Bản tin ngày 10-4-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

VnExpress có bài của TS Võ Nhật Vinh: Vũ khí bản đồ. Bên cạnh lực lượng “dân quân biển” đang hoành hành ngoài Biển Đông, tác giả lưu ý, một lực lượng “dân quân” khác đang tràn lan trên không gian mạng internet, truyền bá “hàng trăm đường lưỡi bò trong các tài liệu khoa học trên Internet” nhằm “hiện thực hóa và quốc tế hóa tham vọng của họ trên Biển Đông”.

Tác giả đề xuất, cộng đồng khoa học VN mạnh dạn sử dụng thuật ngữ “biển Đông Nam Á” trong các công bố khoa học hay trên truyền thông, để tạo hiệu ứng thay thế khái niệm “biển Nam Trung Hoa” (South China Sea), vốn đã được quốc tế hóa. Theo tác giả, “biển Nam Trung Hoa” là một cái tên từ góc nhìn phiến diện mà ra, giống như “Tết Trung Hoa” (Chinese New Year), đáng ra phải gọi chính xác là “Tết Âm lịch”.

Báo Thế Giới và VN có bài: Nhà báo trẻ từ phương Tây và cuộc phỏng vấn đầu tiên với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Bài báo dẫn lại toàn văn nội dung bài phỏng vấn hồi tháng 6/1984 của nhà báo Thomas Bo Pedersen với cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, sau gần 37 năm, bây giờ mới được nhắc tới. Trong bài có đoạn ông Thạch nói về Biển Đông:

“Việc Trung Quốc tiếp tục chiếm đóng trái phép các đảo của Việt Nam ở Biển Đông là một lời nhắc nhở hàng ngày về chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Đây không chỉ là vấn đề đối với Việt Nam. Nếu Trung Quốc nắm quyền kiểm soát Biển Đông, nó sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng với những hệ lụy trong khu vực cũng như toàn cầu”. Hơn 6 năm sau khi ông Thạch nói câu này, ông đã bị loại khỏi đoàn ngoại giao VN sang TQ dự Hội nghị Thành Đô vào tháng 9/1990.

Trang An Ninh Thủ Đô có bài: Trung Quốc tăng cường tiềm lực hải quân để thực hiện tham vọng chủ quyền ở Biển Đông. Cùng với việc huy động hàng trăm tàu dân binh đe dọa lãnh hải của Philippines, TQ còn triển khai nhiều loại khí tài mới như tàu tên lửa Type 022 và tàu khu trục Type 055. Loại tàu Type 055 được cho là sở hữu số ống phóng tên lửa nhiều hơn cả tàu khu trục Arleigh Burke của Mỹ.

Văn phòng tình báo hải quân Mỹ (ONI) cảnh báo, hải quân TQ đã bước vào “cơn sốt” đóng tàu lớn chưa từng thấy. Năm 2015, hải quân TQ chỉ có 225 chiến hạm trong biên chế, đến cuối năm 2020, con số này đã lên tới 360 chiến hạm, nhiều hơn 63 chiếc so với số tàu trong biên chế hải quân Mỹ. Chỉ riêng trong năm 2019, TQ đã hạ thủy 24 chiến hạm, từ tàu khu trục đến tàu đổ bộ và tàu hạng nhẹ.  

Báo Thanh Niên có bài: Khi tàu chiến Mỹ đổ dồn về Biển Đông. Có 2 nhóm tác chiến của hải quân Mỹ đang cùng lúc hoạt động ở Biển Đông, là nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và nhóm tàu đổ bộ USS Makin Island, với chương trình tập trận liên hiệp hải quân nhằm hướng tới mục tiêu khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và rộng mở. 

TS Satoru Nagao, từ Viện Nghiên cứu Hudson của Mỹ đưa ra 3 lý do giải thích hoạt động của Mỹ ở Biển Đông: Áp lực ngày càng tăng của TQ vào Đài Loan; sự hiện diện của hàng trăm tàu dân binh, cùng với tàu hải cảnh và tàu hải quân TQ ở khu vực cụm đảo Sinh Tồn; trước cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Yoshiro Suga tại Tòa Bạch Ốc sẽ diễn ra vào ngày 16/4, Mỹ cần thể hiện cam kết với khu vực. 

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Ông Biden đề xuất chi tiêu quốc phòng 715 tỉ USD chống lại ‘thách thức hàng đầu’ Trung Quốc. Bản tóm tắt đề xuất ngân sách do Tòa Bạch Ốc công bố ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất mức chi tiêu quốc phòng đến 715 tỉ Mỹ Kim cho Lầu Năm Góc trong năm 2021, với lý do ưu tiên “sự cần thiết của việc chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc là thách thức hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ”.

***

VnExpress đưa tin: Trung Quốc điều 11 máy bay quân sự áp sát Đài Loan. Cơ quan phòng vệ Đài Loan xác nhận, hôm qua, đã có 11 máy bay quân sự TQ áp sát Đài Loan. Đội hình máy bay TQ có 4 máy bay tiêm kích đa năng J-10, 4 máy bay tiêm kích đa năng J-16, một máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không KJ-500, một máy bay tác chiến điện tử Y-8 và một máy bay tuần thám săn ngầm Y-8. 

Nhóm máy bay TQ đã bay vào khu vực phía tây nam Đài Loan, nằm giữa Đài Loan và quần đảo Đông Sa. Lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan đã triển khai tiêm kích ứng phó, phát cảnh báo qua vô tuyến và đặt lực lượng phòng không vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Phía Đài Loan cho biết, hầu như ngày nào cũng có máy bay quân sự TQ đến khiêu khích. 

Báo Thanh Niên đưa tin: Đài Loan chuẩn bị tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Lực lượng tuần duyên Đài Loan xác nhận, quân đội nước này sẽ tổ chức tập trận chống nguy cơ đổ bộ từ TQ, gồm nội dung diễn tập sử dụng tên lửa chống thiết giáp Kestrel: “Chúng tôi sẽ tiến hành hai cuộc tập trận bắn đạn thật vào ngày 25.4 và ngày 5.5. Chúng tôi đã gửi thông báo đến các cơ quan hữu trách, yêu cầu họ cảnh báo ngư dân và máy bay tránh xa khu vực tập trận bắn đạn thật”.

Quần đảo Đông Sa ở phía đông bắc Biển Đông, khu vực do Đài Loan kiểm soát nhưng gần đây thường xuyên bị các lực lượng quân sự từ TQ đại lục đến khiêu khích. Ảnh: Reuters/TN

Một quan chức quốc phòng Đài Loan cho biết, các cuộc tập trận sẽ diễn ra ở quần đảo Đông Sa, cách thành phố cảng Cao Hùng của Đài Loan khoảng 450 km về phía tây nam: “Lực lượng đóng quân ở Đông Sa sẽ bắn thử các loại vũ khí hiện hữu như súng cối 120 mm và pháo 40 mm, 20 mm cùng tên lửa Kestrel, nhằm ứng phó tình huống xảy ra một cuộc tấn công đổ bộ”.

Mời đọc thêm: Philippines: Trung Quốc “hoàn toàn coi thường” luật pháp quốc tế ở Biển Đông (VOV). – Chiến đấu cơ Nhật xuất kích 458 lần để ứng phó máy bay Trung Quốc (TN). – Ông Biden đề xuất ngân sách quốc phòng “khủng” vì Trung Quốc (NLĐ). – Mỹ ấn định ngày xem xét dự luật đối phó Trung Quốc (Zing). – Bộ Ngoại giao Mỹ ra chỉ dẫn nới lỏng hạn chế trong quan hệ với Đài Loan (ANTĐ). – Mỹ tiếp tục bán vũ khí hiện đại cho Đài Loan dưới thời Tổng thống Joe Biden (TG&VN). 

Quan hệ Việt – Trung

VOV đưa tin: 4 tỉnh biên giới Việt Nam hợp tác với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Hội nghị trực tuyến giữa Bí thư Tỉnh ủy 4 tỉnh biên giới phía Bắc: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang với Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của TQ, cùng với Hội nghị lần 12 Ủy ban công tác liên hợp giữa 4 tỉnh và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, diễn ra tại tỉnh Cao Bằng vào hôm qua 9/4.

Hội nghị trực tuyến có chủ đề “Thắm tình hữu nghị, chủ động thích ứng, tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển” do tỉnh Cao Bằng chủ trì thực hiện. Ảnh: VOV

Tại hội nghị với chủ đề “Thắm tình hữu nghị, chủ động thích ứng, tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển”, hai bên VN – TQ thống nhất “thúc đẩy giao lưu, gắn kết mật thiết giữa nhân dân các địa phương”, bằng các hoạt động gia tăng tình hữu nghị, như thể tình hình căng thẳng ở Biển Đông không có liên quan gì tới biên giới đất liền.

VOA có clip: Lãnh đạo biên giới Việt-Trung họp trực tuyến.

Mời đọc thêm:  Bí thư 4 tỉnh biên giới Việt Nam họp với Bí thư khu tự trị ở biên giới Trung Quốc (VOA). – Truyền thông Trung Quốc: Với ban lãnh đạo mới, Việt Nam sẽ “nổi bật hơn” trong khu vực (VOV). – Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ hai cho Trung Quốc (VNBiz). 

Tin môi trường

VOV đưa tin: Nguồn nước trữ ngọt phục vụ hơn 1 triệu dân ở Tiền Giang có nguy cơ ô nhiễm. Các đập thép ngăn mặn, trữ ngọt tại 2 huyện Châu Thành, Cai Lậy được hoàn thành sau hơn 2 tháng, nguồn nước trong hệ thống kênh rạch này có nguy cơ ô nhiễm trầm trọng. Tình hình nghiêm trọng nhất là ở kênh Nguyễn Tấn Thành, huyện Châu Thành, “nhiều khu vực nguồn nước có biểu hiện kém chất lượng do nước thải chưa qua xử lý từ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp xả thải xuống dòng kênh”.

Lượng nước xả từ các khu dân cư, doanh nghiệp ra kênh trữ ngọt gây ô nhiễm trầm trọng. Ảnh: VOV

Tình hình ô nhiễm ở Quảng Nam: Nằm giữa vùng dự án, cuộc sống người dân bị đảo lộn, theo báo Lao Động. Một người dân ở khối Hà My Trung, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn cho biết, hoạt động thi công dự án ở địa phương đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống 6 hộ dân, dự án đổ đất cao hơn nền nhà người dân và trận mưa bão cuối tháng 10/2020 làm nước tràn vào nhà hơn 1m.

Ông Trương Công Quốc, một người dân địa phương cho biết: “Nhà tôi thấp hơn mặt bằng của dự án 1,5m mà nằm giữa dự án, cứ mưa lớn, nước lại đổ về gia đình tôi cùng các hộ ở đây. Hệ thống thoát nước đã cao hơn nhà tôi rồi thì làm sao thoát nước kịp. Mùa mưa là vậy, còn vào thời tiết nắng thì bụi bay mù mịt phải đóng cửa cả ngày”.

Nghệ An TV có clip về vụ ô nhiễm ở thành phố Vinh: Hồ điều hoà ô nhiễm nặng.

Diễn biến mới vụ thủy sản chết hàng loạt trên sông Mã: Đề nghị thủy điện xả nước, báo Thanh Niên đưa tin. Liên quan đến hiện tượng các loại thủy sản trên sông Mã chết hàng loạt, kéo dài gần một tháng qua, ông Võ Minh Khoa, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, xác nhận, ông đã liên hệ với lãnh đạo Thủy điện Bá Thước 2, bàn về vấn đề xả nước, để xem có giải quyết được tình trạng thủy sản chết trên sông Mã hay không.

Thủy sản trên sông Mã đã chết kéo dài gần 1 tháng qua. Ảnh: Minh Hải/TN

Mời đọc thêm: Sở TN&MT TP.HCM yêu cầu 2 công ty xử lý rác thải khắc phục ô nhiễm (TNMT). – TPHCM: Nước kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đen kịt, nguy cơ ô nhiễm trở lại (LĐ). – Thái Nguyên đốc thúc các sở, ngành, địa phương kiểm soát ô nhiễm không khí (TN). – Cá chết dạt vào bờ biển ở Nghệ An nhiều ngày liên tiếp (RFA). – Khủng hoảng khí hậu khủng khiếp hơn ta nghĩ. Và nếu nghĩ, thì ta sẽ làm chi đời ta? (VOA). – Cháy rừng tồi tệ nhất trong nhiều năm qua gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Nepal (VTV).

Bế tắc ở Miến Điện

Chế độ quân phiệt Myanmar tuyên án tử hình 19 người, VnExpress đưa tin. Tòa án binh Miến Điện vừa tuyên án tử hình 19 người, với cáo buộc những người này đã sát hại phụ tá của một đại úy. Kênh Myawaddy của quân đội Miến thông báo, vụ giết người xảy ra vào ngày 27/3 tại quận Bắc Okkalapa của TP Yangon, nhưng không nói rõ vụ xét xử có diễn ra khách quan, với đầy đủ bằng chứng hay không. 

Trên đường phố Miến Điện, quân đội tiếp tục sát hại người biểu tình, khiến ít nhất 10-20 người thiệt mạng gần một ngôi chùa tại thị trấn Bago hôm qua 9/4. Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) thống kê, đã có ít nhất 614 người dân Miến Điện bị giết bởi lực lượng quân đội và an ninh từ sau vụ đảo chính 1/2 đến nay và có gần 3.000 người bị bắt.

BBC có bài: Dân Myanmar chạy sang Ấn Độ để thoát bạo lực. Một phụ nữ Miến Điện giấu tên, kể về hành trình trốn khỏi nhà ở huyện biên giới Tamu hồi đầu tháng 4/2021, cùng với các chị gái và con gái. Cả nhóm đã vượt biên giới để tới bang Manipur, thuộc miền đông bắc Ấn Độ. Bà nói: “Tôi đã có cơ hội trốn thoát ngay bây giờ… Nếu tôi đợi lâu hơn, tôi có thể không còn cơ hội khác nữa”.

Người dân Miến đi theo các con đường đất xuyên rừng để sang bên kia biên giới. Ảnh: BBC

Hai người phụ nữ khác trong nhóm vượt biên nói trên cho biết, chồng của họ và những người đàn ông khác trong gia đình vẫn ở Miến Điện: “Nam giới có thể chiến đấu nếu cần. Đối với phụ nữ chúng tôi, rất khó để trốn thoát nếu quân đội bất ngờ ập đến”. Trước đó, chính quyền bang Manipur đã yêu cầu các huyện biên giới “lịch sự quay lưng” với người tị nạn vượt biên, nhưng phải rút lại lệnh này sau khi bị phản đối.

Diễn biến mới hậu đảo chính tại Miến Điện: Mỹ kêu gọi Hội Đồng Bảo An can thiệp, RFI đưa tin. Trong cuộc họp ngày 9/4 tại Hội Đồng Bảo An, đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield đặt câu hỏi: Liệu rằng định chế này tiếp tục “chần chừ, do dự về những câu chữ trong một bản tuyên bố mới, hay sẽ can thiệp để cứu mạng những người dân Miến Điện?”  

Còn Đại sứ Miến Điện Kwo Moy Tun đã kêu gọi Hội Đồng Bảo An LHQ “tận dụng tất cả những phương tiện có được trong tay để tập đoàn quân sự ngừng những hành động khủng khiếp”. Ông Kwo Moy Tun đề xuất lập vùng cấm bay, ngăn chế độ quân phiệt Miến Điện thực hiện các cuộc không kích nhắm vào những người dân mà họ cho là hợp tác với các nhóm vũ trang.  

Mời đọc thêm: Quân đội Myanmar tuyên tử hình 19 người (TN). – Myanmar tuyên án tử hình 19 người vì giết phụ tá một đại úy (TT).Quan chức Liên Hợp Quốc đề nghị tới thăm, Myanmar từ chối (VNN). – Đại sứ Myanmar tại LHQ kêu gọi lập vùng cấm bay với quân đội (PLTP). – London cho phép Đại sứ Myanmar tiếp tục ở lại Anh sau khi bị chính quyền quân sự sa thải (TĐ). – Sau vụ Đại sứ Myanmar tại Anh bị nhốt bên ngoài, kịch bản tương tự sẽ diễn ra tại Berlin? (TG&VN).  

***

Thêm một số tin: Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cử người vào TP.HCM nghiên cứu quy hoạch TP.Thủ Đức (TN). – Bắt bớ vô cớ sẽ gia tăng qua trường hợp Nguyễn Thúy Hạnh (RFA). – Vụ án 39 người Việt chết ở Anh: Thẩm phán bác lệnh chống dẫn độ một thiếu niên Việt Nam (VOA). Singapore: Chuyển quyền sang thế hệ lãnh đạo thứ 4 ra sao? (BBC). – Anh Quốc tưởng niệm hoàng thân Philip (RFI).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Đọc tin báo nguy môi trường sông ngòi ở Vn bị ô nhiễm nghiêm trọng mà buồn, đảnh của ông Trọng xài tiền thuế của dân vô tội vạ nhưng không hề quan tâm đến môi sinh, họ cho là không quan trọng chăng ? Họ học theo quan thầy TC từ mọi cái kể cả việc không đoái hoài đến cuộc sống của dân, đảng của Trọng là đảng thổ tả.

Leave a Reply to Choi Song Djong Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây