Cát trong lòng Đồng bằng Sông Cửu Long: Cần phải xem là tài sản chung

Lê Anh Tuấn

12-4-2021

Khai thác cát đang diễn ra khắp nơi. Một xà lan đang hối hả cạp cát trên sông Tiền. Ảnh: tác giả chụp năm 2019

Đồng bằng Sông Cửu Long là một vùng đất thấp và phẳng, kết cấu địa chất rất yếu, hình thành do sự bồi tụ phù sa của sông Mekong và các tác động của Biển Đông. Đây là một đồng bằng có tuổi địa chất rất trẻ, vào khoảng từ 3.000 đến 5.000 năm trước đây – rất ngắn so với nhiều vùng châu thổ khác trên thế giới.

Xưa kia, nhờ sự bồi đắp liên tục qua các mùa lũ với vật liệu chính là cát và bùn nên vùng đồng bằng tránh khỏi sự lún sụt do hiện tượng nén dẽ tự nhiên của nền đất. Sạt lở và xâm thực bờ cũng là một hiện tượng tự nhiên nhưng với khối lượng bùn cát lớn, khoảng 160 triệu tấn mỗi năm nên các đoạn sạt lở ít hơn bồi lắng. Hơn 40 năm trước, đồng bằng vẫn mở rộng, tiến ra biển từ 60 – 70 mét đến gần 100 mét mỗi năm, đặc biệt khu vực vùng Bán đảo Cà Mau. Ở đất liền, các cù lao hình thành và sông rạch được bồi tụ, liên tục phải nạo vét. Xưa kia, các đoạn sông Tiền và sông Hậu, chảy qua vùng An Giang và Đồng Tháp có nhiều mỏ cát chất lượng tốt cho xây dựng, như ở mỏ cát Tân Châu, Năng Gù,… cát hạt to màu vàng ánh khá nhiều, thậm chí trong mỏ còn có nhiều hạt sạn sỏi kích thước lớn.

Có thể nói không ngoa rằng, nếu nhân cách hoá xem cả ĐBSCL là một cơ thể sống với các hệ sinh thái đa dạng thì chính lượng bùn cát này là khung xương cho hình hài cơ thể, đất và cây trồng là da thịt và dòng sông là các mạch máu nuôi dưỡng cho vùng châu thổ này. Cát là một tài nguyên khó tái tạo. Một cơ thể sống mà khung xương yếu kém sẽ dễ dàng đổ gãy.

Tuy nhiên, khoảng 20 – 30 năm gần đây, từ khi có quá trình hình thành các đập thuỷ điện ở Trung Quốc và Lào trên các dòng chính và hàng chục hồ thuỷ điện ở các dòng nhánh, cộng thêm hiện tượng biến đổi khí hậu, thêm yếu tố khai thác cát quá mức tại các địa phương, cộng thên nạn phá rừng ngập mặn, nạo vét các giồng cát ven biển, nguồn cát còn lại trên sông Mekong đang sụt giảm ở mức báo động, giá cát xây dựng và san lấp không ngừng tăng giá vì khan hiếm.

Theo nhiều khảo sát độc lập, hàm lượng bùn cát trên sông Mekong đang giảm xuống hơn 50%, chỉ còn xuống đồng bằng 70 – 80 triệu tấn mỗi năm (số liệu đến năm 2014 – 2015), đồng thời các kết quả quan trắc hằng năm cho kết quả hàm lượng chất rắn, phù sa lơ lửng cũng đang trên đà giảm sút với tốc độ 2,5%/năm. Hệ quả là hiện tượng sạt lở, lún sụt ở ĐBSCL do tình trạng “nước đói phù sa” trong dòng chảy sông Cửu Long. Hiện nay, mỗi năm đồng bằng bị mất đi 500 – 550 ha đất cư trú và sản xuất. Hiện tượng bạc màu đất do thiếu phù sa cũng đang bộc bộ dấu hiệu rõ nét. Khai thác cát cũng làm hạ thấp cao trình đáy sông khiến nước mặn xâm nhập sấu hơn vào mùa khô.

Sạt lở và lún sụt đang trở nên một hiểm hoạ như là một thiên tai nguy cấp đe doạ sự phát triển bền vững cho cả đồng bằng hiện nay và tương lai. Mỗi năm, để chống đỡ cho sự thiệt hại kinh tế do sạt lở, cả 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL đã bỏ hàng ngàn tỷ đồng để hạn chế, chứ không ngăn cản hoàn toàn tình trạng sạt lở. Năm 2020 vừa qua, tỉnh Đồng Tháp có công văn trình Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ kinh phí cấp bách với mức gần 1.000 tỷ đồng để xử lý sạt lở và di dời dân vùng sạt lở. Ở tỉnh An Giang mấy năm qua, đã phải bỏ ra hàng trăm tỷ chỉ để “vá” các đoạn sạt lở trên đoạn qua huyện Châu Phú. Tổn thất kinh tế này cũng xảy ra tương tự cho hầu hết các tỉnh ĐBSCL, gây bất an xã hội và gây mất mát nhiều nguồn tại nguyên đất đai và rừng, gần như vô cùng khó khăn để có thể cứu vãn.

Sạt lở liên tục diễn ra ở hai bên bờ sông và bờ biển vùng châu thổ. Ảnh một đoạn sạt lở ở Châu Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: tác giả chụp năm 2018

Câu chuyện gây chú ý gần đây ở tỉnh An Giang, ngày 26/3/2021, khi đấu giá mỏ cát khoảng 2,3 triệu m3 ở lòng sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới với giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng, một doanh nghiệp là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ T-S.HOME đã trúng đấu giá với mức giá hơn 2.800 tỷ đồng! Mức bỏ thầu này vô tiền khoáng hậu, cao hơn 390 lần so với giá khởi điểm làm nhiều người nghi ngờ chuyện thực chất sau cú trúng thầu này là gì? Giả sử với mức giá đấu thầu này được thực thi thì giá cát trên mỗi mét khối ở thị trường vật liệu xây dựng ĐBSCL phải cao ngất ngưỡng đến mức người nghèo khó có thể xây nhà!.

Cho dù mỗi năm tỉnh An Giang có thu lợi từ “bán tài nguyên” hơn trăm tỷ đồng nhưng sẽ “lợi bất cập hại”, nếu tính chung thiệt hại cho cả đồng bằng. Nếu cứ mỗi địa phương tự bán quyền khai thác cát trên địa phận quản lý của mình, cho dù tất cả đều nói là “làm đúng quy trình, đúng sự cho phép của pháp luật”, thì tiến trình sụp đổ cả vùng châu thổ sẽ diễn ra sớm hơn, thời gian không tính bằng thế kỷ nữa mà sẽ giảm xuống bằng thập niên, thậm chí các làng mạc, vùng đất yếu, nhạy cảm, sự tồn tại chỉ còn tính theo năm tháng.

Thật là sai lầm khi cho rằng việc khai thác cát tại địa phương này không ảnh hưởng đến tình trạng sạt lở ở các địa phương khác và không có các tác động cho cả đồng bằng, thậm chí lan rộng ra vùng biển chung quanh. Cát là một tài nguyên khó tái tạo, đôi khi mất hàng chục, hàng trăm năm mới hình thành các mỏ cát. Mất hoặc thiếu cát có thể dẫn đến các tác động bất lợi như một sụp đổ dây chuyền và cộng hưởng mang tính chất xuyên vùng.

Đã đến lúc, chính phủ và các nhà quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên ở Trung ương và địa phương phải sửa lại các quy định, coi tài nguyên cát, cũng nhưng nguồn nước sông Cửu Long, là tài sản chung của cả đồng bằng. Chiến lược khoa học cho khai thác cát ở một chừng mực phải xem xét trên quy mô tiểu vùng và cả đồng bằng. Việc đấu thầu khai thác cát cần phải có ý kiến tham vấn với các nhà khoa học môi trường và ý kiến của người dân ở các tỉnh khác.

Giải quyết sự thiếu hụt cát xây dựng và san lấp phải mang tính tổng hợp theo hướng thay đổi kiến trúc, kết cấu công trình, giảm khối lượng bê tông, chọn gạch xây tường vách không tô trét, khung sườn nhà bằng vật liệu thép, nhôm, kính. Khuyến khích các kiểu kiến trúc nhà trên trụ, để trống tầng dưới nhằm giảm khối lượng san lấp và tạo không gian cho mùa ngập lũ, sử dụng tro xỉ, vật liệu tái chế, gạch đá tháo dỡ công trình làm vật liệu san lấp, không phê duyệt các dự án sân golf vì các sân golf phải dùng rất nhiều cát để san lấp và tạo địa hình (ví dụ như trường hợp sân golf ở cồn Ấu, dưới chân cầu Cần Thơ phải cần khoảng 1 triệu m3 cát để san lấp và xây dựng).

Xem xét lại sự cần thiết các công trình ngọt hoá vùng ven biển có cần thiết không khi phải huy động hàng triệu mét khối đất và cát để tạo cá các đê bao ngăn mặn? Về xa hơn phải nghĩ đến dùng cát nhân tạo hoặc nhập cát từ các nơi khác cho vùng đồng bằng. Các chọn lựa khai thác cát quá mức gây sạt lở hoàn toàn là sự chọn lựa “gây hối tiếc cao”, trái với tinh thần “thuận thiên” của Nghị quyết 120 của Chính phủ.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Tôi từng đọc đâu đó, quên mất xuất xứ, câu chuyện “nếu giao cho CS quản lý vấn đề sử dụng cát tại sa mạc Sahara, thì chỉ một thời gian sau họ sẽ kêu ca rằng họ đang thiếu cát”
    Một mỉa mai gây cười mỉm, để nói rằng người cs là chúa lạm dụng, túi tham của họ không đáy.
    “Vấn đề với chủ nghĩa xã hội là đến một lúc nào đó nó sẽ tiêu hết sạch tiền của mọi người khác” là lời của Margaret Thatcher trong Hồi ký Bà Đầm Thép.

  2. Bọn Ceo hà lụi chúng dậy mọi ng rằng: BÁN TẤT CẢ NHỮNG GÌ CHÚNG NÓ CẦN MUA.
    Than thì đã bán hết, nay phải nhập từ ìndo về chạy nhà máy điện
    Dầu khí bán gần sạch, rất may Trung cộng nó tranh chấp chứ không dầu cũng bán sạch rồi
    Cát chúng bán sạch trơn từ cát biển đến cát lợ, cát sông, với ný do chính đáng là nạo vét luồng.
    Còn mỗi cái lăng bác hồ, di sản cuốc gia, niềm kiu hãnh của ” nhân sỹ trí thức hà lụi” bán chó nó mua nên vẫn còn và còn mãi.

  3. Đảng chó này có đến hàng vạn giáo sư tiến sỹ, chưa kể tiềm năng các lò ấp sắp nở. Đảng là lãnh đạo đỉnh cao, tầm nhìn xa đến hàng trăm năm sau. Tất nhiên chúng không cần nghe ai, điếc không sợ súng, ngu không sợ thày.

Leave a Reply to HuePhan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây