“Nước Mắt Trước Cơn Mưa” (Phần 11)

Tác giả: Larry Engelmann

Người dịch: Nguyễn Bá Trạc

21-4-2021

Tiếp theo Phần 1 — Phần 2 — Phần 3 — Phần 4 — Phần 5 — Phần 6 — Phần 7 — Phần 8 — Phần 9Phần 10

“Việc gì cũng cần phải có thời gian”

Thiếu tướng Trần Công Mân (Bắc Việt)

Tỉnh Phước Long được giải phóng vào đầu năm 1975. Sau khi giải phóng, cuộc tiến công Phước Long đã đặt cho chúng tôi hai hậu quả có thể xảy ra: Hoặc tỉnh này sẽ bị chiếm lại, hoặc sẽ mãi mãi nằm trong tay chúng tôi. Và chính đây là cuộc thử nghiệm đầu tiên của bộ đội chúng tôi nhằm đo lường tình thế miền Nam.

Tướng Trần Công Mân (người ngồi đầu tiên, bên trái) thăm Thông tấn xã Giải phóng tại Mặt trận Tây Nguyên (tháng 4-1974). Ảnh tư liệu

Để lấy lại Phước Long, chính quyền Nam Việt Nam cần phải có viện trợ quân sự cao độ của chính phủ Mỹ, nhưng chúng tôi nghĩ việc ấy không xảy ra, vì cuộc tiến công đã được thi hành sau vụ Watergate, lúc ấy đã có những dấu hiệu rõ rệt cho thấy công chúng Mỹ chán ngán chiến tranh rồi, quốc hội Mỹ đã bắt đầu lãnh đạm với Việt Nam rồi.

Muốn thắng một cuộc chiến, người ta cần hiểu đối phương, cần hiểu chính quyền họ. Có thể những người thiết lập kế hoạch ở Hà Nội không có đầy đủ chi tiết hơn về sự vận hành của người Mỹ, nhưng với mô thức tổng quát mà chúng tôi đã thấy, đã hiểu, thì chúng tôi biết khá rõ về thái độ người Mỹ, do đó có thể dự tính về họ được.

Về lính miền Nam thì tinh thần của họ gắn liền với sức mạnh Không quân Mỹ. Khi sức mạnh Không quân Mỹ giảm sút, tinh thần lính miền Nam cũng giảm. Về những người lính bình thường của miền Nam thì họ đã mệt mỏi chiến tranh, họ đã phải kéo dài một trận chiến không đi đến đâu. Nhưng đối với các sĩ quan quân đội miền Nam thì tinh thần họ cao hơn, vì họ biết nếu chiến tranh chấm dứt, sự nghiệp của họ cũng chấm dứt luôn.

Cuộc tiến công Phước Long là một cuộc trắc nghiệm đã được tính toán hết sức thận trọng. Chúng tôi muốn thử cả chính quyền Mỹ lẫn chính quyền Việt Nam. Nếu tấn công Quảng Trị, hoặc Đà Nẵng chẳng hạn thì xa quá, chúng tôi không trắc nghiệm được phản ứng họ. Nếu tấn công Saigon thì gần quá. Cho nên Phước Long là một địa điểm chúng tôi cảm thấy có một khoảng cách vừa phải đối với Sai Gòn. Tất nhiên, đã không có phản ứng nào xảy ra. Đó chính là điều chúng tôi muốn tìm hiểu: Họ sẽ phản ứng, hay họ sẵn sàng buông xuôi? Câu trả lời là họ đã buông xuôi.

Trước khi cuộc tiến công xảy ra, tôi đang ở Ban Mê Thuột, nhưng khi tiến công, tôi ở Hà Nội. Tôi đã ở Hà Nội cho đến hết cuộc chiến này.

Về cuộc tấn công Ban Mê Thuột chúng tôi đã làm cho quân đội miền Nam ngạc nhiên nhưng mặt khác, chính họ cũng làm chúng tôi ngạc nhiên vì họ tan rã quá mau, chúng tôi không lường trước sự việc xảy ra như vậy. Chúng tôi cứ tưởng sau cuộc tấn công Ban Mê thuột, quân đội miền Nam sẽ tái lập phòng tuyến phản công. Chúng tôi dự liệu một trận mãnh liệt lâu dài hơn với quân đội miền Nam ở vùng chung quanh Ban Mê Thuột. Nhưng ngay cả trong trí tưởng tượng, chúng tôi cũng không hề nghĩ đến việc Thiệu đã phản ứng lại cuộc tấn công với cách như thế.

Trong thực tế, phản ứng của Thiệu đã tạo một câu hỏi lớn trong trí óc chúng tôi, làm chúng tôi tự hỏi phải chăng đây là một cái bẫy, một chiến thuật khôn khéo để nhử chúng tôi. Không thể nào chúng tôi tin nổi những chuyện ông ta đã làm. Chính vì hành vi đó của ông Thiệu, chúng tôi nghĩ chúng tôi sẽ phải đương đầu một chiến thuật phòng thủ cực kỳ sáng tạo mới mẻ, do đó trước hết các cấp chỉ huy của chúng tôi phải tiến lên hết sức cẩn thận, xem chừng đừng rơi vào bẫy.

Trong mấy ngày đầu, chúng tôi đinh ninh quân đội miền Nam đã hoạch định một vài ngạc nhiên lớn dành cho chúng tôi. Nhưng đến khi Thiệu rút quân ở Pleiku, đột nhiên chúng tôi nhận thức được là chẳng có cạm bẫy, chẳng kế hoạch gì, miền Nam đã bỏ cuộc, không chiến đấu nữa. Lúc ấy là lúc chúng tôi quyết định đuổi theo càng nhanh càng tốt.

Lúc đầu, khoảng những năm 1970, chính phủ Mỹ sử dụng máy bay B-52 làm chúng tôi lo lắng. Nhưng trong năm 1975 vấn đề ấy không còn nữa, vì lẽ vào năm 1972 người Mỹ đã không thành công trong việc đánh bom chúng tôi ở miền Nam, nên chúng tôi biết ít khi người Mỹ thử lại lần nữa.

Sau khi chúng tôi đã giải phóng xong miền Trung, thì có vài cuộc vận động ngoại giao giữa chính phủ Mỹ và Hà Nội nhằm mục đích làm chậm những cuộc tiến công của quân đội miền Bắc.

Việc này không thực hiện trực tiếp giữa đôi bên, mà qua một số nước khác, qua những người trung gian. Người Mỹ yêu cầu chúng tôi cho quân đội đi chậm lại để họ có đủ thì giờ hoàn tất cuộc rút quân khỏi Sai Gòn. Họ cảnh cáo nếu chúng tôi không thực hiện như thế, họ sẽ can thiệp vào Việt Nam trở lại và sẽ tiến hành những cuộc tấn công đắt giá cho chúng tôi. Đấy là những gì chúng tôi đã được thông báo.

Tuy nhiên chúng tôi không còn coi điều ấy quan trọng nữa. Đấy chỉ là một sự đe doạ vô nghĩa vào năm 1975, chúng tôi biết rõ như thế. Người Mỹ sẽ không còn quay trở lại.

Vì thế, gác bỏ những cảnh cáo nhằm làm chậm cuộc tiến quân, ngược lại, chúng tôi còn cố tiến nhanh hơn để khỏi đánh vào mùa mưa. Chúng tôi muốn đến Sai Gòn trước khi mùa mưa khởi đầu. Nếu có một lúc nào cuộc tiến công có vẻ chậm lại, đấy chỉ vì nhu cầu chiến thuật dàn quân mà thôi.

Tôi không ở trong một số ít người có đặc quyền được biết điều này, tuy nhiên quan niệm của tôi là cuộc tiến công hoàn toàn do chúng tôi tiến hành, tuyệt đối không ai khác, tuyệt đối không có Liên Xô hay Trung Quốc liên hệ gì đến việc hoạch định cả.

Sau hiệp định Paris, có việc rút giảm tiếp vận vũ khí từ các nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Nhưng Trung Quốc lại khác, vì trước cả hiệp định Paris, Trung quốc đã ký hiệp định Thượng Hải với Mỹ. Dựa trên sự công bố hiệp định này thì rõ ràng Trung Quốc không hỗ trợ chúng tôi và không thực sự muốn chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Trung Quốc không thực sự hài lòng vui vẻ gì về việc cuối cùng trận chiến đã được giải quyết, họ không hài lòng vui vẻ gì về cuộc Đại thắng mùa Xuân của chúng tôi.

Các viên chức cao cấp Nam Việt Nam bấy giờ đã cố gắng nhằm đạt đến một thoả thuận trong việc kết thúc cuộc chiến. Khi thấy rõ sẽ thua, đột nhiên họ muốn có chính phủ liên hiệp. Nhưng chúng tôi đã ra lệnh bộ đội cứ gia tăng áp lực để đạt chiến thắng càng nhanh càng tốt, chúng tôi không chú ý đến bất cứ một hình thức chính phủ liên hiệp nào ở Saigon. Đã quá muộn rồi.

Chúng tôi chỉ nhằm đánh quân đội miền Nam, chúng tôi không muốn làm bất cứ một hành động nào liên hệ đến người Mỹ. Vì thế chúng tôi không đụng chạm gì đến người Mỹ, tuyệt nhiên không bắn họ. Chúng tôi chỉ muốn người Mỹ ra khỏi đất nước chúng tôi càng sớm càng tốt, ngõ hầu chúng tôi có thể dốc toàn lực vào thanh toán quân đội miền Nam.

Chúng tôi nghĩ toà Đại sứ Mỹ là cánh tay của Ngũ Giác Đài, nên chúng tôi cho rằng biện pháp tốt nhất là để tất cả người Mỹ ra đi từ Tòa Đại sứ mà hồi hương. Chúng tôi không làm thoả thuận nào với miền Nam về bất cứ điều gì. Chúng tôi không hề thoả thuận gì về việc Không quân của họ ở lại Saigon. Tất nhiên là không. Thực tức cười!

Mặc dầu ở Hà Nội, nhưng tôi vẫn được thuyết trình hàng giờ về những gì xảy ra chung quanh Sai Gòn. Các tin tức về việc Sai Gòn sụp đổ đã được thông báo cho các cán bộ lãnh đạo cao cấp ở đây trước. Tôi không phải là người duy nhất được nghe tin. Tất cả mọi người đã nhận được tin ấy vào khoảng buổi trưa ngày ba mươi. Tất cả đã tràn ra ngoài đường, vô cùng sung sướng. Chiến tranh đã dứt.

Chúng tôi cử hành liên hoan mừng Giải phóng Sai Gòn. Thực tình chúng tôi nghĩ rằng còn phải khó khăn chứ không ngờ dễ dàng như vậy. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên.

Việt Nam đã lâm vào tình trạng chiến tranh quá lâu, mọi người đều mong mỏi chiến tranh kết thúc nhưng chẳng ai biết bao giờ mới chấm dứt. Vì thế chiến thắng cuối tháng Tư là nỗi ngạc nhiên lớn cho tất cả mọi người. Ai nấy đều vui mừng. Mọi người chạy cả ra đường hò reo, hô khẩu hiệu, ca hát nhảy múa.

Lúc ấy tôi bận quá, không thể về nhà được. Tôi là Tổng Biên tập tờ Nhân Dân nhật báo nên phải viết bài cho tờ báo ấy. Liên hệ vào cuộc chiến này là một lầm lẫn của chính phủ Mỹ. Họ đã không nhận thức được sức mạnh thực của những người mong muốn thống nhất và giải phóng đất nước họ.

Chúng tôi không đặt trách nhiệm cho nhân dân Mỹ về những gì xảy ra ở Việt Nam. Những thanh niên chiến binh Mỹ được gửi đến chiến đấu ở đây đã bị chính phủ họ lừa dối để tham dự vào việc sai trái. Khi những người này đến Việt Nam bắn giết, thực sự họ không rõ họ đã làm những gì.

Giờ đây chiến tranh đã qua. Giữa dân tộc của đất nước quý ông và dân tộc đất nước chúng tôi không còn thù hận gì nữa. Không lý do gì để chúng ta không thể làm bạn với nhau được.

Chính phủ Mỹ đã gây ra cuộc chiến, nên chính phủ Mỹ cần có nghĩa vụ đạo đức và nghĩa vụ tài chánh đối với nhân dân Việt Nam. Nhưng nhân dân Việt Nam không chạy theo xin xỏ những chuyện này. Tuy nhiên tốt hơn hết, ngay bây giờ chính phủ Mỹ nên xúc tiến việc thiết lập quan hệ bình thường với Việt Nam. Chúng tôi không yêu cầu gì hơn.

Trận chiến này chính là trận chiến dài nhất trong lịch sử Mỹ. Trận chiến này cũng là trận chiến dài nhất lịch sử Việt Nam, đã đem đến ba mươi năm đau đớn xót xa, khốn khổ cho người Việt. Tuy vậy, vào lúc kết thúc, nó cũng đem đến được một điều tốt đẹp, đấy là cuối cùng, đất nước đã thống nhất, độc lập. Cho nên cuộc chiến cũng đã đem lại nhiều kết quả và cảm xúc lẫn lộn. Nhân dân chúng tôi mất mát nhiều mạng sống, nhiều của cải nhưng nhân dân chúng tôi đã đạt độc lập, thống nhất, hòa bình, nên cuối cùng cuộc chiến cũng đáng giá cho những mất mát ấy.

Cũng xin đừng quên đây là một đất nước nhỏ bé, nghèo nàn mà vượt qua được một quyền lực lớn lao, giàu có. Cho nên cuộc chiến cũng đáng giá cho những mất mát ấy.

Có lẽ chính đây là một đặc tính của dân tộc Việt Nam, ngày nay chúng tôi không hề mang niềm cay đắng nào đối với người Mỹ. Chúng tôi đã từng phải trải qua rất nhiều năm chinh chiến với nhiều thế lực ngoại quốc đã muốn chiếm đóng Việt Nam. Nhưng khi cuộc chiến đã xong, không lý do gì để ôm mãi những mối hằn học nữa.

Đối với những người Mỹ đã phản đối, đã không cộng tác với cuộc chiến chống Việt Nam, như Jane Fonda, Tom Hayden, Harrison Salisbury, họ đã làm những gì đúng đắn, người Mỹ cũng không nên hằn học với họ. Nếu người Mỹ vẫn duy trì chính sách mà người Mỹ đã thiết lập từ năm 1945 với ông Archimedes Patti của O.S.S. đối với dân tộc Việt Nam thì cuộc chiến này đã không bao giờ xảy ra. Nếu quần chúng Mỹ được thông báo rõ về các mục tiêu và ước vọng của dân tộc Việt Nam, thì chắc chắn họ đã phải hỗ trợ cho các nỗ lực của chúng tôi trong công cuộc thống nhất đất nước chúng tôi.

Dù sao đi nữa, nếu chính phủ Mỹ có thể thoải mái dễ dãi hơn trong chính sách cho tin tức được loan chuyển tự do, không có thành kiến chống chính phủ Việt Nam, thì con người có thể hiểu rõ hơn về nhau, về các vấn đề của đất nước này ngày hôm nay.

Tôi hiểu người Mỹ cảm thấy không thoải mái với người Nga tại đây. Tuy nhiên quả có một vấn đề trong việc trình bày tin tức từ Việt Nam. Quần chúng Mỹ đã được bảo rằng ngày nay Việt Nam là một thuộc địa của Nga, nhưng nếu có những tin tức thông thạo chính xác thì quý vị sẽ thấy chúng tôi độc lập. Chúng tôi không thuộc về ai ngoài chúng tôi. Chính phủ Mỹ sợ người Nga hơn sợ người Tàu. Tôi không rõ tại sao. Cả hai đều là Cộng sản. Tôi không rõ tại sao vậy. Sẽ cần phải có thời gian để chính phủ Mỹ thoát ra được cảm giác thù nghịch Việt Nam. Việc gì cũng cần phải có thời gian.

Nguồn: Blog Phan Ba

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Chính cộng sản Ba đình đã nuôi dưỡng thù hận với người Mỹ, cho đến tận bây giờ. Càng lút đầu vào cái vòng kim cô của giặc Tàu, Việt cộng càng khó mở lòng với thế giới. Ngay việc hòa giải với người trong nước, cộng sản còn chẳng làm, nói chi đến người nước khác.

  2. nghi gi ve cau noi cua le duan ” ta danh day la danh cho trung cong va nga so”, sung dan khong che duoc, doi kho om bom dan nga tau ve de giai phong nguoi anh em. hon 4 trieu nguoi vn da chet vi cuoc chien noi da xao thit nay dang csvn la toi do cua dan toc. Hanh dien gi.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây