Bản tin ngày 6-4-2021

BTV Tiếng Dân

Tin chính trường

Báo Thanh Niên đưa tin: Bí thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường được giới thiệu làm Tổng thư ký Quốc hội. Chiều nay, có 441/ 442 “nghị gật” tham gia  bầu 5 uỷ viên Ủy ban Thường vụ QH mới, gồm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường; Phó chánh Văn phòng TƯ Nguyễn Đắc Vinh; Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ – Môi trường Lê Quang Huy và Phó trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Các uỷ viên Ủy ban Thường vụ QH vừa được bầu (từ trái qua): Ông Bùi Văn Cường; bà Nguyễn Thị Thanh; ông Lê Quang Huy; ông Vũ Hải Hà; ông Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Gia Hân/TN

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường được cho là người đứng sau vụ công an tỉnh Đắk Lắk, vào tận thành Hồ để bắt cóc võ sư, TS Phạm Đình Quý, cựu giảng viên ĐH Tôn Đức Thắng vào tối 23/9/2020. TS Quý đã lên tiếng tố cáo Bí thư Cường đạo văn, nên bị công an tỉnh Đắk Lắk bắt đi vì cáo buộc “vu khống”. Gần 7 tháng sau vụ bắt cóc, vẫn chưa có thông tin gì về TS Quý, còn kẻ đứng sau vụ bắt cóc thì được trao một trong các ghế quyền lực ở QH.

Sau vụ bắt cóc TS Phạm Đình Quý, nhà báo Trương Châu Hữu Danh cũng đã bị công an Cần Thơ bắt. Phía công an đưa ra lý do bắt người với cáo buộc mơ hồ “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, nhưng có ý kiến cho rằng một trong các nguyên nhân sâu xa khiến nhà báo Hữu Danh bị bắt là do ông Danh đưa tin, thể hiện sự ủng hộ với TS Quý, thách thức Bí thư Cường trên trang Facebook cá nhân. 

Đến nay, cả TS Quý và nhà báo Hữu Danh vẫn đang bị “tạm giam”. Hai vụ bắt người vi phạm nhân quyền nhanh chóng diễn ra rồi chìm vào im lặng, cho thấy quyền lực của một Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk lan đến tận Trung ương.    

RFA có bài: Từ “cậu bé nghèo vượt khó “Phạm Minh Chính” đến “cậu trò nghèo học giỏi” Vương Đình Huệ. Sau khi thủ tục “bầu chọn” đội hình “tứ trụ” khóa 13, các báo “lề phải” có một số tin bài theo motif chung: Tô vẽ quá khứ của các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ như các… học trò nghèo nhưng hiếu học và sớm vượt khó. Đến cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng được tô vẽ như vậy. 

Nhà báo Nguyễn Tiến Tường viết: “Một tờ báo đăng tải bài viết ‘Nghị lực của cậu học trò nghèo học giỏi trở thành Thủ tướng’ đã bị gỡ bỏ. Khen mà vẫn phải gỡ. Đây là chuyện hy hữu nhưng đáng mừng! Vì có thể lãnh đạo quốc gia đã quá nhàm chán, chai sạn những mô típ siểm nịnh cũ mèm. Tại sao lãnh đạo quốc gia cứ phải nghèo mà học giỏi. Tại sao cứ làm lãnh đạo là phải có một tuổi thơ dữ dội hơn người khác?” 

Mời đọc thêm: Mạng XH nói gì về tân chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc và thủ tướng Phạm Minh Chính? (BBC). – Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước và một số ủy viên Ủy ban Thường vụ QH (TTXVN). – Quốc hội bầu bà Võ Thị Ánh Xuân giữ chức Phó Chủ tịch nước (VOV). – Lần đầu tiên có Phó Chủ tịch nước 51 tuổi (VNN).

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV: Bầu 5 Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH (TTXVN). – Giới thiệu ông Bùi Văn Cường để bầu làm Tổng Thư ký Quốc hội (Zing). – Đề cử Bí thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường làm Tổng thư ký Quốc hội (VNE). Mời đọc lại: Giảng viên tố cáo bí thư Đắk Lắk bị ‘mời làm việc’ hay bị ‘bắt cóc’? (BBC). 

Tin nhân quyền

VOA đưa tin: Gia đình công dân Úc bị giam ở Việt Nam cầu cứu Thủ tướng Morrison. Gia đình của công dân Úc gốc Việt Châu Văn Khảm, người hiện bị giam giữ ở VN, đã cầu cứu chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison giúp đỡ, để đưa ông về nhà. Ông Khảm bị tòa án VN kết án 12 năm tù giam với cáo buộc tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.

Tin cho biết, ông Khảm bị buộc phải lao động khổ sai trong tù. Hãng tin ABC đã trích dẫn lá thư của ông Michael Phương Minh Nguyễn, công dân Mỹ gốc Việt được thả tự do hồi năm ngoái và từng là bạn tù của ông Khảm, gửi cho Ngoại trưởng Úc Marise Payne, nói rằng các điều kiện trong nhà tù đang “ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần” của ông Khảm.

RFA có bài về tình hình trại tạm giam Bố Lá đối xử khắc nghiệt: Nhà báo Nguyễn Tường Thụy sức khỏe yếu đi. Bà Huỳnh Thị Kim Nga, vợ ông Ngô Văn Dũng, bạn tù của nhà báo Nguyễn Tường Thụy cho biết: “Ở Bố Lá thì khắc nghiệt lắm! Anh Thụy thì cái tay bị đau không có tự làm việc được, có ảnh bên đó thì anh phụ anh Thụy, chứ giờ anh đi rồi thì không biết có ai giúp anh Thụy được không. Ảnh nói là anh Thụy lớn tuổi nên chậm hơn, khi mua đồ ăn ảnh không đi kịp như mấy người kia, lúc nào ra thì ảnh cũng bị hết với thiếu thức ăn hết”.

Mời đọc thêm: Dân phòng lạm quyền: vấn nạn chung khi có chút quyền! (RFA).  – Tuần hành chống kỳ thị ở Little Saigon: nhiều hưởng ứng nhưng cũng có dè bỉu (VOA). – Thêm người gốc Á bị hành hung ở New York (VNE). – Đầu tư châu Âu-Trung Quốc đau đầu vì yếu tố nhân quyềnNgoại trưởng Nhật ‘‘quan ngại sâu sắc’’ về tình hình nhân quyền ở Tân Cương (RFI).

Cập nhật tình hình Miến Điện

Hai chế độ độc tài đứng sau lưng thế lực đảo chính ở Miến Điện đều lên tiếng bảo vệ cho thế lực này. Báo Thanh Niên đưa tin: Nga cảnh báo các lệnh cấm vận Myanmar có thể châm ngòi nội chiến. Hãng thông tấn Interfax dẫn lời một người phát ngôn giấu tên của Bộ Ngoại giao Nga: “Những lời đe dọa và việc gia tăng áp lực bao gồm áp đặt các lệnh cấm vận chống lại chính quyền quân sự Myanmar hiện tại là cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ đẩy người Myanmar vào một cuộc nội chiến toàn diện”.

Với thái độ tương tự của Nga, Trung Quốc cảnh báo về ‘thế lực bên ngoài’ can thiệp Myanmar, theo báo Pháp Luật TP HCM. Ngoại trưởng TQ Vương Nghị kêu gọi các nước Đông Nam Á cảnh giác với các “thế lực bên ngoài” can thiệp vào Miến Điện: “Chúng tôi nhận thức rằng chúng tôi phải cảnh giác với một số thế lực từ bên ngoài can thiệp vào Myanmar với những mục đích bí mật, kích động gây rối và khiến tình hình trở nên phức tạp”. Nói như vậy, Trung Quốc là “thế lực bên trong” Miến Điện? Vương Nghị cũng là ngoại trưởng của Miến Điện?

Cả Nga và TQ đều làm ngơ thực tế là, đã có ít nhất 568 người thiệt mạng ở Miến Điện kể từ sau vụ đảo chính, theo số liệu do LHQ công bố hôm qua. Khả năng số người biểu tình chống đảo chính bị sát hại ở Miến Điện sẽ gia tăng, nếu không có sức ép từ bên ngoài, phản đối chế độ quân phiệt. Không tính đến các biện pháp quân sự, thì các lệnh trừng phạt là giải pháp can thiệp duy nhất, nhưng Nga và TQ đã tìm cách ngăn chặn. 

Sau khi đã sát hại hàng trăm người, chế độ quân phiệt xác định thêm mục tiêu mới: Quân đội Myanmar truy nã người nổi tiếng, diễn viên, ca sĩ ủng hộ biểu tình, theo báo Tuổi Trẻ. Báo Global New Light của Miến Điện công bố danh sách những người nổi tiếng, gồm diễn viên, ca sĩ và những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, bị chế độ quân phiệt buộc tội “lan truyền tin tức ảnh hưởng đến sự ổn định của đất nước”, với khung hình phạt lên đến 3 năm tù.

Người biểu tình cầm di ảnh những người đã chết trong các cuộc biểu tình phản đối nhà cầm quyền quân phiệt Miến Điện hôm qua. Ảnh: AP/TT

Trước đó, hoa hậu Myanmar phát biểu chống lại quân đội, theo BBC.  Tại cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế ở Thái Lan, cô Han Lay, Hoa hậu Hòa bình Myanmar đã lên tiếng phản đối hành vi tàn sát người dân của chế độ quân phiệt: “Hôm nay ở đất nước Myanmar của tôi… có rất nhiều người chết… Hãy giúp Myanmar. Chúng tôi cần sự giúp đỡ cấp bách của quốc tế ngay bây giờ”.

Cách thức biểu tình mới: Người biểu tình nhuộm đỏ thành phố Yangon, VTC đưa tin. Nguồn tin từ Reuters cho biết, hôm nay, người biểu tình đã phun sơn đỏ trên các con đường ở TP Yangon, để đánh dấu hàng trăm người bị bắn chết trong các cuộc biểu tình trên cả nước, từ ngày đảo chính 1/2 đến nay. Người biểu tình đã phun sơn đỏ lên vỉa hè, đường phố và nhà chờ xe bus nhằm truyền tải thông điệp: “Máu vẫn chưa khô”.

Người biểu tình sơn đỏ đường phố ở Yangon. Nguồn: Twitter Khin Yadanar Maung

Hãng tin Reuters có clip: Người biểu tình Miến Điện ném sơn đỏ trên đường phố.

Mời đọc thêm: Quân đội Myanmar truy nã loạt người nổi tiếng ủng hộ biểu tình (VNE). – Nga cảnh báo cấm vận sẽ đẩy Myanmar tới một cuộc nội chiến khốc liệt (Tin Tức). – Ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo các thế lực bên ngoài can thiệp vào Myanmar (VTC). – Myanmar phản pháo đặc phái viên LHQ về nguy cơ ‘tắm máu’ (PLTP).

Miến Điện: Quân đội cắt internet, người biểu tình tìm cách đối phó (RFI). – Mạng lưới bí mật giúp hàng trăm cảnh sát Myanmar vượt biên sau chính biến (TN). – Miến Điện: Phong trào phản đối đảo chính hoan nghênh sự tham gia của các sắc tộc (RFI). – Lãnh đạo ASEAN sẽ họp về vấn đề Myanmar ở Indonesia (Zing). – Nhìn lại những cuộc đảo chính chấn động thế giới 20 năm qua (KT). 

***

Thêm một số tin: Việt Nam khó cưỡng lại chính sách “ngoại giao vac-xin” của Trung Quốc (RFI). – ‘Cứ 2 tuần, có thêm 1 sân golf được cấp phép ở Việt Nam’ (TT). Mỹ yêu cầu Nga giải thích hành động ở biên giới Ukraine (NLĐ). – Giới nghiên cứu Mỹ-Đức vạch trần cơ chế “bẫy nợ” Trung Quốc (RFI).

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Đã có bao nhiêu mạng Người dân vô tội phải thế mạng để bùi văn cường, nguyễn hòa bình …. và bè lũ “đại nghịch bất đạo” được nắm quyền đè đầu cưỡi cổ dân!?

  2. Nga và TC luôn hậu thuẫn bọn máu me độc tài trên thế giới, một côn đồ đỡ đầu đã thấy mệt nay có hai côn đồ đỡ đầu thì đó là lý do tại sao quân đội Miến Điện mạnh tay bắn giết đồng bào.

Leave a Reply to có ai biết, Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây