Người viết có phải chịu trách nhiệm về bình luận của người đọc?

Đặng Đình Mạnh

6-5-2021

“Ai làm nấy chịu” như là một nguyên tắc ứng xử trong quan hệ giữa cá nhân với xã hội.

Sự chế tài của luật pháp cũng khởi nguồn từ nguyên tắc ấy. Ai vi phạm pháp luật thì người đó phải chịu sự chế tài và đương nhiên, chỉ trong giới hạn phạm vi đối với người ấy mà thôi.

Tuy vậy, hiện nay, cơ quan điều tra có quan điểm rất khác về vấn đề này. Rất may, chỉ phát sinh trong phạm vi kiểm soát các trang mạng xã hội mà thôi. Nhưng chỉ nhiêu đó cũng đã đủ đưa đẩy các Facebooker, Youtuber… dễ vướng vào các rắc rối pháp lý không hề mong muốn, thậm chí, cả về lao lý.

Theo đó, khi một bài viết được đăng công khai, thì người đăng không chỉ chịu trách nhiệm về nội dung bài viết của mình trước pháp luật, mà còn phải chịu trách nhiệm về những lời bình luận của công chúng trong bài viết ấy!? Rủi thay, nếu lời bình luận ấy mang nội dung chống, phá chính quyền, thì danh tính tác giả bài viết sẽ được đưa vào tầm ngắm của các cơ quan bảo vệ pháp luật và kéo theo sự chế tài là khả năng không hề nhỏ.

Đồng thời, với số lượng lực lượng dư luận viên hoạt động đông đảo trên các trang mạng xã hội như hiện nay, việc bị báo cáo những nội dung bị cho rằng chống, phá chính quyền chỉ còn là vấn đề thời gian. Bị xử lý, may mắn thì được mời “uống trà”, nhẹ nhàng thì bị phạt vi phạm hành chính, nặng hơn thì 331 và nghiêm trọng nhất là 117.

Có dịp trao đổi quan điểm với một cán bộ an ninh điều tra của một tỉnh giáp ranh TP.HCM, khi tôi đang chờ thân chủ đến để cùng làm việc. Sau khi nghe tôi nói về nguyên tắc “Ai làm nấy chịu”, thì anh ấy đã phủ nhận ngay: “Không. Anh phải chịu trách nhiệm về lời bình luận của họ. Vì lẽ, khi đăng bài là anh đã tạo cơ hội cho những người chống đối nhà nước có “chỗ” để “hoạt động”?! Nếu anh không xóa, hoặc anh nhấn like là còn biểu thị sự đồng tình của anh đối với sự chống đối của họ. Chưa kể, nếu anh có số lượng người theo dõi lớn, thì trách nhiệm của anh lại càng nặng nề hơn”.

Thời gian không đủ dài để chúng tôi tranh luận đến hết lẽ, vì đã phải đến lúc vào làm việc.

Thế nên, quan điểm cho rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung của những lời bình luận của người khác trong bài viết của chúng ta đang là một thực tế.

Cho dù không là một luật sư, tôi vẫn không tán thành điều này. Điều mà tôi cho rằng trái với nguyên tắc ứng xử và không có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, luật sư không thể quyết định được việc các bạn có phải chịu trách nhiệm pháp lý hay không. Nhưng cơ quan điều tra thì có quyền đấy, và trong đa số trường hợp, quyết định của họ thường dễ được tòa án chấp thuận hơn.

Từ nguyên tắc “Ai làm nấy chịu”, chúng ta đang có một biến tướng của nguyên tắc ấy, “Quýt làm cam chịu”.

Thế nên:

– Với người đọc, nếu muốn trao đổi quan điểm về bài viết hoặc nhận xét, đánh giá… thì hãy để lại lời bình luận có tâm, thiện chí với người viết.

– Với người viết, hãy thận trọng với những lời bình luận của công chúng trong bài viết của bạn. Hãy xử lý trước khi chúng kịp mang đến tai họa.

Chúng ta đang cùng sống trong một thời điểm mà nói gì, viết gì… cũng đều quá dễ dàng và quá khó khăn.

Bình Luận từ Facebook

10 BÌNH LUẬN

  1. Thiển nghĩ , ngươi biết sống “tử tế ” , phàm làm gì cũng nghĩ đến lương tâm , lẽ phải và luật pháp . Việc thường tình đã vậy , khi tham gia viết lách còn cần phải biết” múa..bút bảy lần trước khi ghi vào giấy “là đằng khác ! Chưa nói đến luật định , lương tâm buộc trang viết của mình phải loan tin đúng bản chất sự việc. Bình luận phải dựa trên sự thật ,phân tích khách quan , đa chiều. Ngôn từ diễn đạt cần lịch sự , tế nhị . Thông tin sai về một người , một tập thể, dẫn đến râm ran ” tiếng bấc tiếng chì ” trong dư luận, khiến họ bị điêu đứng , dở sống dở chết , hoảng loạn ..là những hình ảnh kém tinh thần nhân văn , mà chúng ta đã từng thấy. Bởi thế , xin mạo muội có ý nghĩ nầy : ” khi loan tin sai sự thật một cách hữu ý ; bình luận vô tội vạ , một chiều ; lời ghi mang tính ” công xúc tu sĩ ” … ” nếu không phải để phục vụ cho một ý tưởng ” đen ” nào đó thì chỉ là sự thể hiện hình ảnh ” con rắn ghen tị trong tim ” mình , như lời khuyên trong ” Tâm hồn cao thượng” , và đi nhiên là không nên có . Xin cảm ơn !

  2. Biết làm sao được ?! Khi toà án của nhà nước CHXHCN/VN đã từng xét xử, “kết án”, và “y án” cả những…TỘI, mà nhiều khi nạn nhân (bị cáo) chẳng hề bao giờ làm ! Như vụ án tử hình Hồ Duy Hải gần đây, và vài vụ tương tự xảy ra đã lâu !

  3. Ôi, tư duy của côn đồ nó thế, cái tư duy Chí Phèo là mày giàu có thì phải biếu ông tiền đi uống rượu. Ngày xưa Chí Phèo chỉ đâm thuê lấy tiền uống rượu, ngày nay bọn Chí Phèo xhcn thì ngồi không hưởng lợi. Chúng nó ra lệnh cho dân phải sống làm sao và phải có tư duy thế nào cho phù hợp, thế mà chúng nó leo lẻo bảo là dân lợi dụng tự do dân chủ để làm nọ kia, tự do dân chủ ở đâu ra nhỉ ? Với cái lý sự cùn cỡ ấy thì đảng của ông Trọng không là đảng cướp của giết người, đảng côn đồ thì là đảng gì ?

  4. Trích “Không. Anh phải chịu trách nhiệm về lời bình luận của họ. Vì lẽ, khi đăng bài là anh đã tạo cơ hội cho những người chống đối nhà nước có “chỗ” để “hoạt động”?!

    Vậy những đảng viên cộng sản làm bậy như Lê Thanh Hải, Đinh la #… thì đảng cộng sản phải chịu trách nhiệm!

  5. “Khi đăng bài là anh đã tạo cơ hội cho những người chống đối nhà nước có “chỗ” để “hoạt động”?!” Vậy thì:
    Khi đăng bài là anh cũng đã tạo cơ hội cho BẦY GIÒI DƯ LUẬN VIÊN CỌNG SẢN có “chỗ” để “hoạt động”?!
    Cái này tác giả bài chủ có được thưởng không?
    Ở vương quấc độc tài này luật sinh ra từ bày đầu đất sét dân không bầu, thế nên nó là luật của TAO.
    Thế nên: Hãy bình luận như một con cừu giống hệt trang GÓC NHÌN Express.

  6. Khen cũng như chê, đều có đúng và sai, nhưng khen đúng không hay bằng chê đúng. Ai không chịu đựng được lời chê, tệ hơn nữa là dùng bạo lực với người chê… Kẻ đó cực xấu.

    • Tôi lại cho rằng, TẤT CẢ những cá nhân/tổ chức nào “không chịu đựng được lời chê” thì đều được xếp vào hạng ngu! Càng “chịu được lời chê” thì cá nhân/tổ chức sẽ tốt lên và đầu óc mở mang hơn rất nhiều! Dùng bạo lực để trị “người chê” lại càng dấn sâu thêm vào con đường NGU và Cùn!

  7. Không có gì chua xót
    Bằng chúng ta, ngươi dân,
    Nuôi công an, quân đội
    Để chúng đàn áp dân.

    Càng chua xót gấp bội,
    Được sinh ra làm người
    Mà ta không được nói,
    Được khóc và được cười.

    Chính xác hơn, được nói,
    Rất “dân chủ”, “tự do”,
    Kiểu con chim được hót
    Theo giọng của con bò.

    Nỗi sợ to lớn nhất
    Của chế độ độc tài
    Là khi ta, dân chúng,
    Không sợ bọn độc tài.

    ***

    Người ta an ninh mạng
    Nhằm đánh bọn Hackers.
    Ta thì an ninh mạng –
    Bịt miệng Facebookers.

    TBT

  8. Khi chân lý thuộc kẻ mạnh, thì sẽ không có đất cho pháp luật hay thông lệ tiến bộ thế giới tồn tại!

Leave a Reply to bình nhanh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây