Nông dân trong mắt tôi

Thái Hạo

12-5-2021

Tôi là một người nông dân cho đến tận năm 20 tuổi khi biết đến môi trường đại học và thành thị, nghĩa là tôi sinh ra ở nông thôn, sống giữa nông thôn và lớn lên thành nông dân; sau gần 20 năm tạm thời không làm nông dân nữa thì bây giờ lại trở về làm anh nông dân. Tôi hiểu họ và thấy cần đính chính lại đôi điều.

Có những thứ đã thành tín điều mà người ta vô tư và mặc nhiên gieo vào đầu con trẻ để thành một niềm tin bất di bất dịch như sự sùng tín của tín đồ với tôn giáo của họ. Những thứ ấy nhiều vô kể, như “người nông dân hiền lành chất phác, người nông dân chịu thương chịu khó; anh em xa láng giềng gần v.v..”

Có thật đúng thế không?

Tôi làm nhà rất nhiều lần, cả trong Nam ngoài Bắc (khoảng gần chục cái rồi, cả lớn nhỏ) và quan sát những người thợ xây. Họ đa phần là nông dân bỏ cuốc cầm bay. Đi muộn về sớm, làm việc cẩu thả, trốn việc như chớp, lãng phí vật liệu, câu giờ siêu hạng… Vì còn vữa nhưng sắp đến giờ nghỉ, họ nhìn quanh và đổ luôn xuống hố, phủi tay. Có người quen làm sơn nước, ngồi vô tư kể “vì nắng quá mà trưa rồi nên lén lút đổ luôn cả thùng sơn xuống bồn cầu để ra về cho kịp giờ. Họ đi đổ mố cầu, nếu không có giám sát ở bên thì thay vì trộn bê tông đúng mác thì họ sẽ đổ luôn cát đá vào mà không hề có xi măng. Họ rất lấy làm sung sướng vì thấy mình “khôn”. Những ai có xây dựng các công trình cho gia đình mà khoán công nhật cho thợ thì có thể sẽ phát điên vì cái cung cách làm ăn cẩu thả và lẩn việc của họ.

Người nông dân VN có thật siêng năng không? Tôi không thấy thế. “Đói thì đầu gối phải bò”, nhưng vừa đỡ cơn đói thì họ ngồi trà vặt rượu nát ngay. Mỗi năm vài tháng mùa, thời gian còn lại gọi là “nông nhàn” nhưng đã suốt cả ngàn năm rồi, cơ bản họ không có sự cải tiến nào đáng kể trong lao động sản xuất; mọi thứ rất trì trệ, cũ kỹ (cho đến khi phương Tây mang kỹ thuật hiện đại vào). Hình ảnh người nông dân VN rất khác với nông dân ở nhiều nước trên thế giới, tất nhiên không phải không có những cá nhân đặc biệt, nhưng nó không làm thành một thứ “phẩm chất cộng đồng”.

Nhà tôi ngay sát cánh đồng, chưa bao giờ tôi nghe thấy người đi làm đồng hò hát gì như trong văn học nói cả, mà chủ yếu là nghe thấy tiếng chửi: chồng chửi vợ, mẹ chửi con, chung vè chửi nhau, thậm chí còn vác đòn gánh rượt nhau chạy khắp đồng. Rất ít người chung bờ ruộng mà không bất hòa, rất ít hàng xóm chung bờ rào mà không mâu thuẫn chửi gà mắng chó…

Người nông dân không “hiền lành” mà là giỏi nhịn nhục. Khi không có sức mạnh thì làm sao mà ác được! Vì thế, chỉ cần có kẻ nào yếu thế hơn thì họ lập tức sẽ bộc lộ, nhưng thường thì chủ yếu họ chỉ tìm thấy ở đó chính vợ con họ. Đánh con là thường, ngày nay đánh vợ đã ít hơn nhưng cái “bạo lực tinh thần” thì gần như vẫn còn duy trì khá nguyên vẹn.

Người Việt “duy tình”? Tôi không thấy thế. Duy cảm chứ không phải duy tình, là cảm tính chứ không phải tình cảm. Người việt không phải là trọng tình mà là trọng lợi. Người ta đi lại với nhau vì “có đi có lại”. Nếu người ta mời mình một bữa cùng hai thì được, nhưng đến bữa thứ 3 thì coi chừng, bạn có thể trở thành người xấu trong mắt họ, “thằng ấy sống bẩn”, dù là họ chủ động mời mọc rủ rê. Họ móc ví rất nhanh nhưng về nhà thì ấm ức, “thằng đó chơi không đẹp”. Người ta rất dễ mâu thuẫn với nhau bởi những thứ hơn thiệt vụn vặt, thậm chí có thể vung dao về phía nhau vì con trâu lỡ ăn mất vài cây lúa.

Lấn đường, lấn ruộng, lấn đất… Khúm núm trước kẻ mạnh và ức hiếp người yếu. Văn hóa làng xã nói rằng “cố kết/đoàn kết” chứ kỳ thực không phải. Người nông dân rất chia rẽ. Nếu có trai làng khác qua tán gái làng thì họ mới “đoàn kết”, “đi chợ bênh anh em họ, đi họ bênh anh em nhà”. Cứ hễ gia đình có hiếu hỉ tang ma thì thể nào cũng cãi cự, từ mặt. Suy nghĩ thiển cẩn và lấy những cái lợi vặt vãnh làm quán xuyến trong xử thế. Nếu gọi đúng phải là “duy lợi”, không phải ‘duy tình”, lại càng không có duy lý.

Cứ đọc Nam Cao chúng ta sẽ hiểu người nông dân Việt Nam. Và cứ theo thực tế cũng như những gì ông Nam Cao đã lột tả thì những cuốn về Bản sắc văn hóa VN phải bỏ đi gần hết..

Cái căn tính nông dân trong người trí thức Việt làm thành một hình ảnh rất kỳ dị: khôn khéo, tinh ranh mà ít trí tuệ; liều lĩnh mà ít lòng dũng khí, giữ lợi riêng mà im lặng trước các vấn đề xã hội, tranh luận thì nặng lời miệt thị. Tinh thần quý tộc là một cái gì rất xa lạ, ngay cả đối với tầng lớp nhiều chữ nhất trong xã hội VN.

Không thấy bản thân mình thì không thể sửa được, cái khốn khổ là người ta lại thường chỉ thấy cái xấu ở người chứ bản thân mình thì tốt trọn. Cái khốn nạn điêu linh hơn nằm ở chỗ, phần lớn những người trí thức VN bây giờ đều có một người nông dân ở trong mình. Trong mỗi người việt không phải chỉ có một ông quan như người Pháp đã soi thấy, mà còn có luôn một ông nông dân ngự ở đó.

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. Nông dân mình, có thể gọi là Dân Tộc ta với nền Văn minh lúa nước thật ĐÁNG THƯƠNG chứ không đáng trách. Đáng trách là Chúng ta KHÔNG CÓ GIỚI TRÍ THỨC – như ý anh TH là ” tinh thần quí tộc là một cái gì xa lạ”. Đã vậy, từ năm …1954 lại gặp phải thời đại “cóc nhái nhảy lên làm người”. Đến tận bây giờ càng nghĩ về cha mẹ mình( Nông dân) càng thấy thương quá, mình phải thấy hổ thẹn và nhục nhã.

  2. Nguyễn phú Trọng nên đi vận động bầu cử, tiếp xúc cử tri ở chỗ này, chắc chắn sẽ bị rượt nếu lèo nhèo thứ ngôn ngữ lú lẫn chỉ áp dụng cho hội trường máy lạnh.
    Nhân chi sơ vốn bản thiện, cái đảng chó này phải nhận trách nhiệm vì cái xã hội suy đồi theo từng kỳ đại hội đảng.

  3. Người viết và những người comment (rất nhiều) bài này… chỉ cần nhớ một điều cốt lõi.
    Sự thực là người nông dân đã từng chịu thương, chịu khó. Đã từng một nắng hai sương… Đã từng có mọi đức tính của người lao động chân chính…
    Nhưng phải kèm theo chữ NẾU (to tướng)…

    Đó là NẾU họ lao động cho chính họ. Nghĩa là họ là chủ nhân và có niềm tin rằng họ sẽ được hưởng đầy đủ thành quả lao động của chính mình.
    Không ai ngầm phá cái nhà của chính mình do công sức của chính mình tạo nên nó…

    Còn có thể nói dài. Nhưng xin vắn tắt: Chế độ hiện nay đã biến đa số người Việt trở thành những kẻ làm thuê cho ĐCS.
    Xin tác giả bài này (Thái Hạo) bớt lơ tơ mơ một chút.

  4. Nông dân ta, tinh hoa như Nguyễn Thị Năm, Lê Đình Kình… thì bị giết .
    Những Chí Phèo, bá Kiến thì được đảng tín nhiệm, giao nhiệm vụ làm tổng bí đến ba nhiệm kỳ .

  5. Thế hệ tính từ tuổi 18 + 46 năm xhcn thì có thể trải nghiệm và xác nhận những điều anh nói, xét trên đại thể.
    Những người sinh trước tuổi kể trên, đã sống ở nông thôn miền Nam, sẽ cho rằng anh cường điệu vì dau khổ bất mãn cá nhân.
    Thời nào cũng có kẻ xấu người tốt. Nhưng chắc chắn thời của những người 18+46 sẽ chứng kiến nhiều điều giống hoặc tệ hơn nhiều về những gì anh kêu ca…so với thế hệ 70 trở lên tại miền Nam.

    Không biết là ngẫu nhiên hay cố ý, hiện đang rộ lên những nhận định bi quan về dân tộc, kiểu như bài đăng trên bbc tiếng Việt của Nguyễn hữu Liêm, nổ lực đục phá vào những giá trị từng bao bọc hồn thiêng đất nước, tấn công vào nguyên khí quốc gia, cơ hồ như dân tộc nầy đáng phải giải thể, tan rã…để trôi giạt vào tay kẻ thù phương Bắc.
    Phải chăng giờ hẹn định mệnh tháng 9 năm 1990 đã điểm?
    Và có những người đang chuẩn bị cho giờ khắc khốn nạn đó?

  6. Đỉnh cao trí tuệ của đảng ta như Nguyễn Phú Trọng, Vương Đình Huệ… có khối những phẩm chất quý báu của nông dân ta đấy chứ !

  7. Sao tác giả không chịu nhìn vào con cái của nông dân khi đã thành đạt, quí tộc phương tây còn phải thua xa….

Leave a Reply to ba lú Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây