Tin Biển Đông ngày 19-4-2021

BTV Tiếng Dân

Trang An Ninh Thủ Đô có bài: Động thái mới gây lo ngại của Trung Quốc ở Biển Đông. Sự kiện nhóm tàu sân bay Liêu Ninh của TQ lần đầu tiên xuất hiện ở phía Nam Biển Đông, có thời điểm chỉ cách bờ biển Quy Nhơn khoảng 300km, đang được công luận quan tâm, trong bối cảnh tình hình Biển Đông gần đây “nóng” lên bởi một loạt hành động quân sự mới của Bắc Kinh.

Sự xuất hiện của tàu sân bay TQ ở Biển Đông không phải là điều hiếm gặp, nhưng thường chỉ xoay quanh khu vực phía Bắc Biển Đông, nhất là vào mùa xuân khi thời tiết thuận lợi cho hoạt động huấn luyện. Giới quan sát cảnh báo, có mối liên hệ giữa sự kiện này với tình hình căng thẳng ở Đá Ba Đầu, nơi tàu dân binh, tàu hải cảnh và tàu quân sự của TQ vẫn còn hiện diện.

VnExpress có bài: Toan tính của Trung Quốc khi đưa tàu sân bay xuống Biển Đông. Bình luận về hoạt động liên tục từ đầu tháng 4/2021 đến nay của nhóm tàu sân bay Liêu Ninh của TQ ở Biển Đông, GS Carl Thayer, thuộc ĐH New South Wales ở Úc cho rằng, hành động này gửi đi ba thông điệp:

Thứ nhất, TQ phản ứng lại mọi hoạt động do hải quân Mỹ triển khai ở Biển Đông, nhằm chứng tỏ họ không bị Mỹ đe dọa. Thứ 2, TQ chứng tỏ với các nước trong khu vực, họ là một cường quốc hải quân cần được coi trọng. Lưu ý, gần đây, TQ gần đây đã cảnh báo Ấn Độ tránh xa khu vực Biển Đông. Thứ 3, chính quyền TQ gửi thông điệp tới người dân trong nước rằng, nội các Tập Cận Bình đang bảo vệ thứ mà họ gọi là “chủ quyền của Trung Quốc” ở Biển Đông.

VTC đưa tin: Tàu chiến Mỹ ‘bám theo’ tàu sân bay Trung Quốc trên Biển Đông. Vào ngày 17/4, Hải quân Mỹ công bố một số hình ảnh và video được ghi lại từ tàu chiến của Mỹ ở hiện trường, cho thấy cảnh tàu sân bay TQ Liêu Ninh diễn tập quân sự, được ghi lại từ khoảng cách chỉ vài ngàn mét. Chuyên gia quân sự Alex Luck của TQ thừa nhận, tàu sân bay Liêu Ninh bị các tàu khu trục Mỹ “bám theo”. Dựa trên ảnh và video, “một tàu Type 054A và một tàu Type 052 cũng được nhìn thấy phía sau tàu sân bay”.

Video của hải quân Mỹ quay cận cảnh tàu sân bay Liêu Ninh được VTC chia sẻ lại:

Liên quan đến sự kiện này, Zing có bài: Ba tàu chiến Mỹ áp sát tàu sân bay Trung Quốc ở Biển Đông. Vào thời điểm nhóm tàu Liêu Ninh của TQ tiến xuống phía Nam Biển Đông ngày 16/4, phía Mỹ lập tức phản ứng bằng cách triển khai 3 tàu khu trục lớp Arleigh Burke áp sát nhóm tàu TQ tại khu vực tây nam bãi Macclesfield.

Phía Mỹ phát hiện, đội hình hộ tống tàu sân bay Liêu Ninh gồm tàu khu trục Type 054A Huanggang, tàu hậu cần Type 904 Hulun Lake, 2 tàu khu trục phòng không Type-052D lớp Luyang III có tên Thành Đô và Thái Nguyên. Một tàu khu trục Type-055 lớp Renhai đi cách nhóm tàu Liêu Ninh khoảng 60 hải lý.

Ảnh vệ tinh cho thấy tàu chiến Mỹ áp sát nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của TQ: Tàu Liêu Ninh (vòng đỏ số 1), tàu khu trục Type 054A Huanggang (vòng đỏ số 2), tàu hậu cần Type 904 Hulun Lake (vòng đỏ số 3), tàu khu trục phòng không Type-052D lớp Luyang III (vòng đỏ số 4), tàu khu trục Type-055 lớp Renhai (vòng đỏ số 5), cùng với các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ bám theo (vòng đỏ số 6). Ảnh: OSINT-1/Zing

Báo Tiền Phong đưa tin: Tàu chiến Nhật Bản cũng tham gia bám đuổi tàu sân bay Trung Quốc. Một bức ảnh được chụp từ tàu khu trục Mỹ lan truyền trên Twitter cho thấy, ít nhất một tàu chiến Nhật Bản đã bám theo tàu sân bay Liêu Ninh của TQ ở khoảng cách gần. Theo nguồn tin từ Yahoo! Japan News, “các đặc điểm nhận dạng của tàu chiến Nhật Bản trong bức ảnh mới nhất cho thấy nó là một tàu khu trục thuộc lớp Murasame hoặc Takanami”.

Tàu chiến Nhật Bản (trong vòng tròn đỏ) bám theo tàu sân bay TQ. Ảnh: Twitter/TP

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Ngư dân Philippines than phiền về hành vi ‘lạ’ của tàu cá TQ. Các ngư dân Philippines cho biết, ngày 16/4, họ phát hiện ít nhất 20 “tàu cá” TQ neo đậu cách thị trấn San Antonio thuộc tỉnh Zambales khoảng 111 km. Ngư dân Philippines kể về hành vi “lạ” của tàu TQ: “Khi đang đánh bắt cá vào ban đêm, chúng tôi có thể nghe thấy âm thanh lớn bên dưới vùng biển gần khu vực các tàu nước ngoài này đang neo đậu. Họ đang làm xáo trộn ngư trường của chúng tôi”.

Chỉ huy Nathaniel Gamis của Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Philippines (PCG) ở San Antonio cho biết, không thể yêu cầu các tàu TQ rời khỏi khu vực vì các tàu này đang neo đậu trong “hệ thống cao tốc hàng hải quốc tế” (RRTS) của Philippines. Có ngư dân cho biết các tàu TQ đã neo đậu tại khu vực này suốt 4 tháng qua. “Nhiều ngư dân chúng tôi đã phàn nàn về việc trở về nhà gần như trắng tay sau mỗi chuyến ra khơi”.

Báo Thế Giới và VN phân tích hiện tượng tàu Trung Quốc tập kết ở Đá Ba Đầu: ‘Khúc dạo đầu’ của chiến thuật cắt lát salami mới trên Biển Đông? Dữ liệu vệ tinh cho thấy, từ năm 2016 đến nay, tàu TQ đã hiện diện ở Đá Ba Đầu nhưng với số lượng ít. Từ tháng 2/2021 đến nay, TQ mới huy động số lượng đến hàng trăm tàu dân binh ở khu vực xung quanh Đá Ba Đầu, cho thấy tham vọng của Bắc Kinh đối với thực thể này.

***

VTC đưa tin: 9 ngư dân Quảng Nam mất liên lạc hồi giữa tháng 3 đang bị bắt giữ ở Thái Lan. Đó là tàu QNa 91039 TS do ông Nguyễn Văn Hùng ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam làm thuyền trưởng, cùng 8 thuyền viên xuất bến từ tháng 7/2020. Đến đầu tháng 3/2021, tàu này vào đến cảng Kiên Giang, đến ngày 4/3 thì tiếp tục ra khơi khai thác hải sản và mất liên lạc 10 ngày sau đó.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết: “Phía Thái Lan cho rằng công dân của nước mình vi phạm chủ quyền nên bắt giữ. Chúng tôi vẫn đang chờ cơ quan chức năng hai bên xác định các ngư dân có vi phạm hay không rồi mới đề xuất với Bộ Ngoại giao tìm cách giải quyết. Nếu vi phạm thì các ngư dân sẽ bị xử lý theo luật pháp nước Thái Lan”.

Mời đọc thêm: Giải mã lực lượng dân binh biển của Trung Quốc ở Biển Đông (ANTĐ). – Tàu khu trục Mỹ bám sát tàu sân bay Trung Quốc trên biển Đông (NLĐ). – Tàu chiến Mỹ ‘bám đuôi’ tàu sân bay Trung Quốc tập trận ở Biển Đông (TP). – Chiến hạm Nhật Bản áp sát tàu sân bay Trung Quốc (VTC).

Trung Quốc ‘nổi đóa’ sau tuyên bố chung của Mỹ – Nhật (Infonet). – Mỹ – Nhật tăng cường liên thủ đối phó, Trung Quốc cảnh báo ‘chỉ làm tổn thương chính họ’ (VNF). – Rút khỏi Afghanistan, Mỹ sẽ dồn toàn bộ lực lượng vào Biển Đông? (GT). – Quyết tâm hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc bắt nguồn từ “nỗi hổ thẹn” năm 1996? (VietTimes).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây