Nghĩ về tiêu đề “Chúng ta hãy thức tỉnh”

Nguyễn Đình Cống

6-4-2021

Chúng ta hãy thức tỉnh. Đó là vấn đề về cái ác, sự tàn bạo, được nhiều người quan tâm. Gần nhất là phát biểu của TS Lê Kiên Thành trong bài “Tôi cầu mong, chúng ta sẽ thức tỉnh…”, kế đến Lưu Trọng Văn hưởng ứng trong bài “Hãy đọc lời cầu mong ấy và thức tỉnh” và Dương Quốc Chính bình luận trong bài “Tại sao dân Việt Nam lại tàn bạo với đồng loại như vậy?” Và bài “Thêm vài lời về bài viết của ông Lê Kiên Thành”.

Thức tỉnh về cái ác đang tràn lan, về sự tàn bạo với đồng loại. Tôi xin có vài lời trao đổi, bình luận về nguyên nhân, về chúng ta là ai và thức tỉnh như thế nào.

Xin không đề cập đến hiện tượng, nó đã được nêu trong phát biểu của TS Thành và xảy ra hàng ngày quanh ta.

Về nguyên nhân

TS Thành băn khoăn, tại sao trước đây, thời Hồ Chí Minh và Lê Duẩn, Đảng tốt thế, dân tốt thế, mà sao bây giờ… Rằng “Những gì đang diễn ra ở đất nước ta hôm nay, có lẽ cần phải được suy nghĩ cho thật kỹ”. Liệu ông đã suy nghĩ kỹ chưa khi cho rằng xuất phát là từ “mất dân chủ”? Ông phát biểu:

Tôi từng nói một điều rất đau khổ là bản thân chúng ta (*) chưa tạo được một cơ chế dân chủ cho chính Đảng của mình. Và khi chưa thể làm được điều đó, ta khó lòng tạo ra sự dân chủ cho cả xã hội. Và sự mất dân chủ này sẽ làm biến dạng ghê gớm, biến dạng sâu sắc Đảng. Sự biến dạng này nó sẽ gây ra những sự biến dạng trong các vấn đề khác: vấn đề về kinh tế, về xây dựng, về giáo dục, về con người…. Mà sự biến dạng đó sẽ vô cùng nguy hiểm!

Quả thật, sự mất dân chủ có góp phần tạo ra nhiều tai họa, nhưng đó chưa phải là nguyên nhân cơ bản của cái ác và sự tàn bạo. Hỏi tiếp: Cái gì tạo ra sự mất dân chủ ấy? Có lúc ông Thành băn khoăn, hay là lỗi tại hệ thống. Ông đặt ra mà không dám trả lời. Ông chỉ cầu mong hãy thức tỉnh. Và có lẽ phải rất bình tĩnh, rất chân thành, rất tha thiết, rất thẳng thắn để nhìn thẳng vào vấn đề, đối mặt với nó, chúng ta mới giải quyết được những vấn đề ấy.

Tôi cũng tìm nguyên nhân gốc các tai họa của xã hội Việt Nam hiện nay, quy về hai nguồn.

Một là, những yếu kém trong truyền thống văn hóa người Việt kết hơp và cộng hưởng với những độc hại của chủ nghĩa Mác – Lê.

Hai là, bị lệ thuộc quá nặng vào Trung Cộng, bị họ điều khiển, thao túng, truyền bá, huấn luyện thói tàn bạo.

Truyền thống người Việt có rất nhiều điều tốt, nhưng cũng chứa không ít thói hư tật xấu như tham lam, ích kỷ, dối trá, háo danh v.v… Khi gặp chính quyền liêm chính, anh minh thì điều tốt được phát huy, còn khi gặp chính quyền kém năng lực thì thói xấu phát triển.

Chủ nghĩa Mác – Lê có vài điều tốt, nhưng có những độc hại như đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, độc quyền tư tưởng, v.v… Trong thời kỳ Đảng Cộng sản còn vận động làm cách mạng, thì những độc hại này bị ẩn giấu hoặc được tô vẽ thành chính nghĩa, thành chân lý. Khi Đảng giành và giữ được chính quyền, trở thành thống trị, thì các độc hại phát tán mạnh mẽ.

Sự kết hợp nói trên rõ ràng nhất trong cải cách ruộng đất, nhưng phần lớn không do ai chủ trương và điều hành, nó tự động xảy ra, nương tựa vào nhau, không những chỉ kết hợp mà còn cộng hưởng.

Về vai trò của Trung Cộng, dân tộc Việt vốn nhân ái nhưng rồi vì lệ thuộc vào Trung Cộng mà bị khống chế, truyền dạy cho những thủ đoạn tàn độc nhằm mục đích đen tối.

Tìm nguyên nhân rồi còn phải quy trách nhiệm cho con người. Chưa quy được trách nhiêm thì tìm ra nguyên nhân cũng chỉ để biết. Để xảy ra tình trạng dân Việt tàn bạo, một phần nhỏ do một số người dân, nhưng phần lớn do chính quyền và lãnh đạo. Người ở cương vị càng cao trách nhiệm càng lớn.

Tôi tạm phân như sau: Trách nhiệm của dân chỉ vào khoảng dưới 20%. Trên 80% thuộc về Đảng, mà toàn thể đảng viên thường chỉ chịu dưới 15%, còn trên 65% thuộc về lãnh đạo, mà những người lãnh đạo cao nhất đóng góp trên 50%.

Về Đảng, nhiều người nhận xét rằng, cũng tên là Cộng sản nhưng thời trước và thời nay là hai đảng khác nhau. Dương Quốc chính cho là CS 0.1 và CS 0.2.

Tôi cho rằng không phải như thế. Vẫn đảng ấy thôi, vẫn chủ thuyết và chính cương ấy, điều lệ ấy, đường lối ấy. Vẫn ngụy biên là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc, vẫn ngộ nhận công nhân là giai cấp lãnh đạo.

Cái khác cơ bản của CS 0.1 và CS 0.2 là ở chất lượng đảng viên và người lãnh đạo. Đại đa số người nhìn vào phẩm chất đảng viên để đánh giá Đảng, không mấy ai nhìn vào chủ thuyết và đường lối.

Trước đây vào đảng là những người có sẵn bản chất tốt, dù họ xuất thân từ tầng lớp nào, họ yêu nước, căm thù cái ác cái xấu, họ trung thực, họ vào đảng để phấn đấu cho lý tưởng tốt đẹp dù có phải chịu gian khổ và hy sinh. Còn bây giờ số đông đảng viên, kể cả cán bộ các cấp là những kẻ cơ hội, không ít người vào đảng để có đặc quyền đặc lợi.

Cuộc cách mạng do đảng CSVN tiến hành đã phạm phải điều mà tổ tiên rất tránh. Đó là “Đuổi hổ cửa trước, rước sói cửa sau, để lại di họa cho con cháu”. Vậy sói ở đây là gì. Thần sói là Mác – Lê, tướng và quân sói là Trung Cộng.

Khi chấp nhận hai nguyên nhân kể trên thì hỏi tiếp để quy trách nhiêm. Vậy những ai đã đưa Mác – Lê về thờ phụng? Những ai đã nhất nhất theo sự huấn luyện của Trung Cộng, rước Trung Cộng về làm thầy? Không phải các đảng viên thường, càng không phải nhân dân.

Người ta thường tuyên truyền câu: “Cứu cánh biện minh cho hành động” mà không hiểu rằng “Gieo hành động sẽ gặt thói quen…”. Hành động tàn ác trong đấu tranh giai cấp, trong cách mạng vô sản, đã tạo ra thói quen tàn ác trong lãnh đạo, trong những người thừa hành, trong dân chúng.

Tướng Trần Độ là một trong những người tiên phong chống lại cái ác. Ông làm bài thơ:

Những mong xóa ác ở trên đời.

Ta phó thân ta với Đất Trời.

Tưởng ác xóa rồi thay cực thiện.

Không ngờ cái ác vẫn luân hồi”.

Ác luân hồi vì nó nằm sẵn trong đường lối. Và Trần Độ đã bị khai trừ đảng, bị chụp mũ là một trong những kẻ đứng hàng đầu trong “thế lực thù địch” của chế độ.

Về danh xưng “chúng ta”

Danh xưng chúng ta được dùng rộng rãi và tù mù. Có khi là tập hợp rất rộng rãi, có khi chỉ là một bộ phận nào đó mà người nói ở trong đó hoặc ở ngoài.

Ông Dương Quốc Chính đã có nhận xét đúng về danh xưng chúng ta trong phát biểu của TS Lê Kiến Thành. Ở chỗ được đánh dấu (*) thì chúng ta chỉ là nhóm lãnh đạo trong Đảng, còn trong câu: “Niềm tin và lý tưởng đã giúp chúng ta giải phóng đất nước” thì chúng ta là tập hợp rộng hơn.

Thông thường khi đọc hoặc nghe cụm từ “chúng ta”, phần lớn mọi người hiểu được “chúng ta” ở đây là tập hợp nào. Tuy vậy có một số tác giả không biết do vô tình hay cố ý mà dùng cụm từ “chúng ta” một cách lập lờ.

Trước hết cần phân biệt “chúng ta” gồm hai tập hợp chính: 1- Những người mang danh lãnh đạo và trong chính quyền. 2- Những người dân. Trong mỗi tập hợp lại chia ra một số tầng lớp.

Nói “Chúng ta hãy thức tỉnh” thì trước hết phải là những người ở cấp cao trong chính quyền. Họ phải tự thức tỉnh, được thức tỉnh đầu tiên và sâu sắc. Họ thức tỉnh rồi mới tạo đà thức tỉnh trong dân. Nếu vì quyền lợi cá nhân và nhóm lợi ích mà họ không chịu thức tỉnh, chỉ kêu gọi nhân dân thì đó chỉ là thủ đoạn bỉ ổi, đổ vấy.

Về nội dung thức tỉnh

Trước hết phải nhận thật rõ nguyên nhân và quy đúng trách nhiệm. Ông Thành phát biểu: “Và có lẽ phải rất bình tĩnh, rất chân thành, rất tha thiết, rất thẳng thắn để nhìn thẳng vào vấn đề, đối mặt với nó, chúng ta mới giải quyết được những vấn đề ấy”.

Vấn đề đó là gì? Phải chăng là những độc hại của Mác – Lê, là âm mưu thâm hiểm của Trung Cộng, rồi mới đến những thói hư tật xấu còn tồn tại trong truyền thống văn hóa dân tộc.

Thức tỉnh như thế nào? Trước hết phải để cho toàn dân mà chủ yếu là tầng lớp tinh hoa trí thức tự do tư tưởng, tự do ngôn luận (Buổi sáng ngày 5/7, tôi vừa đọc xong phát biểu của ông Thành trên mạng, vừa copy xong, xem lại thì đã bị tường lửa ngăn chặn).

Đã có nhiều bài lên án cái ác, sự tàn bạo của người dân, của công an, của chính quyền, nhưng phần lớn thông tin không đến được địa chỉ người cần biết.

Tôi thường phát biểu ý sau: “Một việc trong xã hội, dù có cần, có hay đến bao nhiêu cũng chỉ có thể thực hiện có kết quả khi nó trở thành nhận thức, tình cảm của những người có trách nhiệm ở bậc cao nhất”. Khi mà những người ấy còn lo những việc khác mà họ cho là quan trọng hơn thì những điều mà ông Thành và nhiều người nêu ra, đối với họ chỉ là vài vết ngứa ở trên da, chứ không phải là bệnh của cơ thể.

Về tham nhũng: Đó là bệnh nặng, là giặc nội xâm. Tham nhũng có nhiều loại. Tham nhũng vật chất dễ thấy, nhưng tham nhũng quyền lực, tham nhũng từ chính sách mới là ghê gớm.

Ông Chính nhận xét đúng, là CS 2.0 là nối tiếp CS 1.0. Nhưng ông lại cho rằng thời CS 1.0 ít có tham nhũng. Tôi không nhất trí với nhận định đó. Tham nhũng có trong bản chất của vô sản chuyên chính. Thời CS 1.0 chưa có nhiều vật chất thì họ tham nhũng quyền lực (trừ một số ít giữ được liêm chính nhờ phẩm chất tốt có sẵn từ trước).

Còn nhiều điều muốn bản thêm, nhưng bài đã khá dài, xin tạm dừng ở đây.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Ông Kiến Thành này đăng đàn hô khẩu hiệu, nghe qua: Giống hệt một ông nghiện rượu, trong cơn say lẩm bẩm tui sẽ bỏ rượu sao mấy ông kia không tính chuyện cai rượu đi hử.

  2. Khi một thằng đã được LOT VÁN từ khâu kiếm cái bằng tiến sĩ bỏ túi, rồi đứng vào hàng ngũ Đảng wang zinh, rồi thênh thang con đường sì ta ấp, nay đã ” mồ xanh cỏ đẹp” nó nỉ non về vận mệnh cuốc da. Thía mà tin được thì quả là Ngu hoặc là cá trê cùng bầy.
    Cá Trê là loài ăn tạp, ăn cả cứt.

  3. “Sự kết hợp nói trên rõ ràng nhất trong cải cách ruộng đất, nhưng phần lớn không do ai chủ trương và điều hành, nó tự động xảy ra”

    Rất đúng . Cải cách ruộng đất không do ai chủ trương & chả ai điều hành cả . CCRĐ chỉ tự phát rùi tự chìm, không ai phát động cũng chả ai điều hành, không ai viết bài cũng chả làm thơ … Nói chung là không có gì cả & cũng chả sao cả .

    “mà những người lãnh đạo cao nhất đóng góp trên 50%”

    Riêng Bác Hồ thì chỉ đóng góp ít thui, khoảng .5%.

    “Hai là, bị lệ thuộc quá nặng vào Trung Cộng, bị họ điều khiển, thao túng, truyền bá, huấn luyện thói tàn bạo”

    Nhưng BBC nói rằng họ không có ảnh hưởng cao . Đồng chí tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cũng viết họ chỉ wa Việt Nam để phụ trách những chiện xây dựng lặt vặt .

    Nói chung không phải tại ai cả, chả phải tại anh cũng không cả tại ả . Như thía mới vui cửa vui nhà, các bác ạ .

  4. Cái ác đang hiện hữu,nguyên nhân sâu xa gốc rễ cũng đã được xác định.Vấn nạn cần giải quyết là gì ? Vì cơ chế chăng ?Các vấn đề lịch sử đau thương của dân tộc hảy để cho lịch sử phán xét.Vấn đề căn bản hiện nay của đất nước là dân chủ đích thực,của dân hảy can đảm trả lại cho dân.Chỉ có tam quyền phân lập,tự do ngôn luân,báo chí ,lập hội,bầu cử trung thực…mới giải quyết vấn đề.

Leave a Reply to nghiemnv Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây