Chính phủ Nhật kém văn minh

Chu Mộng Long

19-4-2021

Tôi, sống đến 57 tuổi đời, chỉ nhớ hồi học tiểu học dưới thời Việt Nam Cộng hoà, thầy dạy đi phải thưa về phải trình cha mẹ, mỗi khi ra đường phải xếp hàng đi bên phải, gặp người lớn phải cúi đầu chào, gặp đám tang phải dừng lại ngả mũ cho đến khi đám tang đi qua, gặp cơ quan chào cờ phải đứng nghiêm chào cờ cho đến xong lễ mới được đi tiếp… Bọn trẻ con chúng tôi cứ răm rắp làm theo, nếu không làm thì sẽ có bạn mách thầy cô và bị phạt. Có phạt, không có thưởng. Chế độ Việt Nam Cộng hoà thiếu tôn trọng người tốt việc tốt.

Sau năm 1975, những bài học đó còn trong não của tôi nhưng không có hành. Vì mỗi một cá nhân mình làm thì bị chúng bạn chê cười. Nói chuyện giao thông thì cho đến bây giờ, mặc dù tôi tuân thủ nghiêm túc luật giao thông, nhưng nói qua đường phải cúi chào tài xế thì chưa bao giờ. Bởi các loại xế, từ xế xe đạp đến xế xe máy, xế taxi đến xế xe tải, có xe nào dừng lại cho tôi qua đường đâu mà chào… cảm ơn?

Nay có em bé ở Cần Thơ qua đường cúi đầu chào tài xế và được chính quyền khen thưởng thì mới thấy: 1) Chính quyền và giáo dục ta rất tôn trọng người tốt việc tốt, hơn gấp vạn lần bọn tư bản, 2) Em bé tốt đến mức làm cho tôi cũng cúi đầu xấu hổ, vì già đầu như tôi mà thua em bé.

1) Tôi so sánh với chính quyền tư bản, vì sự so sánh này không chỉ đối với chế độ Việt Nam Cộng hoà mà còn so sánh với một quốc gia văn minh nhất nhì thế giới như Nhật Bản. Cách đây vài năm tôi có xem clip một nhóm học sinh Nhật qua đường cúi đầu chào cảm ơn tài xế taxi, tôi có thắc mắc sao chính quyền Nhật Bản không ghi nhận và khen các em, cả báo chí Nhật cũng làm ngơ?

Ủy ban MTTQ phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ tặng giấy biểu dương cho em Lê Thanh Huy, vì em cúi đầu chào tài xế. Ảnh: Báo TT

2) Tôi tự thấy xấu hổ vì tư cách thầy giáo không dạy được mình thì dạy ai? Trong nỗi xấu hổ ấy, có một cảm giác là, tôi bị các loại xế ghét cay ghét đắng vì không biết cảm ơn họ. Đó là lý do mỗi khi tôi đi bộ qua đường, dù đi đúng vào vạch trắng, cũng không có bất cứ tài xế nào dù nhỏ đến lớn dừng lại nhường đường cho tôi. Hàm ý của họ, mày không tránh tao thì chết ráng chịu!

Lần gần đây nhất tôi có cúi chào tài xế. Đó là khi vợ chồng tôi qua đường và dừng lại chờ ở ngả rẽ qua dải phân cách. Một chiếc ô tô đang phóng như điên phía trước bỗng bẻ ngoặt tay lái hướng thẳng vào chúng tôi. Bằng bản năng sinh tồn, hai vợ chồng tôi nhảy phóc lên dải phân cách và hú hồn. Tôi cúi đầu chào, đúng ra là tao lạy mày, cảm ơn mày chưa kịp đâm vào vợ chồng tao! Nếu xét về thái độ là tôi mất dạy, không đáng khen…

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Khi xã hội chưa văn minh, tiến bộ. Dạy dỗ học sinh những điều cần phải làm là điều đương nhiên, và thật sự cần thiết, để họ biết rồi thực hành.
    Khi xã hội đạt đến sự văn minh, tiến bộ nhất định. Con người sẽ tự động ý thức được những gì mình cần phải làm, mà không cần phải giáo dục.
    Xã hội xhcn là một ngoại lệ. Vì họ luôn đi giật lùi với đà tiến bộ và văn minh chung của con người !

  2. Như vậy chứng tỏ hành động tốt là hàng hiếm cần khen thưởng. Thầy Chu nhỏ hơn tui 7 tuổi, tui xin xác nhận rằng ngày xưa VNCH dạy học sinh như rứa. Đến giờ gặp đám tang tui vẫn thường bỏ nón ra và cúi đầu nhưng không có dừng lại. Có lần tui dừng lại bỏ nón và cúi đầu chờ đám tang đi qua tui mới tiếp tục đi bị thiên hạ nhìn dữ quá mình cũng hơi ngượng. Vợ chồng tôi thường ra công viên chơi và đi lượm rác, thiên hạ cũng dòm lom lom nhưng mặc kệ mình cứ làm. Còn giữ được chút nào hay chút nấy, những bạn trẻ ngày nay nói tui là kẻ thuộc bài. Thây kệ.

    • Thời buổi bây giờ chỉ có đi bộ buổi sáng trong công viên thì mới còn chào hỏi, thi lễ. Ra đường xe chạy vèo vèo, đậu đèn đỏ còn bị chúng húc chết tại chỗ, ai dám một tay lái một tay giở nón bảo hiểm ra chào, mà giở cũng không được vì kẹt dây nón. Lấy ra được thì xe đã chạy qua khỏi đám tang rồi; lạng quạng xe tông thì có thêm đám tang nữa, mất công. Thôi cho xin, giản tiện bớt cho dân nhờ. Khổ nhiều rồi.

Leave a Reply to ba lú Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây