Quốc Hội phải nâng cao tính đại diện và không vì thành tích!

Ngô Huy Cương

4-4-2021

Nói tới Bộ luật Dân sự là nói tới sự hiểu biết về pháp lý của một đất nước theo truyền thống pháp điển hóa luật dân sự.

Ấy vậy mà Quốc hội ta đã từng vội vã và thiếu hiểu biết khi thông qua tới 03 Bộ luật Dân sự trong vòng 20 năm trời (1995, 2005 và 2015), trong khi Bộ luật Dân sự Pháp 1804 và Bộ luật Dân sự Đức 1900 (hai hình mẫu Bộ luật Dân sự của thế giới) mới chỉ sửa đổi một lần đáng kể (nhưng không nhiều) gần đây mặc cho có nhiều lần thay đổi Hiến pháp.

Ở Việt Nam ta, cả 03 Bộ luật Dân sự (1995, 2005 và 2015) đều thiếu hoàn toàn các qui định về hai loại hợp đồng cơ bản làm nền tảng pháp lý quan trọng cho việc giải quyết tranh chấp công ty (có tính chất nội dung) và giải quyết các tranh chấp bằng hình thức thương lượng và hòa giải (có tính chất hình thức).

Dự thảo 08 của Bộ luật Dân sự năm 1995 có một chương riêng qui định về “hợp đồng lập hội”. Do không biết hội có hai loại lớn là hội thành lập theo luật công và hội thành lập theo luật tư, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội dưới sự chỉ đạo của ông Hà Mạnh Trí đã loại bỏ chương về hợp đồng lập hội ra khỏi Dự thảo với lý do lập hội là vấn đề của luật hành chính.

Hội theo luật tư lại được chia thành hai loại là “hội dân sự” và “hội thương mại” mà hội thương mại chính là các công ty thương mại. Quốc hội ít nghiên cứu nên không biết rằng Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ năm 1931 của Việt Nam có một chương riêng về hợp đồng lập hội mà trong đó thương hội bao gồm hội hợp danh, hội hợp vốn đơn giản, hội vô danh, hội trách nhiệm hữu hạn và hội hợp vốn cổ phần (Lưu ý Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ 1931 theo xu hướng hợp nhất luật dân sự và luật thương mại lại để pháp điển hóa trong một bộ luật).

Thiếu loại hợp đồng này trong Bộ luật Dân sự của chúng ta dẫn tới các thẩm phán của chúng ta lúng túng khi giải quyết các tranh chấp công ty mà Luật Doanh nghiệp không có giải pháp. Hợp đồng lập hội là một loại hợp đồng hữu danh (có nghĩa là nhà làm luật và các luật gia khắp nơi trên thế giới này đều biết về nó và đặt tên cho nó như vậy và qui định trong văn bản qui phạm pháp luật).

Các đạo luật như Luật Thương mại, Luật Đầu tư,…, đều qui định các bên tranh chấp có thể giải quyết bằng hình thức thương lượng hoặc hòa giải. Ấy thế mà khi xây dựng các Bộ luật Dân sự (1995, 2005 và 2015) Ban dự thảo và Quốc hội đều không hề hay biết để đưa một loại hợp đồng hữu danh (mà cả thế giới biết) vào đó nhằm cung cấp giải pháp xử lý khi thương lượng thành hoặc hòa giải thành.

Loại hợp đồng này có đặc tính quan trọng về mặt hiệu lực là có hiệu lực quyết tụng giống như một bản án chung thẩm, nghĩa là khi các bên thương lượng thành hay hòa giải thành thì coi như đã giải quyết dứt điểm tranh chấp đã được thương lượng thành hay hòa giải thành đó. Tòa án cũng không có thẩm quyền xem xét tới các tranh chấp đã thương lượng thành hay hòa giải thành đó trừ khi hợp đồng đó có vi phạm điều kiện có hiệu lực và bị tuyên vô hiệu.

Do thiếu hiểu biết, nhiều thẩm phán, thậm chí cả chánh hay phó chánh tòa của các tòa án tỉnh khi làm luận văn thạc sĩ luật học (ở nhiều cơ sở đào tạo khác nhau) về giải quyết tranh chấp bằng hòa giải hay thương lượng thường phán một câu xanh rờn là hòa giải thành hay thương lượng thành có hiệu lực pháp lý không chắc chắn… Hầu hết các Bộ luật Dân sự trên thế giới và các Bộ luật Dân sự của Việt Nam dưới các chế độ cũ đều nói tới loại hợp đồng này và gọi là “hợp đồng điều đình” hay “dàn xếp”.

Vài ba thập kỷ trở lại đây Việt Nam ta phát triển kinh tế thị trường, muốn thúc đẩy các công ty lớn lên cả về số lượng, qui mô và tầm cỡ, đồng thời cải thiện môi trường pháp lý kinh doanh, ấy vậy mà Quốc hội lại biến các hợp đồng hữu danh kể trên thành hợp đồng vô danh (có nghĩa là làm u tối hóa các luật gia Việt Nam).

Liêm chính trong khâu làm luật là loại bỏ việc giành công ăn việc làm trong làm luật cho người thân, cho các nhân viên dưới quyền mà biết chắc rằng họ không đủ trình độ và khả năng!

Liêm chính trong khâu làm luật là phải tăng cường tính đại diện của Quốc hội, có nghĩa là phải biết sử dụng các chuyên gia thạo việc thực để cống hiến cho nhân dân, cho đất nước!

Liêm chính trong khâu làm luật là không giành tiền ngân sách làm luật để chi tiêu cho lợi ích cục bộ!

Liêm chính trong khâu làm luật là không làm luật để lấy thành tích!

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Nội dung bài viết cho thấy tác giả (TG) là người hiểu biết, tuy nhiên đầu đề thì lại quá nhẹ nhàng, nói thẳng là phản biện YẾU!. Tất nhiên chả riêng Bộ luật dân sự, và ở Việt Nam tuy lĩnh vực nào hầu như cũng sinh sau đẻ muộn, và có đủ điều kiện để “đứng lên vai những người khổng lồ” – tuy nhiên đáng buồn họ – ở đây là những người làm luật và người có quyền chỉ đạo (Bộ chính trị …) lại cho ra những bộ luật, thậm chí Hiến pháp không chuẩn, không bình thường, bất hợp lý, để 1 thời gian đã phải thay (thay hiến pháp, Bộ luật hình sự …). Vì thế đầu đề bài báo tôi đề xuất theo hướng: Chỉ khi nào Quốc hội VN tập hợp thực sự được tinh túy Việt Nam qua chọn lựa dân chủ, minh bạch, công khai trước dân chúng (đại biểu quốc hội phải đi tranh cứ từng lá phiếu như các nước, chứ không chỉ do MTTQ giới thiệu đưa danh sách dân bầu như ở VN) thì khi đó mới đủ tầm xây dựng Hiến pháp, luật chuẩn mực như các nước!

Leave a Reply to Nguyễn Nhân Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây