Đọc bài thơ “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán, lại nghĩ đến câu “Uy vũ bất năng khuất”

Nguyễn Văn Nghệ

23-4-2021

Bài viết “Đọc bài ‘Tụng Lỗ Tấn’ của Phan Khôi lại nghĩ đến cái xấu ở Việt Nam hiện nay” của tôi đăng trên trang Tiếng Dân ngày 16/4/2021, sau đó được trang web Nghiên cứu Lịch sử đăng vào sáng thứ Hai ngày 19/4/2021. Sau khi bài viết được đăng, vào lúc 7:19 sáng 19/4/2021 có phản hồi của độc giả Độ Vân, như sau:

“Nguyễn Văn Nghệ chỉ cần nhớ một điều:

“Dưới chế độ do ĐCS đứng đầu thì giọng điệu trước 1945 và sau 1945 phải đổi khác 180 độ, nếu còn muốn sống.

“Không những Phan Khôi, mà Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Đào Duy Anh, Nguyễn Lân… đều như vậy. Phải rất lâu về sau, những người dũng cảm nhất mới dám thể hiện: Tôi vẫn là tôi.

“Thời nay mỉa mai tiền nhân rất dễ, nhưng cũng rất hèn. Tiền nhân không sống lại để có thể giải thích”.

Ông Phan Khôi từng xuất thân trong cái lò đào tạo Nho học, chắc hẳn ông không bao giờ quên cái câu “Uy vũ bất năng khuất” trong sách Mạnh tử, thiên Đằng Văn công hạ chứ!

Độc giả Độ Vân nêu tên một số nhà thơ, nhà văn “nếu còn muốn sống” thì tất cả “đều như vậy”. Không biết độc giả Độ Vân dựa vào đâu mà dám khẳng định như đinh đóng cột: “Nếu còn muốn sống… đều như vậy”.

Kìa, hãy nhìn xem ông Phùng Quán sinh năm 1932, nhỏ hơn ông Phan Khôi 45 tuổi, cũng thuộc nhóm Nhân văn Giai phẩm, vào năm 1957 ông có làm bài thơ “Lời mẹ dặn”. Đây chính là tuyên ngôn về nhân cách sống của ông Phùng Quán. Lời mẹ dặn năm xưa ông vẫn còn khắc ghi trong lòng:

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Ông Phùng Quán chẳng những “muốn sống” và còn muốn sống “chân thật trọn đời”, ông đâu cần “phải đổi khác 180 độ”!

Nếu cho rằng ông Phan Khôi bị ép buộc phục vụ cộng sản, sao ông không học gương của Từ Thứ: “Về Tào miệng ngậm như bình kín” (Họa Từ Thứ quy Tào của Phan Văn Trị).

Độc giả Độ Vân có ý lên án tôi: “Thời nay mỉa mai tiền nhân rất dễ, nhưng cũng rất hèn hạ. Tiền nhân không sống lại để có thể giải thích”. Sự thật thì những người hiểu biết không phải văn nô, bồi bút thì không ai “mỉa mai” ông Phan Khôi cả! Những điều nêu ra là để hậu thế rút ra bài học cho cuộc sống mà thôi.

Một thân hữu, sau khi đọc bài viết của tôi, vào lúc 7:41 Chúa nhật 18/4/2021 đã gởi ý kiến vào email của tôi: “Phan Khôi trả giá xứng đáng cho niềm tin của mình. Con chó chết rồi còn bị đánh tơi bời”.

Vào lúc 2:03 sáng ngày 20/4/2021 lại có thêm phản hồi của độc giả Phat, công kích độc giả Độ Vân về việc “mỉa mai tiền nhân”: “Thế thì đừng ca ngợi tiền nhân luôn vì tiền nhân không sống lại để giải thích huyền thoại của mình đâu?? Chắc chỉ được ca ngợi tiền nhân, không được chê tiền nhân chứ gì?? Kẻ không dám nói gì chỉ vì cái danh tiền nhân thì mới đúng là hèn hạ, sai thì sửa đúng thì nói cái gì mà tiền nhân với không tiền nhân thực nực cười, họ cũng là người cũng như ta, cũng có sai lầm có công không phải thánh không thể mỉa mai” [*]

Người xưa nói: “Cái quan định luận”, nên hư công luận phê bình. Có như vậy mới biết tư cách ông Phan Khôi như thế nào? Tư cách ông Phùng Quán như thế nào?

Nguyễn Văn Nghệ, Diên Khánh – Khánh Hòa

[*] https://nghiencuulichsu.com/2021/04/19/doc-bai-tung-lo-tan-cua-phan-khoi-lai-nghi-den-cai-xau-o-viet-nam-hien-nay/

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Có một bác bảo tôi vào trang nghiencuulichsu đọc hai bài liền nhau của Nguyễn Văn Nghệ. Bài đầu, ông Nghệ mạt sát cụ Phan Khôi cái tội “tụng” Lỗ Tấn. Bị phản ứng, ông Nghệ lôi Phùng Quán (có bài thơ Mẹ Dặn) để làm gương “bất khuất”.

    Kính mời mọi người vào Nghiencuulichsu.com đọc cả hai bài, để thấy tim đen của tác giả Nghệ.
    Tôi vẫn hy vọng tác giả hai bài sẽ lưu danh trong lịch sử

  2. Đồng ý với ý kiến trên cùng.
    Tôi thiễn nghĩ học giả Phan Khôi là người rất đáng kính trọng nên rất tiếc là
    NVN.đã không thử đặt mình vào lúc ấy để hiểu PK.vì lý do gì và động cơ nào
    mà cụ PK. lại ca tụng văn hào LT. thái qúa như vậy.
    Hơn nữa,điều quan trợng là LÀM,chứ không phải NÓI,những gì học giả PK.đã
    làm về sau cũng đã là bằng chứng tỏ rõ nhân cách của PK.

  3. Kể từ nay, Nguyễn Văn Nghệ có danh tính rõ ràng, có lai lịch, có quê hương, không thể nhầm với ai khác… sẽ “đi vào lịch sử” lưu danh một đời.

    Chỉ tiếc là tờ Nghien cứu Lịch Sử đã đăng bài của Nguyễn Văn Nghệ.
    Thạnh danh hoá ra ô danh

  4. *Mô tả Phan Khôi (sinh 1987)

    Vào đề, tác giả đã vẽ hình ảnh cụ Phan Khôi như một con người tầm thường, háo danh, bon chen theo đường khoa cử nhửng chỉ đậu nổi Tú tài hán học!
    “khi mới lớn lên đã theo đòi nghiệp bút nghiên, thuộc làu Tứ thư, Ngũ kinh, cùng sách của Bách gia Chư tử”

    Thì đã sao?!

    “Theo đòi” đồng nghĩa với “học đòi”…
    xấu mà học đòi đỏm dáng;
    dốt còn theo đòi chữ nghĩa.
    Sao không dùng từ rất bình thường, công bằng, là “theo”, bỏ “đòi” đi: theo nghiệp bút nghiêng,
    thì có là tội tình gì dưới thời phong kiến?

    Giọng ghét PK thấy rõ!

    *Cụ Phan Khôi lớn lên tại quê hương Quảng Nam, nơi phong trào VM rất mạnh, nên cụ biểu lộ lòng yêu nước bằng cách theo VM kháng chiến chống Pháp.
    Tiểu sử cụ chưa phạm một tội lỗi nào đáng cho hậu sinh phải ghét bỏ và mang ra xúc phạm!
    NV Nghệ mượn bài thơ diễu cợt đám hủ nho đương thời, “Chữ Nho” của Trần Tế Xương, để hạ nhân phẩm cụ Phan Khôi…
    là độc địa. Cụ không đáng bị như thế.

    Nhiều bình luận phản đối bài viết nầy của ông Nghệ chứng tỏ thế hệ nầy vẫn còn có lương tri.
    CS không ưa cụ Phan Khôi , cụ là cái gai của chế độ. Cụ từng gọi loài hoa bốc mùi hôi có tên hoa Cứt Lợn…là hoa Cộng Sản!

    Năm 1956, đã gần thất thập, thời xưa xem như gần đất xa trời, cụ Phan lại bị tổ chức cử qua Tàu làm cái nhiệm vụ khó chịu: phải ca tụng vĩ nhân Tàu!
    Vừa mới chịu ơn Tàu tại Điện Biên Phủ 2 năm trước, một cụ già lập cập nói gì hơn là tán tụng trong công tác ngoại giao văn hoá nầy? Vả lại, Lỗ Tấn là một vĩ nhân của đảng CS!

    *65 năm sau, vô cớ, bọn hậu sinh lôi PK ra xét xử chửi độc!

    Ta thử tìm hiểu một vài nhân vật tương đối đồng thời với cụ Phan Khôi, để liên hệ tới câu chuyện moi lịch sử ra bấc chì thị phi…
    *Cụ Phan Bội Châu sinh 1867. Năm 6 tuổi học 3 ngày thuộc hết Tam Tự Kinh, 7 tuổi ông đã đọc hiểu sách Luận Ngữ

    Hoá ra thời ấy ai cũng ra sức giũa mài kinh sử Hán học,
    chứ chẳng phải mình cụ Phan Khôi “theo đòi” món mà ông Nghệ chế diễu.
    (Rõ là NV Nghệ ghét cụ Phan Khôi ra mặt. Lý do?)

    *Phùng Quán, cùng cụ PK tham gia vụ Nhân Văn năm 1957, là một thanh niên đầy nhiệt huyết mới 25 tuổi , trong khi cụ thì đã 70, tuổi gần đất xa trời, và qua đời ngay tháng 1/1959.
    Đem 2 người chênh lệch thế hệ nhau đến 45 năm để ngầm ý so bì rồi dè bỉu, thì cũng cùng bản chất với đấu tố nghịch đạo lý của cs!

    *Lỗ Tấn, sinh 1881, là bút hiệu của một danh nhân văn học Trung Hoa. Ông là một trí thức cánh tả nổi tiếng, bắt đầu sáng tác năm 1918, khi chưa thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921).
    Ông sống vào thời Trung hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch. Bên cạnh văn tài xuất chúng, não trạng ông lại cực đoan, quá khích, phản đối xã hội Trung hoa cũ.
    Đảng CS TQ đương thời cũng đang muốn đạp đỗ xã hội tiền cộng sản để áp đặt “giá trị mới” vô sản, liền lợi dụng tung hô Lỗ Tấn cho mục tiêu cách mạng, lật đổ.
    Lỗ Tấn chết trước khi CS thành công 1949, nên vô tội với những tội ác tầy trời của Mao.

    Vậy Phan Khôi có “Tụng Lỗ Tấn” thì vẫn không phải nịnh bợ một người CS, không là cái gì ghê gớm.
    Đem con “ngáo ộp” Lỗ Tấn làm cái cớ buộc tội Phan Khôi, hoá ra chỉ là thủ thuật đao to búa lớn.
    Thôi cứ xem Phan Khôi, người chưa hề phản dân hại nước, chưa bị tiền án hình sự, chưa lưu xú danh nào làm tổn thương dân tộc…
    xin cứ xem ông như một vô danh tiểu tốt đi, để khỏi bắt bẻ đàn hạch…
    may ra cụ còn được yên phận dưới vài tấc đất, ông Nghệ ạ!

  5. Không thể chỉ căn cứa trên một bài viết để đánh giá tư cách một con người,đặc biệt đây là một nhà báo có danh giá (?)

Leave a Reply to Khách Quan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây