Liệu Mỹ xử sự đúng với đồng minh Afghan?

Tác giả: David Brown

Song Phan, chuyển ngữ

12-4-2021

Người dân Afghan tìm đường tị nạn. Nguồn: Democracy Now

Khi chiến tranh có vẻ sắp kết thúc, một dòng người đổ xô tìm kiếm nơi tị nạn ở phương Tây

Bốn mươi sáu năm sau khi chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh khỏi sân thượng ở Sài Gòn và nỗ lực đẫm máu của Hoa Kỳ ở Việt Nam dừng lại, thì cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan lại kéo lê tới một kết thúc không thành công và xấu xí. Tổng thống Joe Biden không có phương án tốt để lựa chọn, chỉ có những phương án tệ hại nhiều hơn hoặc ít hơn.

Hầu hết những người Mỹ, đặc biệt là cánh tiến bộ trong đảng của ông Biden, đã hết kiên nhẫn với những cuộc can dự tốn kém và không đi tới kết thúc ở một nơi được cho là không gây hậu quả lớn đối với Mỹ hay bất kỳ đồng minh NATO nào. Với sự khác biệt duy nhất lần này là không lính Mỹ nào là lính quân dịch, lịch sử đang lặp lại chính nó.

Khi cuộc chiến ở Việt Nam cuối cùng kết thúc, người Mỹ trong lúc mặc cảm tội lỗi bùng phát vì đã bỏ rơi những người từng là đồng minh cho đến khi, chán nản và mệt mỏi vì một cuộc chiến không thắng được, đã giang tay giúp đỡ 160.000 người Việt Nam. Những người tới được Mỹ qua Philippines hoặc đảo Guam hay đảo Midway trong đợt đầu tiên, là những người nhìn thấy cuộc chiến sắp kết thúc đến nơi, việc kháng cự thêm nữa là vô vọng nếu không được tiếp tế nhiên liệu và vũ khí, không có không lực Mỹ yểm trợ cho đội quân đang tan rã của miền Nam, Việt Nam.

Một số người có mối quan hệ, có đường dây để vào được sân bay Tân Sơn Nhất, cùng với gia đình kịp thời và cho đến khi không còn an toàn, đã được di tản chen chúc trên máy bay chở hàng C-130 và C-124 nhỏ hơn của không quân Hoa Kỳ, đến Clark Field ở Philippines hoặc Căn cứ Không quân Anderson ở Guam, và theo hành trình tới California và sau đó đến các khu tái định cư rải rác trên khắp Hoa Kỳ. Đợt thứ hai, những người ít thận trọng hơn hoặc có mối quan hệ tốt nhưng thiếu quyết tâm bỏ xứ, đã trốn thoát cùng gia đình trên những tàu thuyền đủ kích cỡ, đủ tình trạng, không chắc chắn họ sẽ được vớt hay không.

Và trong nhiều năm tháng sau khi Sài Gòn đầu hàng, người ta tìm cách rời đi. Hàng trăm ngàn người nữa – thường gọi là “boat people” (thuyền nhân) – ra đi, nhồi nhét vào các khoang tàu thuyền với giá cả trên trời mà các chuyến đi đó, nếu còn đủ nước ngọt, không bị hải tặc Thái cướp hay bị bão làm lật thuyền, họ có thể hy vọng sẽ tới được Malaysia, Indonesia hay Philippines – và ở đó nộp đơn xin định cư ở Hoa Kỳ, Úc, Canada hoặc các nước dân chủ phương Tây khác.

Nhìn chung, những người Việt nầy đã có chọn lựa hợp lý. Ngay sau khi quân đội Sài Gòn hạ vũ khí, bên thắng cuộc đã tập trung sĩ quan, hạ sĩ quan, công chức, chính trị gia và những người đã từng làm việc cho các cơ quan Mỹ. Tất cả đều trải qua ít nhất vài tháng, và một số bị tống giam nhiều năm, trong cái được gọi bằng từ hoa mỹ là ‘trại cải tạo’. Ít nhất một thập niên sau đó, các “phần tử xấu” bị đưa vào danh sách đen, không được nhận vào làm các công việc ‘xịn’. Việc học của con cái họ bị dừng lại ở cấp trung học cơ sở.

Người Afghanistan có cộng tác với Mỹ, phần lớn sống ở đô thị, không phải người sùng đạo và thường có quan điểm quốc tế. Theo một cuộc điều tra của International Crisis Group, 90% phụ nữ Afghanistan lo sợ Taliban quay trở lại. Quân đội Quốc gia Afghanistan được cho là tốt hơn so với trước đây, nhưng vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào tình báo điện tử của Mỹ và sức mạnh không quân của NATO. Các cơ quan chính phủ Afghanistan vẫn còn yếu kém, bè phái và tham nhũng. Lời tán dương dè xẻn của Tướng Mark Milley tiết lộ: “Chúng tôi tin rằng giờ đây sau 20 năm – hai thập niên nỗ lực bền bỉ ở đó – chúng ta đã đạt được một số thành công“. Người Afghanistan của chúng tôi là những người tử tế, nhưng khó có khả năng giữ được quyền lực khi Taliban đang tranh giành lấy nó từ tay họ và khôi phục chế độ thần quyền thời trung cổ.

Nếu bạn là những người trước đây tin rằng, Mỹ có thể dây dưa ở lại Việt Nam, thì những người miền nam dưới sự bảo bọc của chúng ta có thể thăng thế, khi đó có thể thông cảm với Milley, từng ba lần làm nhiệm vụ ở Afghanistan trước công việc hiện tại, là Tham mưu trưởng Liên quân. Tuy nhiên, nếu bạn từng sống lâu ở Việt Nam, bạn cũng có thể tin rằng Chính phủ Hoa Kỳ phải học hỏi từ kinh nghiệm của mình ở đó, tức là (trường hợp Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai có thể ngoại trừ) không thể cấy ghép các giá trị của Hoa Kỳ vào cả một văn hóa hoàn toàn khác biệt.

“Bị lừa hai lần thì phải xấu hổ về mình” 

“Xây dựng đất nước” là một ý tưởng có vẻ hay ho mà ba vị tổng thống vịn vào để biện minh cho việc đổ máu xương và của cải vào Đông Dương, “cuộc chiến bất tận” (“forever war”) đầu tiên của Mỹ. Washington nên học được bài học, nhưng sau khi các công chức và sĩ quan đã tham gia vào chiến tranh Việt Nam mới vừa nghỉ hưu, thì tổng thống “Bush con” lại sa vào ý tưởng đó một lần nữa. Cái gọi là phe “tân bảo thủ” khua chiêng, gióng trống về xây dựng quốc gia ở Afghanistan (sau khi tiêu diệt al-Qaeda, tất nhiên) và chẳng bao lâu sau đó, cũng ở Iraq (sau khi loại bỏ Saddam Hussein và vũ khí ảo tưởng hủy diệt hàng loạt).

Hai thập niên sau, Joe Biden kế thừa cuộc chiến không được ưa chuộng và không thể thắng ở Afghanistan. Biden không phải là kẻ ngốc, vì vậy có khả năng ông sẽ rút nguồn sớm vào một lúc nào đó. Chiến tranh Afghanistan là loại gánh nặng mà bất kỳ tổng thống nào cũng không muốn kề vai vào trong cuộc bầu cử giữa kỳ, là điều sẽ diễn ra trong 20 tháng sắp tới.

Nếu như Mỹ và các đồng minh NATO không nán lại, bạn bè Afghanistan của họ không còn bất kỳ tương lai nào và do đó họ sẽ đến [Mỹ], càng nhiều càng tốt. Họ sẽ đến cùng với gia đình. Họ sẽ đến bằng máy bay khi Taliban tiến sát Kabul và hàng chục thành phố khác, hoặc họ sẽ vượt biên sang Pakistan, Tajikistan và Iran bằng bất cứ phương tiện nào có thể, với hy vọng xin được visa ở đâu đó, bằng cách nào đó.

Họ sẽ đến vì họ không ảo tưởng việc sống dưới chính quyền Taliban. Họ sẽ tưởng tượng rằng, các nước từng cho người miền Nam Việt Nam thua trận đến tị nạn gần nửa thế kỷ trước, cũng sẽ hoan nghênh đón họ.

Ngày nay, đối với người nhập cư, Hoa Kỳ không thân thiện như trước. Các đồng minh NATO cũng vậy, do quá mệt mỏi với dòng người di cư hầu như bất tận từ châu Phi và Syria. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hai thập niên này với sự sứt mẻ về phẩm giá phải được làm rõ đối với chính phủ Biden: Có hàng triệu người Afghanistan đã tin vào những lời hứa của Mỹ và đứng về phía Mỹ. Nếu họ tìm cách trốn thoát khỏi sự sụp đổ của chế độ Kabul, nước Mỹ nợ họ chỗ tị nạn. Các đồng minh châu Âu cũng vậy.

Bởi vì Joe Biden là một người tử tế hiếm có, có khả năng là, trong khi đưa Mỹ ra khỏi một cuộc chiến bất tận, không thắng được này, ông sẽ làm điều đúng đắn, cho những người đàn ông và phụ nữ Afghanistan từng được Mỹ tin dùng và đã hành động dựa vào những lời hứa của Mỹ. Đó sẽ là một hành động hợp lý, bất chấp nhãn hiệu xấu xí của chủ nghĩa dân túy của phe Trump đang đẩy lùi những người có làn da sậm hơn.

Hàng trăm ngàn người Việt Nam tái định cư ở phương Tây sau năm 1975 đã tới các nước, hầu như không có gì ngoài quyết tâm làm lại cuộc đời. Quả thật, họ đã làm rất tốt điều đó. Con cháu họ là tài sản với thành tựu cao, đáng lưu ý của các nước phương Tây từng cấp cho cha ông chúng nơi tị nạn.

Hàng chục, có lẽ hàng trăm, ngàn người trung lưu lớp trên ở Afghanistan rất có thể sẽ tới ranh giới của thế giới phương Tây trong vài năm tới. Họ cũng không kém phần khao khát thành công dân hơn bất cứ làn sóng người nhập cư nào trước đây. Người Mỹ nên sẵn sàng chào đón họ.

______

Bài dịch từ báo Asia Sentinel, với sự bổ sung và chỉnh sửa của tác giả David Brown. Ông là một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, có nhiều kinh nghiệm về Việt Nam và là người thường xuyên đóng góp bài cho Asia Sentinel và Tiếng Dân. Ngày 26/4/1975, ông và gia đình vợ ông được Không quân Hoa Kỳ di tản khỏi Sài Gòn.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây