Bản tin ngày 23-4-2021

BTV Tiếng Dân

Đại án ở Bộ Công thương

VietNamNet có bài: Cuộc họp cuối cùng thay đổi số phận cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng? Tiếp tục trả lời thẩm vấn, ông Hoàng nói về chủ trương thoái vốn nhà nước ở Sabeco: “Chúng tôi đã chuyển công văn sang Vụ Công nghiệp nhẹ để vụ này chuyển sang Ban quản lý vốn Nhà nước ở Sabeco xem xét. Sau khi HĐQT Sabeco đề nghị và có ý kiến đề nghị Bộ cho phép được thoái vốn, căn cứ vào đề nghị như vậy, chúng tôi đồng ý về chủ trương, có hướng dẫn thủ tục”.

Ông Hoàng đề cập đến cuộc họp do ông chủ trì ngày 29/3/2016. Cáo trạng cho rằng đây là cuộc họp bàn về vấn đề thẩm định giá chuyển nhượng cổ phần, nhưng ông phản bác và cho biết, đó là cuộc họp bàn về chủ trương thoái vốn ở Sabeco, theo đúng chủ trương của Chính phủ. Ông Hoàng khẳng định, từ ngày 1/4/2016 trở đi, ông không liên quan đến bất cứ vấn đề gì của Sabeco.  

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cùng đồng phạm ‘biến’ đất công thành đất tư ra sao? Viện KSND Tối cao cho rằng cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng có vai trò chính trong vụ chuyển nhượng cổ phần khiến mảnh đất vàng 2-4-6 ở đường Hai Bà Trưng, TP HCM rơi vào tay tư nhân. Sau thương vụ góp vốn để Sabeco thành lập liên doanh BĐS, ông Hoàng không đốc thúc Sabeco thực hiện dự án đã được phê duyệt, mà chỉ đạo thoái toàn bộ vốn góp tại Sabeco Pearl cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh.

Báo Người Đưa Tin có đồ họa: Toàn cảnh cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và đồng phạm hầu tòa

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Ông Vũ Huy Hoàng bị bãi miễn trước khi có thiệt hại tại Sabeco? Cáo trạng của VKSND Tối cao lấy cuộc họp ngày 29/3/2016 làm trong các bằng chứng, buộc ông Hoàng chịu trách nhiệm chính vụ thoái vốn ở Sabeco. Ông Hoàng bị cáo buộc đã dùng cuộc họp này để xác định giá chuyển nhượng cổ phần thấp hơn giá trị thực tế. 

Nhưng ông Hoàng cho rằng, đây chỉ là cuộc họp bàn về thủ tục thoái vốn theo đúng chủ trương của Chính phủ. Đúng 10 ngày sau cuộc họp, ngày 8/4/2016, ông Hoàng đã bị Chủ tịch nước miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Công thương. Ông Hoàng có lý do để cho rằng ông không còn trách nhiệm gì với Sabeco sau cuộc họp ngày 29/3/2016.

Mời đọc thêm: Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng mệt mỏi hầu tòa, chối trách nhiệm (VNN). – Cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phủ nhận trách nhiệm (PLTP). – Ông Vũ Huy Hoàng: Tôi không đổ lỗi cho cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa (VNE). – Xét xử Vũ Huy Hoàng: Làm rõ trách nhiệm tham mưu, đề xuất của bị cáo (TTXVN).

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời thẩm vấn liên quan “khu đất vàng” ở TPHCM (VOV). – Ông Vũ Huy Hoàng: ‘Đất vàng’ Sabeco không phải là công trình quan trọng (VTC). – Xét xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Dàn cựu sếp Sabeco khai chịu sức ép từ Bộ Công thương (DNVN). 

Vụ thổi giá thiết bị y tế ở BV Bạch Mai

Trang An Ninh Tiền Tệ đưa tin: Bị can vụ thổi giá thiết bị ở Bệnh viện Bạch Mai được tại ngoại. Bị can Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty BMS đã được tại loại. Lý do, trong quá trình điều tra, bị can Tuấn bị bắt tạm từ ngày 1/9/2020 đến ngày 17/4/2021. Từ ngày 17/4, do đã hết thời hạn tạm giam, ông Tuấn được áp dụng biện pháp bảo lãnh, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh. 

Báo Người Đưa Tin có bài: Sự thật về công ty cung cấp robot cho bệnh viện Bạch Mai. Công ty cổ phần Công nghệ Y tế BMS thực chất là công ty gia đình, chỉ do mình ông Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ, điều hành. Công ty này chuyên nhập khẩu, mua bán thiết bị, vật tư y tế. Khoảng tháng 5/2016, ông Tuấn gặp GĐ BV Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh để bàn thương vụ robot hỗ trợ phẫu thuật. 

Ông Tuấn giới thiệu hệ thống robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật thần kinh sọ não và robot Mako hỗ trợ phẫu thuật khớp gối, đồng thời đề nghị cung cấp 2 hệ thống này cho BV Bạch Mai, trong đó, robot Rosa với giá 39 tỉ đồng, robot Mako với giá 44 tỉ đồng. Toàn bộ quá trình giao dịch, ông Anh chỉ làm việc riêng với ông Tuấn. 

Ông Phạm Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Công ty BMS và bà Ngô Thị Thu Huyền, Phó Tổng GĐ Công ty BMS. Ảnh: NĐT

VietNamNet có bài: Lời khai chủ doanh nghiệp ‘dúi’ phong bì cho cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Làm việc với cơ quan điều tra, cựu Chủ tịch BMS khai, để “bôi trơn” thương vụ, bị can đã chi cho ông Anh 3.000 Mỹ kim vào tháng 5/2016, rồi tiếp tục “lót tay” ông Anh trong các dịp lễ, tết, ngày truyền thống 27/2 năm 2017- 2019, mỗi lần ít nhất 50 triệu đồng.

Nhưng cựu GĐ BV Bạch Mai phủ nhận lời khai đồng phạm, cho rằng ông chỉ nhận tổng cộng 100 triệu đồng và 10.000 Mỹ kim. Kết quả đối chất giữa các bị can chưa khớp về số tiền đưa và nhận, nên chưa đủ căn cứ để xử lý hành vi “Đưa và Nhận hối lộ”.

Mời đọc thêm: “Ông chủ” vụ “thổi giá” thiết bị ở Bệnh viện Bạch Mai được tại ngoại (GT). – Cựu Giám đốc BV Bạch Mai nhận bao nhiêu tiền để tiếp tay ‘hút máu’ bệnh nhân? (VTC). – Lời khai mâu thuẫn của Giám đốc công ty BMS và cựu Giám đốc BV Bạch Mai về số tiền đã ‘bỏ túi’ (DNVN).

Ông Nguyễn Quốc Anh đứng đầu nhóm lợi ích Bệnh viện Bạch Mai (NNVN). Mỗi ca mổ sọ não tại Bệnh viện Bạch Mai bị “thổi giá” từ 6,6 triệu lên đến hơn 23 triệu đồng (TCDN). – Mỗi ca bệnh bị móc túi 16,5 triệu khi phẫu thuật bằng robot ở Bạch Mai (Zing). – Hai bóng hồng quyền lực tại Bệnh viện Bạch Mai bàn tay “nhúng chàm” thế nào? (GDTĐ). 

“Tuyệt đối không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”

Vụ dự án sân golf Đak Đoa của FLC được phê duyệt vào đúng thời điểm gần hết nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Nguyễn Xuân Phúc, nhưng người ký trực tiếp là cựu Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, một số báo “lề phải” đã có bài “soi” vụ này, nhưng đã dừng từ 3 ngày trước.

Chỉ riêng báo Thanh Niên tiếp tục xoáy sâu hơn vào các dự án do ông Trịnh Đình Dũng duyệt vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”, với bài: Số dự án được phê duyệt tăng vọt cuối nhiệm kỳ. Bài báo đã bị xóa, nhưng với kết quả tìm kiếm của Google thì bộ máy tuyên truyền của chế độ đảng trị VN không thể kiểm duyệt được.

Bài của báo Thanh Niên về cựu Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vẫn còn trên kết quả tìm kiếm của Google. Ảnh chụp màn hình của BTV Tiếng Dân

Vào lúc 6h30’ tối nay, khoảng 7 tiếng sau khi báo Thanh Niên đăng bài, thì bài báo đã bị xóa, nhưng tìm kiếm trên Google vẫn còn thấy bài báo “Số dự án được phê duyệt tăng vọt cuối nhiệm kỳ” của báo Thanh Niên. Có ý kiến trên mạng lo ngại cho tình hình báo Thanh Niên, vì đã đụng chạm đến một cựu lãnh đạo cấp cao của chế độ. 

Nhà báo Nguyễn Đức viết: Hoan hô sự mẫn cán của Phó Thủ tướng Dũng. Tác giả tóm tắt các số liệu chính trong bài báo nói trên: Chỉ trong 5 năm, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký 107 dự án đầu tư. Riêng 2 tháng cuối, ông Dũng ký liền 36 dự án, chiếm 1/3 số dự án trong cả nhiệm kỳ Phó Thủ tướng. Trong tháng 3/2021, ông đã ký 17 dự án, lớn hơn tổng số dự án được ký trong cả năm 2018 là 13 dự án. 

Chỉ trong 6 ngày đầu tháng 4/2021, cũng là 6 ngày cuối của nhiệm kỳ Phó Thủ tướng, ông Dũng đã ký 7 dự án, trong đó có dự án khiến công luận xôn xao mấy tuần qua là vụ phê duyệt dự án sân golf của FLC, sẽ biến hơn 150 ha rừng thông lâu năm thành sân golf. 

Trước khi các báo “lề phải” đồng loạt ngưng viết về dự án sân golf Đak Đoa, một số báo đã có bài về tác động tới môi trường của sân golf. Trang Kinh Tế Đô Thị có bài về hậu quả của các dự án xây mới sân golf: Suy xét cho kỹ.

Giới khoa học cảnh báo, khi một sân golf đi vào hoạt động, cỏ trên sân phải được tưới nước thường xuyên. Một sân golf 18 lỗ tiêu thụ khoảng 5.000m3 nước/ngày. Trung bình mỗi năm một sân golf sử dụng 1,5 tấn hóa chất, có thể gây tác hại nghiêm trọng tới nguồn nước ngầm. 

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi về vụ phá rừng ở Quảng Bình: Lâm trường “bảo kê” cho doanh nghiệp khai thác đất trái phép? Người dân địa phương phản ánh, trong những ngày qua, tại khu vực rừng thông thôn Sơn Lý, xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch do Chi nhánh Lâm trường rừng thông Bố Trạch quản lý, đã xảy ra tình trạng doanh nghiệp vận tải lợi dụng việc mở đường để khai thác tài nguyên trái phép, gây ô nhiễm môi trường.

Lâm trường rừng thông Bố Trạch đã “làm ngơ” để các doanh nghiệp vận tải vận chuyển đất rừng ra ngoài bán trục lợi. Ảnh: NLĐ

Ông Phan Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc thừa nhận, tổ công tác của xã vào hiện trường kiểm tra, phát hiện đơn vị thi công đang khai thác và vận chuyển một lượng lớn đất ra khỏi địa bàn: “Đất rừng được giao cho Lâm trường quản lý nhưng về mặt quản lý thì thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Việc khai thác tài nguyên ra khỏi địa bàn là vi phạm nên chúng tôi đã lập biên bản đối với người điều khiển phương tiện”.

Thông Tấn Xã VN có đồ họa: Lượng khí thải CO2 năm 2021 ước tính lên tới 33 tỷ tấn.

Mời đọc thêm: Tại phường Long Biên, Hà Nội: Ngồn ngộn nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất an toàn tại bãi giữa sông Hồng (ANTĐ). – Thanh Hóa: Nhà máy nước sạch hoạt động trở lại sau 2 ngày dừng vì nguồn ô nhiễm (DS). – Công nhân choáng, xỉu: Kiểm tra tồn dư hóa chất ở khu đô thị (PLTP). – Thượng đỉnh Khí hậu: TT Biden nâng gấp đôi cam kết của Mỹ và hối thúc thế giới ‘‘hành động’’ (RFI). Mời đọc lại: Tuyệt đối không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế (CP).

Tin nhân quyền

Sáng nay, nhà báo Tuyết Diệu bị xử 8 năm tù vì “chống nhà nước” trong phiên tòa không có bị hại, RFA đưa tin. TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên án 8 năm tù đối với nhà báo Trần Thị Tuyết Diệu, cựu phóng viên báo Phú Yên bị cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Phiên tòa diễn ra chỉ trong một buổi sáng, như nhiều phiên “tòa bỏ túi” trước đó.

LS Nguyễn Khả Thành kể: “Bà Diệu trước đến giờ là không có tiền án tiền sự và phạm tội lần đầu, nhân thân rất là tốt. Trần Thị Tuyết Diệu không nhận tội, bảo là việc làm như vậy thì phải có bị hại, phải mời bị hại ra trước tòa còn không chỉ ra được một người nào bị tác động bởi những hành vi của cô ấy làm thì cô ấy không chịu”.

Bà Trần Thị Tuyết Diệu tại phiên tòa ở TAND tỉnh Phú Yên hôm nay. Ảnh: NB&CL/RFA

BBC đặt câu hỏi về tình hình đàn áp nhân quyền ở Việt Nam: Bao nhiêu người bị xử tội ‘lợi dụng tự do dân chủ’ từ đầu năm 2021? Bài báo điểm lại một số vụ bắt bớ và xét xử người bất đồng chính kiến ở VN từ đầu năm tới nay, trong đó có các nhà báo từng làm việc cho các báo “lề đảng” hoặc cơ quan công quyền của chế độ, trước khi dấn thân vào hành trình bày tỏ chính kiến, như nhà báo Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Trung Bảo, Trần Thị Tuyết Diệu, hay ông Quách Duy, cựu chuyên viên văn phòng UBND thành Hồ…

RFA đặt câu hỏi: Việt Nam có thật sự hợp tác với các tổ chức nhân quyền quốc tế? Gần đây, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ, Trung tướng công an Nguyễn Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam chủ động hợp tác với các cơ quan, cơ chế nhân quyền LHQ. TS Nguyễn Quang A bình luận: “Họ (chính quyền) nói dối một cách lem lẻm như vậy thì thật sự cũng không có gì là lạ, từ xưa đến nay họ vẫn thế”.

Ông Vũ Minh Trí, cựu quân nhân cấp tá từng công tác tại Tổng cục 2 bình luận, thực tế chứng minh, rất nhiều người hoạt động nhân quyền ở VN không có vi phạm gì, chỉ đòi những quyền lợi chính đáng như phản đối thu phí BOT trái quy định, chống tham nhũng… mà vẫn bị bắt vào tù. Ông Trí thừa nhận, ý kiến của các tổ chức quốc tế là rất xác đáng, còn phản hồi của Bộ Công an thì “có thể coi là hết sức trơ tráo”.

Mời đọc thêm: Phạt Trần Thị Tuyết Diệu 8 năm tù giam vì chống phá Nhà nước (TTXVN). – Cựu phóng viên báo nhà nước bị phạt tù 8 năm vì ‘chống nhà nước’ (VOA). – Cục thi hành án huyện ở Phú Yên ‘đẩy’ người dân ra đường vì số nợ nhỏ (NV). – Vì sao tôi lại phải trung thành với đất nước Việt Nam? (LK).

Vì sao Bộ Ngoại Giao Mỹ không đưa VN vào danh sách các Quốc gia đáng quan tâm về tự do tôn giáo? (RFA). – Nghị Viện Anh tố cáo nạn diệt chủng ở Tân Cương, Trung Quốc đòi Luân Đôn “sửa sai”Lãnh đạo 7 nước ASEAN cùng tướng Hlaing dự thượng đỉnh về khủng hoảng Miến Điện (RFI).

***

Thêm một số tin: ‘Tối hậu thư’ cho các cao tốc Bắc Nam và quốc lộ trọng điểm (Tin Tức). – Bộ Nông nghiệp lên tiếng vụ doanh nghiệp Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 (TP). – Tuyên án vụ sai phạm tại Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang (PLTP). – Muốn xem bản đồ, đọc bộ tài liệu phải cậy nhờ quan hệ với cán bộ (VNN).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây