Nghĩ về nỗi sợ hãi và hòa giải dân tộc

Thái Hạo

14-4-2021

Vài ngày trước, một người bạn vong niên của tôi, người từng tham gia trong cuộc “20 năm nội chiến từng ngày” với tư cách một người lính của Miền Nam VN, kể rằng khi phóng viên hỏi ông: “Làm thế nào để hòa giải dân tộc?”, ông trả lời “Chỉ có thể hàn gắn khi cả hai bên đều hiểu rõ tính chất của cuộc chiến tranh này, một cuộc chiến tranh mà bên nào cũng là nạn nhân của trò chơi chính trị trong tay các siêu cường”.

Cả câu hỏi và câu trả lời đều làm tôi suy nghĩ, nó vừa khơi lên nỗi chua chát cùng tận vừa bất mãn mơ hồ. Và tôi muốn thử tìm một lý giải cho mình bên ngoài câu chuyện chính trị.

Người Việt phải chăng đã bất hòa với nhau từ lâu xa trong quá khứ chứ không phải từ 1954 hay 1975? Chúng ta bất hòa từ trong gia đình đến họ tộc, làng xóm; Bất hòa từ trong nhà ra đồng lúa, từ tông tộc đến xã hội. Con cái và cha mẹ không phải là “gia hòa vạn sự hưng” mà là áp đặt và nghe lời; Vợ chồng không phải “tương kính như tân” mà là trên dưới một chiều, anh em không phải “như thể chân tay” mà là “quyền huynh thế phụ”…

Người trong nhà rất ít nói chuyện với nhau. Khi nhỏ thì thường là cha nói con nghe, khi lớn lên thì im lặng xâm chiếm, mà hễ mỗi khi có chuyện cần bàn thì ngồi lại là liền xung đột. Vợ chồng mới cưới thì ríu rít được vài hôm, ngày qua tháng lại chưa lâu thì “mở miệng là cãi nhau”. “Đi họ bênh anh em nhà, đi chợ bênh anh em họ”.

Hãy nhìn nông thôn Bắc và Trung bộ, khó tìm thấy một đám hiếu hỉ ma chay nào mà không lời qua tiếng lại, anh em cự cãi, chửi bới, từ mặt. Nhà càng đông người, nguy cơ “mất đoàn kết” càng lớn. Hễ chung bờ rào là chửi chó mắng gà, rào đường cách lối, nói xấu sau lưng. Hễ chung bờ ruộng là mắng cỏ bới lúa, là xách đòn gánh rượt nhau. Cái cách nói “dân Thanh Hóa, dân Nghệ An, dân xyz” thường mang hàm nghĩa phân biệt vùng miền với ý kỳ thị hoặc tự tôn…

Tại sao thế? Những tín điều như “tình làng nghĩa xóm”, như “tối lửa tắt đèn”, như bầu bí nhiễu điều… phần nhiều là để an ủi và phỉnh phờ hơn là một thực tế. Sự ganh ghét đố kỵ, thói ngồi lê đôi mách và nạn “tin giả” (fake news) đã có từ nhiều trăm năm trước.

Có một cái gì rất dễ đổ vỡ trong các mối quan hệ Việt. Người ta hoặc gắng gượng, hoặc màu mè, hoặc chịu đựng, hoặc miễn cưỡng… để “che mắt thiên hạ”. Người Việt rất sợ bị “cười” nên họ sẵn sàng “đóng cử bảo nhau”, “tốt đẹp khoe ra xấu xa đậy lại”. Cả khen và chê đều không mấy khi thật lòng mà thường cốt để làm đẹp lòng nhau. Khen thì khen hết lời, lúc chê thì thành mạt sát hủy nhục. Những sự nối kết giữa người với người rất mong manh, nhưng kỳ lạ thay dù “cơm không lành, canh chẳng ngọt” nhưng người ta lại có thể sống suốt đời cùng nhau; chê nhưng không bỏ, khinh nhưng không từ, oán mà không than. Đó là một trạng thái quái gở của quan hệ người – người trong cộng đồng Việt.

Ngay cả những người được cho/tự nhận là “đấu tranh dân chủ” ngày nay cũng khó mà ngồi lại cùng nhau. Cùng với việc chửi chính quyền là chửi nhau. Cái “cộng đồng” ấy chia rẽ một cách đáng kinh ngạc. Chính quyền, dân và “giới bất đồng” dường như chẳng bao giờ gặp nhau. Cứ mỗi người một ốc đảo mà hễ lại gần là nghi ngờ, là bất hòa, là tranh cãi.

Nói rất nhiều mà dường như chẳng có người nghe. Cãi rất to mà chỉ như tiếng ồn. Giữa người với người dường chỉ có những âm thanh hỗn tạp. Không ai thấy cần thiết phải nghe ai. Tất cả những cái tôi đều to đùng. Một điều tệ hại mà chúng ta ít thấy trong lịch sử: Người trí thức ngày càng trở nên vô hình trong mắt dân cày. Người ta không còn trọng tri thức và trí thức nữa. Đây là tiếng chuông báo điểm sự suy tàn tột độ của một xã hội.

Phải chăng, chúng ta là một dân tộc “dũng cảm” như lời tụng ca? Điều ấy đáng ngờ. Hình như NỖI SỢ HÃI mới chính là “bản sắc” của nòi giống? Mặc cảm nghèo hèn, mặc cảm nhược tiểu, mặc cảm dốt nát… đè nặng lên dân tộc suốt trường kỳ lịch sử. Càng mặc cảm thì biểu hiện ra càng trái ngược. Kẻ yếu nhược thường hung hăng, người nghèo hèn thường khoe mẽ, dốt thì hay nói chữ… Cái cơ chế phòng vệ này là một sự tinh quái của bản ngã; sự tinh quái đánh lừa chủ nhân của nó có thể suốt cuộc đời; và như thế là suốt chiều dài lịch sử của một cộng đồng.

Chúng ta đã bị kẻ láng giềng to con và thâm hiểm bắt nạt suốt cả ngàn năm. Rồi chính chúng ta cũng đã du nhập một chế độ đẳng cấp bất công vào mỗi ngôi nhà, mỗi xóm làng; chúng ta cai trị kẻ khác bằng con đường của chuyên chế. Chồng độc đoán với vợ, cha độc đoán với con, anh độc đoán với em, quan độc đoán với dân, giàu độc đoán với nghèo, lớn độc đoán với nhỏ. Đó là một loại khế ước của “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Nó thâm nhiễm vào tất cả mọi cá thể, và từ nạn nhân của sự cai trị độc đoán, người ta sẽ trở thành những bàn tay độc đoán ngay khi có cơ hội. Đáng sợ hơn, ngày nay cái thiết chế ấy còn phủ trùm trên thân thể xã hội bằng cách nhân danh những thứ thật mỹ miều.

Sự coi thường, khinh bỉ hay nỗi sợ hãi và tính hèn hạ được sinh ra từ cái thiết chế “gạo tiền” này. Chúng ta giàu tự ái hơn là lòng tự trọng; chúng ta tự cao hơn là tự tôn; tự phụ hơn tự chủ, tự huyễn hơn tự học… Chúng ta theo đuổi mảnh bằng hơn là truy tầm chân lý; chúng ta theo đuổi tiền bạc mà bỏ quên mục đích của đời sống; theo đuổi địa vị mà quên đi trách nhiệm. Chúng ta nổi nóng với vợ con nhưng dạ vâng trước cường quyền; chúng ta làm từ thiện khắp nơi nhưng bỏ bê họ hàng; chúng ta ngọt ngào với thiên hạ nhưng cộc cằn với người nhà…

Một đằng là “tạo dựng hình ảnh”, đằng kia là thể hiện quyền lực. Cả hai đều là biểu hiện sự yếu nhược của một cái tôi nhiều tổn thương và đổ vỡ. Chúng ta cố chống chọi với sự khiếm khuyết của nhân cách mình bằng những lối tiêu cực nhất như thế.

Nỗi sợ hãi là căn nguyên của tất cả? Càng sợ hãi, người ta càng hung dữ, càng sợ hãi người ta càng làm màu. Người Việt sợ nhất là bị “cười”, không được để người khác cười, phải mạnh mẽ lên, phải sang trọng lên, phải giàu lên, phải đẹp lên… Phải chứng tỏ rằng “ta đây chẳng kém ai”. Cuộc đời đã bị đánh mất bằng những cách như thế. Người ta bỏ lại phía sau tất cả để trưng ra một hình ảnh “đẹp” nhất – vì cái mặc cảm ấy nên suốt đời họ phải “sống cho người khác xem”.

Người ta nhìn nhau để sống, đua nhau để làm: Xây nhà to, sắm đồ sang, mua điện thoại xịn, tậu túi xách và đồng hồ hàng hiệu… ngay cả khi không có tiền. “Giải quyết khâu oai” là mục tiêu của mỗi cuộc đời. Oai vì đồ đạc, oai vì áo quần, và đau khổ nhất là oai vì con cái. Để thỏa mãn sự đói khát truyền kiếp, người ta bấp chấp ước mơ của con cái để sẵn sàng đẩy chúng vào những cuộc chiến khốc liệt của trường chuyên lớp chọn, đẩy chúng vào những lớp học thêm bất kể ngày đêm. Họ sẵn sàng “hi sinh đời bố, củng cố đời con”, nhưng thực ra đó là hi sinh đời con cho đời bố nở mặt. Cái sự “hiếu học” của người Việt có lẽ nên nhìn từ một góc độ khác: Mặc cảm, mặc cảm của nhiều thế hệ. Người ta quên đi những chân giá trị của sự hiểu biết để tìm những chỗ dựa tiêu cực cho cái bản ngã thất bại của mình.

Chúng ta đổ vỡ từ bên trong bởi thân phận nô lệ và yếu nhược, nó làm thành một cuộc chiến tranh triền miên qua các thế hệ trong mỗi cá nhân. Từ sự bất hòa bên trong tinh thần dẫn tới những xung đột bên ngoài xã hội; từ những động loạn của thế giới vô thức biến hiện thành những cuộc chiến của những cái tôi. Ở thế kỷ 21 này, có lẽ tư duy nhị nguyên bị phát tướng nặng nề bậc nhất là trên xứ sở của chúng ta. Đẹp xấu, giàu nghèo, sang hèn, cao thấp… luôn sẵn sàng lao vào nhau để nổ tung thành các mảnh vỡ của xã hội.

Cuộc chiến tranh Nam – Bắc đã đi qua gần nửa kỷ mà mặc cảm còn đè nặng thành những lễ kỷ niệm, thành những khúc hoan ca, thành “ngày quốc hận”, thành những trận chiến bất tận trên mạng xã hội.

Mọi thứ chỉ có thể được hàn gắn khi mặc cảm được xua tan bởi sự lớn dậy của tư thế con người vượt lên trên thắng bại để sống với những giá trị tự thân mà không cần đến những thứ trang sức “anh hùng”, “thắng cuộc”, “văn minh”… Chừng nào người ta còn phải viện đến những món đồ ấy để làm sang, chừng ấy cuộc chiến còn chưa thể kết thúc. “Không ai có thể làm ta ô uế, cũng không ai có thể làm ta trong sạch”, “như người uống nước, nóng lạnh tự biết” – đó chính là sự trung thực tự thức về giá trị của bản thân. Và ở đây, liêm sỉ và sự tự tôn luôn phải song hành.

Những giá-trị-người, mà căn bản nhất và cũng sâu xa nhất là NHÂN PHẨM, phải được đánh thức và nuôi lớn. Nếu không “phổ cập” cái nền móng này trong tất cả cá nhân để mỗi người tự vượt lên trên những cơm áo gạo tiền danh vị mà sống đàng hoàng với sự tôn nghiêm thẳm sâu thì sẽ không cách gì hòa giải được.

Bài học của nội chiến Mỹ còn nguyên ở đó, khi cả 2 cùng tôn trọng nhau và tự trọng chính mình. Muốn hàn gắn dân tộc, trước hết cần tự hàn gắn những vết thương do mặc cảm gây nên. Và bên cạnh tất cả những điều ấy, có lẽ chúng ta cần một nỗi đau chung thay cho niềm tự hào? Trên tinh thần đó, sự hòa giải không phải chỉ là câu chuyện Nam – Bắc, mà căn bản hơn là câu chuyện của con người với con người, nhìn như lịch sử của cả một cộng đồng trong suốt chiều dài văn hóa của nó.

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Anh đặt vấn đề hoà giải dân tộc, nhưng đồng thời lại đang phá nát dân tộc bằng mổ xẻ nó một cách độc ác với nhãn quan xám xịt, vừa từ góc hẹp vừa phóng đại và loạn sắc.

    Không rõ tuổi anh đã U90 chưa, từng sống qua bao nhiêu chế độ, và gốc miền Nam hay Bắc 75…mà chưa từng thấy một xã hội VN nào tương đối tử tế, đạo đức suốt hơn 80 năm kiếp người; nếu không tử tế thì ít ra cũng không khốn nạn như anh mô tả trong bài với toàn là tả oán, khinh khi, nguyền rủa, thất vọng…
    Dù với “thiện chí” đập phá để xây dựng lại, hoặc “nói thật” hết ra để thiên hạ phản tỉnh, thì anh cũng đang làm cái việc lột da con rắn giữa rừng già đầy ác thú để nó lâm nguy trước nanh vuốt kẻ thù.
    Vì phơi trần một “sự thật” phóng đại, anh gây cho đại bộ phận dân trí thấp dễ bị truyền thông dẫn dắt sự sụp đổ hy vọng, khinh khi giống nòi và tự ti; hoang mang tiền đồ và buông xuôi số phận:
    kẻ thù sẽ chực chờ để thu gom dân tộc nầy về xử, tiếp thu lãnh thổ, tài nguyên. Dân tộc mất hết tự hào dễ chấp nhận thân phận buông xuôi nô lệ; để “hy vọng” may ra khá hơn.

    Khi dân trí được “khai” như thế, thì dân khí ắt tiêu tan, phải không anh?
    Anh định đoàn kết dân tộc, hay đang góp một tay cho “đại cục” trót lọt?
    Anh đang song kiếm hợp bích với bài “Sức đề kháng của Việt Nam trước sự bành trướng của Trung Quốc” [1] của Nguyễn Thế Anh chăng?
    ~~~~~~~
    Tôi đặt câu hỏi với anh về tuổi tác, vì tôi là chứng nhân của nhiều cảnh đời tại miền Nam- chỉ tại miền nầy thôi, suốt 4 đời nhà nước: vua Bảo Đại, Tt Ngô Đình Diệm, Tt Nguyễn văn Thiệu và nhà nước sau tháng 4/1975.
    Và muốn biết liệu anh có giống tôi, cùng một bối cảnh lịch sử;
    hay tương lai tuổi tác còn rất dài phía trước.

    Trừ giai đoạn 4/1975 sẽ nói sau, trước đó tôi được hưởng bầu không khí nhân đạo bình thường mọi mặt, đủ để cho tôi trưởng thành bình thường mà chưa hề một lần bị chấn thương tâm hồn bởi bất cứ cảnh đời nào, kể cả thời Pháp chưa rút quân khỏi VN. Phải nói ngay, tôi con nhà nghèo, cha mẹ sinh 7 anh chị em, vừa đủ tay làm hàm nhai, và không hề được ưu đãi gì để vì thế nhìn đời qua nhãn quan màu hồng.
    Chiến tranh thì thời nào chẳng thế, nó gần như bị chi phối bởi một qui luật chung với hệ quả chung của loài người: giết chóc, ngục tù, tàn nhẩn, lừa đảo, tuyệt vọng, đau thương… tương tự nhau khắp nơi, muôn thuở; do đó không thể được kể là một cảnh đời bình thường để mà phê phán. “Lâu rồi cuộc đời cũng qua”, sau chiến tranh dù lớn nhỏ, cuộc sống lại ổn định, bình thường; tất nhiên với những dư chấn và hậu quả của nó. Nếu loài người hết tham sân si thì đạo Phật đã không còn đất để rao giảng.
    Ngoài chiến tranh ra, xã hội tôi đã trải qua chẳng có gì đáng ta thán như con mắt đeo kính đen, rằng thì là “bất hòa từ trong gia đình đến họ tộc, làng xóm; Bất hòa từ trong nhà ra đồng lúa, từ tông tộc đến xã hội”
    Sở dĩ “Con cái và cha mẹ không phải là “gia hòa vạn sự hưng” mà là áp đặt và nghe lời; Vợ chồng không phải “tương kính như tân” mà là trên dưới một chiều, anh em không phải “như thể chân tay” mà là “quyền huynh thế phụ”…
    là bởi vì ông bà ta thời ấy phần lớn sống theo Khổng giáo, Phật giáo vốn cấm cái ác. Nền giáo dục ta dạy trẻ thơ lối sống đó, theo Tứ thư, Ngũ kinh…”tại gia tòng phụ xuất giá tòng phu”, tu tâm dưỡng tánh theo “nhân, nghĩa, lễ, trí , tín”, tiên học lễ hậu học văn, nhiễu điều phủ lấy…bầu ơi thương lấy…
    Và tuổi thơ chúng tôi đều phải thuộc lòng bài học

    Thờ cha kính mẹ hết lòng,
    Ấy là chữ Hiếu, dạy trong luân thường.
    Thảo thơm, sau trước nhịn nhường,
    Nhường anh nhường chị, lại nhường người trên.
    Ghi lòng tạc dạ chớ quên,
    Con em phải giữ lấy nền con em.

    Chúng tôi đều như thế, thuở đi học vỡ lòng. Sao có thể xấu xa như anh buộc tội được, bọn trẻ đó…khi lớn lên thành người?
    Chiến tranh, tranh giành lãnh thổ là hiện tượng xã hội thuộc lãnh vực to lớn phức tạp ra ngoài phạm trù đạo đức, phổ biến khắp thế giới, không riêng của VN, để mà moi móc xỉ vả.
    Trịnh Nguyễn phân tranh, Nam Bắc Hàn, Đông Tây Đức quốc, Đức Phổ, Ấn Pakistan, Malaya Singapore… đều thanh toán nhau, tranh chấp tranh giành, đều chia rẽ sát hại nhau, nói xấu nhau…là lẽ muôn đời của nhân loại. Mấy ai đã thoát kiếp nạn đó; dân tộc nào là ngoại lệ, là cao quí đáng kính… để mong thoát khỏi sự xỉ vả của anh?
    Sao anh không đem so sánh VN với Trung hoa trước 1901; với Hàn quốc, Nhật bản trước 1945 – những quốc gia vốn từng chia sẻ chung nền văn hoá Khổng Mạnh…xem liệu có khác?
    Chỉ món thịt cầy mà họ cũng còn chí lớn gặp nhau…thì sao không dính vào tội tổ tông Khổng Nho để khỏi bị anh xỉ vả?
    Họ có ưu việt gì, có dân chủ bình đẳng “gia hòa vạn sự hưng”, có “tương kính như tân”, anh em có phải “như thể chân tay”
    hay là vẫn “quyền huynh thế phụ” và nạn chồng chúa vợ tôi còn bạo hơn nữa, thượng cẳng chân hạ cẳng tay đến nhảy lầu, cầu…?

    Vấn nạn nầy phải nghiên cứu cực kỳ kỹ lưỡng, khách quan, phổ kiến thức phải rộng; không thể nói càn, do đó …mệt, nên nói đại, vơ cả nắm cho tiện một thể?!
    Miễn sao dân tộc nầy dính máu, mang tiếng xấu, sụp đổ tinh thần là đạt yêu cầu?

    Tôi định nói về con người sau 30/4/75. Nhưng chợt nhớ mình cũng đã nói nhiều lần rồi. Lặp lại không thấy hứng thú gì. Anh cũng dư biết nó ra sao, nói bằng thừa. Mạng xã hội và truyền thông online cũng đã nói đầy. Hiểu nhau vậy nhé!
    Mong anh nghĩ lại, và xót thương dân mình…hơn chút.

  2. Thực trạng của xã hội vn là vậy
    Cần xoa bỏ câu ” nựa nhời mà lói cho zừa nòng nhau” hay ” ăn cây lào giào cây í”
    Theo cách lói thời thượng của đám bỉ ôi nà ” ôn hòa có học” để che đậy ôn hòa kiếm đùi gà Đông tảo và hihi” ăn cây đảng bảo vệ cây bác hồ”

  3. “Làm thế nào để hòa giải dân tộc?”
    Nếu thực sự muốn hòa giải dân tộc, trước hết hãy thôi tung bả chó hồ chí minh, hãy thôi rao giảng, hãy thôi lừa gạt & cưỡng bức con trẻ phải tụng niệm những thuật ngữ bịp bợm nhục mạ người nam, nhục mạ lịch sử VN, đại loại: “kháng chiến thần thánh” & “chiến tranh chống Mỹ” & “thống nhất tổ quốc”…, mà mới đây quý các nhà trí thức hà nội sĩ phu bắc hà Lưu Trọng Văn, Nguyên Ngoc, Trần Mạnh Hảo, Lê Kiên Thành vẫn cao giọng tụng niệm !

  4. Nước Mỹ giàu có, nước Mỹ hùng mạnh thì mặc nước Mỹ. Người Việt ta chỉ cần học tập và làm theo anh cả Tàu hàng xóm với mớ kiến thức Khổng Nho “tu, tề, trị, bình” rồi mọi sự sẽ đâu vào đó.

  5. Một bài phân tích khá chính xác. Vấn đề còn lại là ở mỗi con người, nhưng trước hết, nhà cầm quyền hiện tại cần tháo gỡ gấp những lời lẽ huê mỹ, kiểu “xịt chó vào bụi gai”, xóa tan đi chuyện ngồi cào bới trên mụt ghẻ lở. Bao giờ còn thắng thua (anh em, đồng bào) thì cái gọi là hòa giải, hòa hợp còn lâu mới đến với dân tộc Việt, và đó là mấu chốt cho bọn tàu khựa lợi dụng để làm suy yếu tinh thần đoàn kết dân tộc…
    Cảm ơn anh Thái Hạo, liệu có bao nhiêu % hiểu ra vấn đề để thay đổi sự sống còn của đất nước này???

  6. Tóm lại là ngừ Việt chúng ta cần hòa hợp hòa giải dưới sự lãnh đạo của Đảng . À quên . Và tư tưởng Hồ Chí Minh . Quên thì phiền phức ghê lắm .

    Nên hòa giải & hòa hợp với Trung Quốc, dễ hơn . Tư tưởng Bác Hồ ta đó cũng là tư tưởng Bác Mao, ô Nguyễn Khắc Mai nói thía .

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây