Lạc lõng dưới trần gian

Phạm Đình Trọng

15-5-2021

4.4. Tân Mão (2011) – 4. 4. Tân Sửu (2021)

10 NĂM NHÀ VĂN TRẦN HOÀI DƯƠNG RỜI CHỐN BỤI TRẦN VỀ CÕI NGƯỜI HIỀN

Tấm lòng rộng lớn thương yêu con người, cả lúc gieo neo, khó khăn nhất gặp người khó khăn hơn, Trần Hoài Dương đều san sẻ nguồn sống nghèo của mình giúp người khốn khó, dù phải bán máu. Tâm hồn trong trẻo, Trần Hoài Dương đã viết những trang sách lấp lánh tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người cho lứa tuổi thơ. Có tài và có tấm lòng với cuộc đời, muốn đóng góp cho cuộc đời nhưng trong xã hội cộng sản đấy nghịch lí và bất công, Trần Hoài Dương trở nên lạc lõng.

Tôi coi Trần Hoài Dương như Người Trời lạc lõng dưới trần gian trong bài viết Lạc Lõng Dưới Trần Gian. Nhân giỗ lần thứ mười Trần Hoài Dương, tôi xin trích hai phần cuối của bài viết để tưởng nhớ một Người Hiền đã từng có mặt trong cuộc đời với chúng ta.

***

6. NỖI NIỀM TRẦN HOÀI DƯƠNG

Những lúc tôi và Trần Hoài Dương ngồi với nhau chúng tôi chỉ nói về vụ việc thời sự hàng ngày. Không khi nào chúng tôi trực tiếp giãi bày tâm trạng với nhau. Khi con trai duy nhất của Trần Hoài Dương trở thành phóng viên ban Tiếng Việt đài Phát thanh BBC nước Anh, Trần Hoài Dương có những khoảng thời gian dài đến ở với con trai, con dâu, cháu nội. Ba tháng sang sống ở Bangkok, Thái Lan. Hai lần sang sống ở London nước Anh, mỗi lần sáu tháng. Trong xa cách, Trần Hoài Dương mới chia sẻ với tôi chút nỗi niềm trong những thư điện tử gửi cho tôi.

Đi đám cưới con trai một nhà văn, Trần Hoài Dương và tôi bất ngờ gặp lại một đồng nghiệp trước đây cùng làm việc ở báo Văn Nghệ của hội Nhà Văn Việt Nam với Trần Hoài Dương. Xa cách mấy chục năm trời mới gặp lại, bình thường Trần Hoài Dương phải vui lắm, xoắn xuýt lắm nhưng với ông bạn này Trần Hoài Dương rất thờ ơ. Sau này tôi gạn hỏi, Trần Hoài Dương mới nói về con người anh không coi là nhà văn này, một người hoàn toàn thiếu vắng năng lực văn chương nhưng lại rất giỏi chạy chọt tiến thân bằng thứ văn chương sáo rỗng.

Quả nhiên sự chạy chọt lại diễn ra ngay sau đó. Trong một thư điện tử Trần Hoài Dương viết từ Anh cho tôi: D đọc báo mạng biết tin về đại hội nhà văn Sài Gòn. Ban chấp hành mới toàn những cái mặt thật đáng buồn. Lạ lùng nhất là tay X. Giai đoạn cuối đời làm tổng biên tập báo Y, ăn hối lộ, rất tai tiếng, phải về hưu trong khinh rẻ. Vợ chồng dẫn nhau vào Sài Gòn, coi như sống nốt ít năm tháng thảm hại. Vậy mà nay lại làm chủ tịch hội Nhà Văn thành phố, như vậy cũng có nghĩa sẽ là phó chủ tịch hội Nhà Văn Việt Nam … Thật là thời buổi nhố nhăng quá chừng! (Thư ngày 25.06.2010).  Trần Hoài Dương viết rõ tên ông Tổng biên tập ăn hối lộ và tên tờ báo nhưng tôi thay bằng X và Y.

Khai thác bô xít Tây Nguyên là nỗi nhức nhối của mọi người Việt còn nặng lòng với nước. Trần Hoài Dương bộc lộ nỗi nhức nhối đó trong một thư điện tử: Anh Trọng ơi. Vừa đọc trên mạng biết có lời kêu gọi kí tên vào Kiến nghị về vụ bô xít Tây Nguyên. Mình cũng muốn tham gia kí tên nhưng không biết cách gửi đi. Mình nhờ anh Trọng đăng kí tên mình vào bản Kiến nghị đó, anh Trọng nhé. Nhiều chuyện bực bội quá. Báo Tuổi Trẻ lại vừa phải bỏ, không được đăng tiếp loạt bài về công nhân TQ tràn ngập VN. Chưa có bao giờ thằng Tàu ngang nhiên o ép Việt Nam như bây giờ và cũng chưa bao giờ Việt Nam nhu nhược như bây giờ. Giữa lúc nhiều bê bối như thế lại còn bày ra trò mở học viện Khổng Tử. Trên mạng Đào Hiếu có bài của Nguyễn Gia Kiểng viết về cái hèn của trí thức khá hay, anh Trọng nên đọc. Trên Talawas cũng có bài viết về trí thức Ba Lan trong cuộc đấu tranh cho dân chủ cũng hay, anh Trọng nên đọc cho biết … (Thư ngày 17.04.2009)

Đến Bangkok, nhìn người dân Thái Lan hiền hòa, tử tế trong cuộc sống yên bình, phát triển, Trần Hoài Dương đau xót nghĩ đến thân phận người dân Việt Nam: Họ có đạo Phật làm nền tảng, họ lại không bị cái họa cộng sản phá tung mọi giá trị đạo đức, làm đảo điên xã hội như ở xứ mình. Càng đi, càng thấy, càng đau xót cho đất nước mình, dân tộc mình, anh Trọng ạ. Càng thêm căm thù bọn khốn nạn, dốt nát và tham lam, đang vơ vét hết tài sản quốc gia và kìm hãm đất nước trong vòng ngu muội để cho bè lũ chúng nó đè đầu cưỡi cổ. Phải 30 – 35 năm nữa, Việt Nam mới bằng được Thái Lan bây giờ. Thế có chua xót, có đau đớn không! Mà con người Việt Nam đâu có ngu dốt, có tối tăm gì! Tài nguyên Việt Nam đâu có nghèo nàn gì! Chỉ muốn chửi cha chúng nó, chỉ muốn băm vằm chúng nó cho hả nỗi căm hờn chứa chất bấy lâu nay, anh Trọng ạ. 

Anh Trọng đọc Ba Người Khác của Tô Hoài chưa? Rất nên đọc. Mình cũng vừa đọc xong Ngày Hoàng Đạo của Nguyễn Đình Chính, khá lắm anh Trọng ạ. Quả thật là bất ngờ. Viết lạ. Bút lực mạnh mẽ … Còn nhiều chuyện muốn nói lắm nhưng thôi, để khi gặp nhau sẽ nói chuyện nhiều. Thân yêu. THD. (Thư ngày 02.03.2007).

Người muốn chửi cha, muốn băm vằm kẻ đang kìm hãm đất nước trong vòng ngu muội để đè đầu cưỡi cổ dân là người đã dìu dắt, giúp đỡ cả về nghề nghiệp chữ nghĩa, cả về lí tưởng cộng sản cho Tổng bí thư đảng cầm quyền hiện nay. Cả Trần Hoài Dương và tôi đã dành cả tình yêu say đắm của tuổi trẻ cho lí tưởng cộng sản và đã mang toàn bộ năm tháng tuổi trẻ cống hiến cho lí tưởng đó. Bây giờ Trần Hoài Dương viết trong thư điện tử: Nhân đọc bài của Nguyễn Khải, Nguyễn Khắc Phục, của anh Trọng, càng thấm thía một điều là: Cuối cùng tất cả những người thật sự có lương tâm đều gặp nhau ở một điểm là phải chia tay với chủ nghĩa toàn trị phi nhân, anh Trọng ạ. Cứ nhớ lại mà xem, hầu như tuyệt đại đa số những trí thức, văn nghệ sĩ lớn nhất thời đại, ban đầu ngây thơ tin theo chủ nghĩa cộng sản, cuối cùng đều phải vĩnh biệt nó. J.P. Sartre, A. Gide, B.Brech, N. Hicmet, P. Picasso, P. Eluar, L. Aragon .  .  . Nói chung ban đầu, hầu hết trí thức, văn nghệ sĩ lớn ấy đều vô cùng ngưỡng mộ, hi vọng vào chủ nghĩa cộng sản. Họ đã tin theo với bao kì vọng nhưng cuối cùng đều vỡ mộng, đều nhận ra bộ mặt thật độc tài, vô nhân đạo của chủ nghĩa ấy và họ đã dứt khoát chia tay. Trong quá trình vận động tư tưởng của bản thân mình, D nhiều lúc suy nghĩ băn khoăn lắm, không biết mình có sai lầm không khi rũ bỏ tất cả để được làm một người tự do. Mình đã thực sự vững tin đi tiếp con đường li khai khi nghĩ đến các bậc đi trước này, anh Trọng ạ. Về cuối đời L. Aragon tổng kết lại cuộc đời đi với chủ nghĩa cộng sản, ông viết: Tôi đã phung phí cả đời mình, có vậy thôi! – J’ ai gache ma vie, c’ est tout! (Thư ngày 10.12.2008)

Và điều Trần Hoài Dương nung nấu nhất, canh cánh nhất vẫn là những trang viết: Cái tiểu thuyết đang viết dở (viết đến lần thứ ba) đã được gần 400 trang nhưng vẫn không vừa lòng. D định sẽ nghĩ một đề cương khác, hợp lí hơn để viết lại. Đã có một số dự kiến, định trong những lúc cháu bé ngủ hoặc những đêm mình mất ngủ thì tập trung nghĩ lại thật chi tiết rồi viết lại từ đầu, anh Trọng ạ. Loay hoay 7 – 8 năm trời nay rồi mà vẫn chưa viết được, thật buồn quá! Ngoài trời đang có tuyết rơi đẹp lắm anh Trọng ạ. Từ hôm qua cả London và nước Anh chìm trong tuyết. (Thư ngày 07.01.2010).

7. CHIM BAY VỀ NGÀN

Người dân đến chốn cửa quan, ngoài trình tự thủ tục qui định ghi thành văn bản rõ ràng, còn có những thủ tục không có trong qui định nhà nước nhưng mọi người dân của nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ai ai cũng phải biết. Mua bán nhà, sang tên, chuyển quyền sở hữu cho người khác phải nhiều lần đến cửa quan thì càng phải biết. Một người ngơ ngác giữa đời thường như Trần Hoài Dương khi bán căn nhà đầu tiên ở Gò Vấp cũng phải biết thủ tục: Mời các quan địa chính, quan đô thị đi nhà hàng, để các quan ngó đến việc người dân nhờ cậy. Còn việc giải quyết nhanh hay chậm lại là các thủ tục tiếp theo.

Nhà hàng Hoa Biển bên cầu An Lộc sát sông Tham Lương, các quan vừa ngồi xuống ghế thì các em tiếp viên táp đến. Mỗi quan một em xinh tươi mơn mởn cũng ngon lành, ngây ngất như men bia, như mồi nhậu trên bàn ăn. Ăn nhậu bằng miệng, bằng vị giác, bằng nỗi thèm khát của bao kiếp đời đói khổ, các quan còn ăn nhậu bằng mắt, bằng tai, bằng tay, bằng xúc giác, bằng bản năng của phần con. Dẫn các quan đi nhà hàng cũng là dịp cho Trần Hoài Dương thấy bộ mặt thật của quyền lực, thấy được thượng tầng kiến trúc xã hội thời anh sống. Không ngờ ở nơi phè phỡn ấy, Trần Hoài Dương còn nhận ra thân phận của con người ở hạ tầng. Trần Hoài Dương thấy cô gái bên cạnh anh không mặc đồ phô bầy da thịt, không cười nói lả lơi, không săn sóc khêu gợi khách như mấy cô đồng nghiệp kia, lại còn vẻ mặt rầu rầu tội nghiệp nữa. Trong khi các quan say sưa ăn nhậu thì Trần Hoài Dương rủ rỉ hỏi chuyện cô gái tội nghiệp. Em đang bán hàng cho bà chủ quán cà phê thì bà chủ dẹp quán, em phải qua đây. Em có người yêu đang học đại học. Anh không muốn em làm ở đây. Nhưng không làm ở đây thì biết làm gì để có tiền chúng em sống và giúp anh đi học.

Nhìn cô gái, Trần Hoài Dương biết không phải cô đang ca bài ca hoàn cảnh để được thương hại, bao bọc. Anh gạn hỏi. Giọt nước mắt lăn trên má, cô gái nói: Quán cà phê cũ em làm đang đông khách thì bà chủ phải thu vén tiền bạc chuẩn bị xuất cảnh. Nếu em có tiền sang lại quán thì em đâu phải làm ở đây. Bà chủ đòi bao nhiêu tiền sang quán? Những ba lượng vàng SJC lận. Cả đời em cũng không bao giờ có được một chỉ vàng. Em đào đâu ra để có ba lượng vàng! Không có tiền sang quán thì em phải làm ở đây chứ biết làm ở đâu? Em còn làm ở đây thì chắc em cũng không còn ảnh nữa!

Không hỏi tên, không hỏi chỗ ở, tan cuộc nhậu Trần Hoài Dương chỉ ghi lại số điện thoại của cô gái. Khi nhận được tiền bán ngôi nhà ở Gò Vấp, Trần Hoài Dương gọi cô gái đến nhà anh ở, đưa cho cô ba lượng vàng SJC. Từ đó anh không gặp lại cô gái nữa.

Mấy năm sau, khi Trần Hoài Dương đã chuyển về ở nhà 30 I đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận, một buổi sáng có người từ tiệm bán máy giặt đến xác minh địa chỉ, tên chủ nhà rồi chở chiếc máy giặt còn trong thùng giấy đến nói rằng có cặp vợ chồng trẻ chọn mua chiếc máy này, đã trả tiền và yêu cầu cửa hàng chở đến đây, lắp đặt hoàn chỉnh cả đường nước vào và nước thải của máy. Mua cho anh chiếc máy giặt là người đó phải biết rõ nhà anh chưa có máy giặt. Lại còn biết cả sự vụng về của anh sẽ không lắp được đường dẫn nước vào máy. Ai nhỉ? Trong quãng đời khó khăn nhất, Trần Hoài Dương đã san sẻ cả đồng tiền máu của anh ra giúp người, chắc bây giờ họ khá giả nên đền ơn anh chăng? Nghe Trần Hoài Dương kể chuyện có người chở đến cho anh chiếc máy giặt, tôi hỏi anh có đoán được ai gửi cho anh chiếc máy không? Anh im lặng nghĩ ngợi. Còn tôi thì tin chắc rằng chính cô gái mấy năm trước được anh giúp ba lượng vàng để cô được làm chủ quán bán cà phê, nuôi được người yêu ăn học xong đại học, bây giờ vợ chồng chàng kĩ sư trẻ làm việc này để tỏ lòng nhớ ơn người đã cứu giúp họ lúc khó khăn.

Cũng trong thời gian còn ở ngôi biệt thự Gò Vấp phải sống bằng đồng tiền máu không thể quên, một lần đi chiếc xe máy màu đỏ vào thành phố, Trần Hoài Dương thấy bên đường Nguyễn Kiệm một ông già miền núi da đen cháy, ngồi hút thuốc rê bán mấy nhánh lan rừng và mấy cái lồng nhỏ, mỗi lồng nhốt một con chim rừng. Trần Hoài Dương bỗng giật mình thấy một con chim đẹp quá. Anh dừng lại ngắm con chim màu sắc rực rỡ đến lộng lẫy. Nhìn mỏ chim nhỏ, dài như mũi kim trích vào cánh tay mỗi lần Trần Hoài Dương bán máu, anh đoán rằng đây là loại chim sống bằng mật hoa. Chiếc mỏ dài kia là để nó hút mật. Mật hoa đâu có nhiều, nó phải ở tự nhiên, cả ngày cần mẫn tìm hoa trong rừng mới sống được. Làm sao con người, lại là người thành phố, có thể nuôi được giống chim quí này. Trần Hoài Dương hỏi giá con chim. Ông già nói hai trăm ngàn đồng. Trời, sao mắc vậy! Đâu có mắc. Con chim này đẹp và hiếm nhất trong các loại chim rừng đó, bắt nó đâu có dễ. Cả mấy con kia chỉ mấy chục ngàn đồng thôi, còn con này giá đó, không bớt đồng nào.

Nhìn con chim đẹp, lại nhìn ông già nghèo khổ từ miền rừng xa xôi lạc lõng giữa thành phố, Trần Hoài Dương xem lại ví tiền trong túi. May quá, còn được hơn hai trăm ngàn đồng. Trần Hoài Dương đưa tiền cho ông già rồi nhận lồng chim treo vào xe máy. Đến Thảo Cầm Viên, anh gửi xe máy và xách lồng chim vào nơi nuôi rừng, nuôi thú của thành phố. Đến góc vắng trong Thảo Cầm Viên, Trần Hoài Dương mở lồng cho con chim bay ra, trở về với ngàn xanh.

Chỉ một việc nhỏ, bình dị đó của Trần Hoài Dương nhưng những con người trần tục như tôi không bao giờ có thể làm được. Như một Người Trời lạc xuống trần gian, bây giờ Trần Hoài Dương đã lại trở về Trời. Bây giờ mỗi lần nhìn lên vòm trời xanh tôi lại nhớ đến Trần Hoài Dương, nhớ những ngày Trần Hoài Dương lạc lõng dưới trần gian để cho tôi được gặp một Người Trời Trần Hoài Dương.

_____

Một số hình ảnh của tác giả:

Nhà văn Trần Hoài Dương (1943 – 2011)
Tác phẩm của nhà văn Trần Hoài Dương
Trần Hoài Dương, Phạm Đình Trọng trong đại hội VIII, hội Nhà Văn Việt Nam. Hà Nội, tháng 8/2010
Từ phải: Nhà thơ Thái Thăng Long. Ngồi: Nhà thơ Thanh Tùng. Đứng: Nhà văn Văn Lê. Ngồi. Nhà văn Phạm Đình Trọng. Đứng. Nhà văn Trần Hoài Dương (Ngồi).
Từ phải: Nhà văn Hữu Mai. Đạo diễn điện ảnh Lê Dân. Phạm Đình Trọng. Nhà văn Trần Hoài Dương
Từ phải: Phạm Đình Trọng. Trần Hoài Dương
Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Néu có thật như trong bài của nhà văn P.Đ.Trọng thì phải công tâm thưà nhận
    rằng nhà văn T.H.Dương là một người hiền,thâm chí là thánh nhưng phải sống
    chung với đám mafia văn chương nên ông không được thọ cho lắm ! RIP. !

  2. Trí thức nhà các bác HÈN BỎ MẺ. Sao không gọi cái đám Lê híu Hèn, Lê Thân chơi bốc xác như thời uýnh Ngụy Nhào.

Leave a Reply to Khách Quan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây