Mỹ: Lục quân điều chỉnh để thích ứng với xung đột ở Thái Bình Dương

Blog VOA

Trân Văn

7-4-2021

Một số sĩ quan cao cấp nhất của Lục quân Mỹ vừa khẳng định: Những thay đổi gần đây cả về cấu trúc, chiến thuật lẫn trang bị đều nhằm giúp lục quân có thể thích ứng với những đặc điểm của khu vực Thái Bình Dương chứ không phải để thay thế vai trò của Thủy quân lục chiến Mỹ tại khu vực này (*).

Từ khi Trung Quốc trở nên hung hăng và trở thành ẩn họa ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, Thủy quân lục chiến Mỹ đã có những thay đổi đáng kể về cấu trúc lực lượng, chiến thuật và trang bị. Các đơn vị của Thủy quân lục chiến Mỹ đã được sắp xếp lại theo hướng gọn hơn, linh hoạt hơn so với cấu trúc của binh chủng này trong các cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan. Thủy quân lục chiến Mỹ đang giải thể các đơn vị tăng, giảm cả số lượng đại bác lẫn các khẩu đội pháo binh cơ động, thành lập những trung đoàn chuyên tác chiến cận duyên, trang bị thêm hỏa tiễn địa – hải chuyên tiêu diệt chiến hạm được đặt trên các loại thiết giáp đa năng…

Chẳng riêng Thủy quân lục chiến – binh chủng thuộc quân chủng Hải quân Mỹ, Lục quân Mỹ cũng đang tái cấu trúc theo hướng tương tự. Giờ, ưu tiên hàng đầu cho hỏa lực của Lục quân Mỹ là thành lập các đơn vị pháo binh chuyên sử dụng hỏa tiễn tầm trung, tầm xa có thể điều hướng, những khẩu đội có thể sử dụng các loại pháo siêu thanh.

Tại cuộc hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) tổ chức vào tuần trước, tướng James McConville – Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, bảo rằng: Tái cấu trúc lục quân, chuyển hướng từ việc không ngừng gia tăng khả năng triển khai nhanh trên toàn cầu, sang nâng cao khả năng thực hiện ngay các chiến dịch cụ thể ở Thái Bình Dương có thể khiến một số người nghĩ rằng, dường như lục quân Mỹ đang có khuynh hướng trở thành bản sao của Thủy quân lục chiến Mỹ nhưng nhận định đó chưa thấu đáo. Những thay đổi đã cũng như đang diễn ra, dẫu có một số điểm tương đồng với những thay đổi của Thủy quân lục chiến đều do đặc điểm của khu vực và đối thủ

Theo tướng McConville: Nếu xung đột với Trung Quốc bùng phát tại các đảo ở biển Đông (South China Sea), biển Hoa Đông (East China Sea – vùng biển tiếp giáp cả với Đài Loan, Nhật lẫn Nam và Bắc Triều Tiên), không chỉ Thủy quân lục chiến mà lục quân cũng sẽ có vai trò hết sức quan trọng, tự điều chỉnh để ứng phó ngay lập tức là tất nhiên.

Tướng Paul LaCamera – Tư lệnh lực lượng Lục quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương, giải thích cặn kẽ hơn: Tất nhiên, Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ là lực lượng tiên phong và Lục quân Mỹ sẽ theo sát phía sau để Thủy quân lục chiến Mỹ có thể dễ dàng tiến về phía trước. Đó là tình huống mà Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương buộc phải dự liệu để chuẩn bị khả năng đáp ứng. Trên thực tế, Lục quân Mỹ đã cũng như đang và sẽ còn sát cánh với Thủy quân lục chiến Mỹ trong tập luyện. Thủy quân lục chiến Mỹ và Lục quân Mỹ đã cùng rèn luyện khả năng phối hợp trong một chiến dịch qua các cuộc tập trận có tên Balikatan và Cobra Gold.

Tướng LaCamera nhấn mạnh: Huấn luyện chung giữa Thủy quân lục chiến và Lục quân song song với việc vận hành cấu trúc mới theo chiến thuật mới, sử dụng các trang bị mới sẽ còn tiếp tục vì đặc điểm khu vực và đặc điểm đối thủ là yếu tố sẽ khiến cuộc chiến khác với Thế chiến thứ hai. Điều đó không đơn thuần là tranh đua trong thể hiện sức mạnh quân sự mà là rèn luyện – nâng cao khả năng ứng phó nếu xảy ra xung đột thật sự ở bất kỳ thời điểm nào.

Chú thích

(*) https://www.armytimes.com/news/your-army/2021/03/30/soldiers-arent-fighting-marines-for-a-job-in-the-indo-pacific-chief-says/

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Hue Phan: Nếu Trung cộng tấn công Đài Loan hay các đảo ở Trường Sa của Việt Nam thì chỉ dùng TQLC và Bộ Binh đổ bô lên đảo và dùng chiến thuật căn bản như các trận đánh đã xảy ra ở vùng biên giới với Việt Nam năm 1979.

    Không quốc gia nào sẽ dùng vũ khí hóa học, sinh học, và nguyên tử, Cuộc chiến sẽ không là “bấm nút” để phóng hỏa tiển mang đầu đạn nguyên tử…vì quả đất này sẽ hoàn toàn bi hũy diệt. Không 1 quốc gia nào muốn gây tận thế cho nhân loại !

  2. @ Hai Truong, (Facebook)
    Thế chiến II có cùng bản chất chiến thuật/vũ khí quy ước như Tc I , chỉ khác về quy mô ác liệt và tổn thất mọi mặt lớn hơn nhiều. Nhưng đem chiến tranh Mỹ Trung, nếu xảy ra, để liên hệ với Tc II thì hoàn toàn không phù hợp nữa.
    Sau hơn 1/2 thế kỷ, vũ khí năm 2000-2021 hầu như hoàn toàn khác với hoả lực hồi 1939-45, do đó chiến thuật cũng phải khác nhiều. Bây giờ là chớp nhoáng, tàn phá kinh hoàng, tự động cao độ, không lệ thuộc cơ động xa; không cản trở không gian, thời gian, hầm hố boongke ẩn nấp. Hầu như đối phương cỡ Mỹ, Nga có thể với tới mọi nơi kể cả hang động. Đối phương có thể tạo sóng thần nhiễm phóng xạ để đánh vào vùng ven biển. Đối phương có thể phản công tự động dù bộ tổng tham mưu đã bị tiêu diệt…
    Độ tàn nhẫn vượt mọi giới hạn công pháp quốc tế, dư luận…Chiến tranh sinh học, hoá học có thể được tiến hành đồng thời ở hậu phương địch.
    Ai táo bạo, tàn bạo và nhanh nhất sẽ nắm thế chủ động.

    Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd James Austin vốn là một tư lệnh bộ binh, cho nên quán tính nghiệp vụ cũng như tư duy chiến thuật vẫn còn phảng phất ở cương vị mới. Bộ binh chỉ cần thiết ở chiến dịch chiếm đóng, sau khi hoả lực tên lửa, không quân, hải quân đã đè đầu quân địch ngay từ khai hoả.
    Với phán đoán và quyết định chiến lược đã được chọn, không còn thì giờ cân nhắc nữa, mà chỉ còn bấm nút tiến hành chiến dịch đã lập trình sẵn thôi!

Leave a Reply to HuePhan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây