nắm rõ các kiến thức cơ bản của bộ môn khoa học toán và khoa học thực nghiệm trước tiên. Chưa kể phải biết ngoại ngữ để tham khảo tri thức thế giới.
    Qua giáo dục phổ thông và đại học, họ phải biết phương trình, hàm số, đạo hàm, giải tích…phải thuộc các phản ứng hoá học, phải nắm vững quy luật thuỷ động học, khí động học, di truyền học, vv và vv…
    Chứ một thằng vá xe máy có nhảy xuống nước thì cũng chỉ biết bơi, lặn ngụp, kì cọ rồi…lên! Chứ biết làm gì nữa đây? Hehe…CML suy nghĩ ngộ ghê.

    Trích:
    “Khi Nguyễn Trãi viết “Nhân tài như lá mùa thu”, có lẽ ông đã ám ảnh cái đầu nhân tài bị rơi trước lưỡi gươm hung hãn của bọn ngu (không phải quân Minh) đang nắm quyền.”./.

    * Nguyễn Trãi viết BNĐC vào thời kỳ được trọng dụng sau đại thắng quân Minh, đã có vụ án oan Lệ chi viên đâu mà bảo ám ảnh cái đầu nhân tài bị rơi?
    Thời kỳ Nguyễn Trãi chưa gặp Lê Lợi là thời Minh thuộc, đất nước sau thời gian cai trị bết bát của họ Hồ đã chịu cảnh nhân tâm ly tán, nay lại lệ thuộc ngoại bang, chẳng còn ra thể thống gì. Làm sao còn hiền tài nào sẵn lòng ra giúp nước?
    Thế nên “tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu” là lẽ tự nhiên; chẳng liên hệ gì tới giáo dục với học sinh giỏi như CMLong khêu ra cả.
    Dù sao, Nguyễn Trãi viết đại cáo là sau khi đã chién thắng quân Minh, giành lại nền độc lập, khởi dựng nhà Hậu Lê. Đã hết can qua, nhưng ông cũng muốn thi vị hoá chiến công vua tôi nhà Lê, nên hơi “bi đát hoá” thêm chút trong áng hùng văn BNĐC. Chẳng phản ánh gì nhiều thực tế lịch sử đương thời để moi ra tô vẽ thêm những tả oán của riêng CML.
    Thôi bi quan vớ vẩn đi…cho đời vui.

  3. Trích:
    “Không thể nói nhờ giáo dục thời cổ – trung đại, thậm chí hiện đại của phương Tây, mà nhân loại có những nhân tài như Socrates, Plato, Aristotle, Archimedes, Thales, Copernicus, Galileo, Newton, Einstein, Marx… Phương Đông cũng vậy. Không thể nói các nhân tài kiệt xuất như Quản Trọng, Hàn Phi Tử, Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tử, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Quang Trung, Phan Châu Trinh, Hồ Chí Minh… mà người ta tôn thờ như những vị thánh là nhờ giáo dục phong kiến hay thực dân. Sao không thấy các sách giáo dục học của các ông hiện nay ngợi ca những nền giáo dục ấy mà toàn phủ nhận đến sổ toẹt?”

    Ô hay. Đang nói về học sinh giỏi, giáo dục, học đường…sao lại lôi mấy ông nổi tiếng ra để tỏ vẻ trình độ hàn lâm, quen biết toàn nhân vật vĩ đại, khét tiếng?

    *Đây là một liên hệ gán ghép, so sánh tạp pí lù.
    Giỏi và HỌC giỏi khác nhau;
    Vì các lãnh vực hoạt động xã hội là khác nhau, trong đó người nổi bật cũng khác nhau về độ giỏi của từng cá nhân.
    Làm sao so sánh nhau về “giỏi” giữa Charlie Chaplin với Albert Einstein, dù ông nầy đổ cho ông kia là người được hâm mộ nhất. Một đằng bảo ông kia nổi tiếng vì không nói gì mà người ta vẫn hiểu. Ông nầy thì bảo đằng ấy mới nổi tiếng vì nói toàn những thứ chẳng ai hiểu.
    Làm sao so sánh về “giỏi” giữa con rái cá chỉ rành bơi lặn với báo cheetah chạy nhanh 112-120km/h; hoặc dơi không đuôi Mexico bay nhanh 96,6km/h với voi châu Phi xô ngã một cây to cao 10m?

    Nếu ghép đại những nhân vật khét tiếng một thời với nhau bất kể những chuẩn mực giá trị phổ quát mà nhân loại đã đề ra, gọi họ là giỏi, là phi thường,
    thì Hitler không giỏi sao, khi y xuất thân chỉ là một anh thợ sơn, lúc nhỏ đi học kém cỏi, sức khoẻ mang mầm bệnh tật, tình cảm tâm hồn tổn thương; lớn lên miệng lưỡi hùng biện quyết đoán, dần dà nắm trong tay binh hùng tướng mạnh, xâm chiếm gần hết châu Âu, để lại cho nhân loại những ký ức đẫm máu kinh hoàng?

    *Trở lại với chủ đề KHÔNG CẦN có học sinh giỏi, mà CMLong chủ trương,
    xin suy nghĩ sau:

    Học hành là gian khổ, khó khăn…đối với đại bộ phận người trẻ, bởi tuỳ nơi trí tuệ, cơ địa bản thân lẫn gia cảnh của người đi học.
    Thông minh ưu việt hiểu nhanh nhớ dai say mê học tập và gia cảnh thuận lợi chỉ là thiểu số rất nhỏ.
    Lười biếng buông thả ngại khó, trốn tránh trách nhiệm là bản năng khó cưỡng nếu để cho tự do. Kể cả tự do học hay nghỉ, chơi, ngủ.

    Vậy, ngoài cần phải có hệ thống giáo dục hữu hiệu, tối ưu, gồm nội dung giảng dạy và đội ngũ chuyên viên; không thể thiếu chế độ kích thích thi đua học tập và những gạn lọc cần thiết để cho lọt qua thử thách những ai đạt, và chận lại sản phẩm lỗi để xử lý lại. Tức là cần thi cử và thi đua học giỏi, tuyển chọn học sinh giỏi.
    Sản phẩm đạt sẽ phải gồm loại giỏi, khá, trung bình;
    và sẽ bị hệ thống giữ lại xử lý là loại không đạt, kém.
    Phải cho học lại hoặc cho chuyển hướng chuyên nghiệp cấp phổ thông, ra đời sớm.

    Phải như thế, không thể khác.
    Vì thế giới văn minh cũng đã và đang làm như thế, sau những thử nghiệm lâu đời để chọn được cái tối ưu hiện nay.

    Tại Đức, theo chỗ tôi biết, trường học phổ thông chia làm 3 hạng: hạng chỉ lấy học sinh giỏi, hạng khá, và hạng chậm hiểu.
    Người ta không để cho năng lực kiến văn, kiến thức của học sinh giỏi bị trì kéo lại bởi hs thuộc các nhóm dưới;
    và ngược lại, không để cho các nhóm chậm hiểu bị bỏ rơi, hay lôi xềnh xệch theo với loại giỏi, ngất ngư, sợ học, khủng hoảng và mất căn bản vì không theo kịp.

    Thế là khoa học hay bất công, phân biệt, gây nên đẳng cấp?

    Một học sinh lớp 11, hạng trường giỏi tại Đức, cuối học kỳ phải đi dã ngoại qua các nước tiên tiến lân cận, như Anh, Pháp, Ý…, để trải nghiệm kiến thức với thực tế, sinh hoạt cộng đồng trong 2 tuần, rồi trở về viết luận văn lấy điểm cuối năm thêm vào học trình để lên lớp.
    Tốt nghiệp phổ thông xong, học sinh Đức nạp đơn các trường đại học mà mình và gia đình đã tính toán chọn kỷ, nổi tiếng, uy tín, gần nhà, giá sinh hoạt địa phương dễ chịu vv…
    rồi hồi hộp chờ cú điện thoại định mệnh.

    Điểm cao nhất ở phổ thông sẽ có hy vọng đạt ý nguyện sớm nhất.
    Vậy, chạy đàng trời cũng không thể bỏ được thực tế HỌC SINH GIỎI, bất cứ đâu trên trái đất nầy.

    Học sinh giỏi không đồng nghĩa với học thêm dạy thêm, hay mở lớp đào tạo “gà đá”, giác đấu…như lớp học sinh chuyên, trường chuyên hiện nay.
    Đài tạo hs giỏi phải phổ cập và qui mô lớn, không phải vài hạt gạo trên sàng.
    Nghe có vẻ mâu thuẩn: thì bây giờ trường chuyên cũng dạy qui mô như Lê Hồng Phong, tp HCM vậy. Khác gì nào?

    Khác đấy, ở chổ hệ giáo dục của người ta hoàn chỉnh nghiêm túc, thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường.
    Trí tuệ và gene di truyền sẽ quyết định chỗ đứng của anh, không có bất công, không phải may rủi, không nhờ có rất nhiều tiền.

    Còn VN thì không phải thế. Chênh lệch giai cấp, nghèo giàu… tạo ra bất công. Thầy bà tắc trách tại trường lớp chính thức, hiểu không mặc bây, học thầy chỗ khác!
    Con nhà nghèo không thể học thêm. Hoặc để học thêm thì cả nhà ăn cơm với mắm suốt mười mấy năm trời, chờ con cái ra trường cứu gia đình.
    Ra trường phải chạy chọt mới có việc làm.
    Phải ăn cắp, tham nhũng, lưu manh để bù vốn!

    Thời tôi đi học, Đệ nhất Cộng hoà tại miền Nam, học sinh luôn có bảng xếp hạng hàng tháng, xếp từng bộ môn, xếp tháng, xếp học kỳ 1 và 2, xếp hạng cuối năm.
    Nghe đọc xếp hạng mà hồi hộp.
    Học giỏi có học bổng. Cuối năm có thưởng, phần thưởng danh dự lớp, danh dự khối, danh dự toàn trường, nhất nhì ba, khuyến khích.
    Thưởng từng bộ môn chinh: nhất văn, nhất toán…tiếng Pháp, tiếng Anh, Vẽ, Nhạc…ở TH đệ nhất cấp.
    Chuẩn bị thi Tú tài thì chẳng cần ai bảo, ráng học chết bỏ, học trường, học nhóm, học bạn. Không hề có học thêm trả tiền!

    Phần thưởng cuối năm thì gồm của Tổng thống VNCH, của Thị trưởng thành phố, của Tư lịnh vùng chiến thuật tặng…
    Không phải loe ngoe mấy cuốn vở 100 trang, vài cây bút bic;
    mà là Tự điển lớn dày cộp, sách Toán, Lý, Hoá…của các tác giả nổi tiếng, cặp da, bút máy, đàn guitar…
    chở cả xích lô về khoe cha mẹ.
    Đó là sự thật 100%. Tôi biết rõ thế, năm 1957!

    Điều đó làm tăng giá trị về sự học giỏi, và hình thành nhân cách cá nhân gắn liền với tình yêu gia đình, tổ quốc, và ý thức giữ gìn nhân cách bản thân.

    Học sinh giỏi? Tại sao không!

  4. Bài này của CML.lộ ra khá nhiều sơ hở đáng tiếc ! Chỉ nêu 2 điểm :
    Thứ nhất chứng tỏ ông chưa đủ khả năng để thoát ra khỏi những luận điệu
    thần thánh hoà lãnh tụ của khối CS.thời chiến tranh Quốc Cộng. Luận điệu
    này đã thành công khiến cho đám “trí thức” miền Nam…cuồng bác.đến nỗi
    tiếp tay đẩy VN.ta vào cảnh mất tự do và chịu độc tài như hiện nay !
    Thứ hai là Galileo chưa hề lên giàn hỏa,xin ông tra cứu trước khi viết.
    Trân trọng.

  5. Quên chiện này

    “Các lãnh đạo và ông Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có hiểu tôi nói gì không?”

    Có thỉa chắc vì tớ dốt đặc cán mai, nên đọc bài này của Chu Mộng Long như vịt nghe sấm động nam bang . Hy vọng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông minh đĩnh ngộ sẽ hiểu .

  6. Đứa nào học sinh giỏi thì nếu may mắn sẽ đi du học và làm thầy ở xứ tư bản, như giáo sư Ngô bảo Châu.
    Còn lại tàng tàng thì học xong đi làm Grab, Shipper.
    Loại cccc thì miễn bàn.

  7. Tớ mún dùng lý luận Nguyễn Ngọc Chu để phản biện Chu Mộng Long

    Bàn luận điều không tồn tại là vô ích.

    Chứng minh điều không tồn tại là vô vọng.

    Không phải là người sáng tạo ra chủ nghĩa, thì không nên mất thời gian bàn về chủ nghĩa

    Chủ nghĩa nào không quan trọng, miễn là có lợi

    “Tôi khẳng định, bất cứ nền giáo dục nào, tệ hại đến mấy cũng có một số nhân tài”

    Nope. đ/c CML có để ý tới 1 số nước ở châu Phi chưa ? Có những nước bặt lun, níu có ngừ giỏi thì toàn evil geniuses như mềnh thui .

    “Nếu không nói, chính nền giáo dục này đã tròng lên đầu tôi một vòng kim cô, một cái gông mà suốt nhiều năm tôi phải đấu tranh vật vã với nó để giải thoát”

    Cái này tây nó gọi là vicious cycle of abuse. Những “sát thủ máu lạnh” ở bên này, tuy cũng có những trường hợp cá biệt, nhưng đa số phát xuất từ những gia đình có vấn đề, dẫn đến con nít không còn khả năng phân biệt đúng-sai, thiện-ác . Khi lớn lên, chúng sẽ trở thành những chiên diên của phái xuyên quyền thế và gây tội ác . Ở VN thì kính trọng họ, bên tây thì săn lùng họ .

    Nói đi cũng phải nói lại, tớ tán thành tư tưởng hổng cần học sinh giỏi & ngừ giỏi . Đầu tiên vì nó hoàn toàn trái ngược quan niệm zìa giáo dục phát xít của ô NĐ Cống . Kế tới, níu hổng có chính sách tìm & phát chiển -hổng phải tìm & diệt- nhưn tài, thì mọi ngừ đều bình đẳng & bình bình . Mún “nhân tài” thì hạ xì tăng đa xuống ngang tầm Nguyễn Đình Cống, Nguyễn Ngọc Chu, Chu Mộng Long là lòi ra cả lố .

  8. “có những nhân tài như (Marx); các nhân tài kiệt xuất như (Hồ chí minh) mà người ta tôn thờ như những vị thánh”
    Để thấy rằng thày CML vẫn tôn thờ Marx và Hồ chí minh, nhiều người cho rằng Nguyễn phú Trọng rất thành công, đúng. Ít ra 3 ông râu vẫn còn ngự chình ình trong hội trường như một điều ô nhục “vinh quang” rất độc quyền.
    Trích xuất tóm tắt và giữ nguyên ý của ông tác giả trong bài để nói rằng chxhcnvn muốn có người giỏi nhưng không cần dùng người giỏi. Vì “TA” cho dân đi lao động ở nước ngoài lấy ngoại tệ về để đi thuê người giỏi ở nước ngoài ví dụ như TQ về làm thày cho ta.
    Khi người ta tôn vinh lãnh tụ cũng có nghĩa đã chấp nhận một di sản.

    • Hoạt đầu thôi.
      Thấy Phúc N hiền, cml liền ồn ào đấm đá chế dộ một thời.
      PMc lên , lườm lườm bộ mặt sắt máu, cml liền đái công chuộc tội, xác lập lại quan điểm chính trị “trong tình hình an ninh mạng mới”. Zậy thui.

  9. Nghe ông giỏi toán nhất nước phán về cách mà tây nghĩ ra công nghệ, hiểu biết không bằng học sinh phổ thông của nước ngoài .Tại sao? Bởi cái sách giáo khoa được viết từ những người ngu ngơ nên không diễn tả hết được về kiến thức cũng như sự vận động của nó, đồng thời người ta không thể lĩnh hội hết kiến thức chỉ bằng sự chăm chỉ nhưng thiếu phương pháp ….Tư duy từ cách học của ngày xưa, cộng với kiến thức khoa học nửa mùa ,đồng thời lúc nào cũng cho là giỏi giang thông minh hơn người…. và kết quả như thế nào thì ai cũng biết….

Leave a Reply to HuePhan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây