Tranh luận với Báo điện tử Chính phủ về sân Golf Đak Đoa

Nguyễn Anh Tuấn

21-4-2021

Phối cảnh dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Gia Lai, khi hoàn thiện sẽ chiếm trọn 500ha của rừng thông cổ thụ Glar. Ảnh trên mạng

Trước phản ứng của dư luận về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa trên rừng thông cổ thụ Glar (Gia Lai), Báo điện tử Chính phủ đăng bài của tác giả Nguyễn Đức với mục đích để công chúng “chia sẻ, ủng hộ” dự án. [1]

Sau khi điểm qua tiến trình pháp lý đưa đến quyết định phê duyệt, bài viết nêu ra một số lý do để ủng hộ dự án, bao gồm (i) nhà đầu tư sẽ giữ lại phần lớn rừng thông, chỉ di chuyển một số ít cây (ii) nhà đầu tư phải nộp tiền đấu giá sử dụng đất, đồng thời trả tiền để trồng rừng thay thế đối với diện tích thực hiện dự án, và nghĩa là (iii) Gia Lai không mất rừng mà còn nhân đôi số rừng trồng lên.

Tôi xin tranh luận về những điểm này, đồng thời bàn rộng ra thêm một số điểm khác.

(i) Phần lớn rừng thông cổ thụ được giữ lại?

Trong Quyết định 2170 của Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án có một thông tin rất đáng lưu tâm. Đó là FLC chỉ cam kết giữ lại 50% diện tích rừng hiện trạng và được Bộ TN-MT đồng ý [2]. Lưu ý rằng Quyết định 2170 là căn cứ pháp lý quan trọng bậc nhất của việc phê duyệt và triển khai dự án.

Vì sao nói là di chuyển một số cây mà trong ĐTM, FLC chỉ cam kết giữ 50% diện tích rừng? Chỉ cần nhìn vào phối cảnh dự án FLC và so sánh với mật độ bao phủ của rừng thông Glar hiện tại (xem ảnh), hẳn mọi người sẽ có câu trả lời.

Khu vực rừng thông cổ thụ Glar rộng 500ha, FLC dự kiến giai đoạn 2 dự án sẽ bao trùm trọn khu vực này, với các dự án nhà phố liền kề. Ảnh tư liệu

Trong một dự án tương tự là sân golf FLC Quảng Bình, như có bạn chỉ ra, không phải chỉ vài cây mà một diện tích rất lớn rừng phòng hộ chắn cát ven biển đã bị xoá sổ để nhường chỗ cho những bãi cỏ sân golf và các công trình phụ trợ. [3]

(ii) Nộp tiền đấu giá đất, trả tiền trồng rừng thay thế?

Đây là nhầm lẫn nghiêm trọng của bài viết khi cho rằng nhà đầu tư phải nộp tiền đấu giá đất. Dự án sân golf Đak Đoa được thực hiện theo thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất. Hoàn toàn không có việc đấu giá đất cho dự án này. Thực tế thì FLC chỉ phải nộp vào ngân sách khoảng 13 tỷ đồng và tới khi được giao đất thì sẽ trả tiền thuê đất một lần cho 50 năm, dĩ nhiên là theo đơn giá nhà nước. [4]

Việc trả tiền để trồng rừng thay thế cũng rất đáng chú ý. Nhiều người sẽ hết sức ngạc nhiên khi biết rằng nhà đầu tư chỉ phải trả rất ít tiền cho việc trồng lại rừng. Đơn giá cho 01ha chỉ vào khoảng 60-90 triệu đồng [5], tuỳ địa phương và loại cây được chọn. Nghĩa là trong trường hợp FLC lựa chọn xoá sổ tối đa diện tích rừng mà họ được phép trong dự án này (80ha) họ sẽ phải trả số tiền 5-7 tỷ đồng, chỉ ngang một lô đất nhà phố, ngay cả khi đây là cánh rừng thông cổ thụ gần 50 năm tuổi.

(iii) Gia Lai không mất rừng mà còn nhân đôi số rừng trồng?

Làm sao có thể cho rằng một mảnh rừng trồng mới lại có giá trị tương đương với một cánh rừng thông cổ thụ đã 50 năm tuổi, cả về mặt cảnh quan lẫn chức năng sinh thái? Cùng được xếp loại rừng sản xuất, song thật bất hợp lý khi nghĩ rằng rừng thông cổ thụ Glar chẳng khác gì rừng keo lá tràm bạt ngàn từ Bắc vào Nam được trồng để che đi núi đồi đã bị cạo trọc hoang hốc.

Đừng bảo giá trị cảnh quan là phụ thuộc vào chủ quan mỗi người, chính chính quyền tỉnh Gia Lai đã nhiều lần công nhận cảnh sắc độc đáo của rừng thông Glar và tổ chức sự kiện thu hút du khách đến thưởng lãm vẻ đẹp của cánh rừng này.

(iv) Đúng quy trình, vẫn chưa đủ

Bài viết trên dành dung lượng đáng kể để điểm qua tiến trình pháp lý đưa đến quyết định phê duyệt như muốn chứng tỏ rằng mọi thứ đều đã được xem xét một cách cẩn trọng. Tôi không nói quyết định trên không đúng quy trình, song ở Việt Nam chúng ta đã quá quen với thực tế nhiều quyết định đúng quy trình nhưng vẫn gặp phản ứng của dư luận để rồi chính quyết định đúng quy trình đó bị rút lại. Đó là bởi mục đích của những người vận dụng quy trình đôi khi không trùng với mục tiêu chính sách hoặc phù hợp với tinh thần pháp luật. Đó là lúc phải xem lại quy trình.

Trong chuyện sân golf, Giáo sư Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT, người từng trực tiếp tham gia hoạch định chính sách đất đai ở Việt Nam, cho biết quan điểm của Chính phủ khi lập quy hoạch sân golf trên cả nước là chỉ sử dụng quỹ đất hoang hoá, khó canh tác, đất trống đồi trọc. Với các danh thắng, cảnh quan thiên nhiên đẹp như rừng thông Glar với đồi cỏ hồng thì “không thể cấp phép làm sân golf” [6]. Mục tiêu chính sách ban đầu đã rất rõ, sao đúng quy trình lại ra kết quả thế này?

Đồi cỏ hồng trong rừng thông cổ thụ Glar, Đak Đoa, Gia Lai. Nguồn: Báo Nhân Dân

Tương tự, pháp luật bảo vệ môi trường đòi hỏi dự án muốn được thực hiện phải có ĐTM được phê duyệt. Mà ĐTM muốn được phê duyệt phải có ý kiến đồng thuận của cộng đồng địa phương. Điều này là rất hợp tình hợp lý vì dự án sẽ ảnh hưởng đầu tiên và nhiều nhất đến cộng đồng xung quanh. Thế mà quy trình trong đa số dự án hiện nay là nhờ UBND xã mời một số người đại diện mặt trận, hội phụ nữ, đoàn thanh niên để rồi coi đó là ý kiến của cộng đồng địa phương. Quy trình như thế liệu có phù hợp với tinh thần pháp luật bảo vệ môi trường?

Hoặc việc xếp loại rừng thông cổ thụ Glar là rừng sản xuất không khác gì những đồi keo lá tràm cũng hoàn toàn đúng quy trình, nhưng liệu có hợp lý không đối với một cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ như thế. Sao không xếp loại là rừng phòng hộ bảo vệ môi trường trong khi có thể giúp bảo vệ rừng tốt hơn?

(v) Không chỉ là sân golf

Mặc dù tên chính thức của dự án là ‘Sân golf Đak Đoa’, song kỳ thực trong đó sẽ bao gồm 60 căn biệt thự nghỉ dưỡng, một khu resort 80 phòng, một khách sạn 360 phòng và một trung tâm hội nghị hơn 30 nghìn m2. Mà đây chỉ mới là giai đoạn 1 dự án. Giai đoạn 2 dự án sẽ mở rộng chiếm trọn 500ha rừng thông cổ thụ để lô bán nền nhà liền kề, như trong thông báo và phối cảnh mà FLC đưa ra. [7]

Hiện tượng dự án bất động sản tìm cách núp bóng dưới một danh nghĩa khác không phải là mới ở Việt Nam. Tình trạng này hiện còn trở nên phổ biến hơn trong bối cảnh sốt đất lan rộng từ Bắc chí Nam và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

(v) Chủ nhân của rừng thông Glar

Rừng thông Glar với tổng diện tích 500ha do các cụ cao niên, thanh niên, hội đoàn địa phương trồng và chăm sóc từ năm 1976. Nghĩa là ngay từ khi sinh ra, rừng thông Glar đã thuộc về cộng đồng và là một phần không thể thiếu tạo thành cộng đồng địa phương. Không một ai, dù quyền cao chức trọng đến đâu hay tiền muôn bạc vạn thế nào có thể đứng trên cộng đồng địa phương về thẩm quyền đối với cánh rừng này. Tiếng nói của họ có được lắng nghe đủ?

Tìm đọc trên báo chí những bài về dự án trước thời điểm phê duyệt có thể thấy đại đa số đều ghi nhận ý kiến của cộng đồng địa phương không đồng tình với dự án, muốn giữ rừng thông lại cho cộng đồng, thay vì thành sân chơi cho một thiểu số người giàu [8]. Hi vọng các tờ báo này vẫn tiếp tục đưa tiếng nói của bà con ngay cả khi đã có quyết định phê duyệt, bởi các cấp có trách nhiệm và công chúng vẫn cần được biết.

(vi) Một giải pháp cho rừng thông Glar

Ở mức độ nào đó, có thể hiểu được mong muốn của lãnh đạo các địa phương thu hút dự án lớn như dự án này về cho tỉnh nhà, vừa tăng thêm nguồn thu cho ngân sách vừa giúp địa phương có khu đô thị khang trang, hiện đại. Mong muốn đó, trong bối cảnh cơn lốc đô thị hoá đang quét qua nước ta, cũng dễ hiểu và chính đáng thôi. Tuy nhiên, lãnh đạo Gia Lai nên nghĩ lại, bởi lẽ đất đai ở đây vẫn còn rộng, không thiếu chỗ làm sân golf và khu đô thị, còn rừng thông cổ thụ Glar với bãi cỏ hồng thì chỉ có một.

Sẽ có người nói rằng rừng thông Glar đẹp đấy, nhưng để không thì cũng lãng phí đi, chi bằng làm sân golf thì địa phương cũng có thêm khách du lịch, thu thêm vài đồng tiền thuế. Nhưng hỏi ngược lại, sao nhất thiết phải là sân golf, vốn chỉ dành cho rất ít người? Sao không thử tìm một giải pháp khác vừa giữ được rừng và đảm bảo lợi ích cộng đồng đồng thời vẫn đóng góp vào phát triển kinh tế?

Trong bối cảnh các loại hình du lịch sinh thái đang là xu hướng toàn cầu, sao không nghĩ đến việc rừng thông Glar có thể trở thành một điểm cắm trại (camping site) tầm cỡ quốc gia nơi thường xuyên diễn ra những cuộc gặp gỡ giữa những thanh thiếu niên Việt Nam khắp mọi miền đất nước trong sự gắn bó với thiên nhiên của quê hương xứ sở?

Một khu cắm trại ở Arkansas. Ảnh trên mạng

Hàm ý chính trị của điều này rất rõ ràng: Nếu người trẻ lớn lên thấy những nơi tươi đẹp của đất nước đều là của riêng của một số ít người và họ không có quyền thụ hưởng, thì làm sao trong họ có được cảm giác thuộc về, để mà biết yêu quê hương xứ sở đó.

_____

Chú thích:

[1] Xung quanh việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án sân golf Đak Đoa, Gia Lai (CP)

[2] https://dichvucong.monre.gov.vn/…/CongKhaiKetQua.aspx# (gõ tìm kiếm từ khoá “sân golf Đak Đoa” hoặc “FLC”, kết quả đầu tiên)

[3] FLC KHÔNG PHÁ RỪNG? – (FB Nguyễn Thuỳ Linh)

[4] Quyết định 1147 năm 2018 của UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt kết quả chọn nhà đầu tư sân golf Đak Đoa

[5] Ví dụ chi phí nhà đầu tư phải đóng để trồng lại rừng ở Quảng Bình (TVPL)

[6] Rừng Đak Đoa 174ha thông cổ thụ đẹp như mơ có nên biến thành sân golf? (TT)

[7] Thông tin dự án (FLC.vn)

[8] https://nongnghiep.vn/nguoi-dan-khong-dong-tinh-chuyen-doi-174-ha-rung-thong-de-xay-san-golf-d279890.html

http://congan.com.vn/doi-song/nguoi-dan-lo-lang-cho-rung-thong-doi-co-hong-dung-lam-san-golf_104676.html

https://tuoitre.vn/rung-dak-doa-174ha-thong-co-thu-dep-nhu-mo-co-nen-bien-thanh-san-golf-20201218082339472.htm

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Hình dung FLC là con cọp sau bữa ăn răng đầy thịt nai, bầy chim bu bám xỉa răng cọp là bọn quan chức, lâu la đảng nguyễn phú trọng, con nai chính là dân đen, vật hy sinh tế thần.
    Có thể tên Phúc nghẹo bị ăn đòn cọng sản.

Leave a Reply to bình nhanh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây