Gặp gỡ tháng Tư – Ba anh vé số

Nguyễn Thọ

27-4-2021

Cách đây vài tuần, tôi hẹn gặp anh Phong, bộ đội thương binh Quảng Trị và anh Bình, Thủy quân lục chiến VNCH, cũng bị thương ở Quảng Trị 1972. Câu chuyện cảm động của anh Phong, anh Bình đã gắn bó ba chúng tôi với nhau. Mỗi khi Bình có khó khăn, Phong và tôi đều cùng nhau chia sẻ.

Nhưng vì anh Phong bận việc nên tôi mời Bình đi ăn cơm. Tôi nói Bình rủ thêm vài người bạn cùng cảnh ngộ để tôi được chia sẻ nỗi đau của họ.

Chiều chủ nhât 18.04, Bình cùng hai anh bạn vé số chờ tôi ở ngã tư Thành Thái, Tô Hiến Thành. Tôi xuống xe ôm đã thấy ba anh trên ba con ngựa sắt chờ tôi. Cả ba anh đều bị cụt chân, mức độ khác nhau, nhưng nét lam lũ, cơ cực đều hằn sâu trên mặt.

Vì tình cờ hẹn gặp nhau trước mặt một tụ điểm ăn nhậu của dân có tiền, tôi mời ba anh vô đó luôn. Nhìn đèn đuốc sáng choang, xe ô-tô liên tiếp dừng lại đổ khách xuống, ai nấy ăn mặc bảnh chọe, cả ba anh đều ngại. Họ khuyên tôi đi ra quán bình dân cho rẻ và phù hợp với thân phận. Tôi nói “Các anh cứ tự nhiên theo tôi vào đó. Tôi mời các anh mà!”

Những người bảo vệ lúc đầu ngạc nhiên, tưởng các anh vào bán vé số, định ngăn lại. Nhưng thấy tôi mời các anh vào, họ lại vui vẻ dẫn ba cái xe lăn vào chỗ gửi xe. Rồi các cháu tiếp tân mặc đồng phục vui vẻ, trịnh trọng, lăng xăng dẫn 4 ông khách vừa què, vừa lành đi đến một cái bàn đẹp dành cho 4 người.

Anh Tuân (80) và anh Minh (70) là hai chú cháu, cùng lê lết từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn kiếm sống. Trước đó hai anh đều trải qua những năm tháng cùng cực, tủi nhục. Điều đáng nói là trước khi bị bắt đi lính, cả bố mẹ hai anh đều hoạt động cho Việt Cộng ở huyện Tư Nghĩa. Gia đình các anh có họ hàng với ông Trần Kiên, nguyên bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi, nguyên trưởng ban kiểm tra Trung ương. Vậy mà không ai tháo nổi cái gông “Ngụy quân” khỏi cố họ.

Rồi bia và đồ nhắm, thức ăn ngon lần lượt được các cháu lễ phép bưng ra, các anh cần thêm gì cũng có ngay. Quanh bàn luôn có hai cháu túc trực. Mùi thơm của món ăn trong làn gió mát của hơi sương lạnh, những lon bia đá uống thoải mái làm các anh ngây ngất.

Bình(68), trẻ nhất bọn, vui vẻ nói: Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm tôi mới được sống trong cảnh này, được phục vụ chu đáo như vậy.

Anh Tuân bổ sung: Không có anh mời, chúng tôi đâu bén mảng được vào chốn này, vô là họ đuổi ra, sợ mình bán vé số. Nay mình là thượng khách.

Cháu bé tiếp tân cười tủm tỉm, ánh mắt cảm thông.

Anh Minh ngậm ngùi: Hồi thanh niên, chúng tôi cũng đã có những giây phút như hôm nay.

Trong ba anh, Bình là người hạnh phúc nhất, vì anh có một tổ ấm, dù rất khiêm tốn, đơn sơ. Hai chú cháu Tuân và Minh sống độc thân, trọ ngay trong nhà của ông chủ thầu vé số. Mỗi ngày ông chủ trừ của các anh 10.000 đồng cho một chỗ ngủ. Định mức hàng ngày của người thuê nhà là phải bán được 200 vé, mỗi vé lời 1000 đồng. Một tháng 30 ngày, ốm ngày nào nghỉ ăn ngày đó. Trong số vài trăm vé mỗi ngày đó, không ít vé bán được bởi sự thương cảm của khách hàng. Có thể vì vậy mà ngành xổ số ở miền Nam có đội quân “lưu dung” đông đảo nhất.

Niềm vui đang tận hưởng của các anh vướng một mối lo: Hôm nay vì nghỉ sớm để vào “nhậu” nên anh Minh vẫn còn 60 vé số tồn đọng. Ông chú Tuân sẵn sàng chia gánh nặng với thằng cháu. Thế là hai anh lấy túi vé số ra để chia nhau, dưới các cặp mắt ngạc nhiên, thú vị của mấy cháu tiếp tân.

Các anh không còn than phiền về số phận nữa, vì nó đã dễ chịu hơn. Người ta tránh gọi các anh là bọn “bám càng”. Từ hai năm nay, các anh được cấp thẻ “người tàn tật” và nhờ đó mà không còn phải đóng bảo hiểm nữa. Những ngày thành phố lock down vì Covid, các anh cũng được hưởng trợ cấp như những người nghèo khó khác, tuy rất ít ỏi. Tôi mừng vì đây là tín hiệu cho thấy sự phân biệt đối xử đang dần được xóa bỏ, dù rất muộn.

Và tôi rất vui vì cuộc gặp gỡ này đã giúp các anh hạnh phúc vì được tôn trọng, được như người đời, dù chỉ là một lần.

Cũng vì gánh nặng của 60 vé số tồn đọng mà chúng tôi phải kết thúc cuộc vui sau gần 3 giờ hội ngộ.

Tôi đứng ở cổng chờ xe Gojek, nhìn lại ba chiếc xe lăn lần lượt rời khỏi cánh cổng rực rỡ ánh đèn hào hoa để lầm lũi tiếp tục cuộc đời vé số.

Hôm qua Thành phố tuyên bố hủy bắn pháo hoa kỷ niệm 30.4. Dù ví lý do gì, tôi cũng mừng, vì nó hợp với tâm nguyện của tôi khi viết bài “Khước từ”.

_____

Một số hình ảnh:

Ba chiếc xe lăn của người tàn tật hãnh diện vào chố để xe.
Từ trái sang phải: Anh Bình (68), anh Minh (70) và anh Tuân (80)
Trước lúc chia tay
Chiếc xe lăn vé số rời nơi ăn uống hào hoa trước cặp mắt ngạc nhiên của anh bảo vệ.
Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Đã 46 năm, sau cái ngày người ta gọi là “giải phóng miền Nam”, hay còn được gọi là ngày “thống nhất đất nước”… ?!
    Nhưng, nỗi lòng của người dân miền Nam và những người thuộc phe chiến thắng vẫn chưa thể hoà hợp, vẫn chưa đi đến thống nhất !
    Tại sao lại ra nông nỗi nước này ?! Hỏi tức là đã rõ câu trả lời !

  2. Triệu người vui – triệu người buồn
    Bài này có đưa tin thời sự: Sài gòn huỷ bắn pháo hoa…
    Bắn pháo hoa để niềm vui của triệu người được tăng gấp đôi
    ———–Nhưng nỗi buồn của triệu người cũng tăng gấp đôi

  3. Người mình bây giờ có bệnh tâm lý thích khoe(khoe mẽ), chỉ có điều khoe khả năng thật trước mọi biến động thực tế của thế giới thì lại vắng biệt, đáng buồn là đây.

Leave a Reply to phải nói Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây