Bản tin ngày 5-4-2021

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên đưa tin: Tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông. Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt, cùng với tàu tuần dương USS Bunker Hill và tàu khu trục USS Russell đã tiến vào Biển Đông từ sáng hôm qua 4/4. Chưa có thêm thông tin chi tiết về mục đích và nhiệm vụ của nhóm tàu này khi đến Biển Đông. 

Theo nguồn tin từ Reuters, sự kiện tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đến Biển Đông diễn ra ngay sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price bày tỏ quan ngại về tình trạng nhiều tàu “dân quân biển” TQ hiện diện trái phép gần đá Ba Đầu trong quần đảo Trường Sa của VN. Ông Price kêu gọi “Bắc Kinh dừng sử dụng dân quân biển để dọa dẫm và khiêu khích nước khác, tình trạng này làm suy yếu hòa bình và an ninh”.

Năm nước tập trận trên cửa ngõ ra vào Biển Đông, gởi thông điệp tới Trung Quốc, theo báo Tuổi Trẻ. Hải quân các nước Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và Pháp bắt đầu cuộc tập trận 3 ngày trên vịnh Bengal, khu vực “cửa ngõ” nối liền Biển Đông với Ấn Độ Dương, từ hôm nay. 

Báo Nikkei Asia của Nhật Bản nhận định, thông điệp của cuộc tập trận lần này rất rõ: Pháp và nhóm “Bộ Tứ” muốn tăng cường hợp tác và cảnh báo TQ. Nhà nghiên cứu Yogesh Joshi thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore bình luận: “Nếu các nước cùng chỉ ra các hành vi ác ý của Trung Quốc hoặc liên kết lại để chống lại sự quyết đoán của Bắc Kinh, rõ ràng lỗi đang nằm ở phía Trung Quốc”

Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: 3 ‘tâm bão’ địa chính trị đang hình thành tại khu vực AĐD-TBD? Các “tâm bão” lần lượt là Biển Đông, Biển Hoa Đông và vịnh Bengal, các khu vực đang có những diễn biến quân sự liên quan đến TQ. Ở Biển Đông, hàng trăm tàu dân binh TQ vẫn đang lộng hành ở quần đảo Trường Sa. Ở Biển Hoa Đông, TQ nhắm đến cả các đảo tranh chấp với Đài Loan và Nhật Bản. Còn vịnh Bengal là nơi diễn ra một số hành động của nhóm “Bộ Tứ” nhằm cảnh báo TQ. 

Báo Thanh Niên đưa tin: Nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương. Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo, họ phát hiện tàu sân bay Liêu Ninh của TQ cùng 5 tàu hộ tống đi qua eo biển Miyako ở phía nam Nhật Bản từ khuya 3/4 đến rạng sáng 4/4. Nhóm hộ tống tàu Liêu Ninh gồm 2 tàu khu trục Type 052D, một tàu khu trục Type 055, một tàu hộ tống Type 054A và một tàu hỗ trợ Type 901, tạo thành một nhóm tác chiến tàu sân bay. Đài NHK nhận định, nhóm tàu TQ có thể sắp tập trận ở Thái Bình Dương.

Nhóm tàu sân bay Liêu Ninh bị phát hiện khi đang băng qua vùng biển giữa đảo Okinawa và đảo Miyako để tiến ra Thái Bình Dương sáng hôm qua. Ảnh: Reuters/ SCMP

Bước leo thang căng thẳng mới liên quan đến tình hình tranh chấp Đá Ba Đầu ở Biển Đông: Philippines tố cáo Trung Quốc có kế hoạch chiếm thêm nhiều “thực thể”, RFI đưa tin. Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana cảnh báo: “Sự hiện diện liên tục của lực lượng dân quân biển Trung Quốc trong khu vực cho thấy ý định muốn chiếm đóng thêm các địa điểm ở Biển Tây Philippines”, đồng thời nhắc lại sự kiện TQ cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough và Đá Vành Khăn từ tay Philippines. 

Ông Lorenzana đề cập đến vụ TQ giải thích rằng, các tàu “dân quân biển” neo đậu tại Đá Ba Đầu để tìm kiếm “nơi trú ẩn” do thời tiết xấu. Ông nói rằng: “Tôi không hề là người ngốc. Cho đến nay thời tiết vẫn tốt, vì vậy họ không có lý do gì khác để ở lại nơi đó. Hãy ra khỏi nơi đó ngay!” Đại đại sứ quán TQ tại Manila đã phê phán tuyên bố của ông Lorenzana.

VnExpress có clip: Ba tuần hiện diện của hơn 200 tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông

Cố vấn của Tổng thống Philippine nói đội tàu Trung Quốc trên Biển Đông có thể ‘gây thù địch’, VnExpress đưa tin. Ông Salvador Panelo, cố vấn pháp lý của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cảnh báo, sự hiện diện trong thời gian dài của hàng trăm tàu TQ trên Biển Đông là “vết đen khó chịu” đối với quan hệ song phương TQ – Philippines và có thể dẫn tới “hành động thù địch mà cả hai nước không mong muốn”.

Sky News Australia có clip: TQ không thể phủ nhận, các tàu của họ đang neo đậu ngoài khơi Philippines có “chức năng quân sự”

Sau vụ ồn ào về thương hiệu thời trang H&M với bản đồ “đường lưỡi bò” của TQ, nhiều thương hiệu lớn dùng bản đồ ‘đường lưỡi bò’ phi pháp của Trung Quốc, VTC đưa tin. Người dùng mạng xã hội VN phát hiện bản đồ hiển thị “đường lưỡi bò” nuốt gần trọn Biển Đông trên website tiếng Trung của một số thương hiệu lớn như Uniqlo, Mercedes, Chanel, Gucci, Adidas, Louis Vuitton…

Bản đồ trên website của hãng xe Mercedes-Benz ở TQ có hình “đường lưỡi bò”. Ảnh chụp màn hình của VTC

Lý do: Các quốc gia khác sử dụng Google để định vị địa điểm các cửa hàng, nhưng các thương hiệu nước ngoài hoạt động ở TQ bị nhà cầm quyền buộc phải dùng bản đồ do công ty Baidu cung cấp để định vị. Nền tảng bản đồ chỉ dẫn địa lý của Google Maps không hiển thị “đường lưỡi bò”, nhưng của Baidu thì có.

Website của Uniqlo phiên bản tiếng Trung sử dụng bản đồ TQ có hình ảnh “đường lưỡi bò”. Ảnh chụp màn hình của VTC

VietNamNet có bài: Nhiều nhãn hàng thời trang lớn ở Trung Quốc đăng bản đồ ‘đường lưỡi bò’. Bài viết cung cấp ảnh chụp màn hình các website tiếng Trung của một loạt thương hiệu như Chanel, Louis Vuitton, Gucci, YSL, Zara, Burberry…  đều sử dụng hình ảnh “đường lưỡi bò”. Hành động đăng tải bản đồ có “đường lưỡi bò” là việc làm phi pháp, vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Phiên bản tiếng TQ của website thương hiệu Louis Vuitton có hiển thị hình ảnh “đường lưỡi bò”. Ảnh chụp màn hình của VNN

Bài viết mới nhất, đăng ngày 30/3 trên trang Facebook gốc của thương hiệu Louis Vuitton, hiện có 98 lượt bình luận, phần lớn là bình luận tiếng Việt, phản đối yêu sách “đường lưỡi bò”. Có nhiều tuyên truyền viên, dư luận viên vào phản đối nhưng số lượng không đáng kể so với hàng vạn lượt bình luận phản đối trong các bài viết của phía thương hiệu H&M tại VN.

Báo Dân Trí có bài: “Đường lưỡi bò” Trung Quốc “núp” hàng hiệu vào Việt Nam đều có… kết thảm. Trước khi xảy ra sự kiện loạt thương hiệu H&M, Louis Vuitton, Chanel, Gucci, Burberry, Mercedes-Benz bị phát hiện sử dụng bản đồ có “đường lưỡi bò”, trước đây, một số sản phẩm xuất xứ TQ cũng có sử dụng phần mềm có bản đồ thể hiện yêu sách chủ quyền của TQ ở Biển Đông, đã bị tịch thu, tiêu hủy tại VN.

Tháng 11/2019, các loại xe Volkswagen Touareg, Zotye, Hanteng nhập vào VN với mục đích “tạm nhập tái xuất”, nhưng khi sản phẩm của các hãng này được trưng bày, bán thử nghiệm tại VN thì bị phát hiện có sử dụng hệ điều hành nội địa TQ kèm theo bản đồ “đường lưỡi bò”. Hải quan đã tịch thu các mẫu xe trên và tiêu hủy phần mềm của TQ.  

VOA đặt câu hỏi: Việt Nam yếu thế trước Trung Quốc trong cuộc đấu về bản đồ Biển Đông? PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh phân tích, mặc dù tồn tại các hãng làm ăn ở TQ phải dùng bản đồ “đường lưỡi bò”, nhưng không nên đặt nặng vấn đề VN yếu thế trước TQ trong cuộc chiến bản đồ: “Kinh doanh thì các hãng tránh xa các tranh luận về chính trị. Quy tắc kinh doanh quốc tế là ở đâu thì tuân thủ luật pháp của nước đó, nên các hãng buộc phải làm vậy. Trừ khi họ tuyên bố trên website của họ là họ ủng hộ nước nào đấy, thì chúng ta mới thấy như thế là sốc”.

Mời đọc thêm: Philippines nói TQ toan chiếm thêm các khu vực ở Biển Đông (BBC). – Philippines tố Trung Quốc muốn ‘chiếm thêm’ ở Biển Đông (VNE). – Philippines cáo buộc Bắc Kinh âm mưu bành trướng ở Biển Đông (PLTP). – Philippines ra tuyên bố mạnh mẽ nhất nhằm vào Trung Quốc liên quan Biển Đông, cảnh báo nguy cơ xung đột (TG&VN). Trung Quốc tuyên bố ngang ngược về Trường Sa của Việt Nam (TĐ). – Khu trục hạm USS Rafael Peralta (DDG 115) đến Biển Đông giữa căng thẳng ở Đá Ba Đầu (RFA). – Đến lượt Canada thách thức Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông (RFI). 

 – Tàu sân bay, phi cơ Trung Quốc áp sát Nhật Bản (VNE). – Nhật Bản cử tàu khu trục bám theo sau khi nhóm tàu sân bay Liêu Ninh bị phát hiện băng qua vùng biển đảo Okinawa (SCMP). – Pháp và ‘Bộ Tứ’ tập trận hải quân, tìm cách kiềm chế Trung Quốc (VTC). – Đối thoại ‘2+2’ Đức-Nhật về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (TN). – Nhật lên kế hoạch điều siêu tiêm kích tàng hình đối phó Trung Quốc trên biển (VNN). – Thấy gì về cách ứng phó với Trung Quốc của nhóm Bộ Tứ (Tin Tức). 

 – Các hãng thời trang bị Trung Quốc ép đưa bản đồ ‘Lưỡi bò’ trên Biển Đông (NV). – Phát hiện nhãn hàng Gucci, Chanel, Burberry đăng bản đồ “đường lưỡi bò” (DT). – Chuyện các thương hiệu thời trang đăng tải “đường lưỡi bò” (DĐDN). – Luật sư: Dùng bản đồ có ‘đường lưỡi bò’ là vi phạm pháp luật (Tin Tức). – Tẩy chay nhãn hàng thời trang có ‘đường lưỡi bò’ (TP).  

Tin chính trường

Sau màn kịch “bỏ phiếu” trong nghị trường, sáng nay ông Nguyễn Xuân Phúc trúng cử chức vụ Chủ tịch nước, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Danh sách ứng cử viên chỉ có một người duy nhất, đã được “quy hoạch” từ trước khi Đại hội 13, nhưng các báo “lề phải” đều dùng từ “trúng cử”, như thể ông Phúc vừa trải qua một cuộc chạy đua khốc liệt với nhiều đối thủ ngang sức. Ngay sau đó, ông Phúc tuyên thệ nhậm chức và có bài diễn văn dài dòng. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: VOV

Đến chiều, ông Phạm Minh Chính được bầu làm Thủ tướng Chính phủ, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Ông Phạm Minh Chính cũng “trúng cử” như cách của ông Nguyễn Xuân Phúc, với các pha diễn của các ông bà nghị ở Quốc hội, qua cái gọi là hình thức “bỏ phiếu kín”. Thành viên cuối cùng của “tứ trụ” khóa 13 đã tuyên thệ nhậm chức ngay trong chiều nay. 

Lần đầu tiên, một Thủ tướng đương nhiệm “được” chuyển qua làm Chủ tịch nước. Ông Phúc nhận lấy cái “ghế phụ” mà ông Trọng kiêm nhiệm trong hơn nửa nhiệm kỳ “tứ trụ” khóa 12. Còn ông Chính nhận cái ghế Thủ tướng do ông Phúc vừa rời khỏi.

Hôm 3/4, Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà bình luận: “Lần đầu tiên một đương kim Thủ tướng qua làm Chủ tịch nước, và cũng lần đầu tiên một trưởng ban tổ chức TW lên làm thủ tướng. Ông Chính không kinh qua giai đoạn làm phó TT như các tiền nhiệm, tuy nhiên vẫn được các nhà quan sát chính trị đánh giá là có kinh nghiệm đa dạng trên nhiều lĩnh vực từ ngoại giao, luật pháp cho đến an ninh và phát triển kinh tế – xã hội”.  

RFA có bài: Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính xuất thân từ tình báo công an. Theo đó, ông Chính xuất thân từ ngành tình báo, từng hoạt động tình báo ở châu Âu trong thời kỳ khối CS Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã. Ông được phong hàm Thiếu tướng, rồi Trung tướng công an đều dưới thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cả hai lần phong hàm đều cùng đợt với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. 

Hôm qua, tác giả Trần Khải Minh có bài trên Tiếng Dân: Những cao vọng từ một tân Thủ tướng đa mưu. Tác giả viết: “Dư luận trong và ngoài Việt Nam đều ghi nhận, trong Ban bí thư, trừ ông Trọng ra, không ai kết nối với Trung Quốc tốt bằng ông Chính. Đáng ngạc nhiên hơn, Phạm Minh Chính lại có thể từ Ban bí thư nhảy ngang qua Chính phủ, đánh bại 2 ứng viên nặng ký là Trương Hòa Bình và Vương Đình Huệ. Nhảy trái tuyến mà đánh bại 2 kẻ đi đúng tuyến thì ắt phải ủ mưu và được trợ lực rất lớn”.

Tân Thủ tướng vừa nhậm chức, VTC đã có bài PR: Ông Phạm Minh Chính – ‘người truyền lửa’ giúp Quảng Ninh lột xác ngoạn mục. Bài báo dành những lời “có cánh” nói về giai đoạn ông Chính làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, từ tháng 8/2011 đến tháng 4/2015. Nhưng cũng chính giai đoạn ông Chính giúp Quảng Ninh “lột xác” đã để những dấu vết cho thấy mối quan hệ của tân Thủ tướng với “bạn vàng” bên kia biên giới.

Theo VTC, nhiệm kỳ Bí thư Quảng Ninh của ông Chính gắn liền với hàng loạt dự án, công trình ở khu kinh tế Vân Đồn: Đường cao tốc Hạ Long – Vân Ðồn, cầu Bạch Ðằng, Cảng hàng không quốc tế Vân Ðồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường cao tốc Vân Ðồn – Móng Cái… với tổng số vốn đầu tư ngoài ngân sách lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Dù tác giả cẩn thận không dùng chữ “đặc khu”, hàng loạt công trình ngàn tỉ không thể khả thi nếu không có khu kinh tế đặc biệt Vân Đồn

Từ sau phong trào tổng biểu tình chống dự luật đặc khu vào tháng 6/2018, các chương trình truyền thanh, truyền hình, báo chí “lề đảng” ít dùng từ “đặc khu”; các hạng mục, công trình liên quan đến 2 đặc khu Bắc Vân Phong và Phú Quốc cũng bị đình trệ. Nhưng các dự án ở đặc khu Vân Đồn thì vẫn tiếp diễn sau tháng 6/2018. Một trong các công trình quan trọng nhất của đặc khu này là sân bay quốc tế Vân Đồn đã hoàn thành và đón chuyến bay đầu tiên vào tháng 12/2018. Sân bay này đã hoạt động lại vào ngày 11/3/2021 sau khoảng một tháng tạm dừng do dịch Covid-19. 

VOA đặt câu hỏi: Kỳ vọng gì từ tân thủ tướng gốc công an Phạm Minh Chính? Ông Đỗ Thông Minh lưu ý: “Có một cái lo cho Việt Nam là Việt Nam đưa ông Phạm Minh Chính – cựu Trung tướng Công an, Bí thư Quảng Ninh, người lo vụ đặc khu kinh tế hành chính – lên làm Tân Thủ tướng. Ông này có vẻ là một người rất thân với Trung Quốc. Không rõ khi ông lên làm thủ tướng có giữ được vai trò thăng bằng hay không?”

Ông Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng hôm nay 5/4/2021. Ảnh: Reuters/VOA

Mời đọc thêm: 100% ĐBQH có mặt tán thành thông qua Nghị quyết bầu đồng chí Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước (GĐ). – Giây phút tuyên thệ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (Tin Tức). – Toàn cảnh Lễ tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (VOV). – VN: Ông Nguyễn Xuân Phúc thành tân Chủ tịch nước lịch sử (BBC).

 – Chủ tịch nước đề cử bầu ông Phạm Minh Chính làm Thủ tướng (TĐ). – Ông Phạm Minh Chính trở thành tân Thủ tướng Chính phủ (TP). – Những cao vọng từ một tân Thủ tướng đa mưu (RFA). – Chủ tịch nước trình miễn nhiệm Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (VNN). – Trình miễn nhiệm 5 Ủy viên thường vụ Quốc hội (VNE). 

Tin môi trường

Miền Bắc có 9 điểm không khí ô nhiễm nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Các điểm quan trắc cho thấy, chất lượng không khí ô nhiễm nặng ở các địa phương thuộc tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Ninh. Còn lại là 3 điểm ở Hà Nội, gồm Trường THCS Pascal, khu Ecohome Phúc Lợi và Gia Thượng ở quận Long Biên.

Tin cho biết, các điểm có không khí ô nhiễm ở mức xấu (màu đỏ), chủ yếu tập trung tại khu vực Hà Nội và một số tỉnh lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. “Ở những điểm này, người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn”.

Báo Thanh Niên đưa tin: Người dân chặn xe chở rác vào nhà máy, hàng trăm tấn rác ‘bủa vây’ TP.Bảo Lộc. Người dân sống gần Nhà máy xử lý rác Bảo Lộc ở tỉnh Lâm Đồng cho rằng, nhà máy này gây ô nhiễm môi trường. Suốt 4 ngày qua, hàng chục người dân địa phương chặn xe chở rác vào nhà máy, khiến hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt bị ứ đọng.

Rác ứ đọng khắc nơi tại TP Bảo Lộc. Ảnh: Trùng Dương/TN

Tin cho biết, do xe chở rác bị chặn, các tuyến đường từ nông thôn đến khu vực trung tâm TP Bảo Lộc có hàng trăm tấn rác bị ứ đọng, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường. Trên quốc lộ 20 từ xã Đại Lào đến xã Lộc Nga có hàng chục đống rác lớn, nhỏ. Các điểm tập kết rác tạm thời ở trung tâm TP Bảo Lộc, đều ngập trong rác.

Báo Lao Động có bài: Kinh hoàng ô nhiễm ở suối Cam Ly giữa lòng TP Đà Lạt. Từng là điểm du lịch nổi tiếng ở TP Đà Lạt, nước suối Cam Ly giờ đây đã bị ô nhiễm nặng nề, màu nước đen ngòm, bốc mùi hôi nồng nặc. Cống xả chất thải thẳng ra suối, các loại rác thải sinh hoạt không ai vớt dọn, đọng lại thành những “ổ rác” lớn trên suối. Tại thác Cam Ly, dòng nước thải chảy về đen ngòm, nổi bọt trắng.

Nước suối Cam Ly bị ô nhiễm nặng. Ảnh: LĐ

Mời đọc thêm: Quảng Ninh liên tiếp xử phạt 2 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường (TN). – Bắc Bộ: Có 9 điểm không khí ô nhiễm nặng (TTVH). – Nước hồ Tây ô nhiễm (VNE). – Nước hồ Tây ô nhiễm, nhiều thông số vượt ngưỡng cho phép (TP). – Nông dân kêu cứu vì nguồn nước bị ô nhiễm do doanh nghiệp khai thác cát (Tin Tức). – Tình trạng ô nhiễm vẫn còn tiếp diễn (Thanh Tra). – Cá chết trắng sau mưa lớn gây ô nhiễm môi trường (NNVN).

***

Thêm một số tin: Báo cáo nhân quyền của Mỹ: Người dân Việt Nam không thể thay đổi chính phủ bằng bầu cử tự do (VOA). – Việt Nam khó cưỡng lại chính sách “ngoại giao vac-xin” của Trung Quốc (RFI). – Bác đơn kiện của bà Phạm Thị Yến liên quan việc giải ‘oan gia trái chủ’ tại chùa Ba Vàng (TT).  – Nguyên nhân nạn bài Á tại Mỹ (VNE). 

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây